NGHIÊM TÚC TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC CỦA SỰ SỐNG

SHUNRYU SUZUKI

Trích: Không Hẳn Luôn Là Như Thế; Dịch: Viên Chiếu

Việc tu hành Chỉ Quản Đả Tọa hay tọa thiền của tôi thay đổi nhiều cách đây hai năm, sau khi tôi gần bị chết đuối. Tôi muốn băng qua nhánh sông nhỏ ở Tassajara.
Tôi thực không biết bơi, nhưng những người học trò của tôi lại thích nước quá, nên tôi nghĩ mình sẽ gia nhập với họ. Tôi đã cố bơi qua nhánh sông mà quên rằng mình không bơi được, và tôi đã gần như chết đuối. Nhưng tôi biết tôi sẽ không chết.
Tôi biết tôi sẽ không chết đuối vì có nhiều học trò ở bên cạnh, và có ai đó sẽ giúp tôi, vì thế tôi không nghiêm túc lắm. Nhưng tình trạng khá tồi tệ. Tôi bị uống nước nhiều, vì thế tôi đưa tay mong ai đó sẽ kéo tôi lên, nhưng không ai cứu tôi. Tôi quyết định lặn xuống đáy để bước đi, nhưng cũng không được luôn. Tôi không thể chạm đến đáy cũng không thể ngoi lên mặt nước. Những gì tôi thấy chỉ là chân của những môn sinh của mình. Nhưng tôi không thể nắm được chân họ và tôi hơi hốt hoảng. Đó là một kinh nghiệm rất thú vị. Tôi đang ở giữa những người khác, nhưng họ không thể cứu tôi.

Vào lúc đó, tôi nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ tu tập tốt, cho đến khi chúng ta hoàn toàn nghiêm túc. Vì cứ nghĩ rằng mình không thể chết đuối, nên tôi đã không nghiêm túc lắm, và vì không nghiêm túc nên tôi đã gặp một thời điểm hết sức cam go. Nếu biết mình sắp chết, tôi đã không vùng vẫy thêm nữa.
Tôi sẽ giữ yên tĩnh. Vì nghĩ mình còn có khoảnh khắc khác, tôi đã không trở nên nghiêm túc. Từ đó sự tu tập của tôi thay đổi. Bây giờ tôi tin tưởng vào sự tu tập của mình, vì vậy tôi nói với các bạn cách tôi ngồi thiền trong Chỉ Quản Đả Tọa.

Khi bạn không nghĩ mình có khoảnh khắc khác, tự nhiên bạn có thể chấp nhận mọi vật như chúng là, bạn có thể thấy mọi vật như chúng là. Bạn sẽ có trí tuệ toàn mãn vào lúc ấy. Khi bạn có thể ngồi, và có kinh nghiệm về Chỉ Quản Đả Tọa, ý nghĩa đời sống hàng ngày của bạn sẽ hoàn toàn khác. Bạn sẽ thoát khỏi mọi sự. Đó là điểm chính. Thường thì bạn không giải thoát khỏi mọi vật mà mình có hay thấy, nhưng khi bạn kinh nghiệm Chỉ Quản Đả Tọa, bạn sẽ thoát khỏi mọi sự. Bạn sẽ thật sự tận hưởng cuộc sống của mình, vì không còn dính mắc vào bất cứ điều gì.
Bạn trở nên thực sự vui vẻ, và hạnh phúc này sẽ tiếp tục, đó là những gì chúng ta gọi là không dính mắc. Hầu hết hạnh phúc bạn có, là loại mà khi mất bạn sẽ hối tiếc về sau: “Ồ! Lúc đó tôi sung sướng, nhưng bây giờ tôi không còn sung sướng như thế nữa!” Nhưng hạnh phúc thực sự sẽ luôn ở với bạn và sẽ khuyến khích bạn cả trong nghịch cảnh lẫn hạnh phúc. Khi bạn thành công, bạn sẽ thưởng thức sự thành công, và khi bạn thất bại, điều đó cũng được thôi. Bạn có thể thích thú với cảm giác thất bại: “Ồ! Điều này khá tốt – không xấu như tôi
nghĩ!” Bạn sẽ luôn có đủ. Bạn không muốn nhiều quá, như bạn đã làm trước đây.

Nếu bạn gặp một khó khăn lớn, như núi lớn ở Nepal dường như không có đường qua, bạn sẽ biết có đường xuyên qua. Ngay cả dự khóa nhiếp tâm một trăm ngày cũng không khó. Ngay dù bạn chết, cũng không có gì thành vấn đề cả. Bạn sẽ luôn vui vẻ, và sẽ không bị nản lòng. Và lối sống mà bạn chọn sẽ khác. Trước khi có sự tu tập đúng đắn, bạn có lẽ muốn điều gì đó lớn và đẹp, một thiền viện số một ở Mỹ, trên thế giới – hay tốt hơn là ở Nhật. Nhưng sau đó, những việc bạn chọn, cách sống bạn theo sẽ khác.

Thỉnh thoảng tôi có những bài giảng khá nghiêm túc. Tôi nhấn mạnh sự tu tập nghiêm khắc, khó khăn: “Đừng mong đợi giây phút kế tiếp!”, “Đừng cử động!” Tôi xin lỗi, nhưng tôi phải nói điều này vì sự tu tập của bạn có vẻ quá yếu ớt, và tôi muốn làm bạn mạnh mẽ hơn. Thực ra, sự tu tập của bạn có thể không tốt lắm, nhưng nếu bạn không đủ nghiêm khắc với chính bạn, và nếu bạn thiếu tự tin, thì tọa thiền không phải là tọa thiền. Nó thất bại. Để tu tập càng lúc càng sâu hơn, phải nỗ lực ngồi thiền ngày này qua ngày khác.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ