ĐỊNH TÂM VÀ HỌC BUÔNG XẢ

GARAB DORJE

Trích: Những Chữ Vàng – Thiền Tối Thượng Thừa Của Phật Giáo Tây Tạng; Garab Dorje với bình giảng của Dza Patrul Rinpoche; NXB Thiện Tri Thức.

Phận sự đầu tiên của người mới thực hành Dzogchen là học buông xả (lhod-pa), bởi vì, nếu chúng ta không buông xả đúng ngay từ lúc khởi đầu, chúng ta sẽ thấy mình quá đầy năng lực tâm linh, và dòng chảy của tư tưởng do đó sẽ tràn ngập tâm thức chúng ta. Chúng ta sẽ thấy mình không ngừng phóng dật, xao lãng. Khi bề mặt tâm thức chúng ta bị xao lãng và nhiều loạn bởi những làn sóng mê rối và ồn náo của những tư tưởng hư vọng, những tư tưởng thô lan man này đuổi theo những đối tượng của chúng và sẽ che ám dấu kín khuôn mặt thật của bản tánh của tâm, như một tầng mây dầy che ám và dấu đi khuôn mặt của mặt trời trong bầu trời. Như thế, dù Rigpa là tánh tỉnh giác nội tại của bản tánh của tâm có được giới thiệu cho chúng ta vào lúc đó, chúng ta sẽ không nhận ra nó, và sự đưa vào không thành. Dưới những điều kiện như vậy, sự tự tri giác sẽ rất khó khăn. Thế nên, để thuận lợi cho sự đưa vào này, những tư tưởng phóng dật thô này phải được để cho yên xuống và sáng tỏ từ chính chúng, để tâm thức chúng ta trở nên bình lặng và trong sáng. Điều này cũng giống như để cho cặn bẩn làm đục nước được lắng xuống, cho cái hồ trong trẻo và sáng tỏ. Tiến trình sơ bộ làm yên tâm thức này được biết là Shamatha (zhi-gnas), và điều này phải được hoàn thành trước tiên khi sự đưa vào được thực hiện.

Để buông xả tâm thức và khám phá một trạng thái bình lặng ở đó tư tưởng không làm chúng ta xao lãng nữa, chúng ta cần thực hành định tâm (gtad-pa) trên đối tượng thiền định nào đó. Đối tượng nào không làm căng thẳng sự chú ý của chúng ta đều thích hợp, nhưng trong truyền thống Dzogchen, đặc biệt trong Semde Dzogchen, chúng ta định tâm trên sự quán tưởng chữ A Tây Tạng màu trắng treo trong không gian trước mặt chúng ta. Nếu tâm thức bị xao động, quán tưởng chữ nên thấp xuống ; nhưng nếu hôn trầm, chữ cần được nâng cao. Bình thường, chữ A màu trắng được giữ ở ngang tầm mắt, xa một khoảng cách thuận tiện. Chúng ta ngồi thiền trên một chỗ ngồi tiện nghi, điểm thiết yếu của thân là giữ xương sống thẳng đứng. Rồi quán chữ A trắng khi đọc “Ahh…” chậm rãi và lập lại. Theo cách này, sự chú ý, năng lực và quán tưởng của chúng ta đều hòa nhập, và sự hòa nhập này giúp cho sự tập trung. Định tâm sắc bén vào chữ A trắng sẽ không có chỗ nào cho tư tưởng phóng dật khởi lên. Sau khi định tâm sắc bén, chúng ta buông xả một ít, và điều này sẽ cho phép tư tưởng khởi sanh trở lại. Việc tư tưởng có khởi sanh không thành vấn đề, bao giờ sự chú ý chúng ta còn tập trung vào chữ A và chúng ta không chạy theo những tư tưởng này. Chúng ta không nên căng thẳng khi thực hành, ngoài ra, chúng ta nên để cho mình có không gian trống trải và hãy chỉ thực hành từng thời ngắn.

Khi chúng ta cảm thấy hoàn tất và quen thuộc với thực hành định tâm với một đối tượng, bấy giờ chúng ta có thể tiến hành định tâm không đối tượng. Ở đây chúng ta bỏ sự quán tưởng chữ A trước mặt và chỉ an định sự chú ý của chúng ta vào cùng chỗ cũ trong không gian, bây giờ trống không.

Nếu chúng ta cố gắng rắp tâm đè nén tư tưởng, chúng ta sẽ thấy rằng phương pháp này sẽ không thành công. Thứ nhất, sở dĩ như thế vì sự sanh khởi những tư tưởng là một hoạt động, một công dụng tự nhiên của tâm. Không phải một trạng thái tĩnh lặng của tâm không có tư tưởng nào là một điều tốt, trong khi có tư tưởng là điều gì xấu. Nghĩ như thế là sai lầm, hơn nữa làm ngăn ngại tiến trình với những phán đoán và đánh giá. Cả hai trạng thái tĩnh và động của tư tưởng chỉ là những kinh nghiệm mà chúng ta có trong thiền định. Trong thực hành của mình, chúng ta không nên bị vướng mắc vào những kinh nghiệm như vậy, không nhận lấy cũng không chối bỏ chúng. Những kinh nghiệm này đơn giản để là tự chúng, và nếu không có tâm can thiệp hay tác động chúng, phần chúng sẽ tự tan biến trở lại vào thể trạng bổn nguyên của chúng. Thể trạng bổn nguyên này là trạng thái của tánh Không.

Thứ hai, nếu tâm thức chúng ta cố gắng can thiệp và đầy những tư tưởng ấy xuống dưới ngưỡng của thức, chúng sẽ chỉ thu hút một số năng lượng tương đương với nỗ lực dồn nén chúng. Và thậm chí chúng bị dồn nén một cách có hiệu quả, chúng sẽ được nạp năng lượng đầy đủ để gây cho chúng ta những quấy nhiễu trong tương lai, dù chúng ta không nhận biết được nữa một cách ý thức ảnh hưởng của chúng. Chính ở đây sự định tâm tác động một cách gián tiếp, bởi vì năng lực của chú ý được tập trung ở nơi khác hơn là vào những tư tưởng phóng dật này. Do tập trung sự chú ý có ý thức vào một đối tượng đặc biệt nào đó của thiền định, không còn chỗ cho tư tưởng phóng dật khởi sanh và chúng không nhận được sự nạp mới năng lượng nào.

Bởi thế, buông xả, thư giãn là chìa khóa của thực hành Dzogchen, và vì lý do đó, Dzogchen cũng được biết là “đại buông xả” (lhod-pa chen-po), nghĩa là, nó tiêu biểu một trạng thái sâu xa của sự buông xả, thư giãn toàn diện. Đây cũng là nghĩa của từ ngữ Thehchod, như đã nói ở trước. Dzogchen không bao gồm loại nỗ lực như tập thân thể, một loại phát triển bắp thịt tinh thần, cũng không để sở đắc một loại kỹ năng nào mà hiện giờ chúng ta không có. Hơn thế, đó là việc buông xả mọi căng thẳng, cứng ngắc của thân, ngữ, ý, cái đã gây quấy nhiễu và phóng dật cho chúng ta. Đã buông xả những căng thẳng của chúng ta một cách hoàn toàn, điều này cho phép cái đã hiện diện từ vô thủy biểu lộ toàn thân, tự do và tự nhiên. Điều ấy hoàn toàn rất đơn giản, hầu như quá đơn giản. Đó là tại sao không dễ hiểu. Bình thường chúng ta hy vọng rằng trên con đường tâm linh chúng ta sẽ được dạy làm cái gì đó, được ban cho một số lề luật, và được khuyến khích để cải thiện chính mình và trở nên tốt hơn trước. Nhưng đấy không phải là đường lối của Dzogchen. Chúng ta đã chỉ nói buông xả và tỉnh thức. Không có mờ đục, hôn trầm hay buồn ngủ trong tham thiền. Đó là một trạng thái hoàn toàn buông thả, nhưng hoàn toàn cảnh giác. Đây cũng là lý do tại sao con đường Dzogchen có đặc trưng là không cố gắng (rtsol med).

Khi tâm thức chúng ta được đơn giản để cho an định về phần nó mà không có sự can thiệp, không có cố gắng nào của chúng ta để thay đổi, chỉnh trị nó, bấy giờ trí huệ (tánh giác nguyên sơ), nó chính là Tịnh Quang, mọc lên, như khi mây tan, khuôn mặt chiếu sáng của mặt trời hiển hiện trong bầu trời. Thể trạng, hiện trạng tự nhiên này không thể hiểu bởi bất kỳ phương pháp nào bao gồm những tạo tác ý niệm. Vào lúc thực hành tham thiền, không có phân tích, lý luận hay biện minh nào có thể giúp chúng ta trong bất cứ cách nào. Những cố gắng như vậy chỉ tạo dựng thêm những kết cấu ý niệm giam nhốt chúng ta hơn nữa mà thôi. Để chỉ ra cái tỉnh giác hay trí huệ nguyên sơ vốn tự hiện tiền này, nó không hề được tạo tác ra hay thi thiết, bản văn nói đến một trạng thái “không có tư tưởng lan man, không phân tán cũng không tập trung”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHẤP NHẬN VÀ BUÔNG BỎ
  2. THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN BIẾT BẢN TÁNH CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ KINH NGHIỆM
  2. BỐN CÁCH THỨC GIẢI THOÁT
  3. TỊNH QUANG MẸ VÀ CON

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG