ĐỜI NGƯỜI CHỈ LÀ QUÃNG NGÀY GỬI TẠM CHỐN HỒNG TRẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG BỎ ĐƯỢC

TỐNG MẶC

Trích: Nóng Giận Là Bản Năng Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh; Hà Giang dịch; NXB Thế Giới.

Không bị kích động bởi những thứ bên ngoài đó chính là tĩnh, không bị lấp đầy bởi những thực tế bên ngoài đó chính là hư.

Đại sư Hoằng Nhất – “Tuyển tập cách ngôn”

Nguyên do gì đã khiến cho Lý Thúc Đồng kiên quyết buông bỏ tất cả danh lợi trên thế gian, quy y cửa Phật ở cái tuổi 38 đỉnh cao rực rỡ đời người? Từ đây, không còn Lý Thúc Đồng hào phóng tự do, chúng ta dần dần quen với việc gọi ông là đại sư Hoằng Nhất. Hai mươi tư năm sau ngài lại được đệ tử Phật môn tôn trọng gọi là tông sư thứ 11 Luật Tông.

Thế nhân nóng lòng mưu cầu, đại sư Hoàng Nhất lại vội vã buông bỏ. Có lẽ, phú quý sẽ làm cho cơ thể và tâm hồn của chúng ta vui vẻ một dạo, nhưng lại khiến chúng ta ngày càng xa rời bản ngã. Mà danh lợi thế gian không chỉ làm cho người đời hỗn loạn, nó cũng khiến đại sư cảm thấy ngột ngạt. Để giải thoát, để tu hành bản ngã, ngài lựa chọn buông bỏ tất cả mọi thứ quấy nhiễu mình.

Có người sẽ hỏi, lẽ nào đại sư không còn chút tình cảm nào đối với người vợ của mình sao? Sao lại không có được? Nhưng để làm được việc mà mình muốn làm, ngài buộc phải buông bỏ mọi thứ. Chúng ta thường không làm được việc này việc kia, chính là vì chúng ta không muốn buông bỏ một thứ gì hết. Nếu tay bạn đã ôm một vật quý giá, thì không thể vươn ra để ôm một vật khác nữa, rồi bạn lại thường ca thán: “Haizz, tôi không có cơ hội thực hiện lý tưởng của mình rồi!”

Chắc chắn chúng ta từng nghe một số ngôi sao nói: “Tôi rất muốn sống cuộc sống của người bình thường!” Lẽ nào điều này rất khó sao? Sao lại nói như thể những danh lợi này đều là do người khác nhất quyết áp đặt lên họ vậy. Cho đến một ngày, họ hết thời, không thể nổi tiếng được nữa, họ mới thật sự quay về cuộc sống bình thản. Nhưng rồi họ lại không cam tâm, nghĩ mọi cách để mình được nổi tiếng trở lại.

Chúng ta thường không buông bỏ được, không cam lòng được. Chúng ta không buông bỏ được công danh lợi lộc, cho nên luôn có chuyện mua quan bán tước. Chúng ta không buông bỏ được vàng bạc phú quý, cho nên mới xuất hiện cướp bóc, ăn hối lộ. Chúng ta không thể buông bỏ được tình yêu hôn nhân, mới sinh ra yêu hận tình thù.

Có một người xách một bình dầu đi trên đường, không cẩn thận để bình dầu rơi xuống đất vỡ tan tành, dầu bắn tung tóe khắp nơi. Người này chỉ nhìn một cái, rồi tiếp tục bước đi.

Người qua đường nhìn thấy, cứ tưởng anh ta không biết, bèn tốt bụng đuổi theo sau nhắc nhở: “Này, dầu của anh đổ rồi kìa.” Người đó đáp lại một tiếng, nhưng cũng không quay đầu lại mà tiếp tục bước đi.

Người đi đường đuổi theo nói: “Ê, dầu của anh đổ rồi kìa!”

Anh này nói: “Tôi nhìn thấy rồi, nhưng dầu đã đổ rồi, tôi không thể nhặt nó lên được, tôi dừng lại cũng có ý nghĩa gì đâu?”

William Shakespeare từng nói: “Người thông minh sẽ chẳng bao giờ ngồi ở đó mà đau buồn than thở vì tổn thất của mình, họ sẽ nghĩ cách để bù đắp lại tổn thất.”

Một ngày nọ, có hai thầy trò cùng xuống núi hóa duyên. Khi họ đi qua một dòng sông, phát hiện vì đêm trời vừa mới mưa nên nước sông dâng cao, chảy rất xiết. Bên sông có một cô gái vì nước chảy quá mạnh mà không qua sông được, đang ngồi khóc bên bờ sông. Sư thầy đi tới, không nói câu nào, cõng cô gái qua bên kia sông, rồi thả cô xuống, quay người đi mất. Đồ đệ buồn bực suốt dọc đường, sư thầy hỏi làm sao thì cậu nói: “Thầy là người xuất gia, sao có thể cõng một phụ nữ qua sông được?”

Sư thầy cười đáp: “Ta đã buông nữ thí chủ đó xuống từ lâu rồi, tại sao con vẫn còn cõng trên lưng vậy?”

Gặp phải những chuyện không buông bỏ được, thì đừng ngại mà hỏi bản thân: Cứ suốt ngày canh cánh trong lòng mấy chuyện như vậy đến độ mệt mỏi, đau đớn tâm can, thì liệu có giúp đỡ hay thay đổi được gì cho cuộc sống không? Rồi lại tự hỏi bản thân, còn ai thảm hơn mình nữa không, nếu họ chịu đựng được, buông bỏ được, thì mình có gì mà không thể buông bỏ? Ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở việc nhấc lên, mà là ở việc buông bỏ. Hạnh phúc nằm ở giữa việc nhấc lên hay đặt xuống. Người biết “buông bỏ”, mới là người thật sự hiểu được cuộc sống.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGỒI YÊN THÌ SUY NGẪM LỖI CỦA MÌNH, NHÀN RỖI THÌ ĐỪNG BÀN CHUYỆN NGƯỜI KHÁC
  2. TÂM AN LÀ PHÚC
  3. LUÔN MANG LÒNG BIẾT ƠN ĐỂ CÓ THÊM NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG