NGƯỜI ĐỆ TỬ – PHÚC LẠC THÁNH THIỆN

SWAMI SIVANANDA

Trích: Phúc Lạc Thánh Thiện; Nguyên tác tiếng Anh: Bliss Divine; Dịch giả: Swami Sitaramananda; Việt dịch và phát hành bởi TT. Sivananda Yoga Vedanta VN; NXB. Tôn Giáo, 2020

Người đệ tử là người chú ý nghe theo mọi chỉ dẫn của Guru theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và là người truyền bá lại những chỉ dạy của Guru cho người ít tiến bộ hơn cho tới cuối cuộc đời. 

Một đệ tử thật sự là người chỉ quan tâm tới bản chất thiêng liêng của Guru. Người đệ tử sẽ không quan tâm tới những hành động của Guru như một người bình thường. Người ấy hoàn toàn không để tâm tới những việc đó. Với người ấy, Guru là Guru ngay cả khi thầy hành động không bình thường. Hãy luôn ghi nhớ rằng bản chất của thánh nhân thì cao siêu và khó hiểu được. Đừng xét đoán. Đừng đo lường bản chất thiêng liêng của Guru với thước đo của sự ngu dốt của bạn. Đừng chỉ trích hành động của Guru khi những hành động ấy đến từ tầm nhìn vũ trụ. 

Làm người đệ tử chân chính sẽ mở mang tầm nhìn, sẽ đốt lên ngọn lửa tâm linh, và sẽ đánh thức những khả năng đang ngủ yên. Đó là điều cần thiết nhất trên con đường tâm linh. Guru và đệ tử trở thành một. Guru ban phúc, hướng dẫn và truyền cảm hứng cho đệ tử. Guru truyền quyền năng tâm linh cho đệ tử. Ngài làm cho đệ tử thay đổi và nâng cao tâm linh cho họ.

AI ĐỦ TƯ CÁCH ĐỂ TIẾP CẬN GURU? 

Để tiếp cận một Guru, bạn phải là một Adhikan đúng nghĩa (người đủ tư cách). Hiểu đúng, không gắn kết với những đối tượng trần tục, tâm trí bình an, tiết chế cảm xúc giác quan, không có những đam mê thấp hèn, tin tưởng ở Guru, và tận tâm với Đấng Tối Cao, là những trang bị cần thiết của người khao khát tiếp cận Guru. 

Guru sẽ truyền dạy những chỉ dẫn tâm linh cho người khát khao giải thoát, người tuân theo những huấn thị của Shastra (kinh điển), người đã nén được mọi đam mê và dục vọng của mình, người có tâm trí tĩnh lặng, người có đức hạnh cao quý như lòng từ bi, tình yêu thương rộng lớn, kiên nhẫn, khiêm tốn, có khả năng chịu đựng, nhẫn nại, v.v… Khai tâm vào những bí ẩn của Brahman sẽ có kết quả chỉ khi nào đệ tử trở nên không còn ham muốn gì, lúc ấy Jnana (sự hiểu biết tâm linh) sẽ được tạo ra trong tâm trí.

GURU-SEVA 

Người theo học lúc đầu cần tập trung vào việc loại bỏ tính ích kỷ của mình bằng cách phụng sự lâu dài cho Guru. Phục vụ Guru của mình với Bhava thiêng liêng. Những ung nhọt xấu xa của tính cá nhân sẽ tan biến.

Thuyền trưởng của mọi con tàu luôn luôn tỉnh táo. Một người đánh cá luôn luôn hoạt bát. Một bác sĩ phẫu thuật trong khi mổ cũng luôn luôn tỉnh táo. Cũng như vậy, một người khao khát chân lý cũng luôn tỉnh táo khi phụng sự Guru của mình. 

Sống để phụng sự Guru. Bạn cần tìm kiếm các cơ hội, đừng đợi tới khi được mời. Hãy tự xung phong tình nguyện phục vụ Guru. 

Hãy phục vụ Guru một cách khiêm tốn, sẵn lòng nguyện ý, không thắc mắc, không giả bộ, không miễn cưỡng, không mệt mỏi, và đầy yêu thương. Khi bạn bỏ càng nhiều công sức để phục vụ Guru thì năng lượng thánh thiện chảy vào bạn càng nhiều. 

Người đang phục vụ Guru là người đang phục vụ cả thế giới. Phục vụ Guru không mang theo tính ích kỷ của bản thân. Hãy xem xét cẩn thận động cơ bên trong mình khi phục vụ Guru. Phục vụ Guru cần phải thực hiện mà không mong đợi được ghi nhận tên tuổi, danh tiếng, quyền lực, của cải, v.v. 

PHỤC TÙNG GURU 

Sự phục tùng vị Guru thì tốt hơn là sự tôn sùng. Phục tùng là đức tính quý giá, bởi nếu bạn cố gắng phát triển tính phục tùng thì cái tôi – kẻ thù không đội trời chung trên con đường nhận ra Bản Ngã sẽ dần bật rễ. 

Chỉ có người đệ tử nào phục tùng Guru của mình mới có thể chế ngự cái tôi hạ cấp. Sự tuân theo phải rất thiết thực, toàn tâm toàn ý, và phải tích cực kiên trì. Sự phục tùng Guru thật sự không thể chậm trễ chần chừ hay nghi ngại. Một học trò đạo đức giả sẽ phục tùng Guru vì sợ hãi. Một học trò chân chính sẽ vâng lời Guru với tình yêu thương thuần khiết và chỉ vì tình yêu thương mà thôi. 

Hãy học cách phục tùng. Chỉ khi đó bạn mới có thể ra lệnh. Hãy học cách làm một đệ tử. Rồi bạn mới có thể trở thành một Guru. 

Hãy từ bỏ những ý niệm hão huyền rằng quy phục người thầy, phục tùng thầy, và theo lời chỉ dẫn của thầy là mang tính nô lệ khúm núm. Người vô minh nghĩ rằng điều đó không xứng với phẩm giá của họ và tương phản với tự do của họ khi quy phục theo mệnh lệnh của người khác. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu bạn suy ngẫm một cách cẩn trọng thì bạn sẽ thấy rằng trên thực tế, sự tự do cá nhân của bạn là nô lệ thật sự cho cái tôi và tính tự cao của chính bạn. Đó là tính hay thay đổi của tâm trí cảm xúc. Người đã chiến thắng tâm trí và cái tôi mới là người tự do thật sự. Người ấy là một anh hùng. Để đạt tới chiến thắng này ta phục tùng Guru – người có tinh thần cao hơn và tâm linh hơn. Bằng sự phục tùng này ta chế ngự được cái tôi thấp kém và đạt được ý thức phúc lạc vô bờ bến. 

NGƯỜI ĐỆ TỬ VÔ TƯ 

Con đường tâm linh không giống như viết một luận văn tốt nghiệp đại học. Nó thật sự khác biệt hoàn toàn. Sự giúp đỡ của vị thầy tâm linh rất cần thiết trong mọi lúc. Ngày nay, những đệ tử trẻ trở nên độc lập, ngạo mạn và quả quyết hơn. Họ không còn quan tâm tới chuyện thực hiện những chỉ thị của Guru. Họ không mong muốn có Guru. Họ muốn độc lập mọi chuyện ngay từ khi mới bắt đâu. Họ nghĩ họ đã ở trong trạng thái Turiya Avastha (trạng thái siêu ý thức) khi họ thậm chí không biết một chút A-B-C gì về tâm linh hay sự thật. Họ lầm lẫn lối sống phóng túng hay “đi theo ý riêng tùy thích của mình” là được tự do. Đó thật sự là một sai lầm nghiêm trọng và đáng tiếc. Đó là lý do vì sao họ không thể phát triển được. Họ mất đi lòng tin vào hiệu lực của Sadhana và sự tồn tại của Đấng Tối Cao. Họ đi lang thang một cách vô tư, không có một mục đích nào, từ Kashmir tới Gangotri, và từ Gangotri tới Ramesvaram, nói những điều vô nghĩa trên đường, lúc thì nói về Vichara Sagar, lúc thì nói về Panchadasi và làm ra vẻ như mình là Jivanmukta (những linh hồn đã giải thoát khi còn sống). 

SỰ DÂNG HIẾN CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ VÀ ƠN PHƯỚC CỦA GURU 

Nếu bạn muốn uống nước từ vòi, bạn sẽ phải cúi người xuống. Cũng như vậy, nếu bạn muốn uống những mật ngọt tâm linh bất tử chảy xuống từ đôi môi linh thiêng của Guru thì bạn phải là hiện thân của sự khiêm nhường và biết vâng lời. 

Tâm trí hạ tầng phải được hoàn toàn cải tạo. Người đệ tử nói với người thầy rằng: “Con muốn thực hành Yoga. Con muốn bước vào trạng thái Nirvikalpa Samadhi. Con muốn ngồi dưới chân của thầy. Con đã tự dâng hiến thân mình cho thầy.” Nhưng anh ta lại không muốn thay đối bản chất thấp kém và những thói quen, tính cách cũ, thái độ và cách cư xử của mình. 

Cần phải từ bỏ cái tôi cá nhân, những khái niệm đã định trước, những ý tưởng thấp hèn, những thành kiến và những mối quan tâm ích kỷ. Tất cả những điều đó là trở ngại trên con đường thực hiện và tuân theo những lời dạy và chỉ dẫn của Guru. 

Hãy mở lòng, đừng che dấu bất kỳ bí mật nào trong lòng với Guru. Bạn càng cởi mở bao nhiêu thì càng có được sự cảm thông của Guru bấy nhiêu, thế có nghĩa là bạn đã được gia tăng sức mạnh để chống lại mọi tội lỗi và cám dỗ. 

Người đề tử trước khi mong muốn nhận được sự bạn phước từ Vị Sư Phụ cần phải xứng đáng với điều đó. Sự ban phước linh thiêng chỉ đến khi có một khao khát thật sụ từ người học trò và khi người ấy xứng đáng để nhận nó.

Ơn phước của Guru chỉ được truyền xuống cho những người thật sự khiêm nhường và trung thành với ngài. Niềm tin đó là lòng tin tưởng vào Guru. Niềm tin là sự tin tưởng chắc chắn rằng những tuyên bố của người thầy là sự thật, vì uy tín của thầy và vì chính đời thầy là chứng thực cho những gì thầy giảng, không cần bất cứ một bằng chứng nào. Người đệ tử tin tưởng vào Guru thì sẽ không tranh cãi, không nghiền ngẫm, không tìm lý do và không trăn trở. Họ đơn thuần chỉ tuân theo, tuân theo và tuân theo mà thôi. 

Sự dâng hiến mình cho Guru của người đệ tử và ơn phước của Guru có mối quan hệ tương quan. Sự dâng hiến sẽ đem đến ơn phước của Guru, và ơn phước của Guru sẽ giúp cho người đệ tử có thể toàn tâm toàn ý dâng hiến mình hơn. 

Ơn phước của Guru nằm trong hình thái Sadhana của người đệ tử. Nếu một người đệ tử gắn bó với con đường tâm linh một cách kiên trì thì đây chính là sự ban phước của Gumu. Nếu người đệ tử kháng cự được những cám dỗ khi chúng ồ ạt tấn công thì đó chính là nhờ ơn phước của Guru. Nếu mọi người tiếp nhận người ấy với tình yêu thương và lòng kính trọng thì đó chính là nhờ ơn phước của Guru. Nếu người ấy có tất cả những gì anh cần thì đó là nhờ ơn phước của Guru. Nếu người ấy có sự khích lệ và sức mạnh khi thất vọng và nản lòng thì đó là nhờ ơn phước của Guru. Nếu người ấy vượt qua được trạng thái ý thức-cơ thể và ở trong trạng thái Ananda Svarupa (bản chất phúc lạc), thì đó chính là nhờ ơn phước của Guru. Hãy cảm nhận ơn phước của Guru trong mỗi bước đi chân thành và tin tưởng nơi ngài. 

GURU DẠY NHƯ THẾ NÀO 

Guru dạy bằng chính tấm gương của bản thân mình. Cách cư xử mỗi ngày của Guru là lý tưởng sống cho người đệ tử tinh ý. Cuộc đời của Guru là một bài giảng sống động cho những người đệ tử chân thành. Bằng mối tiếp xúc liên tục, đệ tử tiếp thu được những đức tính tốt của Guru. Đệ tử dần dần noi theo Guru. Nghiên cứu Chhandogya Upanishad. Bạn sẽ thấy Indra sống với Prajapati trong vòng một trăm lẻ một năm và phục vụ ngài toàn tâm toàn ý. 

Chỉ có Guru mới biết nhu cầu tâm linh của người đệ tử. Ngài sẽ ban Upadesa (những lời khuyên về tâm linh) dựa vào tính khí và sự phát triển của đệ tử. Upadesa này cần được giữ một cách cẩn mật. Sự tranh luận giữa các đệ tử sẽ dẫn đến chỉ trích Guru và sự chểnh mảng trong việc thực hành Sadhana. Và điều này sẽ dẫn tới không có sự tiến bộ về tâm linh. Hãy chú tâm làm theo Upadesa của Guru từng li từng tí. Hãy ghi nhớ nó chỉ có ý nghĩa với riêng bạn mà thôi. Những đệ tử khác cũng nhận Upadesa khác từ Guru. Hãy để họ làm theo Upadesa đó. Đừng áp đặt Upadesa mà bạn nhận được lên người khác. 

Đệ tử có thể tiếp thu hoặc thâu nhập từ người thầy tùy theo tỉ lệ tương xứng với lòng tin cậy của họ. Khi Guru đưa ra những chỉ dẫn về tâm linh cho đệ tử của mình, nếu người đệ tử không chú tâm, nếu họ tự mãn và không lưu tâm, nếu họ đóng cửa trái tim mình thì họ sẽ không được lợi ích gì. 

GURU KIỂM TRA NHƯ THẾ NÀO 

Vị Sadguru truyền đạt những kiến thức huyền bí về Upanishad cho đệ tử đáng tin cậy của mình chỉ sau khi nhận được những lời khẩn cầu lặp đi lặp lại và qua những bài khảo nghiệm khắt khe. Đôi khi, Guru còn có thể thử thách đệ tử của mình, nhưng người đệ tử phải vượt qua mọi cám dỗ bằng lòng tin vững vàng vào Guru. 

Ngày xưa, những bài khảo nghiệm rất khắt khe,. Có một lần Gorakhnath yêu cầu một trong số những đệ tử của mình trèo lên một cây cao, hướng đầu xuống dưới và thả mình trên một đinh ba vô cùng sắc nhọn (Trisula). Nhiều đệ tử không có niềm tin đứng im lặng. Nhưng một người đệ tử trung thành liền leo lên cây thật nhanh và lao người xuống. Anh ta được bảo vệ bởi bàn tay vô hình của Gorakhnath, anh ta ngay lập tức giác ngộ. 

Có lần Guru Govind Singh thử thách các học trò của mình. Ông nói: “Hỡi các đệ tử yêu quý của ta! Nếu các con thực sự thương yêu ta thì năm người trong số các con nên dâng cúng cái đầu của mình. Như thế chúng ta sẽ được thành công trong mọi sự cố gắng.” Năm người đệ tử trung thành chịu dâng cúng cái đầu của họ. Guru Govind Singh đem họ vào trong lều và chặt đầu của năm con dê thay thế. 

Guru thử thách học trò bằng rất nhiều cách. Đôi lúc học trò hiểu sai thầy và mất lòng tin vào thầy của mình. Vì thế họ sẽ không được hưởng lợi ích gì. 

BỐN LOẠI ĐỆ TỬ 

Đệ tử tốt nhất được xem như xăng dầu. Thậm chí từ một khoảng cách rất xa, người ấy vẫn có thể cảm nhận và phản ứng lại những tia sáng của Upadesa của Curu. 

Loại đệ tử thứ hai thì như long não. Một sự động chạm sẽ đánh thức tinh thần bên trong của người ấy và thắp lên ngọn lửa tâm linh. 

Loại đệ tử thứ ba thì như than đá. Guru phải khổ sở nhiều mới có thể đánh thức tâm linh của người ấy. 

Loại học trò thứ tư thì như đọt chuối. Không có cố gắng nào thay đổi được người ấy. Bất kể Guru làm gì, người ấy vẫn hờ hững và trì trệ. 

Có hai điều cần thiết để hoàn thiện một hình tượng một cách đẹp đẽ. Thứ nhất là một viên cẩm thạch hoàn hảo, không tì vết, thứ hai là chuyên gia điêu khắc. Viên cẩm thạch lúc nào cũng nên nằm trong tay một chuyên gia điêu khắc một cách vô điều kiện để có thể được khắc và chạm trổ thành một hình tượng đẹp đẽ. Cũng như vậy, người đệ tử cần phải tự gột rửa, làm cho mình trở nên tinh khiết, và biến mình thành một viên cẩm thạch hoàn hảo không tì vết, và đặt mình dưới sự hướng dẫn của vị Sư Phụ, để được gọt giũa và chạm khắc thành hình ảnh của Đấng Tối Cao.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. HÔM QUA, HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
  2. CÁCH SỬ DỤNG THỜI GIAN
  3. CUỘC SỐNG LÀ QUÀ TẶNG LỚN NHẤT CỦA BẠN

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG