NẾU ĐỘNG CƠ LÀ “THIỆN” THÌ CHẮC CHẮN MỌI VIỆC SẼ TỰ NHIÊN ĐI THEO CHIỀU HƯỚNG TỐT ĐẸP

INAMORI KAZUO

Trích: Tâm - sức mạnh khiến cuộc đời như mình mong muốn; Người dịch: Thanh Huyền; Nxb Công Thương, Cty sách Thái Hà

Tại sao chỉ có “đi bán rong túi giấy” là thuận lợi?

Như đã kể ở phần đầu, từ khi còn nhỏ cho tới khi ra ngoài xã hội làm việc, cuộc đời tôi chẳng có chút gì gọi là thuận lợi, chỉ là sự tiếp nối của những thất bại và gục ngã. Hai lần trượt kỳ thi vào trung học cơ sở, tiếp theo đó là việc tôi mắc phải chứng thâm nhiễm phổi. Sau đó tôi còn thất bại trong kỳ thi đại học, rồi việc tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp cũng chẳng hề suôn sẻ.

Tuy nhiên, có duy nhất một điều thuận lợi tới mức bất ngờ đến với tôi, giống như vầng sáng trên bầu trời. Đó chính là việc “đi bán rong túi giấy” mà tôi làm khi học cấp trung học phổ thông.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, gia đình tôi đã sinh sống bằng nghề in. Những trận oanh tạc trong thờ chiến đã khiến nhà cửa và công xưởng của gia đình tôi bị cháy rụi. Bố tôi trước đó là một người làm việc rất cần mẫn, chăm chỉ, nhưng lúc đó cũng trở nên chán chường. Mẹ tôi phải bán những bộ kimono của mình, khó khăn lắm bà mới có thể đảm bảo được cuộc sống của gia đình.

Vậy mà tôi của thời trung học phổ thông vẫn chẳng biết suy nghĩ, cứ vô tư ỷ lại. Sau giờ học ở trường, tôi không về nhà ngay mà thường cùng lũ bạn tới khu đất trống chơi bóng chày. Một ngày nọ, mẹ có nhắc nhở tôi như thế này: “Nhà mình không giàu có, cũng chẳng dư dả như những bạn mà con chơi cùng đâu. Con nghĩ sao mà trở thành học sinh cấp 3 rồi mà vẫn còn chơi bời bạt mạng như vậy…”

Nhìn khuôn mặt đau buồn của mẹ, tôi đã rất ngỡ ngàng. Tôi quyết tâm “giúp đỡ kinh tế, bảo vệ gia đình” và đề xuất được giúp đỡ bố trong việc sản xuất và bán túi giấy.

Trước đây, bên cạnh xưởng in, chúng tôi còn sản xuất cả túi giấy nữa. Bố tôi dùng một con dao cắt giấy to cắt những xấp giấy bản lớn, những cô bác hàng xóm được nhà tôi thuê liên tiếp gấp, dán những mảnh giấy đó tạo thành những chiếc túi giấy.

Tôi nhớ về khung cảnh mà mình thường thấy khi còn nhỏ, và nghĩ về việc nhờ bố mở lại công việc sản xuất túi giấy, còn tôi sẽ mang chúng ra ngoài bán.

Vào các ngày trong tuần sau khi kết thúc lớp học ở trường, vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì nguyên một ngày từ sáng tới tận tối, tôi xếp những chiếc túi giấy khoảng hơn chục loại lớn nhỏ khác nhau mà bố tôi làm vào những chiếc giỏ tre lớn, chất chúng lên xe đạp và đi bán khắp khu phố.

Thời gian đầu tôi chỉ đi giao cho các cửa hàng bán bánh kẹo hoặc những cửa hàng được giới thiệu cần túi giấy trong khu phố, nhưng sau này tôi bắt đầu suy nghĩ theo cách riêng. Tôi chia thành phố Kagoshima thành bảy khu vực, và trong vòng một tuần tôi lần lượt đi từng khu vực đó. Ngoài ra, tôi cũng bắt đầu đặt túi của mình tại các cửa hàng chuyên bán buôn và thu về khoản tiền bán được.

Sau này, những cửa hàng bán buôn bánh kẹo cũng bắt đầu đặt hàng của nhà tôi, bố tôi trở nên bận rộn hơn rất nhiều, đến mức ông còn phải thuê thêm người làm. Còn có người nói rằng vì những chiếc túi giấy của gia đình tôi được bày bán rộng rãi trên thị trường nên công ty sản xuất túi giấy từ Fukuoka (*) đã phải dừng công việc kinh doanh của họ tại Kagoshima.

Đây là một trải nghiệm vô cùng quý báu của tôi, có thể gọi đó là thành công lớn của một học sinh trung học phổ thông còn chưa biết gì về việc kinh doanh khi bắt đầu sự nghiệp, cũng có thể gọi là điểm xuất phát của tôi với tư cách là một người điều hành kinh doanh.

Vào thời điểm này, rõ ràng tất cả mọi việc đều không có gì thuận lợi, suôn sẻ, tại sao chỉ có duy nhất công việc bán túi giấy lại thành công? Vài năm sau, tôi có nghĩ lại, và tự hỏi bản thân lý do cho sự thành công đó, và tôi đã nghĩ thế này.

Tất cả những việc khác hầu hết đều là những hành vi “vì bản thân”, xuất phát từ việc muốn thoả mãn được mong muốn cá nhân, bảo vệ bản thân, hay được nhận lời khen ngợi từ mọi người xung quanh. Chỉ có công việc bán túi giấy là bắt đầu từ tấm lòng “vì người khác”, để giúp đỡ gia đình về mặt tài chính. Hay nói cách khác, trong công việc đó có “động cơ tốt đẹp, lương thiện”.

Chỉ có trên nền móng hành động vì người khác mới xây dựng được căn nhà mang tên thành công

Nếu động cơ là “thiện” thì chắc chắn mọi việc sẽ tự nhiên đi theo chiều hướng tốt đẹp. Ngược lại nếu là động cơ cá nhân, xuất phát từ tâm địa xấu xa thì dù cố gắng bao nhiêu chăng nữa cũng sẽ không thành công.

Trong số những người khởi nghiệp, chắc hẳn có những người bắt đầu vì muốn xây dựng gia tài của mình, muốn có được danh tiếng.

Tuy nhiên, nếu như “động cơ”, “động lực” của việc kinh doanh chỉ dừng lại là ham muốn, lợi ích cá nhân, là sự ham công danh thì dù mọi thứ có thuận lợi trong một khoảng thời gian đi chăng nữa, việc giữ gìn và phát triển công ty đó cũng sẽ không thể thực hiện được.

Động cơ có thể nói cách khác là “nền móng” khi chúng ta thực hiện một công việc gì đó. Nếu nền móng vững chắc, không lung lay thì chắc chắn chúng ta có thể xây nên những toà nhà khang trang, đẹp đẽ. Mặt khác, nếu đó là một nền móng yếu ớt, mục nát thì dù muốn xây dựng một toà nhà nguy nga thế nào cũng không thực hiện được. Nếu động cơ đen tối, không trong sáng, bất cứ điều gì cũng đều không suôn sẻ.

Thời kỳ đầu khi mới thành lập Kyocera, mục đích của công ty là thử sức mình với thế giới bằng những kỹ thuật mà tôi nắm giữ vào thời điểm đó.

Đó là việc đưa gốm kỹ thuật cao (fine ceramics) mà tôi nghiên cứu và phát triển ra thế giới một cách rộng rãi. Ngoài ra, còn là việc chế tạo ra những sản phẩm tốt sử dụng kỹ thuật này. Đó chính là sứ mệnh và cũng là ý nghĩa tồn tại của công ty.

Hay nói cách khác, Kyocera là một công ty được tạo ra với động cơ thực hiện mơ ước của một người kỹ sư, của một cá nhân là tôi.

Nhưng ba năm sau khi thành lập công ty, có một sự kiện xảy ra khiến tôi phải suy nghĩ lại về ý nghĩa tồn tại của một công ty như thế.

Một ngày nọ, có một nhóm khoảng 10 nhân viên tốt nghiệp cấp ba chỉ vừa mới vào công ty đặt trên bàn làm việc của tôi một “bản yêu cầu”. Trong đó ghi rõ những yêu cầu về việc cải thiện chế độ đãi ngộ như tiền lương, thưởng, yêu cầu về đảm bảo việc làm tương lai… Họ có nói rằng “Nếu công ty không đáp ứng những yêu cầu này thì tất cả chúng tôi sẽ bỏ việc.

Đối với một công ty vừa mới thành lập chưa được bao lâu thì chúng tôi không có đủ khả năng trong việc đáp ứng tất cả những yêu cầu này của họ. Hơn nữa, việc hứa hẹn với họ điều mà công ty không thể làm được cũng là điều không chân thành.

Tôi có mời họ đến căn phòng vẻn vẹn chưa đầy 30m2 do thành phố cho thuê của mình, và hết sức thuyết phục họ. Cuối cùng thì sau ba ngày ba đêm nghiêm túc nói chuyện với nhau, tôi đã thuyết phục được toàn bộ mười nhân viên trẻ tuổi đó. Nhưng đêm đó cũng là đêm tôi không thể ngủ được.

“Công việc kinh doanh là một công việc như thế này sao? Thực sự là những điều khó khăn đang bắt đầu, và còn chờ đợi mình ở phía trước.” Suy nghĩ này cứ siết chặt lấy trái tim, day dứt trong lòng tôi.

Như đã nói ở trên, tôi sinh ra và lớn lên tại một gia đình ở tỉnh Kagoshima, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, công xưởng in mà bố tôi quản lý cũng bị cháy rụi bởi những trận oanh tạc. Sau chiến tranh, mẹ tôi phải bán những bộ kimono của mình để lấy tiền mua đồ ăn nuôi bảy người con khôn lớn.

Kể từ khi bắt đầu đi làm, tôi luôn dành dụm để gửi tiền về cho gia đình. Ngay cả máu mủ ruột già của mình mà tôi còn vất vả để phụng dưỡng, huống chi nay tôi còn phải lo cho cuộc sống và đảm bảo tương lai cho cả những nhân viên trong công ty vốn chẳng có chút huyết thống nào với mình. Khi nghĩ như vậy, tôi đã có chút hối hận trong lòng rằng “Nếu biết những điều này sẽ xảy ra thì mình đã chẳng khởi nghiệp làm gì.” Tuy nhiên, sau khi đã suy nghĩ cặn kẽ, tôi đi đến một kết luận. Công ty không phải nơi thực hiện mong muốn của bản thân, quan trọng hơn hết nó là nơi bảo vệ cuộc sống của nhân viên, mang lại hạnh phúc đến cho họ. Đó là sứ mệnh của công ty và cũng là ý nghĩa của công việc kinh doanh.

(*) Một thành phố thủ phủ của vùng Kyushu, Nhật Bản. (ND)

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÂM TA THẾ NÀO ĐỜI TA THẾ ẤY
  2. SỰ LỰA CHỌN TRONG TẦM TAY
  3. TÁNH KHÔNG NẰM TRONG TẦM TAY CỦA TẤT CẢ MỌI NGƯỜI CỐT LÕI CỘI BỒ ĐỀ

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?