NÉM ĐỜI SỐNG BẠN VÀO CHỖ Ở CỦA PHẬT

ĐẠO NGUYÊN

Trích: Bạn Nấu Ăn Cuộc Đời Bạn Như Thế Nào?; Tác Giả: Thiền Sư Đạo Nguyên; Việt dịch: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Tri Thức

Một thời gian sau, sau một thời kỳ tiếp tâm ba ngày, khi chúng tôi đang cùng nhau dùng trà, có người hỏi tôi cái gì làm tôi thích thú. Đó là một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ với tôi, bởi vì loại đời sống tôi đã sống ngăn ngừa có nhiều kiểu thích thú như vậy.

Trước hết, chúng ta có một tiếp tâm năm ngày mỗi tháng ở chùa Antai. Trong thời gian ấy chúng ta không được phép nói chuyện và chân chúng ta chỉ đau thêm mỗi ngày. Khi chấm dứt, sự khuây khỏa duy nhất là biết rằng dù sao bạn có thể vượt qua một cuộc tiếp tâm khác. Rồi, giữa mỗi tháng, tôi thường rời chùa vài ngày cho một cuộc tiếp tâm khác ở đâu đó. Tiếp tâm ngoài chùa Antai chúng ta chỉ ngồi khoảng bảy hoặc tám tiếng một ngày, nhưng tôi còn phải thuyết pháp hai lần một ngày, rồi thời gian còn lại tôi tiếp những người khách bình thường không thể viếng chùa Antai.

Khi tôi không đi vào một cuộc tiếp tâm, tôi cố gắng đọc thư từ gởi đến chùa hay tiếp khách. Trên tất cả những điều đó, tôi để nhiều thời giờ với các đệ tử, đọc cái gì đó và làm việc với các bản thảo khác nhau.

Thế thì, cách nào đó, từ “thích thú” không chính xác là cách tôi diễn tả những hoạt động của tôi. Nếu nói thích thú thì đó là lúc tôi ở trong phòng riêng chút thời gian trước khi ngủ.

Tôi phải nói thêm tôi không sống cuộc đời tôi để có thích thú. Cách tôi kinh nghiệm nghĩa và giá trị của đời tôi là bằng cách ném tất cả đam mê sống vào mọi điều tôi làm. Cốt yếu ở đây khi nói về ý nghĩa đời sống là phân biệt rõ ràng những cảm giác xúc cảm của lạc thú hay niềm vui với hiến mình cho sự đam mê đời sống.

Khi người ta than phiền không hạnh phúc và sống một đời sống vô nghĩa trống không, tôi tự hỏi đó có phải là họ cho rằng ý nghĩa của đời họ được tìm thấy chỉ đơn giản là loại lạc thú hay niềm vui cảm xúc nào đó. Nếu bạn quyết định rằng chỉ loại “hạnh phúc” này tạo thành ý nghĩa đời sống của bạn, bấy giờ bạn chỉ sẽ cảm thấy một trống rỗng trong điều bạn làm, vì không làm gì có thứ lạc thú hay hạnh phúc không bao giờ chấm dứt.

Tôi muốn có một cái nhìn khác vào điều có nghĩa là sự đam mê đời sống. Bình thường chúng ta tiêu phí cả đời chúng ta để chơi với những đồ chơi. Như tôi đã giải thích ngắn trong Tiếp cận Thiền, đồ chơi trước nhất người ta cần khi họ sanh ra là vú mẹ. Rồi gấu nhồi bông, xe lửa chạy điện, và khi lớn lên, xe gắn máy, đồng hồ, máy chụp ảnh quay phim, và cuối cùng, đồ châu báu, áo quần và người khác phái.

Khi xem xét những sự vật này cẩn thận, có vẻ chúng ta có một khuynh hướng lấp đầy toàn bộ cuộc đời chúng ta bằng những đồ chơi, cố gắng làm ra ý nghĩa cuộc đời chúng ta trong liên hệ với những đồ chơi ấy. Về mặt này tôi không thể giúp gì ngoài việc cảm thấy rằng một số nghiên cứu học thuật và mọi cố gắng làm giàu trong kinh doanh chỉ là chơi nhiều với những đồ chơi. Cũng như thế với sự cạnh tranh và những hình thức khác của việc leo trèo trong xã hội. Khi những người đàn ông đến trên bốn mươi và sự ham muốn tình dục nhạt đi, danh tiếng nổi lên để thành đồ chơi thích thú nhất. Người ta ném tất cả năng lượng của họ vào việc trở thành nhất trong lãnh vực của họ. Ở Nhật hiện nay những phụ nữ khoảng tuổi ấy thường tập trung đời sống mình vào việc thúc dục con cái học hành để vào được đại học tốt nhất hay công ty tốt nhất.

Cuối cùng, vào tuổi già, người ta bận rộn với sưu tầm đồ cổ, tham dự những loại tiệc trà khác nhau, hay viếng đền chùa. Nói cách khác, với tâm thái giống như trẻ con, họ mất toàn bộ đời sống họ vào thứ đồ chơi nào đó. Tôi giả định rằng bạn có thể thêm vào danh sách đồ chơi này hầu hết những tôn giáo quá nồng nhiệt đã trở thành bình dân từ Thế chiến thứ II.

Trong Phật giáo, tìm ý nghĩa của đời sống không bao giờ có nghĩa là tìm kiếm nó trong những đồ chơi. Một đời sống dựa vào những đồ chơi cho giá trị của nó không có nghĩa gì hơn là lệ thuộc, bị kéo theo những đồ chơi đó, như vậy không còn sống với mục tiêu hay sự mạnh mẽ đích thật. Sống Phật pháp là sống không cần giải trí thường xuyên bằng những đồ chơi. Có một đam mê với đời sống nghĩa là chỉ đổ rót tất cả năng lượng sống của chúng ta vào Chân Ngã của chúng ta. Đời sống, là mọi sự chúng ta gặp, mọi người chúng ta tiếp xúc, mọi vật chúng ta dùng và xử lý mỗi ngày _đó là đời sống chúng ta và Chân Ngã chúng ta, và chính vào đó mà chúng ta đổ vào sức sống của chúng ta.

Trong Sanh tử của Chánh Pháp Nhãn Tạng, Đạo Nguyên nêu lên vấn đề liên hệ giữa đời sống và cái chết. Trong một nghĩa, chương này là một cô đọng tất cả những lời dạy của ngài. Đoạn sau tiêu biểu cho tinh túy của chương: “Hãy buông bỏ và quên thân tâm ông; hãy ném đời sống ông vào chỗ ở của Phật, sống bằng được xúc động và được dẫn dắt bởi Phật. Khi ông làm điều này mà không dựa vào năng lực thân hay tâm của riêng ông, ông thoát khỏi cả sống chết và trở thành vị Phật. Chớ chìm đắm trong mình trong những tranh đấu của trí óc và xúc cảm. Hãy thôi phạm vào điều xấu. Không dính bám với sống cũng như với chết. Hãy bi mẫn với tất cả chúng sanh. Hãy tôn kính với ở trên và thiện cảm với ở dưới. Chớ chứa chấp ghét mà cũng không muốn cái gì. Chớ quan tâm đến những việc thế tục cũng không lo âu về những khó khăn trong đời này. Đây là Phật. Chớ tìm Phật ở đâu khác,”

Khi đọc đoạn này lúc còn sinh viên, tôi cảm thấy một sự kháng cự mạnh mẽ với nó. Chẳng hạn, tôi nghĩ rằng “Hãy tôn kính ở trên và thiện cảm với ở dưới” nghĩa là tôn trọng người giàu và thương xót người nghèo, hay có lẽ chiều ý những người địa vị cao và thương người dưới thấp. Nhưng sau đó cái hiểu của tôi đã thay đổi. Tôi không thấy người có tiền và địa vị cao là cao, cũng không thấy người ta là thấp chỉ bởi vì họ nghèo và không có địa vị đặc biệt.

Dù tôi không xem đoạn này theo cách như khi tôi còn trẻ, tôi vẫn thấy có cao thấp, nhưng trong một nghĩa hoàn toàn khác. Tôi nghĩ rằng những vị thầy tâm linh đã nỗ lực khai triển và tinh lọc đời sống họ và đời sống của thế giới quanh họ, cùng với những người có nhiều năm kinh nghiệm phong phú và sẵn sàng chia sẻ chúng với những người khác, thì phải được tôn trọng. Mặt khác, chúng ta chỉ có thể thấu cảm và thông hiểu đối với người bệnh và người già không thể tự đi chung quanh như khi họ còn trẻ. Tôi không tin vì có lần tôi đã tin rằng mọi sự phải bình đẳng (nghĩ lầm là đồng nghĩa với “như nhau”). Nói đến chia đều sự giàu có và những nhu yếu hàng ngày của trái đất cho mọi người nghe có vẻ sáo rỗng hay trừu tượng khi bạn xem xét những khó khăn khổng lồ trong lối sống và nhu cầu của người Eskimo và những người trên những đảo nhỏ rất xa đất liền.

Trở lại Giáo Huấn Điển Tọa, chúng ta thấy có đoạn: “Hãy để những sự vật vốn ở cao thì ở chỗ cao, và những cái vững vàng nhất khi ở chỗ thấp thì để chỗ thấp; những sự vật tự nhiên thuộc về chỗ cao sẽ ổn định tốt nhất ở chỗ cao, trong khi những sự vật thuộc về chỗ thấp sẽ tìm thấy sự vững chắc nhất của chúng ở đó.”

Nếu có điều gì chúng ta cần nhắm đến qua công việc của chúng ta thì phải là điều này: bảo đảm rằng những sự vật thuộc về chỗ cao và những sự vật thuộc về chỗ thấp được vững chắc như chúng là.

Dù vấn đề cao và thấp đã được giải quyết cho tôi, vẫn còn một vấn đề trầm trọng hơn trong một ý nghĩa tôn giáo. Trong Sanh Tử, những dòng mở đầu, “Hãy buông bỏ và quên thân và tâm ông, hãy ném đời sống ông vào chỗ ở của Phật, sống bằng cách  được xúc động và được dẫn dắt bởi Phật.” Khi còn trẻ tôi không hình dung được cái “chỗ ở của Phật” nghĩa là gì. Nếu có một loại đời sống Phật giáo mà chúng ta ném thân và tâm của chúng ta vào đó, bấy giờ có vẻ hợp lý khi giả định rằng phải có năng lực nào đó bên trong chúng ta để làm điều đó, và năng lực này phải xuất phát từ một thực hành căn cứ trên năng lực cá nhân, tiếng Nhật là jiriki, tự lực. Nếu tôi đã có một năng lực như vậy trong tôi, thì đã không cần thiết phải chịu đựng như tôi đã có. Đây là một vấn đề lớn cho tôi.

Khi bây giờ tôi nhìn lại, có vẻ sự sai lầm trong suy nghĩ của tôi là giả định rằng có hiện hữu một loại “nơi chốn” tách biệt với tôi mà tôi phải ném cả thân và tâm vào. Tuy nhiên, thật ra “chỗ ở của Phật” không là gì khác hơn chính đời sống chúng ta. Do đó, không có chỗ quy y, không có nơi chốn đặc biệt ngoài đời sống của Chân Ngã chúng ta, cũng không có cái gì tách lìa khỏi những hoạt động của Chân Ngã ấy.

Trong Giáo Huấn Điển Tọa, nó được diễn tả theo cách này: “Hãy rất rõ ràng về điều này. Một người ngu thấy mình là người khác, nhưng một người trí thấy những người khác như chính mình.”

Chân Ngã bao gồm toàn thể thế giới và nó sống trong đó. Thế nên không có cái gì không là một phần của nó. Mọi sự gặp gỡ là đời sống. Hiến mình cho mọi sự chúng ta gặp và ném sức sống của chúng ta vào làm chỉ điều đó thì hoàn toàn khác với việc làm cạn kiệt những năng lực của chúng ta để chơi với những đồ chơi. Đây là nơi sự đam mê cho đời sống như là Hỷ Tâm biểu lộ ý nghĩa của việc sống.

Khi kết thúc bản văn này, có một điểm nữa mà tôi muốn nói liên hệ đến đời sống của Phật pháp. Đó là một điểm tôi cảm thấy cốt lõi và thực tiễn nhất. Trong vài năm cuối của ông, có một câu mà Sawaki Roshi dùng và nhấn mạnh nhiều:

“Được là ảo tưởng; mất là giác ngộ.” Khi tôi đề cập theo nhiều cách trong suốt bình luận này, cách sống của một người sống Phật pháp là, ở cấp độ nền tảng nhất, chỉ sống đời sống của Chân Ngã mà không tìm kiếm ngoài chính mình cái gì cả. Do đó, không có sự trao đổi giao dịch qua lại vơi những người khác. Trong ý nghĩa này, “không được, không mất, không ngộ, không mê” (Bát Nhã Tâm Kinh – chú thích của người dịch tiếng Anh). Nhưng thói thường, chúng ta tiêu phí đời mình khi nghĩ rằng món hỗn hợp da và xương này là Tự Ngã, và thường trực chạy quanh để nắm bắt nó và so sánh nó với những người khác. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, nếu chúng ta biết đầy đủ thực tại nền tảng nhất, nghĩa là đời sống chúng ta là mọi thứ chúng ta gặp, rằng mọi sự xảy ra với chúng ta là Chân Ngã của chúng ta, bấy giờ trở nên rõ ràng rằng, một cách thực tiễn, được là mê lầm và mất là giác ngộ. Với chúng ta, nỗ lực không phải để chồng chất những sở hữu vật chất hay xã hội – tiền bạc, giàu có, danh tiếng – là giác ngộ, và nỗ lực này trở thành nền tảng của sự thực hành của chúng ta. Tôi luôn luôn giữ lấy những lời này làm nguyên lý thực tiễn của những lời dạy của Sawaki Roshi.

Cùng thái độ này được phản chiếu trong Giáo Huấn Điển Tọa trong hai đoạn sau: “Ông cần chỉ nghĩ làm sao phục vụ tốt nhất cho chúng, không sợ nghèo. Chừng nào tâm ông không bị giới hạn, ông sẽ tự nhiên nhận được tài sản vô hạn”; và “Ba phương diện của thái độ này là thấy rằng làm việc cho lợi lạc của những người khác là làm lợi lạc cho chính mình; hiểu rằng qua tất cả nỗ lực cho sự tiến bộ của đại chúng, người ta làm tái sinh tính cách của chính mình; và biết rằng nhiệt tình để thành công và để vượt qua chư Tổ của các thế hệ quá khứ nghĩa là học hỏi từ đời sống của các vị và coi trọng những gương mẫu ấy”.

Thật vậy, đây là tinh thần hay thái độ nền tảng của những Bồ tát, nguyện thực hành cụ thể không chỉ cho lợi lạc của mình nhưng cho lợi lạc của tất cả chúng sanh.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ MỘT ĐAM MÊ ĐỜI SỐNG
  2. TÁM TỈNH GIÁC CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
  3. MỌI SỰ BẠN GẶP LÀ CHÍNH CUỘC ĐỜI BẠN

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ