TỊNH QUANG MẸ VÀ CON

GARAB DORJE

Trích: Những Chữ Vàng – Thiền Tối Thượng Thừa Của Phật Giáo Tây Tạng; NXB. Thiện Tri Thức, 2002

Trong thực hành thiền định, chúng ta nhận biết rằng bất cứ tư tưởng nào khởi lên đều biểu thị năng lực hay tiềm năng của tánh Giác biểu lộ. Tánh Giác này như mặt trời trong bầu trời, và năng lực của nó như những tia sáng mặt trời. Chúng ta nhận biết rằng mọi tư tưởng lan man này, bất kể chúng dị biệt thế nào, bản tánh của chúng chính là Tịnh Quang thực sự của Nền Tảng, nó không gì khác hơn là Pháp thân, Mẹ Vĩ Đại. Và bản tánh hay cội nguồn này được gọi là Tịnh Quang Mẹ thường trụ như Nền Tảng.

Quả thực, Tịnh Quang là thể trạng hay cách thế hiện hữu (gnas-lugs) tự nhiên của chúng, cách thức trong đó những tư tưởng hiện hữu một cách tự nhiên. Và Bà Mẹ này là một cái gì phổ quát hơn là cá nhân, theo nghĩa dù có nhiều vị Phật khác nhau xuất hiện ở khắp thời gian và không gian, tất cả các ngài đều tham dự trong một Pháp thân duy nhất siêu vượt khỏi mọi nhị nguyên và đa nguyên.

Chúng ta nhận ra Tịnh Quang nhờ đã được đưa vào cái thấy hiểu bởi đạo sư, ngài chỉ nó cho chúng ta, “Đây là Tịnh Quang của Tự Tánh Giác Rigpa vốn sẵn của anh”. Cái Tịnh Quang cá nhân mà đạo sư đưa chúng ta vào và chúng ta cứ kinh nghiệm trở đi trở lại trong thiền định của chúng ta suốt cả đời mình, được biết là Tịnh Quang của Con Đường hơn là Tịnh Quang của Nền Tảng. Cái quang minh gặp trên con đường này cũng được biết là Tịnh Quang Con, khác với Tịnh Quang Mẹ. Đứa con này giống như một tia sáng nhỏ của toàn thể Tịnh Quang. Chẳng hạn, nó không khác gì một ngọn đèn sáp so với mặt trời giữa trưa là nguồn của mọi ánh sáng. Con, Tịnh Quang của Con Đường, được kinh nghiệm trong thực hành thiền định của chúng ta trong suốt đời, nhưng Mẹ, Tịnh Quang của Nền Tảng lúc chết mới gặp được khi Tịnh Quang hiển lộ vào lúc bắt đầu Bardo (Trung Ấm) của Thực Tại.

Trong truyền thống Dzogchen, ba Bardo hay ba trạng thái trung gian được phân biệt theo cái chết và tái sanh:

  1. Bardo của Khi Chết (chi-khai bardo),
  2. Bardo của Thực Tại (chos nyid bardo),
  3. Bardo của Hiện Hữu (Srid-pai bardo).

Tịnh Quang Mẹ biểu lộ vào lúc bắt đầu của Bardo thứ hai trước khi những hiện ảnh của những Hóa Thần Bổn Tôn Bình An Và Hung Nộ sanh khởi. Với kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta, Bardo Khi Chết tương ứng với tiến trình rơi vào giấc ngủ, và Bardo của Thực Tại tương ứng với sự biểu lộ trong khoảnh khắc của Tịnh Quang trước lúc bắt đầu mộng, trong khi bản thân trạng thái mộng tương ứng với Bardo của Hiện Hữu.

Nhưng trừ phi chúng ta thực hành tham thiền suốt đời, sự biểu lộ của Tịnh Quang sẽ xảy ra quá nhanh và chớp nhoáng đến độ chúng ta sẽ không nhận ra nó. Nhưng nếu chúng ta thực hành tham thiền trong trạng thái thức, bấy giờ khi chúng ta chết, chúng ta sẽ sẵn sàng. Vào lúc chết, khi Tịnh Quang hiện lên, chúng ta sẽ nhận ra nó và chúng ta sẽ có khả năng giải thoát tức thời vào Pháp thân. Đây là loại Phowa hay chuyển di tâm thức cao nhất. Vào lúc này khi Tịnh Quang của Con Đường và Tịnh Quang của Nền Tảng hòa lẫn và hợp nhất bất khả phân, đó gọi là sự gặp gỡ của Tịnh Quang Mẹ và Tịnh Quang Con. Điều này giống như một đứa con nhận ra bà mẹ thương yêu của nó sau một cuộc chia ly dài do sự lang thang lạc lõng của nó.

Chẳng hạn vào thời xưa, một người dự quán đảnh nhập môn vào những Nghi Lễ Huyền Bí (của Hy Lạp, La Mã cổ đại) được dẫn qua một loạt những phòng tối, gần như một mê cung, bao vây bởi những âm thanh khủng khiếp và những sự hiện diện đáng ngại. Rồi đến căn phòng làm lễ, căn phòng cuối cùng, có một sự tỏa sáng đột ngột. Giáo sĩ tấn phong gọi thí sinh đến dự, “Hãy nhìn ánh sáng, con ta! Nó chính là bản tánh và đời sống của con”. Chính cái epopteia này, hay tỏ sáng thình lình, là sự đưa vào Tịnh Quang, nó chính là tự tánh của chúng ta. Quá trình quán đảnh nhập môn trong những tôn giáo Bí Mật cổ thời bắt chước kinh nghiệm chết và tái sanh và dẫn thí sinh vào cái ở bên trên, để người ta không phải sợ chết nữa. Tiến trình nhập môn này có thể so sánh với Tử Thư Tây Tạng.

Qua sự thực hành tham thiền, chúng ta trở nên quen thuộc với Tịnh Quang của Con Đường. Tịnh Quang của Nền Tảng (Pháp thân) là cội nguồn từ đó lưu xuất những tư tưởng và tình cảm như là những đại diện của năng lực sáng tạo bẩm sinh của nó. Như vị giáo sĩ nghi lễ huyền bí, đạo sư đưa vào ánh sáng của con đường và chúng ta theo ánh sáng này trong sự thực hành của chúng ta. Như vậy, cuối cùng chúng ta khám phá được, trong một khoảnh khắc sáng tỏ và tự nhận biết, một hiểu biết hay trí huệ, nó không chỉ là kiểu mẫu thí dụ mà là thực sự. Chúng ta khám phá Tịnh Quang của Phật tánh sẵn có của chúng ta. Trước kia đạo sư đã đưa chúng ta vào cái tỉnh giác quang minh sẵn có này, và nhờ cái thấy hiểu Tịnh Quang này, chúng ta nhận biết được chính mình. Như thế chúng ta thể hiện sự quán đảnh nhập môn tối hậu, và điều này đưa ta vượt lên khỏi Tantra, tiến trình chuyển hóa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO
  2. TU TẬP TRONG ÁNH SÁNG CỦA PHẬT
  3. SỰ TĨNH LẶNG CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN BIẾT BẢN TÁNH CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ KINH NGHIỆM
  2. ĐỊNH TÂM VÀ HỌC BUÔNG XẢ
  3. BỐN CÁCH THỨC GIẢI THOÁT

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG