NHẬN BIẾT MÌNH ĐANG NHẬN BIẾT

ALAN WALLACE

B.ALAN WALLACE – HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

? Con Đường Thiền Định Viên Mãn ?

???

Trong việc tu tập để định tâm trong trạng thái tự nhiên của nó, chúng ta đã quan sát những nội dung của tâm trí, nhưng trong việc nhận biết mình đang nhận biết, chúng ta không hướng sự chú ý vào trong bất kỳ điều gì. Chúng ta chỉ để cho sự nhận thức ở yên tại chỗ, và có ý thức về chính nó.

Sau hai mươi năm rèn luyện các phương thức nâng cao sự giác ngộ tâm linh, như được giảng dạy trong Phật giáo Thượng tọa bộ cùng các tông phái Gelukpa (Cách-lỗ), Sakyapa (Tát-ca) của Phật giáo Tây Tạng, năm 1990, tôi đã nhận được sự dẫn dắt của Gyatrul Rinpoche, một Lạt-ma cao cấp của tông phái Nyingmapa (Ninh-mã), vị này cũng đã được đào tạo sâu theo tông phái Kagyupa (Ca-nhĩ-cư). Đây là bốn dòng truyền thừa lớn đã xuất hiện tại Tây Tạng trong một nghìn hai trăm năm qua. Mặc dù tôi đã được biết đến phép tu shamatha của việc nhận biết bản chất của sự nhận biết qua sự hướng dẫn của hai đạo sư Cách-lỗ là Geshe Rabten và Gen Lamrimpa vào những năm 1970 và 1980, nhưng chính Gyatrul Rinpoche là người đầu tiên giúp cho tôi tiếp cận với phép tu tinh tế này. Tôi đặc biệt ấn tượng với những huấn thị về phép tu này, gọi là “sự tĩnh lặng không dấu hiệu” như giải thích của Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) trong cuốn Sự giải thoát tự nhiên của ông.

?? THỰC HÀNH ??

Để góp phần làm cho tĩnh lặng đầu óc, hãy bắt đầu bằng việc quán hơi thở, đếm hai mươi mốt hơi giống như trước. Giờ đây, cũng giống như ở bài tập định tâm trong trạng thái tự nhiên, hãy để mắt hé mở một phần. Nhìn vào khoảng không ở giữa điểm mà bạn cảm thấy từ đó mình đang nhìn, với những hình dạng và màu sắc hiện ra trong nhãn trường. Hãy đặt cái nhìn vào chỗ trống không như thế, chứ không vào một vật thể nào cả. Tiếp tục hít không khí vào bụng một cách tự nhiên, không cưỡng ép. Bây giờ hãy đơn giản hóa triệt để nhận thức, không tập trung vào hơi thở, thậm chí cả những gì trong đầu. Đặt sự nhận thức vào đúng trạng thái biết mình đang nhận thức. Có lẽ đây là biểu hiện cơ bản nhất và đáng tin cậy nhất của bạn – ưu tiên hơn và chắc chắn hơn bất cứ kiến thức nào mà bạn có về thế giới bên ngoài, ngay cả cơ thể mình, ngay cả những gì trong đầu mình. Đây là nhận biết đúng sự thật là mình đang nhận biết. Điều này đối khi được gọi là tịnh chỉ không dấu hiệu. Trong bài tập này, khác với hai bài tập trước, bạn không tập trung chú ý vào bất cứ một đối tượng nào, dù là tinh thần hay vật chất. Bạn không hướng nhận thức của mình vào trong hay ra ngoài, nhận thức hiện diện ngang nhau ở cả bên trong và bên ngoài, và trước khi có một sự phân biệt nào trong trải nghiệm. Hãy cứ để nhận thức ở yên trong bản chất riêng của nó. Các ý tưởng có thể đến rồi đi, nhưng chúng không làm lưu mờ bản chất của nhận thức; chúng là những biểu hiện của nhận thức. Hãy ở yên trong trạng thái nhận thức mà không để bị lôi cuốn hoặc quấy rối bởi bất cứ nội dung nào của nhận thức, và không chấp thủ bất cứ điều gì.

Giữa những ý tưởng liên lục xuất hiện và đi qua trong trường nhận thức của bạn, bạn có phát hiện ra điều gì không thay đổi, tĩnh lặng như là không gian hay không? Người ta nói rằng nhận thức có thể bộc lộ qua nhiều hình thức của những biểu hiện cảm giác và tinh thần. Đặc điểm bộc lộ qua dưới các hình thức như thế của nhận thức được xem là sự rõ ràng sáng sủa của nó, và là một trong những đặc điểm để phân biệt của thức. Nó giống như một không gian rạng ngời soi sáng mọi thứ hiện ra trong không gian ấy, thế nhưng sự ngời sáng của nó vẫn còn tồn tại ngay cả trong những thời điểm mà nhận thức chẳng có một đối tượng nào rõ ràng. Trong trải nghiệm của mình, bạn có thể phát hiện ra một điều gì rõ ràng giữa những hình tượng vẫn còn lưu lại trong tâm trí dù những hình tượng ấy đã biến mất, giống như bề mặt một tấm gương không có phản chiếu?

Hơn thế nữa, nhận thức không phải chỉ là sự rõ ràng hay minh bạch của những trình hiện. Nó còn có một phẩm chất thứ hai nữa, đó là tri kiến (cognizance). Nhận thức còn mang một phẩm chất tri kiến. Không những các trình hiện bộc lộ với nhận thức, còn nhận thức hiểu biết về những trình hiện này, giúp cho chúng ta có thể kể lại những trình hiện này sau đó. Chẳng hạn, những hình ảnh hiện ra trong một tấm gương, nhưng tấm gương không biết là chúng đang ở đấy. Còn ở trong tâm trí, khi các trình hiện bộc lộ thì ta biết sự hiện diện của chúng. Bạn có thể nhận ra thế nào là sự hiểu biết thật sự không?

Đừng để cho đầu óc quá tập trung đến nổi gây trở ngại cho sự thở. Thỉnh thoảng hãy theo dõi hơi thở xem nó có luân lưu một cách tự nhiên, không bị gò bó vào sự tập trung hay chú ý hay không. Hãy để bụng mềm mại, và tiếp tục hít không khí vào bụng một cách không cố gắng.

Bây giờ hãy làm một thử nghiệm trong bài tập này. Tiếp tục thở bằng bụng, như bạn đã từng làm, một cách tự nhiên và không cố găng, sao cho khi hít không khí vào thì nó căng phồng lên đôi chút. Hãy làm việc này một cách nhẹ nhàng, không căng cứng cơ bụng. Duy trì một chút căng đầy của bụng trong lúc thở ra như thể bạn đang chờ sự hít vào tiếp theo. Bụng sẽ nở lớn thêm chút nữa khi bạn hít vào. Ta hãy xem bài tập này có lợi ích gì không. Nhiều vị thầy thấy rằng bài tập này có ích cho việc ổn định tâm trí. Một thử nghiệm khác bạn có thể làm là thở bằng miệng. Hai phương pháp này không phải là thiết yếu cho việc tu tập, nhưng nếu bạn thấy phương pháp này hữu ích thì hãy tiếp tục áp dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giữ cho đôi mắt mở để góp phần dọn sạch đầu óc, làm cho nhận thức thêm rõ ràng, và cũng xua tan xu hướng nhị nguyên sai lầm cho rằng có thứ bên ngoài và có thứ bên trong của tâm trí.

Bất cứ ý tưởng làm nảy sinh trong đầu cũng không làm lu mờ bản chất của nhận thức. Nhận thức vẫn luôn luôn hiện diện ngay cả khi đang có các ý tưởng hay không có các ý tưởng, vậy nên không cần có lý do cơ bản nào trong sự tu tập tu tập để làm lắng dịu đầu óc. Xác định rõ khoảng thời gian vẫn còn có nhận thức khi không có các ý tưởng, khi nào các ý tưởng khởi sinh,và khi nào các ý tưởng biến đi. Không nên có sự trông đợi, mong ước, hi vọng hay sợ hãi nào.

Dù rằng không đặc biệt để ý đến những nội dung trong đầu mình, nhưng bạn cũng không phải là không biết đến chúng. Với việc để yên nhận thức trong chính bản chất của nó, Bất cứ những ràng buộc bối rối nào nảy sinh nảy trong đầu cũng sẽ tự giải tỏa mà không cần phải dùng đến một cách chữa trị nào cả. Hãy tiếp tục thở một cách thoải mái. Đây là trạng thái thư giãn sâu xa của nhận thức, không có sự gò bó.

Chất lượng của sự nghỉ ngơi rất sâu sắc và đầu óc rất thư giãn, nên khi đã thành thạo với phép tập này. Bạn sẽ cảm thấy mình có thể rơi vào trạng thái buồn ngủ. Nhưng ngay cả khi buồn ngủ bạn vẫn không từ bỏ việc biết rõ nhận thức của mình mà sẽ đi vào một trạng thái sáng suốt, thư giãn và thanh thản.

Bạn sẽ bắt đầu nảy sinh những khác vọng và động lực nhiều ý nghĩa nhất. Khi kết thúc buổi tập hai mươi bốn phút, hãy khẳng định lại xem đã có những lợi ích nào, những gì làm gia tăng kiến thức hoặc sự minh mẫn: mong rằng điều này có thể dẫn đến sự thỏa mãn những khát vọng và mong ước có ý nghĩa nhất của bạn đối với hạnh phúc của chính mình và của những người khác.

?? ĐỂ SUY NGẪM THÊM ??

Trong chương này, tôi đã trình bài phương pháp shamatha tinh tế nhất mà tôi từng học. Bạn có thể thấy rằng việc ổn định tâm thức trong trạng thái tự nhiên của nó vốn tinh tế hơn quán hơi thở, và bài tập shamatha để nhận biết là mình đang nhận biết còn tinh tế hơn thế. Phương pháp trao dồi tịnh chỉ thứ ba này là kết quả cuối cùng của mạch tu tập. Đây là phương pháp đơn giản nhất, và cũng có thể là sâu sắc nhất và mạnh mẽ nhất. Trong phương pháp này, chúng ta không cố tạo nên sự ổn định hay sinh động cho việc chú tâm. Đúng hơn, qua trải nghiệm của bản thân, chúng ta tìm kiếm các khía cạnh của sự nhận thức vốn đã ổn định và rõ ràng một cách bẩm sinh. Ngay trong bản chất của sự nhận thức đã có sự sáng sủa và rõ ràng. Nó có thể bị lưu mờ hoặc che phủ do những chấp thủ, nhưng đây là điều vốn có của nhận thức. Phép tu tập “nhận biết mình đang nhận biết” để giải tỏa những gì vốn làm lu mờ sự tĩnh lặng và sáng sủa tự thân của nhận thức. Đây là một phương thức phát hiện hơn là phát triển, một quá trình giải tỏa hơn là điều khiển. Chúng ta có thể tự kiểm chứng xem có phải bản chất của nhận thức vốn đã có sự sáng sủa, sinh động và rõ ràng hay không. Đây không phải là thứ để chấp nhận như một giáo điều.

Trong bài tập trước đây, chúng ta bắt đầu từ chỗ mà Descartes cho là kiến thức chắc chắn nhất của chúng ta: chúng ta đang nhận thức. Câu nói thường hay được trích dẫn của ông “cogito ergo sum” vốn được dịch ra thành “ Tôi đang suy nghĩ, vậy là tôi đang hiện hữu” nhưng từ Latin cogito vừa có nghĩa là suy nghĩ vừa có nghĩa là nhận thức. Vì thế câu nói của ông có thể được dịch là “Tôi đang nhận biết, vậy là tôi đang hiện hữu”. Trong Phật giáo, chúng ta nên giảm sự khẳng định xuống mức “có sự nhận biết các sự kiện”. Về điều này, chúng ta có thể tuyệt đối tin chắc, rằng không có một thứ gì như cái tôi, cái ngã, hiện hữu tách rời khỏi sự nhận thức và là thực thể đang nhận thức. Lạt-ma Tây Tạng là Sogyal Ringpoche đã gọi sự nhận thức là mình đang nhận thức này là “biết là mình đang biết”. Chúng ta có thể chắc chắn về việc hiện hữu của sự nhận thức hơn là chắc chắn về bất cứ điều gì khác. Đây là điểm thích hợp để bắt đầu việc thiền định.

Phương pháp thiền nói đến ở chương này đi xa hơn cả việc trực tiếp điều khiển tâm thức và “biết mình” theo các nghĩa riêng biệt và cụ thể. Đúng hơn, trong phép tập này, chúng ta đặt câu hỏi: Sự biết mình như một cá thể, với một vị trí đặc biệt trong không gian và thời gian, có phải là sự biết mình như một thực thể có ý thức trong vũ trụ hay không? Có phải là chúng ta được xác định qua các tham số giới tính, tuổi tác, quốc tịch và lịch sử cá nhân hay không? Hay còn có một mức độ sâu hơn, siêu cá thể của sự hiện hữu, mà chúng ta chỉ có thể tiếp cận khi tâm thức bị chi phối tùy niệm đã im ngủ?

Ở đây, chúng ta có một phương pháp để vén bức màng che lấp nền tảng của tâm thức bình thường và khía cạnh ý thức ban sơ ở bình diện cao hơn thế, nhưng chứa đầy trong mọi trạng thái nhận thức. Bạn dựa vào trạng thái nào bạn thấy là chắc chắn hơn cả. Ngay cả trước ý nghĩ “tôi suy nghĩ, vậy là tôi hiện hữu”, bạn đã biết là có sự nhận thức này. Bạn không bị mất nhận thức giữa các ý tưởng. Trước các ý tưởng, giữa các ý tưởng, và khi các ý tưởng đã đi hết – như khi bạn hấp hối – bạn vẫn có thể biết chắc là những ý tưởng nào sẽ còn lại. Trong phép tu tập, thay vì tìm cách trau dồi sự ổn định và sinh động của khả năng chú ý, bạn hãy giải tỏa những ý tưởng nào làm lu mờ sự ổn định, tĩnh lặng và sôi động bẩm sinh của bản thân sự thức. Khi dựa vào sự nhận thức ấy, bạn đang từ bỏ cơ cấu những điều “bên ngoài” và “bên trong” mang tính nhân tạo và được áp đặt một cách tùy tiện. Khi đôi mắt bạn mở ra và cái nhìn của bạn chỉ hướng vào khoảng không phía trước, khi sự nhận thức của bạn dựa trên thực tế là mình đang nhận thức, khi ấy, chính xác bạn đang ở đâu? Bạn đang ở trong, ở ngoài tâm trí mình câu hỏi, hay là những câu hỏi này không còn quan trọng nữa? Những ám ảnh bên ngoài so với bên trong có thể sẽ tan biến. Chủ thể tương quan với khách thể không còn nữa, đặc biệt là khi sự tách biệt này chẳng qua chỉ là những giả tạo được chúng ta áp đặt trên trải nghiệm. Nếu đây là những tích lũy giả tạo, thì với việc buông xả chúng, ta có thể chuyển sang một trạng thái bất nhị cơ bản. Việc nấn ná lại trong sự định tâm lúc hấp hối có thể là hữu ích. Nhưng tại sao phải chờ đến khi ấy trong khi chúng ta có thể làm vào lúc này?

Đại sư Phật giáo Ấn Độ là Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) mô tả phương thức gạn lọc sự chú ý này là “tịnh chỉ không dấu hiệu”. Tsongkhapa (Tông Khách Ba), bậc trí giả Tây Trạng thế kỷ 15, gọi đây là việc chú ý đến “sự nhận thức hoàn toàn với sự minh mẫn hoàn toàn về điều trải nghiệm”. Ông mô tả phép tập này là một hình thức chú ý không phân biệt – không tập trung chú ý vào bất cứ đối tượng thiền định nào cả. Panchen Lozang Chokyi Gyaltsen mô tả phương pháp này như sau:

Hãy dễ dãi đối với các ý tưởng, và mỗi lần bạn quan sát bản chất của bất kỳ ý tưởng nào hiện ra, chúng sẽ tự tiêu tan, và tiếp theo sau là một sự trống không. Tương tự, nếu cũng quan sát tâm trí khi nó không bị dao động, bạn sẽ thấy một sự trống không rõ ràng và sinh động, không có sự khác biệt nào giữa các trạng thái trước và sau. Đối với các thiền giả, điều đó được đón chào và được gọi là “sự hòa trộn giữa bất động và tán loạn”.

Trong lúc hấp hối, sẽ đến một thời điểm sự hô hấp ngừng lại, nên không còn có thể thực hiện việc quán hơi thở được nữa. Nhưng cho dù sau khi sự thở đã ngưng, các giác quan không còn hoạt động, bạn vẫn tiếp tục thiền định, vì các sự kiện tinh thần vẫn tiếp tục diễn ra. Trong giai đoạn này, bạn có thể thực hành phương pháp thứ hai để quan sát lĩnh vực tâm thức, như hình ảnh, ý tưởng, ký ức, cảm xúc và các động lực. Thay vì sợ hãi cái chết, hãy quan tâm đến những sự kiện đang diễn ra nơi khoảng trống trong đầu và tính chất của khoảng trống này. Tâm trí bạn giờ đây đã sắp mất đi vì bộ não đang đóng cửa, nhưng tạng thức vẫn còn. Có thể nghĩ ngơi một cách hạnh phúc, minh bạch và thanh thản ở khía cạnh nhận thức này. Dù khi các hoạt động tâm trí đã dừng lại, bạn vẫn có thể tiếp tục nhận biết một cách sinh động về khoảng trống nhận thức, nơi mà tất cả các hoạt động trên đều tan biến. Nơi này được gọi là tạng (substrate) hay là a-lại-da(alaya), và nhận thức cơ bản về lĩnh vực này là tạng thức, hay a-lại-da thức(alayavijnana).

Phép tu tịnh chỉ không dấu hiệu, hoặc chỉ nhận biết mình đang nhận biết, đem lại một trải nghiệm sinh động về a-lại-da thức, vốn tràn đầy hạnh phúc tươi sáng và thanh thản. Đó cũng là trạng thái tâm trí sẽ xuất hiện qua bài tập trước đây về việc định tâm trong trạng thái tự nhiên của nó. Sogyal Rinpoche gọi đây là nền tảng của tâm bình thường và rất dễ nhầm lẫn nó với bản chất tối hậu của thức thường được gọi theo nhiều cách , như nhận thức ban sơ (rigpa), thức nguyên sơ (yeshe), hoặc thức quang (osel). Có nhiều khác biệt tinh tế giữa hai khái niệm này, nhưng điều quan trọng hơn cả là việc chỉ đơn thuần dựa vào a-lại-da thức không thể thanh tịnh hóa hoặc giải thoát tâm trí khỏi những phiền não, trong khi việc dựa vào nhận thức ban sơ sẽ giải phóng triệt để đầu óc chúng ta khỏi sự tối tăm và khai mở một suối nguồn vô tận những phẩm chất tự nhiên. Dudjom Lingpa đã viết về vấn đề này như sau:

Một người đang cảm nhận sự trống rỗng và độ phát sáng mà hướng sự chú ý vào bên trong thì có thể ngăn chặn tất cả mọi trình hiện bên ngoài và đi đến một trạng thái dường như không có sự trình hiện hay ý tưởng nào hết. Cảm nhận về sự chói sáng mà không ai đủ can đảm xa rời này là a-lại-da thức… một số đạo sư tưởng nhầm đây là linh quang… Trên thực tế, nó là a-lại-da thức, nếu bám víu vào nó, bạn sẽ bị ném vào trong vô sắc giới, mà không đến gần được trạng thái giải thoát.

Với việc để cho tâm trí ở yên trong trạng thái bất động sâu xa, như được mô tả ở đây, sẽ là hợp lý khi hỏi xem đó có phải là kết quả của việc tu tập hay không. Mục đích cuối cùng có phải là làm lắng dịu mọi hoạt động và ngồi thanh thản dưới gốc bồ đề của riêng mình với nụ cười hạnh phúc trong khi chẳng làm điều gì hết hay không? Trong thế giới ngày nay, với tất cả những đau khổ bất công và mâu thuẫn của nó, như vậy hẳn sẽ là một điều đáng thất vọng. Chỉ nghĩ về mình, lấy mình làm trung tâm, mọi hoạt động trở nên tĩnh lặng trong kiểu thiền định này, nhưng bạn không buồn ngủ hoặc mụ mẫm. Vẫn còn sự nhận thức sáng sủa, nhưng không có hoạt động hoặc cử chỉ nào cả. Từ trạng thái buông lỏng, yên nghỉ, các ý tưởng xuất hiện không mấy khó khăn. Trong các tình huống bình thường, khi tâm trí có liên quan đến sự chấp thủ, chúng ta thường gọi những ý tưởng này là những xao lãng, nhưng sau khi thiền định thì có thể duy trì ít nhất một điều gì đó giống như tính chất nghỉ ngơi của nhận thức vốn không bị chi phối bởi bản ngã.

Mục đích của thiền định không phải là chỉ ngồi yên. Đó là ngồi yên rồi đứng lên, và đi lại trong tĩnh lặng, giữ sự im lặng, trong một ý nghĩa nào đó, cho dù là bạn đang nói. Đây chính là hoạt động tự phát mà người ta thấy được kết quả cuối cùng trong cuộc đời Đức Phật khi ngày truyền giảng giáo pháp. Kết quả cuối cùng không phải là việc ngồi tĩnh lặng dưới gốc cây bồ đề, mà đó là phục vụ tất cả chúng sinh từ sự giác ngộ của ngài.

Khi thực hành phép tu tập này, bạn sẽ thấy cánh cửa ngăn chặn khả năng sáng tạo của mình tự động mở ra. Trong một trạng thái nhận biết thanh thản, với bản ngã đang ngủ yên, bạn nhìn thấy những gì khởi sinh một cách tự nhiên và không nỗ lực từ sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng thậm chí cũng không mất đi khi tâm trí trở nên hoạt động. Tương tự, bạn có thể thấy rằng không nhất thiết phải từ bỏ sự tĩnh lặng ngay cả khi đang nói hoặc khi cơ thể đang cử động. Nhà tâm lý học William James thấy rằng tất cả các thiên tài đều có một đặc điểm chung: tất cả đều có một khả năng phi thường trong việc duy trì sự chú ý tự nguyện. Ông tin chắc rằng chính thiên tài của họ đã dẫn đến khả năng chú ý cao độ trong những thời gian dài như vậy, chứ không phải sự chú ý lâu bền đã tạo nên thiên tài của họ. Tôi tin chắc rằng điều đó là đúng, nếu chúng ta mở rộng ý niệm thiên tài theo hướng nhìn nhận rằng mọi người đều có một mức độ thiên tài, hoặc năng lực bẩm sinh để làm một việc gì đó, thì kiểu thiền chỉ shamatha có thể góp phần làm hiển lộ thiên tài ấy. Một khi bản ngã đã tương đối bị gạt ra ngoài, suối nguồn sáng tạo sẽ được khai thông. Hãy xem điều này có đúng với bạn không. Trong phép tu thiền chỉ có hai mô hình bổ túc cho nhau: phát triển và khám phá. Trong cả hai cùng có một khái niệm là tâm trí hữu dụng rất ổn định về mặt chú ý, giúp chúng ta giữ sự tập trung vào một đối tượng đã chọn. Dù là việc giải quyết trở ngại, lắng nghe hay sáng tác âm nhạc, dạy học, nuôi con, bạn luôn hiện diện một cách kiên trì. Điều này trái ngược với sự bối rối, xao lãng và phân tâm. Đặc điểm chung cho cả hai mô hình là sự sống động. Ổn định mà không sống động thì chẳng hữu ích gì trừ phi mục đích của bạn là ngủ say, có sự ổn định nhưng lại không có sự minh mẫn. Hai phương pháp đầu tiên mà chúng ta khảo sát – quán hơi thở và quan sát tâm trí – đều đi theo phương thức phát triển. Trong khi rèn luyện việc quán hơi thở, chúng ta đã học cách điều khiển con ngựa hoang của tâm. Chúng ta chống lại cái tâm ngang ngạnh này bằng ý nghĩ, “Mi đã chế ngự ta, nhưng giờ đây ta sẽ làm chủ mi. Ta sẽ học cách điều khiển mi để mi không thể hất ta xuống hoặc gây thương tích cho ta”. Nếu không làm thế, thì con ngựa ngang bướng sẽ điều khiển chúng ta, và gây tổn hại cho người khác bằng nhiều cách.

Bài tập buông mình vào sự ổn định và sống động của nhận thức có được thực hiện bên ngoài bài tập chính thức. Trong khoảng thời gian của các buổi tập, nếu muốn duy trì phẩm chất ấy của nhận thức và vẫn còn có thể làm những gì cần làm trong cuộc sống, bạn có thể để tiếp tục để yên sự nhận thức trong khoảng không gian ở phía trước, cho dù ngay giữa một cuộc trò chuyện. Việc tập trung cái nhìn vào khoảng không gian ở giữa sẽ không gây cản trở cho việc thấy những gì ở đấy. Khi các sự kiện tinh thần xuất hiện đừng bám lấy chúng. Cứ để cho chúng hiện ra rồi qua đi. Bạn có thể thấy việc này là không thể thực hiện khi đang viết lách hoặc đang làm một công việc trí óc, nhưng vào những thời điểm khác khi bạn đi ra phố hoặc xếp hàng chờ đợi trong siêu thị, hoặc trong nhiều hoàn cảnh khác, việc này có thể thực hiện. Cố giữ sự liên tục càng nhiều càng tốt. Đây là một phương thức trực tiếp để khảo sát tính chất cơ bản của cuốc sống không gì khác.

???

Trích dẫn: HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC, 2017
Tác giả: B. ALAN WALLACE
Người dịch: Chương Ngọc
Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. Ý THỨC VỀ GIẤC MƠ
  2. NĂM YẾU TỐ CỦA THIỀN ĐỊNH (HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC)

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN