R.K. PRUTHI
Trích: Nền Giáo Dục Ấn Độ Cổ Đại; Thư Viện Hoa Sen
Đời sống được sắp đặt tốt từ đầu đến cuối đó là những gì hàm ý trong cụm từ, “Bốn Āśramas”. Hai trong số đó thể hiện trong thời kỳ Phạm hạnh và Gia trụ. Đây được xem là đại diện cho cuộc sống của một cá nhân mang năng lượng hướng ngoại, mang sự sống (Jiva) vào cái gọi là Pravṛitti Mārga, là con đường hành động tuyệt vời trước chuyển xoay của thế giới, mà mỗi người đàn ông tiến đến trong giới hạn của cuộc đời theo cách của riêng mình. Đời sống Phạm hạnh (Tập sinh) và Gia trụ nầy hình thành con đường Pravṛitti Mārga cho cá nhân. Hai thời kỳ sau là Thê lâm và Độn thế là những giai đoạn rút lui khỏi thế giới, và có thể được cho là đại diện cho Nivṛitti Mārga trong cuộc đời của cá nhân. Khi một người nhận ra điều này thì sẽ có cái nhìn về các tầng bậc của cuộc sống.
Người cổ đại khôn ngoan đến mức vạch ra con đường mà một người phải đi qua, đến nỗi bất kỳ người nào thực hiện kế hoạch chia thành bốn giai đoạn này cho cuộc đời thì họ sẽ thấy năng lượng hướng ngoại và đam mê của mình được cân bằng chính xác.
Thứ nhất, giai đoạn Tập sinh, sống đúng mực và chính đáng; sau đó là giai đoạn Gia trụ (chủ gia đình), với tất cả các hoạt động bận rộn trong mọi hướng kinh doanh thế tục; rồi từ từ rút lui khỏi hoạt động, sống hướng nội, ẩn dật tương đối, cầu nguyện và thiền định, đưa ra những lời khuyên khôn ngoan cho thế hệ trẻ tham gia vào các hoạt động thế gian; và sau cùng, một số người đã sống đời sống viễn ly hoàn toàn.
Bất kỳ người nào thực hiện kế hoạch đời sống này và sống theo nó, sẽ thấy rằng anh ta không thể có một cuộc sống nào khác được sắp xếp hoàn hảo hơn thế. Họ tự nhũ lẽ ra phải thực hiện tốt hơn để không bỏ phí những ngày tháng trong đời mình từ khi sinh ra cho đến khi chết.
Đây không phải là lý tưởng chỉ dành cho một quốc gia, mà là lý tưởng cho tất cả các quốc gia, không phải cho một lúc mà cho mọi thời đại; một nửa của cuộc sống năng động và khuấy động, nửa còn lại, yên tĩnh, khép kín.
Ở phương Đông hay phương Tây, lý tưởng cổ xưa được sắp xếp tốt đẹp về cuộc sống này đều có thể được hồi sinh, nếu có thể ứng dụng trở lại vào thực tế thì sẽ không có cảnh tượng đáng thương của những đứa trẻ bị ném vào cuộc sống Gia trụ khi chưa đến thời kỳ; cũng sẽ không có cảnh tượng đáng thương của một ông lão, có tấm lòng hướng về cuộc sống cao đẹp hơn mà vẫn phải nắm chặt tiền bạc và quyền lực, cho đến khi cái chết vắt kiệt những gì ông không tự nguyện buông xả.
Giáo dục Ấn Độ cổ đại
Chúng ta hãy xem xét bốn giai đoạn theo thứ tự từng giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn đời sống Tập sinh. Điều gì là lý tưởng trong giai đoạn này? Các bạn nên tìm đọc ở các tài liệu liên quan sẵn có, ở đây tôi chỉ phác thảo một vài nét. Giai đoạn Tập sinh, đứa trẻ được đặt trong vòng tay của người thầy để được huấn luyện và giáo dục tâm tánh về mọi mặt. Nền giáo dục được trao cho đứa trẻ là nền tảng để rút ra sức mạnh, hình thành nên thể chất con người, đây là một trong bốn yếu tố quan trọng.
Đầu tiên, như chúng ta đã biết về những đứa trẻ thông thạo kinh Phệ-đà (Veda); chúng được dạy về tôn giáo; được đào tạo theo kinh điển thiêng liêng bằng đức tin và thực hành hàng ngày các nghi lễ tôn giáo của mình. Thế nên, chúng ta thấy rằng Ramachandra không chỉ được đào tạo kỹ lưỡng về kiến thức kinh điển, mà còn được thực hiện Sandhyā vào buổi sáng và buổi tối. Do đó, đào tạo về các nhiệm vụ tôn giáo bên ngoài, cũng như trong việc học hỏi thực hành thiêng liêng đều cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh. Dưới bàn tay khôn ngoan của thầy, ngài Ramachandra đã biết được khoa học vĩ đại về tự thân, bí mật của hòa bình; bản chất tinh thần của người thầy đã được đào luyện và phát triển như một tấm gương sang cho thế hệ trẻ học tập và noi theo, đây chính là lưu ý đầu tiên của nền giáo dục cổ đại.
Yếu tố thứ hai là, các Tập sinh được rèn luyện về đạo đức, rèn luyện đạo đức về bản chất cũng giống như tâm linh. Tập sinh được dạy phải ngoan ngoãn, tôn kính, trung thực, dũng cảm, nhã nhặn, yêu thương kính trọng cha mẹ và thầy, không ích kỷ, biết quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh. Nếu “một người có ý nguyện vì lợi ích của người khác” được xem là vinh dự của giáo dục đạo đức cho Tập sinh.
Yếu tố thứ ba, rèn luyện về trí tuệ. Tập sinh được dạy về các ngành khoa học khác nhau và được hướng dẫn về nhiều lĩnh vực kiến thức gồm cả lý thuyết và thực hành. Trí tuệ là yếu tố thứ ba của bản chất con người, được kết hợp đào tạo cùng với tinh thần và đạo đức.
Yếu tố cuối cùng đó là rèn luyện cơ thể, đây là phần rèn luyện thể chất nhắm vào mức độ chú ý và tập trung. Các Tập sinh được huấn luyện tham gia các trò chơi và các bài tập nam tính mạnh mẽ như cưỡi ngựa, lái xe, uyển chuyển và tinh vi trong việc quán sát và săn bắt các loài động vật để phục vụ nhu cầu của con người. Nền giáo dục được đưa ra khá toàn diện vì mặt về thể chất và tinh thần của con người đều được đào tạo thích hợp. Kết quả là khi các Tập sinh bước ra thế giới, họ là một thành viên đóng vai trò cho sự hùng mạnh của một quốc gia, với tư cách là một công dân ưu tú với đầy đủ các phẩm tính rất ngoan đạo, có đạo đức, có học thức và mạnh mẽ. Bốn đặc điểm lớn này đã đánh dấu kết quả cho nền giáo dục Ấn Độ cổ đại.
Giáo dục Ấn Độ hiện đại
Chúng ta tìm thấy gì ở Ấn Độ hiện đại? Một nền giáo dục chỉ hướng đến một phần bản chất của học sinh đó là phát triển trí thông minh bằng cách rèn luyện trí tuệ, nhưng hoàn toàn bỏ qua đời sống tinh thần và không coi trọng bản chất đạo đức và thể chất.
Nền giáo dục như hiện nay hầu như đã coi thường nền tảng thể chất, chỉ tập trung vào sự phát triển trí thông minh và trí tuệ. Ngay cả sự tập trung vào phát triển thông minh và trí tuệ này cũng chỉ thực hiện ở mức hời hợt, thoáng qua mà không phải là nền tảng tốt nhất để rèn luyện và phát triển trí tuệ như trước.
Nền giáo dục như vậy không bao giờ có thể đào tạo nên những con người có khả năng làm chủ thế giới, cũng không đào tạo ra được những con người có thể thực hiện tròn nghĩa vụ trong đời sống thế gian. Chỉ một phần của trong con người được phát triển, chỉ một phần trong toàn bộ bản chất của con người được rèn luyện mà tư cách đạo đức bị coi thường, tinh thần bị bỏ qua, thể chất bị suy nhược yếu đuối không có đủ sức gánh vác công việc. Có thể tưởng tượng ra quốc gia sẽ như thế nào khi nền giáo dục được đặt ra cho lớp trẻ chỉ là một phần tư so với nhu cầu đào tạo cần thiết, điều nầy phải chăng quá không khập khiểng và không phù hợp? Kết quả là gì? Sẽ có rất nhiều người thông minh, nhưng phần lớn họ đều sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mục tiêu của riêng mình. Mỗi người phấn đấu cho riêng mình, chỉ chú ý lợi ích của bản thân và gia đình mình mà không cần quan tâm đến phúc lợi của quốc gia; không cần quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác vì bằng mọi giá để đạt được thành công cá nhân; có cái nhìn lạnh lùng và thờ ơ trước mọi sai trái diễn ra xung quanh; trái tim con người trở nên khô cứng, không chút thương cảm trước khó khăn và khốn khổ của người khác.
Một người được đào tạo để phát triển về trí tuệ nhưng thiếu bản lĩnh và tự trọng, không thể chí công vô tư, không thể nói thẳng nói thật, thiếu ngay thẳng trong lời nói và lẽ sống. Chúng ta nhận thấy những điều trên dẫy đầy xung quanh, đây là kết quả của việc coi thường tôn giáo và đạo đức.
Ngày nay có được bao nhiêu người ‘có mục đích làm lợi ích cho người khác,’ mà quên mất thành công của chính họ? Có bao nhiêu người có thể nhận ra rằng không ai có thể thực sự thành công, trừ khi người ấy biết tương trợ, nâng đỡ người khác trong việc thực hiện mục tiêu của chính mình? Có bao nhiêu người nhớ rằng cuộc đời rất ngắn ngủi, mà con người lại tìm cách xa lánh người khác trong sự ích kỷ và thờ ơ, điều này chỉ làm cho đời sống con người càng trở nên ngắn ngủi và tẻ nhạt bởi bức tường của chính họ dựng nên để loại bỏ những người thân xung quanh, vô tình đã loại trừ bản thân họ khỏi cuộc sống đang trôi chảy?
Các nền Giáo dục ở phương Tây
Chúng ta phải làm những gì có tính thiết thực chứ không phải chỉ trên lý thuyết, không hứa hẹn tương lai với những việc ta phải làm ngay bây giờ.
Chúng ta đã biết rằng, nỗ lực khôi phục lại lý tưởng cổ xưa đã và đang được thực hiện ở nơi chính mình. Chính trường cao đẳng này (trường cao đẳng Ấn Độ giáo Trung ương), trong hội trường mà tôi đang nói, có những người nguyện sẽ khôi phục lại loại hình giáo dục cổ xưa, đào tạo bốn yếu tố theo bản chất tự nhiên, sẽ chỉ có ở Ấn Độ của tương lai, mặc dù không nổ lực tái tạo lại hoàn toàn các mô hình cũ.
Đó là lý tưởng mà chúng ta phải thấy, và chúng ta phải tái tạo lại linh hồn của giáo dục trong trang phục hiện đại, thích ứng với thời đại. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng vương quốc Anh, nền giáo dục theo bốn yếu tố này đang được áp dụng ngay cả trong các trường công lập và Đại học. Nếu bạn đến bất kỳ trường công lập nào của Anh, bạn sẽ thấy rằng học sinh bắt đầu công việc của mình mỗi ngày với việc thờ phượng Chúa và đọc thánh kinh Cơ đốc. Mọi học sinh đều được dạy về đức tin, lòng tôn kính và được đào tạo về những lý tưởng đạo đức nhất định. Chúng ta sẽ thấy rằng không chỉ tôn giáo được dạy cùng với đạo đức, mà cả những phương pháp rèn luyện tốt về thể chất cũng được đưa ra và được nhấn mạnh trong các trường công lập lớn. Mọi học sinh được đào tạo bằng cách vui chơi, rèn luyện cơ thể, hoạt động chân tay và tăng cường sự săn chắc của cơ thể. Và nếu đến trường Harrow, Eton, Rugby hoặc Winchester, chúng ta sẽ thấy nền giáo dục bốn yếu tố ở đó, mặc dù tất nhiên là theo truyền thống Cơ đốc. Trên nguyên tắc, lý tưởng Giáo dục cổ đại đang được thực hiện, khiến cho con người yêu nước cũng như phát triển toàn diện, đã khẳng định kế hoạch giáo dục nền tảng cơ bản là đúng đắn và hợp lý.
Trong khi học sinh nuôi dưỡng tình yêu tôn giáo cũng chính là họ đang nuôi dưỡng lòng yêu nước. Nếu đến nhà nguyện của trường Harrow, chúng ta sẽ thấy trên những bức tường được trang trí bằng những tấm đồng thau, khắc tên của những học sinh trường Harrow đã từng phục vụ tốt cho đất nước của họ. Vì vậy, khi học sinh thờ phượng Chúa, họ nhìn thấy trước mắt mình tên của những học sinh Harrow ngày xưa cũng đã từng ngồi nơi đây như họ, những học sinh như người đã hy sinh mạng sống của mình trong những lúc Vương quốc và Đất nước cần đến, hy sinh cho Tổ quốc là những người đã đưa tên tuổi của nước Anh lên cao trong số các quốc gia.
Không một học sinh nào vào trong nhà nguyện mà không nhận được một số cảm hứng để sống anh hùng, hàn gắn tình yêu đất nước vào tôn giáo của mình. Lý tưởng của các chàng trai được hun đúc, từ đó sẽ có lòng yêu nước lớn dần, lòng tự hào về mảnh đất quê hương và trở nên xứng đáng là công dân của đất nước mình, đây chính là nên giáo dục mà chúng ta cần phải phục hồi.
Phạm hạnh (Brahmacārya)
Tôi có phần nào để nói thêm về vấn đề giáo dục này, đây là một điểm cần được được lưu tâm, để ý. Tôi nhận thấy trong suốt thời kỳ sinh viên, mỗi khi đọc kinh điển thì người Tập sinh luôn có sự phát nguyện Phạm hạnh (Brahmacārya); mọi sinh viên đều tuân theo lời thề sống thanh tịnh, độc thân tuyệt đối; cho đến khi thời sinh viên kết thúc, người đó cũng không được phép lập gia đình.
Ba mươi sáu tuổi, mười tám tuổi hay chín tuổi đây là những mốc thời gian quan trọng cho cuộc đời sinh viên. Trong thời kỳ nầy, sinh viên thực hiện đời sống độc thân tuyệt đối; ngay cả khi thời kỳ nầy kết thúc, người ấy vẫn chưa được phép lấy vợ. Chúng ta thường đọc về người đàn ông giống như một chiến binh, trước khi họ trở thành người chồng. Điều gì đã khiến lý tưởng nầy trở nên lỗi thời trong thời kỳ hiện đại của Ấn Độ? Thời kỳ hiện đại, nam sinh đang theo học bị phát hiện đã làm cha; có những người ngay khi còn chưa đậu đại học nhưng bị phát hiện đang sống với một cô bé học sinh trẻ và một đứa con. Điều nầy hoàn toàn đi ngược lại với những lý tưởng xưa cũ và đang hủy hoại dần lý tưởng Ấn Độ. Kết quả là gì? Một chàng trai, vào cuối thời kỳ đại học có cơ thể thường yếu ớt, hệ thần kinh suy yếu, trí não cạn kiệt; họ trở thành phế vật khi đáng ra phải ở trong trạng thái sung mãn và mạnh mẽ của tuổi trưởng thành.
Áp lực của nền giáo dục hiện đại đè nặng lên học viên, thêm vào đó là nghĩa vụ của người chồng, trách nhiệm của người cha. Các bạn tôi ơi! Điều nầy không đúng, đây có nghĩa là sự suy tàn của Ấn Độ. Có phải bạn thấy mình già đi, khi đáng ra bạn phải ở tuổi trung niên? Bạn không thấy rằng bạn đã chẳng phải những gì nên là?
Bạn có thấy rằng chỉ với phát triển bộ não không thôi thì không thể chịu được sức ép khủng khiếp đè lên nó không? Bạn không thấy rằng tầm vóc của người Ấn Độ ngày càng kém đi sao? Nơi nào kết hôn sớm ở độ tuổi và tầm vóc thấp nhất thì cuộc sống sẽ ngày càng xấu đi. Đó phải chăng đang là một phần cuộc sống của Ấn Độ; hoàn toàn đã không giống như nó đã được nhào nặn bởi các vị thần vĩ đại, những người đã ban hành luật pháp thông qua các nhà lập pháp cổ đại?
Đây là một câu hỏi mà câu trả lời nằm trong chính tay bạn với những khó khăn đã thấy rõ. Đối với người dám hành động theo những lý tưởng xưa cũ sẽ thấy mình bị vây quanh bởi hàng trăm người chỉ trích không tử tế, những người không đủ dũng khí để hành động, mặc dù trong thâm tâm họ thường khao khát và mong muốn sự thay đổi.
Có bao nhiêu người cha đã nói với tôi:
“Vâng, chúng tôi biết rằng điều đó là cần thiết” nhưng có bao nhiêu người có đủ can đảm để hành động theo ý kiến của họ, và đối mặt với những khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, chỉ bằng sự can đảm như vậy, những thay đổi lớn mới được thực hiện và các quốc gia mới được cứu nguy. Chúng ta đã đi xuống vì sự hèn nhát thì chúng ta phải vượt lên nhờ lòng dũng cảm. Chúng ta trở nên suy thoái do sự ngu dốt thì chúng ta phải vươn lên trở lại bằng giáo dục và khôi phục những lý tưởng xưa cũ.
Nếu một số bạn có đủ can đảm để nói:
“Chúng tôi sẽ không hành động trái với các quy tắc cổ xưa; chúng tôi sẽ không làm điều mà chúng tôi biết là sai về mặt đạo đức và xấu xa về mặt thể chất”. Nếu bạn sẵn sàng kết hôn muộn hơn cho dù bất kể ai phản đối, chứng tỏ bạn đã bắt đầu để thực hiện bước thực tế đầu tiên hướng tới việc đào tạo ra một chủng tộc mạnh mẽ, có nhân cách và dũng mãnh hơn. Tôi không yêu cầu bạn bỏ những phong tục hiện hữu và áp dụng những phong tục mới, như một số người khác đã khuyên mà yêu cầu bạn khôi phục lại nền giáo dục cổ đại… Chúng ta không thể thay đổi hoàn toàn lý tưởng hiện hữu ngay lập tức, nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể dần dần hướng tới lý tưởng cổ xưa để nêu cao tấm gương mà tất cả những ai yêu mến Ấn Độ sẽ bất chấp mạo hiểm để noi theo; để chúng ta mạnh mẽ hướng về một tương lai với thể chất Ấn Độ tốt đẹp hơn với một nhân cách mạnh mẽ hơn.