NGỒI YÊN THÌ SUY NGẪM LỖI CỦA MÌNH, NHÀN RỖI THÌ ĐỪNG BÀN CHUYỆN NGƯỜI KHÁC

TỐNG MẶC

Trích: Nóng Giận Là Bản Năng Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh; Hà Giang dịch; NXB Thế Giới.

Người xưa có câu: “Lúc nào cũng phải kiểm điểm bản thân thì còn đâu thời gian mà đi kiểm điểm người khác.” Khổng Tử từng dạy: “Nên nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với người khác.”

Đại sư Hoằng Nhất – “Bàn về trải nghiệm sửa đổi”

“Ngồi yên thì suy ngẫm lỗi của mình, nhàn rỗi đừng bàn luận chuyện người khác”, đây là danh ngôn tu thân của người xưa, và điều này nên trở thành một phẩm chất cần có của chúng ta trong xã hội hiện đại ngày nay.

Hòa thượng Đạo Tâm và hòa thượng Vô Tri đều tu hành Phật pháp ở ngôi chùa do thiền sư Tịnh Niệm làm trụ trì. Thiền sư Tịnh Niệm thường đi gặp những người có tiền có quyền, còn đi khắp nơi kêu gọi người giàu có xuất vốn tu sửa lại chùa, đồng thời dặn dò Đạo Tâm và Vô Tri đi hóa duyên, lấy tiền sửa chùa. Hòa thượng Đạo Tâm cực kì bất mãn với thiền sư Tịnh Niệm, cho rằng thiền sư làm trái với đạo hành của người xuất gia, thế là đi khắp chùa nói xấu thiền sư Tịnh Niệm, xúi giục mọi người đuổi thiền sư khỏi vị trí sư trụ trì. Hòa thượng Vô Tri lại chưa oán trách nửa lời, ngày nào cũng đi hóa duyên phổ độ, kêu gọi người giàu bỏ tiền đầu tư; khi tu sửa lại chùa, Vô Tri cũng giám sát thi công, không dám sơ suất. Do đó Đạo Tâm gọi Vô Tri là “hòa thượng hám tiền”.

Ba năm sau, chùa được tu sửa xong xuôi, thu nạp rất nhiều dân tị nạn vì lũ lụt đến tá túc. Thiền sư Tịnh Niệm hằng ngày đều thắp hương giảng bài, khuyên bảo dân tị nạn, không thu một đồng nào. Lúc này Đạo Tâm mới biết mình đã hiểu nhầm ý tốt của thiền sư, hổ thẹn mà rời khỏi chùa. Còn Vô Tri hòa thượng sau này đã kế thừa thiền sư Tịnh Niệm, trở thành sư trụ trì.

Cho dù là người tu hành hay người thường, đều nên thường xuyên kiểm điểm lại mình, đừng có tùy tiện nói bừa, vì điều đó không chỉ tổn hại đến người khác, mà còn làm lỡ mất thời gian quý báu của bản thân. Kể cả bạn có “biết tuốt”, thì cũng đừng nói chuyện tào lao về người khác, bởi vì có những câu nói khi truyền qua người khác sẽ bị biến chất.

Thời nay, người ta thường thích bàn luận về cuộc sống riêng tư của người khác, rồi than vãn về xã hội. Nam nữ, già trẻ đều thích ngồi lê đôi mách ba cái chuyện tầm phào xoay quanh nhà cửa gia đình. Chúng ta bàn luận và chuyện người khác đa phần chỉ là cho có cái để nói, hoặc cảm thấy nếu không nói ra thì rất khó chịu. Nhưng nhiều khi nó lại gây ra những mâu thuẫn không cần thiết.

Tục ngữ nói: “Thà là chửi người trước mặt, còn hơn nói xấu sau lưng.” Người khác có khuyết điểm hay thiếu sót gì, bạn có thể nói thẳng để họ sửa đổi, đừng có nói sau lưng. Chúng ta nên ghi nhớ một điều, đừng chỉ luôn chú ý vào người khác, mà phải luôn kiểm điểm lại bản thân, làm một người đường đường chính chính.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỜI NGƯỜI CHỈ LÀ QUÃNG NGÀY GỬI TẠM CHỐN HỒNG TRẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG BỎ ĐƯỢC
  2. TÂM AN LÀ PHÚC
  3. LUÔN MANG LÒNG BIẾT ƠN ĐỂ CÓ THÊM NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP