NỀN GIÁO DỤC CỦA ĐỨC BỔN SƯ PHẬT THÍCH CA

HT. TỊNH KHÔNG

Trích: Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tịnh Không; Dịch Anh ngữ: Silent Voices; Dịch Việt ngữ: Ty kheo Thích Nguyên Tạng; NXB. Phương Đông

---???---

“Giáo dục: lãnh vực nghiên cứu về sự dạy học và sự học”.

Phật giáo là nền giáo dục về môi trường sống và con người. Đức Phật dạy chúng ta biết về chính mình, về những nghiệp thân, khẩu, ý và nghiệp quả. Điều quan nhất là Đức Phật muốn chúng ta khôi phục trí huệ trọng nguyên thủy viên mãn của mình. Ngài dạy rằng mọi người đều có khả năng đạt hiểu biết trọn vẹn về đời sống và vũ trụ, và chỉ vì vô minh mà chúng ta đã không biết về khả năng này. Chúng ta mù quáng vì tâm phân biệt, vì những ý nghĩ tán loạn, vì tham dục, và đã quên chân tánh thanh tịnh của mình. Đó là lý do chúng ta đã gây ra cho mình nhiều đau khổ.

Đức Phật cũng dạy chúng ta phải quan sát khung cảnh hay môi trường của mình một cách rõ rệt. Khung cảnh ở đây là những người và những sự vật mà chúng ta gặp hằng ngày. Khi tâm trí không còn những ý nghĩ phân biệt và những tham muốn thì chúng ta sẽ có thể quan sát mọi vật một cách rõ rệt, và đối xử với chúng một cách đúng đắn. Như vậy chúng ta có thể sống hòa hợp với người khác và đạt thành công trong mọi việc.

Đức Phật đã có ý gì khi ngài dạy chúng ta tu tập? Ý định chính yếu của ngài là giúp chúng ta giải trừ vô minh và ái dục. Nếu thu tóm sáu Ba la mật tức sáu hạnh hoàn hảo lại làm một thì chúng ta sẽ chỉ có hạnh bố thí. Bố thí chỉ có nghĩa là buông bỏ. Nếu có thể buông bỏ được tham, sân, si, và kiêu ngạo, chúng ta sẽ luôn luôn an trụ trong tâm thanh tịnh. Nếu có thể buông bỏ được mọi phân biệt, phiền não, và tham muốn, chúng ta sẽ đạt an tĩnh, giải thoát, khỏe mạnh và trường thọ. Nếu có thể buông bỏ mọi quan kiến riêng để cùng nhau làm việc vì lợi ích của mọi người, chúng ta sẽ đạt sự hòa hợp với người khác, sự hòa hợp trong xã hội, và rốt cuộc đạt được hòa bình thế giới. Vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc tu tập, chính yếu giáo lý của Đức Phật không là gì khác hơn bố thí, là buông bỏ.

Khi Đức Phật tại thế, ngài không chỉ dùng ngôn từ để dạy đạo mà còn làm gương để chúng sanh noi theo. Ngài buông bỏ mọi ái dục, mọi thú vui trần tục, mọi danh vọng và của cải để sống đời sống của người xuất gia. Ngài sống một đời sống đơn sơ, thân tâm thanh tịnh, và phúc lạc. Phàm nhân có thể cho rằng lối sống như vậy là một sự khổ hạnh, nhưng đó là do họ không hiểu biết. Người hiểu biết sẽ có ý kiến khác, vì với trí huệ họ sẽ thấy rằng cuộc đời của Đức Phật là sự giải thoát, phúc lạc và thành tựu viên mãn thực sự. Đức Phật không còn vọng tưởng, phân biệt, chấp thủ, hay phiền não. Ngài thật là an nhiên, tự tại! Ngài hòa hợp với mọi hoàn cảnh và biểu lộ trí huệ trong mọi ý nghĩ và hành vi để hướng dẫn chúng sanh ở thế gian này.

Chư Phật sống đời sống trí huệ, còn phàm nhân thì sống đời sống phiền não. Giáo lý của Đức Phật cho chúng ta thấy rằng có thể chuyển đời sống phiền não thành đời sống trí huệ lớn, khôi phục trí huệ viên mãn và vô thượng cũng như những khả năng của chân tính, đạt hạnh phúc và thịnh vượng đích thực. Đây chính là nền giáo dục của Đức Phật.

???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG TÂM NIỆM CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
  2. ĐẠT HÒA BÌNH THẾ GIỚI VỚI THÂN TÂM ĐƯỢC TU LUYỆN, GIA ĐÌNH HÒA HỢP, VÀ XỨ SỞ THỊNH VƯỢNG
  3. MỸ THUẬT PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP