GIÁO DỤC LÀ TỰ THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Bản dịch Đào Hữu Nghĩa; NXB Thời Đại.

 

Người thiếu hiểu biết, tức ngu dốt, không phải là người thiếu học thức, mà là người không tự biết mình, tức tự tri, và người có học thức mà ngu muội khi người ấy chỉ biết dựa vào kinh sách, kiến thức và uy lực của người cho anh ta sự hiểu biết. Sự hiểu biết, tức trí tuệ, chỉ xuất hiện thông qua tự tri, tức tri giác toàn bộ cái tiến trình tâm lý của chính mình. Do đó, giáo dục, trong ý nghĩa đích thực, là tự thấu hiểu chính mình, bởi vì trong chính mỗi người chúng ta hội tụ toàn bộ cuộc sống nguyên vẹn.

Cái mà hiện nay ta gọi giáo dục là việc tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở mà bất cứ người nào biết đọc biết viết đều có thể học. Giáo dục như thế cung cấp một hình thức tinh vi để ta lẩn trốn chính ta và giống như mọi cuộc lẩn trốn, chắc chắn chỉ dấy sinh đau khổ chồng chất. Xung đột và hỗn loạn hậu quả từ mối quan hệ sai lầm của ta với người, vật, và ý tưởng, và cho đến khi nào ta thấu hiểu mối quan hệ đó và thay đổi nó, còn không, việc học hỏi góp nhặt sự kiện và thu thập những kỹ năng khác biệt, chỉ có thể nhấn chìm chúng ta trong hỗn loạn và hủy diệt.

Như xã hội hiện nay được tổ chức, ta gởi con cái đó, trường để học một kỹ năng hay kỹ thuật của một nghề nhờ đó chúng sau này kiếm được cái ăn. Ta muốn biến con cái ta, trước hết và trên hết thành một nhà chuyên môn, hy vọng nhờ đó nó có một vị trí kinh tế an toàn. Nhưng việc học một kỹ thuật có làm cho ta thấu hiểu chính ta không?

Biết đọc và viết, và học kỹ thuật hoặc một nghề chuyên môn rõ ràng là cần thiết, nhưng kỹ thuật có cho ta khả năng thấu hiểu cuộc sống không? Chắc chắn, kỹ thuật chỉ là việc phụ thôi, thuộc hàng thứ yếu thôi và nếu kỹ thuật là đối tượng duy nhất ta phấn đấu đạt tới, rõ ràng ta đang phủ nhận cái phần vô cùng lớn lao hơn của cuộc sống.

Cuộc sống là khổ, vui, đẹp, xấu, yêu thương, và khi ta thấu hiểu nó như một toàn thể nguyên vẹn, trên mọi bình diện, thì chính cái động thái thấu hiểu đó tạo ra kỹ thuật hay kỹ năng riêng của nó. Nhưng ngược lại thì không có gì chân thực cả: kỹ thuật không bao giờ có thể tạo ra một động thái thấu-hiểu-sáng-tạo.

Giáo dục hiện nay hoàn toàn phá sản bởi vì nó đã nhấn mạnh hay quan trọng hóa quá mức kỹ thuật. Quan trọng hóa quá mức kỹ thuật nên ta đang hủy diệt con người. Trau giồi, đào tạo năng lực và hiệu năng mà không thấu hiểu cuộc sống, không tri giác toàn diện đường đi nước bước của tư tưởng và dục vọng, sẽ chỉ làm cho ta thêm tàn nhẫn, sắt đá hơn, dấy sinh thêm nhiều chiến tranh và gây nguy hiểm cho sự an toàn vật chất của ta. Độc tôn trau giồi và đào tạo kỹ thuật đã sản sinh các nhà khoa học, toán học, các chuyên gia xây dựng cầu đường những phi hành gia chinh phục vũ trụ, nhưng liệu những người này có thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống không. Có bất kỳ loại chuyên gia nào có thể trải nghiệm cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn không? Chỉ khi nào người ấy không còn là một chuyên gia nữa.

Sự tiến bộ khoa học công nghệ giải quyết một số vấn đề thuộc loại nào đó, phục vụ một số người ở một bình diện nào đó, nhưng nó cũng dẫn đến một số vấn đề khác sâu và rộng hơn. Sống ở một bình diện nào đó bất chấp toàn bộ tiến trình của cuộc sống, là mời gọi đau khổ và hủy diệt. Nhu cầu to lớn nhất và vấn đề thúc bách hơn cả đối với mỗi cá nhân là thấu hiểu một cách hợp nhất chính cuộc sống, nhờ đó cá nhân có thể giáp mặt với những phức tạp không ngừng gia tăng của chính cuộc sống.

Kiến thức khoa học kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không có cách chi giải quyết các áp lực tâm lý bên trong và các cuộc xung đột, và bởi vì ta đã thu thập kiến thức khoa học kỹ thuật mà không thấu hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống nên khoa học công nghệ đã trở thành phương tiện hủy diệt chính chúng ta. Người biết cách đập vỡ nguyên tử mà trong tâm anh ta không có tình yêu trở thành là quái vật, kẻ tàn bạo mất hết nhân tính.

Ta chọn một nghề nghiệp theo năng lực của ta, nhưng theo một nghề nghiệp có dẫn ta thoát khỏi cuộc xung đột và hỗn loạn đảo điên này không? Một hình thức đào tạo khóa học kỹ thuật nào đó dường như cần thiết, nhưng khi ta đã trở thành những kỹ sư, nhà vật lý, kế toán viên – sau đó là gì? Hành một nghề có phải là sống sung mãn trong cuộc sống này không? Với phần đông chúng ta rõ ràng là như vậy.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRÊN NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC
  2. GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Ở NHẬT BẢN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ