Ý THỨC VỀ GIẤC MƠ

ALAN WALLACE

Trích: “Biết Mình Đang Mơ- Thực Hành Thiền Định Để Có Giấc Mơ Sáng Suốt”/  B.Alan Wallace; Bích Phượng dịch; NXB Lao Động; 2013.

Bruce Alan Wallace là một tác giả người Mỹ chuyên về Phật giáo Tây Tạng. Ông có bằng cử nhân vật lý, triết học về khoa học và tiếng Phạn từ trường Đại học Amherst College năm 1987. Sau đó năm 1995 ông hoàn thành luận án tiến sĩ về nghiên cứu tôn giáo của Đại học Stanford. Các cuốn sách của ông thường tập trung vào các mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo, ngoài ra chúng cũng thảo luận về các phương thức nghiên cứu khoa học, triết học và tâm linh của cả phương Đông và phương Tây. Ông là người sáng lập Viện Nghiên cứu Santa Barbara, (2003) nơi có các dự án thử nghiệm tác dụng của thiền Phật giáo.

Alan Wallace

Alan Wallace (ảnh:Twitter)

– ??? –

Theo dòng lịch sử, Phật giáo Tây Tạng có vẻ như đã khám phá ra phương pháp yoga của giấc mơ và giấc ngủ một cách sâu sắc hơn những tín ngưỡng đương thời. Yoga – mơ là một phần của truyền thống tâm linh với mục tiêu là sự thức tỉnh trọn vẹn được gọi là “Giác ngộ”.

Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, yoga – mơ bao gồm một loạt những phương pháp thực hành tâm linh tiên tiến có tác dụng như một sự trợ giúp mạnh mẽ cho sự tỉnh thức từ cõi luân hồi. Cõi luân hồi có thể được mô tả vắn tắt như một sự trải nghiệm huyền ảo về kiếp sống này qua kiếp sống khác diễn tiến ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Điều này, theo Phật giáo (và những tôn giáo truyền thống khác), là diễn tiến bình thường trong cuộc sống. Theo Phật giáo, những quan điểm thiếu hiểu biết và xuyên tạc thêu dệt về vấn đề đó chính là nguồn gốc của khổ đau. Nói cách khác, hạnh phúc thật sự và tối hậu là kết quả của việc giảm thiểu sự thiếu hiểu biết bằng sự tỉnh thức trong những giấc mơ về luân hồi. Một vị Phật, một người được giác ngộ, theo nghĩa đen là “người tỉnh thức”.

Yoga – mơ tìm cách để thâm nhập dần vào ý thức nguyên thủy bằng nhận thức rằng vạn vật, bao gồm cả chúng ta đều xuất hiện từ và thuộc về bản chất của bài thực hành đặc biệt của yoga – mơ có thể giúp ta thăm dò và hiểu sâu sắc về bản chất và nguồn gốc của những hiện tượng tâm thần, để thâm nhập vào nguồn gốc của nó – ý thức nền hoặc nền tảng của tâm trí thông thường – và cuối cùng để nhận biết và dừng lại ở ý nguyên thủy. Cho dù bắt đầu quá trình này trong lúc ngủ và những giấc mơ, yoga – mơ bao hàm cả những thực tiễn xảy ra trong ngày và hướng đến nhận thức được toàn bộ cuộc sống – ngày và đêm – từ giấc ngủ luân hồi.

Đây là một trong những truyền thống cốt lõi của Phật giáo Tây Tạng và là một sự hòa quyện giữa hiểu biết về thực tại với tiến bộ tâm linh của chúng ta.

“Mơ có thể được xem như trường hợp đặc biệt của nhận thức mà không có những thúc ép hoặc những cảm giác bên ngoài được đưa vào . Ngược lại, nhận thức có thể được xem như trường hợp đặc biệt của mơ bị thúc ép bởi cảm giác được đưa vào”. Theo định nghĩa, cả hai trạng thái nhận thức – tiếp thu khi mơ và khi thức – là tương đồng, với sự chồng chéo của những mạng lưới cơ chế tương tác qua lại của bộ não. Cả hai trạng thái này đều có thể có khả năng chỉ ra rõ ràng là “nhận thức”.

Một điều khác khiến cho nhận thức lúc tỉnh tương tự như tình trạng mơ là hầu hết các khái niệm được chấp nhận phổ biến. Tính chất của những đối tượng chúng ta tiếp nhận là trái với thông lệ, từ bản thân các đối tượng. Màu đỏ của chiếc áo len đỏ người nào đó đang mặc hoặc màu vàng của một chiếc taxi đang lướt qua được xem như tính chất sẵn có của chiếc áo len hoặc chiếc taxi.

Giả thiết này chiếm ưu thế trong cả nhận thức lúc tỉnh lẫn trong mơ không sáng suốt. Tuy nhiên, nếu tin vào điều này thì chúng ta thực sự đang mơ. Thực ra, khoa học phương Tây từ thời Descartes đã khước từ sự xác nhận có vẻ trực giác như vậy. Những tính chất đã được trải nghiệm của các đối tượng bên ngoài không được bao hàm trong bản thân đối tượng mà chúng lung linh huyền ảo như những trải nghiệm về rồng phun lửa trong một cơn ác mộng. Vậy là thế nào?

Theo cảm giác chung, sự tiếp nhận của chúng ta có thể bị thúc ép bởi các đối tượng vật chất mà chúng ta tiếp nhận, nhưng những tính chất được tiếp nhận trong các đối tượng ấy như màu sắc, độ sáng, kết cấu, nhiệt độ, mùi, vị… thay đổi tùy theo sự tương tác với các cảm giác được tạo ra từ những chức năng của não. Ý tưởng cho rằng những tính cách ấy vốn có trong các đối tượng đã bị khoa học phủ nhận. Chẳng hạn, mặt trời có thể phát ra ánh sáng lượng tử (có thể được các thiết bị khoa học ghi nhận lại) nhưng chính các cơ quan giác quan và sự trải nghiệm cái chúng ta gọi là ánh sáng. Tính đối ngẫu của ánh sáng với bóng tối được tạo lập trong bản thân chúng ta (và những thực thể khác tiếp nhận sự vật theo cách này), tuy nhiên những tính chất này không tồn tại bên ngoài các quy luật khách quan. Mặt trời không chiếu sáng, cũng không nóng. Nó phát ra năng lượng lượng tử và bức xạ nhiệt khiến chúng tiếp nhận như sự chói sáng và sức nóng. Sinh học và vật lý học đã thiết lập những nguyên lý này như những luận cứ khoa học.

Bạn sẽ dễ dàng chấp nhận khái niệm này hơn một chút khi nghĩ đến một số loài động vật không có mắt ở dưới đáy biển sâu và trú ngụ trong hang động chúng có vẻ như không có ánh sáng cũng không có bóng tối. Với những người khiếm thị bẩm sinh cũng vậy, họ biết về ánh sáng (và bóng tối) chỉ qua những điều người sáng mắt kể lại. Tương tự như vậy, với người điếc thì không có tiếng động (cho dù sóng âm có thể được cảm nhận bằng cơ thể). Hơn nữa, các sinh vật khác nhận thức được bức xạ, sóng âm và những dữ liệu cảm giác khác theo những cách khác với chúng ta về căn bản. Hãy hình dung sự đa dạng trong cảm nhận mùi của loài chó thì sẽ rõ. Vì thế tính chất của các đối tượng chúng ta tiếp nhận nảy sinh tùy thuộc vào sự tương tác giữa tâm trí và cơ thể của chúng ta.

Nói cách khác, tin tưởng chính là sống với câu thần chú của ảo ảnh – điều thấm đẫm trong cả sự tỉnh táo lẫn trong nhận thức khi mơ. Từ viễn cảnh này ta thấy được tác động của những khuôn khổ trong sự tiếp nhận của chúng ta sẽ tạo ra thực tế huyền ảo. Con người mơ về thực tế của con người, nhưng chó có thể mơ thấy những mùi hương, cá voi có thể mơ về những bài hát dưới nước.

Khi tỉnh, chúng ta nhận thức thế giới theo những khuôn khổ xác định. Ví dụ, chúng ta nhận được một số trải nghiệm đầu tiên về trọng lực khi còn là một đứa trẻ mới tập đi. Chúng ta thường xuyên cảm thấy một “lực” kéo ta xuống khi mất thăng bằng. Toàn bộ khái niệm thăng bằng khi ngồi, đứng, đi và chạy bao gồm những hoạt động trong sự tương tác với trọng lực. Vì thế trọng lực – cho dù nó là gì đi nữa – là sự kìm hãm vật lý được trải nghiệm cùng với nhận thức khi tỉnh. Chúng ta trở nên quen thuộc với nó theo những phương thức đặc biệt khi học cách di chuyển có định hướng từ khi còn bé.

Tuy nhiên trong những giấc mơ, ta có thể thoát ra khỏi định luật về trọng lực. Các định luật vật lý không áp dụng trong thế giới phi vật chất của những giấc mơ, trong đó sự vật lơ lửng trên bầu trời hoặc chúng ta có thể bay qua nhiều nơi chốn khác nhau không phải là điều hiếm. Trong việc rèn luyện giấc mơ sáng suốt, một trong những kỹ năng sớm đạt được nhất là bay được khi ta muốn. Do đó, theo đề nghị của Spephn LaBerge, những giấc mơ là phương thức trải nghiệm không bị gò bó bởi những tác động vật lý từ môi trường bên ngoài.

Có thể chính xác hơn khi nói rằng nhận thức trong mơ không bị gò bó cứng nhắc như nhận thức lúc tỉnh. Thực ra, những người mơ sáng suốt đôi khi phải tự rèn luyện mình để có thể bay. Khái niệm trọng lực đã ăn sâu đến độ nó có thể theo ta vào trạng thái mơ.

Trong trường hợp ấy, một người mơ sáng suốt có thể học bay trong các giai đoạn, có được sự tự tin rằng trong cõi mơ, họ không bị rơi xuống hoặc làm tổn thương chính mình. Một người tin tưởng rằng trọng lực không cho phép họ bay thì họ sẽ không thể bay. Vượt thoát niềm tin ấy, bạn sẽ thoát khỏi sự gò bó bị áp đặt theo khái niệm. Như thế việc xác định những điều kiện đóng vai trò quan trọng với các tính chất nhận được trong nhận thức khi tỉnh cũng như khi mơ. Bởi vì mặt trời mà chúng ta tiếp nhận trong một giấc mơ đơn thuần là tưởng tượng nên nó không tồn tại ở cách chúng ta chín mươi ba triệu dặm và không phát ra ánh sáng lượng tử hoặc năng lượng nhiệt. Cũng vì thế, chúng ta có thể nhận được một mặt trời trong giấc mơ vừa rạng rỡ vừa ấm áp. Tuy nhiên không hề có một mặt trời thực trong giấc mơ chế ngự sự tiếp nhận của chúng ta, chúng ta còn có thể chọn cách trải nghiệm về một mặt trời có hình khối lập phương phát ra những tia sáng lạnh màu xanh lá chẳng hạn…

Điều ấy mang chúng ta đến cõi lõi của ý thức cả khi tỉnh lẫn khi mơ, chúng đều là các dạng của nhận thức, cùng một nhận thức thông qua những gì chúng ta biết – về những cảm giác rộng lớn với căn bản nhất – mọi thứ mà chúng ta trải nghiệm. Và nhận thức này có thể chịu sự tác động – nó có thể rèn luyện và là đối tượng của việc tu tập. Yoga – mơ tìm cách vượt qua các điều kiện xác định để đạt đến sự giác ngộ – trải nghiệm trực tiếp thực tại vốn là mục tiêu cơ bản của Phật giáo và những phương pháp rèn luyện thiền định khác. Những người mơ sáng suốt tìm cách sử dụng tính chất dễ uốn nắn của nhận thức do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có sự hiện thực hóa tinh thần. Bằng cách khám phá trực tiếp ý thức trong mơ – bằng cách thử nghiệm – cả hai thói quen đã tạo ra lý thuyết và thực tiễn mà chúng ta có thể khẳng định nếu đầu tư thời gian và công sức thỏa đáng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BIẾT ĐÁNH GIÁ MÌNH
  2. ĐẠO LÝ CỔ XƯA VÀ KHOA HỌC HIỆN ĐẠI
  3. THÀNH TỰU CỦA MILAREPA – ĐẠI THIỀN GIẢ MỘT ĐỜI THÀNH PHẬT CỦA TÂY TẠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN BIẾT MÌNH ĐANG NHẬN BIẾT
  2. NĂM YẾU TỐ CỦA THIỀN ĐỊNH (HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC)

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?