NHẬN BIẾT BẢN TÁNH CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ KINH NGHIỆM

GARAB DORJE

Trích “Những Chữ Vàng”
Tác giả: Garab Dorje với bình giảng của Dza Patrul Rinpoche
Việt dịch: Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức
Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2002
Ảnh nguồn Internet
???
Nếu chúng ta không có xác tín vào con đường đến giải thoát này, xác tín vào sự tự-giải thoát của những tư tưởng lan man ngay khi chúng sanh khởi trong tâm thức, và không lấy nó làm điểm thiết yếu của thực hành, bấy giờ một lần nữa chúng ta lại rơi vào tiềm năng biến thành đa dạng của tâm thức. Chúng ta sẽ thấy mình lại sống trong những bóng dáng phản chiếu và những cảnh tượng luôn luôn đổi thay của giấc mộng sanh tử. Và chúng ta càng sớm thấy mình bị tràn ngập bởi những dòng chảy ngầm của tư tưởng như nước ẩn dưới những lớp cỏ cao trong vùng đầm lầy. Lần nữa, chúng ta thấy mình bị mắc bẫy, tiếp tục tích tập nghiệp và lưu chuyển trong sanh tử. Tuy nhiên, những tư tưởng của chúng ta, dù thô dù tế, nếu chúng được tự giải thoát không chút dấu vết, như những đám mây tan trong bầu trời, bây giờ chúng ta sẽ không sản sinh nghiệp mới nào nữa. Như vậy, bất cứ tư tưởng mới nào khởi lên, chúng không được để cho trở thành một dòng chảy ngầm những vọng tưởng sinh sôi. Nếu khác đi chúng ta sẽ mắc vào một mạng lưới ký ức do tâm thức tạo ra. Nhưng hơn thế, chúng ta phải tiếp tục ở trong một trạng thái tỉnh biết tự nhiên tự xảy ra và không bao giờ lìa khỏi trạng thái đó. Trong đường lối đó, chúng ta đến chỗ nhận biết bản tánh của bất kỳ tư tưởng nào khởi sanh. Ở đây chìa khóa là nhận biết. Tư tưởng khởi sanh, chúng ta xoay sự chú ý của mình vào chúng, nhận biết chúng thực sự là gì, và không theo chúng, để cho chúng ở trong thể trạng bẩm sinh của chính chúng và tan biến về phần chúng. Điều này cũng giống như gặp người nào trên đường phố chúng ta đã từng gặp trước đó. Chúng ta chào mừng nhau và rồi đường ai nấy đi. Đây là điểm thiết yếu của thực hành và phương pháp này được biết là gcer-grol, “giải thoát qua sự chú ý thuần túy”.
Trong ngữ cảnh hiện giờ, dran-pa, thường có nghĩa là “trí nhớ”, “nhớ”, có nghĩa là tỉnh biết, chánh niệm (Skt. smrti, Pali sati). Chánh niệm là sự thăng bằng của Rigpa, sẵn sàng hướng sự chú ý của nhận biết đến bất kỳ tư tưởng nào khởi sanh nơi chân trời. Điều này ví như một thợ săn kiên nhẫn chờ đợi trong một chỗ kín đáo, cung tên sẵn sàng khi con nai xuất hiện. Anh ta đợi, tâm thức cảnh giác và tỉnh biết, không chút xao lãng, dù có chờ hàng giờ. Nếu anh xao lãng, anh sẽ lỡ dịp khi con nai xuất hiện. Ở một mức độ nào, sự chú ý và tiến trình nhận biết này là công việc của tâm thức, như nhận ra một khuôn mặt thân quen giữa đám đông hay một người đi săn thấy được một con nai giữa cây cối. Nhưng khi một tư tưởng khởi sanh, nếu chúng ta nghĩ “Ồ, một tư tưởng đã sanh ; ta phải giải thoát nó!” thì đây là một lỗi lầm trong thực hành. Sự nhận biết phải gần như tự động và tức khắc, và rồi người ta để cho tư tưởng giải thoát bởi chính nó. Chúng ta ở trong tham thiền tất cả thời gian và không trụ vào hoặc can thiệp vào tư tưởng. Chúng ta để cho nó vận hành theo cách của nó mà không theo nó. Bấy giờ nó sẽ tan biến về phần nó. Chúng ta để cho những tư tưởng tan biến vào bầu trời tâm mà không để lại dấu vết. Chúng ta chỉ quan sát những đám mây biến mất trong bầu trời để có một cảm nhận về tiến trình này. Những tư tưởng trong tâm tan biến trong tâm; chúng không có chất thể hơn hạt sương buổi sớm.
Chúng ta tiếp tục thực hành vào lúc ban đầu như vậy. Nhưng nếu chúng ta không đi đến cùng tiến trình, nếu chúng ta không tịnh hóa những tư tưởng của chúng ta bằng cách để cho chúng tự giải thoát mà chỉ nhận biết chúng như là tư tưởng, bấy giờ chúng ta sẽ không thành công trong việc cắt đứt dòng hoạt động lưu chuyển của tâm thức. Điều này giống như thấy chính mình trong một giấc mộng minh bạch. Chúng ta nhận biết giấc mộng là một giấc mộng, trong trường hợp này, thật dễ dàng trôi tuột trở lại vào vô thức, lầm lẫn giấc mộng cho là cái gì có thực. Thế nên, trước hết chúng ta nhận biết mỗi tư tưởng là một tư tưởng, không có những ý niệm hay hoạt động của trí óc xen vào. Chúng ta nhận biết trí huệ (ye-shes) mà chúng ta đã từng gặp trước kia, trí huệ biết những tư tưởng là trống không, và tuy vậy biết rằng chúng là những biểu lộ của năng lực, và chúng ta ở trong trạng thái đó. Nhưng đồng thời với sự nhận biết này, chúng ta để cho tư tưởng tự giải thoát bởi chính nó, tan biến vào hiện trạng bổn nguyên của nó là tánh Không và tiềm năng thanh tịnh mà không để lại dấu vết. Như thế, sự nhận biết này và sự giải thoát này phải xảy ra đồng thời.
? Thiền Định và Tự-Giải Thoát
Khi chúng ta ở trong trạng thái tham thiền, dù những tư tưởng có khởi sanh, chúng không có sức mạnh để làm chúng ta phóng dật và làm hại sự tham thiền của chúng ta. Những tư tưởng có thể khởi sanh như trước đây, bởi vì đó là sự hoạt động tự nhiên của tâm, nhưng sự giải thoát của những tư tưởng ấy không phải là kinh nghiệm của người bình thường mà là của Thiền giả. Đối với thiền giả, khi tư tưởng khởi, chúng không bị tác động của phán xét hay những tiến trình tâm thức khác. Chúng vẫn chỉ là “những trang hoàng” (rgyan) của bản tánh của tâm. Tánh Giác vốn sẵn giống như tấm gương phản chiếu tất cả hoạt động trí óc bận rộn này, nhưng nó chẳng tương can và chẳng nhiễm gì việc đó, như một người già ngồi trong công viên xem những đứa bé đang chơi. Nhưng nếu chúng ta chạy theo những tư tưởng này, lúc đó chúng ta trở nên giống như người cha của triết gia Chandrakirti, ông treo trên giường một bao gạo lớn bằng dây thừng trên kèo nhà. Và khi đang tính toán và mơ mộng về điều sẽ làm với tài sản của mình, thì đứt dây. Bao gạo rơi xuống đầu và ông chết tức khắc.
Nếu chúng ta biết những phương pháp thiền định, nhưng không biết những phương pháp giải thoát, chúng ta sẽ giống như chư thiên ở trên những cõi Thiền hay những bình diện tâm thức khác nhau. Chúng ta sẽ chỉ duy trì trạng thái tĩnh lặng với thực hành Shamatha. Thế nên cần biết phải phá vỡ Shamatha của chúng ta và đi vào quán chiếu cao hơn hay Vipashyana. Một số học giả nói rằng chỉ nhận biết trạng thái tĩnh lặng như là cái đối nghịch với sự chuyển động của tư tưởng là đủ. Nhưng đó là một sai lầm, vì chúng ta sẽ thấy mình có nguy cơ bị tràn ngập bởi những hoàn cảnh đối nghịch, quên mọi điều chúng ta đã học. Trong thực hành Vipashyana, chúng ta không nghiêm ngặt ở trong một cái biết thản nhiên chẳng can dự nữa, thụ động xem coi hoạt động vui chơi của những tư tưởng như ông già xem những đứa trẻ chơi đùa, mà sự tỉnh giác của chúng ta hội nhập với hoạt động, đến độ không có gì khác nhau giữa hoạt động và tỉnh giác. Nhưng một hành giả không thể làm điều này chừng nào người ấy còn tách lìa tỉnh giác với hành động, chẳng hạn như trong những thực tập Rushan. Mục đích không phải là Kaivalya, sự biệt lập của tỉnh giác với hoạt động, như trong trường hợp triết học Janism và Samkhya, mà là sự hội nhập của chúng (Skt. yuganaddha). Đây là viễn cảnh trong đó Dzogchen khác với nhiều hệ thống thiền định khác, chúng xác định mục đích là sự biệt lập (Skt. kaivalya) của một cái tỉnh giác hay thức thụ động (được gọi bằng nhiều từ Sanskrit khác nhau purusa, jiva hay atman) đối với trò chơi của năng lực tức là thế giới và thiên nhiên (Skt. prakrti). Trong Dzogchen, tánh Giác là hoạt động cũng như Phật quả thì hoạt động trong thế giới, mặc dù tinh túy của nó siêu vượt thế giới.
? Sự Sanh Khởi của Tư Tưởng Trở Thành Thiền Định
Khi chúng ta quen cách này một thời gian lâu, thì sự sanh khởi của tư tưởng lại trở thành chính bản thân thiền định. Không có sự khác biệt nào giữa tư tưởng sanh khởi hay không sanh khởi. Những biên giới giữa trạng thái tĩnh lặng và chuyển động của tư tưởng hoàn toàn sụp đổ. Sự chuyển động của tư tưởng giờ đây được trực tiếp thấy là ánh sáng không thể diễn tả, sự biểu lộ của quang minh trong sáng của Nền Tảng, cái này là Trạng Thái Bổn Nguyên. Những chuyển động này chẳng đụng chạm gì đến sự bình an sâu xa ở trung tâm. Chuyển động không xảy ra như những tư tưởng lan man phóng dật mà tự thân hạn hẹp và trở ngại, nó xảy ra như một hiểu biết hay trí huệ trực tiếp và tức thời thấu suốt trực tiếp khắp mọi chỗ. Những tư tưởng tự nhiên biểu lộ chính là cái hiểu biết thấu suốt trực tiếp này, mà không có tiến trình can thiệp nào của việc chuyển hóa cái nhìn thấy thuộc nghiệp báo bất tịnh thành cái nhìn thấy thanh tịnh, như trường hợp thực hành hệ thống Tantra. Dù đối với người quan sát bên ngoài, tâm thức của Thành Tựu giả thấy giống như một tâm thức bình thường một cách đáng thất vọng bởi vì những tư tưởng rất thế tục vẫn tiếp tục sanh khởi ; nhưng ở đây chẳng có gì ngọt ngào nhẹ nhàng cả. Thiền giả tiếp tục ham muốn, đói khát và đại tiểu tiện chừng nào anh ta còn ở trong một thân xác, sản phẩm của nghiệp quá khứ. Dù mặt trời buổi sáng chiếu vào băng giá, băng không tan tức thời ; tương tự, tất cả những phẩm tính của giác ngộ không tức thời biểu lộ, dù tâm thức đã chứng nghiệm giác ngộ. Nhưng trong khi cá nhân bình thường bao giờ cũng cố gắng tạo ra hay đè nén những tư tưởng và như thế tiếp tục tích tập năng lực của các hành (những thúc đẩy vô thức), thiền giả chứng nghiệm sự giải thoát của những tư tưởng này ngay khi chúng vừa khởi sanh.
???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỊNH TÂM VÀ HỌC BUÔNG XẢ
  2. BỐN CÁCH THỨC GIẢI THOÁT
  3. TỊNH QUANG MẸ VÀ CON

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG