NGƯỜI TA NHẬN ĐỊNH VỀ NGƯỜI KHÁC THẾ NÀO

DAVID J.LIEBERMAN

Trích: Đọc Vị Tâm Trí - Khám Phá Xem Người Ta Nghĩ Gì, Muốn Gì Và Thực Sự Là Ai; Chuyển ngữ: Quế Chi; NXB. Dân Trí; Công ty XB Thiện Tri Thức, 2023

Hoàng đế và tôi

Khi một người đưa ra thông tin, trật tự thông tin được đưa ra mang nhiều ý nghĩa. Nếu ai đó liệt kê về con người, sự vật, sự việc hoặc thậm chí cảm xúc theo một trật tự dường như là ngẫu nhiên, không liên kết logic gì với mạch trò chuyện, thì chúng ta nên chú ý thật kỹ vào trật tự đó. Nó thường thể hiện những ưu tiên của người nói trong tiềm thức hoặc chỉ ra rằng anh ta hoặc cô ta không muốn thảo luận về một số chuyện nào đó.

Bạn có thể nhớ một câu chuyện trong kinh thánh, từ đó đúc rút ra một điều hết sức cổ xưa nhưng cũng rất dễ nhận thấy trong bản chất con người. Hai người phụ nữ đến trước người đàn ông thông thái nhất, hoàng đế Solomon. Họ đều mỗi người sinh ra được một cậu bé cách nhau chỉ vài ngày, Trong khi nằm ngủ, một trong hai người vô tình xoay người đè nghẹt thở con mình. Rồi người này đánh tráo đứa con mình với đứa bé còn sống của người kia. Nhưng khi người mẹ của đứa trẻ ấy tỉnh dậy, cô ta nhận ra đứa bé đang nằm chết cạnh mình không phải là con mình và biết người ta đã đánh tráo hai đứa trẻ cho nhau.

Solomon nhờ tiên tri đã biết rõ đứa trẻ còn sống là con của người mẹ nào, nhưng ông muốn chứng minh suy nghĩ của mình bằng một logic không thể nào chối cãi được. Ông tuyên bố: “Người này nói rằng: ‘Con tôi còn sống. Con cô ta đã chết” còn người kia nói rằng: “Không phải thế, con cô ta đã chết, con tôi còn sống.”

Rồi Solomon yêu cầu đưa ra cho ông thanh kiếm và nói ông sẽ giải quyết tình huống này bằng cách chia nửa đứa bé còn sống ra làm đôi. Một người phụ nữ thét lên: “Không!” Tất nhiên, điều đó cho thấy người phụ nữ ấy chính là mẹ của đứa trẻ còn sống. Chuyên gia phát hiện nói dối huyền thoại Avinoam Sapir đã khéo léo chỉ ra rằng người phụ nữ thứ hai đã nói với hoàng đế rằng: “Con cô ta đã chết. Con của tôi còn sống”. Nhưng người đầu tiên nhắc đến con mình trước (“Con tôi còn sống. Con cô ta đã chết.”) vì cô chỉ biết đến con mình – đứa còn sống – và do đó cô ưu tiên nhắc đến nó trước. Sapir nhắc đến một ví dụ khác từ một bức thư trong chuyên mục tư vấn “Abby thân mến”:

Một người phụ nữ viết rằng con trai bà có một vấn đề nào đó, nhưng chồng bà không hiểu cho. Bà muốn biết làm gì để chồng bà hiểu cho con trai bà. Nhưng trong bức thư, người phụ nữ nhắc đến bản thân mình, đến con trai mình và con chó của con trai trước khi nhắc đến chồng bà. Và bà viết tên của con trai và con chó, nhưng không nói tên của chồng. “Bà ấy đặt con chó đó lên trước cả chồng mình” cho thấy vấn đề thực sự của bà ấy là với chồng bà chứ không phải mối quan hệ của người chồng với đứa con trai.

Quy tắc ghi chú chi tiết theo thứ tự này ứng dụng cho hầu khắp các tình huống và hoàn cảnh. Ví dụ, khi bạn hỏi một đứa trẻ về những người thân trong gia đình, cô bé có thể đáp: “Mẹ cháu, bố cháu” và rồi kể ra tên của vài anh chị em. Chắc chắn, chúng ta không nên cho rằng có gì đó sai ở đây nếu cô bé nói “bố” rồi mới đến “mẹ”, rồi liệt kê anh chị em theo kiểu từ nhỏ đến lớn hay từ lớn đến nhỏ, hoặc nói tên hai chị rồi mới đến đứa em trai “phiền phức”. Hơn nữa, nếu Spotty, chú chó, và Goldie, chú cá vàng được kể trước cha hoặc mẹ, thì không có lý do gì phải lo lắng cả, nhất là khi đó là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu một người thân trong gia đình không được nhắc tới hoặc ở tận cuối danh sách, sau những con thú nhồi bông, thú cưng và các thể loại tương tự, thì có thể chúng ta nên hỏi kỹ càng hơn chuyện này. Nói cho thật rõ thì trật tự hoặc sự thiếu vắng của một thành viên gia đình không nói lên rằng có gì đó ám muội ở đây, nhưng nó cũng báo cho chúng ta biết mối quan hệ của trẻ với người đó có thể không giống như những gì ta tưởng.

Tương tự, khi bạn hỏi một nhân viên về môi trường làm việc của mình, cô ấy có thể nói về “sếp của tôi” và rồi nhắc đến một vài đồng nghiệp. Chúng ta không nên cho rằng có gì đó không phải ở đây khi cô ấy chỉ đơn thuần kể tên đồng nghiệp này trước đồng nghiệp kia, liệt kê họ theo cấp bậc, hoặc kể người nhân viên lễ tân đồng thời cũng là chị dâu của mình(1). Tuy nhiên, nếu cô ấy bắt đầu nói về máy pha cà phê và phòng giải lao trước đồng nghiệp hoặc bạn bè, thì điều này có thể gợi cho ta cảm giác dường như cô có một chút xa lánh người khác, một chút cô độc hoặc thiếu giao du ở nơi làm việc và cũng đáng để tìm hiểu sâu hơn.

Tôi vừa mới gặp lại một người bạn ấu thơ cách đây 30 năm. Sau vài câu xã giao giả tạo lấy lệ: “Chà, cậu trông bảnh đấy… vẫn y như xưa” là đến màn khoe ảnh. Cậu ta cho tôi xem rất nhiều ảnh của mình và chú chó cưng đang ăn trưa trong công viên, ôm nhau ngủ, chơi đuổi bắt đĩa Frisbee trên bờ biển. Rồi, cậu ta bắt tôi xem những bức ảnh của những người nổi tiếng mà cậu ta “rất thân”, ngón tay cậu ra lướt lướt qua những tấm ảnh tự sướng với những bạn thân thuộc danh sách B. Hàng tá ảnh và mãi một lúc lâu sau, cậu ta mới dừng lại ở một tấm ảnh một cậu bé tuổi thiếu niên: mình trần, tay cầm tạ và chỉ có một mình. “Con trai tớ, Mark” cậu chỉ nói có vậy. Một cú lướt ngón nữa và lộ ra bức ảnh tiếp theo, “Đây là con gái tớ”. Cậu ta không nhắc gì đến tên “Con bé đang học đại học California”. Chấm hết. Không một bức ảnh nào các con chụp chung với bố. Người bạn cũ của tôi vẫn trong hôn thú với người vợ thứ hai nhưng chẳng nhắc gì đến cô ấy. Không ảnh. Không gì hết.

Thế có nghĩa là cậu ấy không yêu vợ và các con? Không phải. Có thể anh ấy tha thiết muốn gắn bó với gia đình nhưng một số lý do cá nhân nào đó hoặc những tình cảnh mà ta chưa biết có thể khiến cho chuyện đó trở nên khó khăn. Trong trường hợp ấy, mối quan hệ của họ không suôn sẻ và tình yêu thương của anh dồn cho chú chó. Hoặc, biết đâu anh ấy là người có cái tôi rất cao, hoàn toàn chỉ chú ý đến bản thân mà không quan tâm gì đến gia dình. Anh ấy dựng nên một hình ảnh bản thân phù phiếm bằng cách trưng ra những người quen biết nối tiếng. Chúng ta không biết chắc được khi chỉ dựa vào một cuộc trò chuyện ngắn ngủi, nhưng chúng ta biết chắc rằng mối quan hệ của anh ấy với vợ và con không được tốt đẹp và anh ấy không bao giờ có ý chia sẻ với tôi về điều đó.

Tất cả những điều trên đều đúng trong những cuộc trò chuyện và những tình huống tự phát khi người ta chưa suy nghĩ chín chắn. Trong những trường hợp cẩn trọng – như một cuộc thương thảo hoặc một cuộc hòa giải – một người làm nghề có kinh nghiệm không mấy khi chủ động thể hiện sự quan tâm thực sự của mình nhằm tránh mất đi lợi thế. Do đó, chính việc một người hoàn toàn lờ đi cái gì đó mà đáng ra thu hút sự chú ý của anh ta (một con vượn nặng 200kg!!!) nói cho chúng ta biết rằng đây hẳn là một điều gì đó thực sự thu hút sự chú ý của anh ta.

Nhiều năm về trước, tôi đã mời một nhà môi giới nghệ thuật tới nhà để ngắm năm bức tranh tôi được thừa kế từ bà dì quá cố. Tôi đã không kiểm tra thông tin của anh chàng vì gã đó là “bạn của một người bạn của một người bạn”. Sau khi nhìn qua bộ sưu tập trong vài phút yên lặng, gã gọi một cú điện thoại rồi nói đại loại kiểu: “Thực sự mấy bức tranh này chẳng đáng giá lắm. Có thể cái này [chỉ vào một bức] đáng vài trăm đô, nhưng tôi có thể đem tất cả chúng đến khu thanh lý trong nhà trưng bày của tôi và có được vài nghìn đô. Tôi sẽ trả ông ba nghìn đô la, ông nghĩ sao?” Tôi đâu biết gì nhiều về nghệ thuật. Thôi, đành phải thú thực là tôi chẳng biết gì cả. Nhưng tôi biết bản chất con người và tôi để ý thấy gã hoàn toàn lờ đi một bức tranh nhỏ. Tôi cảm thấy tò mò vì gã nhìn tất cả những bức kia ít nhất hai lần, thậm chí cả những bức mà sau đó gã nói là “vô giá trị”.

Tôi từ chối đề nghị của gã và cảm ơn gã đã đến. Gã nâng giá lên. Tôi từ chối. Lại nâng lần nữa. Sau vài lần nâng giá tiếp theo và nhiều lần “giá chốt”, rõ ràng như ban ngày là không thể tin vào gã được. Gã bực bội rời đi, và tôi gọi điện cho một nhà thẩm định nghệ thuật (không phải là một nhà môi giới, nhưng người này sẽ tính tiền phí dịch vụ). Hóa ra, trong khi bốn trong số năm bức tranh – trong đó có bức mà gã môi giới kia nói đáng giá chút đỉnh – chẳng đáng giá bằng tấm toan vẽ của chúng, thì bức tranh nhỏ mà gã lờ đi ấy lại đáng gần gấp bảy lần cái “giá chốt” của gã.

Biểu tượng

Một người mẹ đang ôm đống quần áo của đứa con mới sinh. Cô chọn từng món nhỏ xíu đáng yêu đã được mua với đầy lòng yêu thương ra khỏi rổ và lấy tay là thẳng chúng, cô mỉm cười. Cô gấp quần áo sạch gọn gàng và bỏ chúng vào ngăn kéo bàn em bé. Với một tiếng thở dài hài lòng nhè nhẹ, cô ngắm nghía tác phẩm gọn ghẽ của mình rồi đóng ngăn kéo lại.

Qua thái độ vui vẻ của cô khi làm một việc mà với người khác quá đỗi nhàm chán, người mẹ đã thể hiện được tấm lòng của mình; cô trân quý đứa con này. Chúng ta biết thế vì bàn tay cô nâng niu đồ dùng của con bằng tình yêu thương và dịu dàng hết mực. Tương tự, một người có thể nâng niu một món đồ thuộc về cha mẹ hoặc ông bà yêu dấu; bản thân món đồ đó có thể tái chế thì ích lợi hơn, nhưng người này xem nó như một bảo vật vô giá. Ý niệm về biểu tượng, được minh họa bởi những cảnh huống này, đã nói lên rằng chúng ta có thể hiểu cảm nhận của ai đó về ai đó thông qua cách họ đối xử với đồ vật liên quan đến người đó. Trong toán học, đây chính là tính chất bắc cầu: Nếu A = B và B = C thì A = C. Tất nhiên, tâm lý học không giống toán học, đây không phải là quy tắc tuyệt đối. Nhưng nó một cánh cửa nữa để nhìn vào và thấu hiểu hành vi của người khác.

Biểu tượng có thể tiết lộ những điều quan trọng mà khó có thể lượm lặt được theo cách trực diện hơn. Ví dụ, một người đột ngột ly hôn với người chồng thứ hai (sau ba tháng lấy nhau) đang lo lắng về những thay đổi của cô con gái nhỏ trước sự vắng mặt của người cha dượng. Tôi gợi ý cô nên cho con một chú gấu bông và nói với con rằng đó là của cha dượng. Nếu đứa trẻ ôm con gấu đó thật chặt vào lòng thì có thể cho rằng cô bé đang nhớ cha dượng. Nếu, mặt khác, cô bé có vẻ như không hứng thú gì với nó, thì người mẹ có thể suy ra rằng đứa trẻ cảm thấy một chút, nếu có, gắn bó cảm xúc với anh ta. Nếu cô bé bực bội – và tức giận với anh ta – cô bé có thể có hành vi hủy hoại nào đó với con gấu hoặc ném nó vào góc một cách tàn nhẫn hoặc cố gắng móc đôi mắt ra khỏi cái đầu mềm mại của nó. Một lần nữa tôi xin nhắc lại là tôi không nói là chúng ta nên rút ra một kết luận tuyệt đối nào, nhưng cách cô bé đối xử với chú gấu bông đại diện (cho người cha dượng này) sẽ chỉ cho chúng ta biết hướng đi đúng.

Tất cả chúng ta đều dịch chuyển qua lại trong không gian cảm xúc giữa bản thân ta với người khác thông qua rất nhiều cơ chế ngôn ngữ. Chỉ cần lắng nghe một chút thay đổi trong ngôn ngữ là chúng ta có thể biết được ai đó có muốn đến gần hay đang tìm cách lánh xa chúng ta. Điều này rất hữu dụng khi chúng ta muốn tìm hiểu mức độ hòa hợp trong bất kỳ mối quan hệ nào, dù mới hay cũ.

Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ xây dựng một bộ kỹ năng với những phương pháp nhanh chóng xác định được ai là người hứng thú, ai là người hờ hững trong bất kỳ một cuộc trò chuyện hay bối cảnh nào.

Chú thích

(1) Chúng ta hay đánh giá sức mạnh theo chiều dọc, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bất cứ khi nào ai đó được yêu cầu minh họa bậc thang xã hội hoặc cấp bậc trong công ty, họ thường sử dụng chiều dọc và đặt người có quyền cao hơn ở trên cao, người quyền thấp hơn ở dưới. Điều này cho ta hiểu rõ hơn cách con người nhìn nhận bản thân và người khác trong bất kỳ một cấu trúc cấp bậc nào. Xem T. W. Schubert, “Your Highness: Vertical Positions as Perceptual Symbols of Power” (Kính ngữ dùng trong vương thất: Những vị trí sắp xếp theo chiều dọc như là biểu tượng nhận thức về quyền lực) Journal of Personality and Social Psychology 89, số 1 (2005): 1-21; doi: 10.1037/0022-3514.89.1.1.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHÂN TỐ THỨ NĂM: TỰ BÀO CHỮA VÀ HỢP LÝ HÓA

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU