NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO

SHUNRYU SUZUKI

Trích từ bài giảng Tham Đồng Khế do Viên Chiếu dịch

Mạch nguồn là một cái gì đó tuyệt diệu, không thể mô tả bằng lời, không ngôn ngữ nào có thể chạm đến. Điều Đức Phật nói đến là Mạch nguồn của giáo lý, siêu việt mọi so sánh tốt xấu. Điều này rất quan trọng. Những gì mà tâm quý vị có thể nắm bắt và hình thành khái niệm đều không phải là Mạch nguồn. Mạch nguồn là điều mà chỉ người đã liễu ngộ mới biết được. Dù vậy, quý vị tu tập hay không tu tập, quý vị có liễu ngộ hay không liễu ngộ, có một cái gì đó vẫn luôn tồn tại, trước cả khi ta nhận ra nó, đó chính là Mạch nguồn. Đó không phải những gì quý vị có thể nếm. Mạch nguồn đích thực không đậm đà hương vị mà cũng không vô vị.

Câu “Linh nguyên minh hạo khiết” – “Nguồn linh sáng trong veo”, muốn đề cập tới lý. Lý là mạch nguồn của giáo lý siêu việt ngữ ngôn. Mạch nguồn chân thật, lý, vượt lên trên khả năng tư duy của chúng ta; nó thanh khiết không một vết nhơ. Khi mô tả nó, quý vị đã đặt nó trong một giới hạn rồi. Cũng giống như bạn làm nhơ chân lý vậy. Tâm Kinh Bát Nhã nói: “không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp…” – đó chính là lý.

Câu tiếp theo là “Chi phái ám lưu chú” – “Chi phái thầm tuôn trào”, hay “Những nhánh sông thầm trôi”. Chi phái có nghĩa là những chi nhánh. Ngài Thạch Đầu dùng từ “chi phái” như một thủ pháp nghệ thuật, hai câu thơ có mỹ cảm hơn và hai từ “nguồn linh” và “chi phái” đối nhau. Nguồn linh thuộc về bản thể nhiều hơn, trong khi chi phái thiên về hiện tượng hơn. Nói “bản thể” hay “hiện tượng” đều không hoàn toàn đúng, nhưng tôi phải tạm nói như vậy. Vì thế cần phải nhớ hai thuật ngữ: lý và sự.

Sự đề cập tới hiện tượng – những gì ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và cả những đối tượng như tư tưởng hay ý tưởng. Những gì mà ý thức chúng ta có thể xác định được đều là Sự. Những gì vượt ra ngoài ý thức của chúng ta – bản chất của thực tại – chính là Lý.

Trong bóng tối, những chi nhánh tỏa ra tuôn chảy khắp nơi, cũng giống như nước vậy. Mặc dù chúng ta không để ý tới nước, nước vẫn có đó. Nước có trong cơ thể chúng ta và có trong thân cây, ở đâu cũng có nước. Cũng vậy, mạch nguồn tinh khiết có khắp mọi nơi. Bản thân mỗi chúng sinh là mạch nguồn tinh khiết và mạch nguồn tinh khiết là mỗi chúng sinh. Không phải là hai sự vật khác nhau. Không có sự khác biệt giữa lý và sự, mạch nguồn tinh khiết và chi nhánh. Chi nhánh là mạch nguồn tinh khiết và mạch nguồn tinh khiết là chi nhánh. Mạch nguồn tinh khiết đang chảy khắp nơi cho dù bạn không biết tới nó. Sự không biết này chính là cái chúng ta gọi là bóng tối, sự vô minh; và đây là một điều rất quan trọng.

“Chấp sự nguyên thị mê” – Chấp sự vốn mê muội. Chấp sự có nghĩa là dính mắc vào những gì quý vị thấy. Khi cho rằng mỗi chúng sinh là khác biệt nhau, ta sẽ nhìn mỗi chúng sinh như một thực thể riêng biệt và thường thì ta dính mắc vào điều gì đó. Tuy vậy, ngay cả khi quý vị thông hiểu sự thật rằng mọi sự vật đều chỉ là một, điều đó không phải lúc nào cũng là giác ngộ. Nó có thể là giác ngộ, nhưng không phải lúc nào cũng là như thế. Nó có thể chỉ là sự thông hiểu trên bình diện tri thức.

Một người đã giác ngộ không bỏ qua mọi việc nhưng cũng không dính mắc với điều gì, kể cả khi điều đó là chân lý. Không có sự thật nào khác với sự hiện hữu của mỗi chúng sinh. Tự thân mỗi chúng sinh là chân lý. Quý vị có thể nghĩ rằng có một chân lý nào đó vận động đằng sau mỗi chúng sinh, điều khiển và dẫn dắt mọi sự. Chân lý này, bạn có thể nghĩ cũng giống như chân lý về trọng lực. Nếu mỗi trái táo là một chúng sinh thì phía sau trái táo là một chân lý tác động lên chính trái táo, như trọng lực chẳng hạn. Hiểu mọi việc theo cách ấy không phải là giác ngộ. Dính mắc vào chúng sinh, tư tưởng, hay thậm chí là vào giáo lý của Đức Phật và nói rằng: “Giáo lý của Đức Phật nói thế này”, là vẫn còn chấp vào sự. Như thế không phải là giác ngộ.

Đây là cốt lõi của Tham Đồng Khế.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ
  3. KHÔNG CÓ GÌ LÀ ĐẶC BIỆT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP