NHÌN NHỮNG VẤN ĐỀ LÀ TÍCH CỰC

TULKU THONDUP

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

Nếu chúng ta bám vào và vật lộn theo thói quen với khía cạnh tiêu cực của hoàn cảnh, toàn thể tinh thần, tri giác và kinh nghiệm của ta sẽ trở thành tiêu cực, đầy đau khổ không cách gì chuyển đổi. Nhìn vấn đề theo cách tiêu cực, thường suy nghĩ và nói về nỗi đáng sợ hay đau khổ của nó, thì ngay cả những vấn đề nhỏ cũng sẽ khó vượt qua như quả núi vững chắc và to lớn, bén nhọn như lưỡi dao và tối tăm như ban đêm. Ngài Dodrupchen viết:

Bất cứ khi nào những vấn đề xảy đến với chúng ta từ con người hay vật thể vô tri, nếu tâm ta làm quen với việc chỉ tri giác đau khổ hay những khía cạnh tiêu cực của chúng, bấy giờ ngay cả từ một việc tiêu cực nhỏ sẽ tạo ra nỗi đau lớn tinh thần lớn lao. Vì đó là tính chất của việc buông lung trong bất cứ loại ý niệm nào, dù là đau khổ hay hạnh phúc, kinh nghiệm này do đó sẽ gia tăng cường độ. Kinh nghiệm tiêu cực này dần dần trở nên mạnh hơn, sẽ đến một lúc hầu hết những gì xuất hiện với ta đều sẽ trở thành nguyên nhân đem lại bất hạnh, và hạnh phúc sẽ không còn cơ hội hiển lộ. Nếu chúng ta không thấu hiểu rằng lỗi lầm nằm trong cách sở đắc kinh nghiệm của tâm thức chúng ta, và nếu chúng ta trách móc đổ lỗi mọi vấn đề cho những điều kiện bên ngoài, bấy giờ ngọn lửa không ngừng của những hành vi tiêu cực theo thói quen như sân hận và đau khổ sẽ gia tăng trong ta. Điều đó được gọi là: ‘Mọi hình tướng khởi sanh trong hình thức những kẻ thù.’”

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố gắng nhìn thấy mặt tích cực của vấn đề, ngay cả khi nó có vẻ là tiêu cực. Tuy nhiên, nếu chúng ta có một suy nghĩ hay cảm nhận tiêu cực, điều quan trọng là hãy nhẹ nhàng với mình. Đừng tạo cảm giác tiêu cực thêm bằng cách nói rằng: “Ôi, tôi lặp lại sai lầm rồi!”, hay “Sao tôi ngu thế này!” Nếu chúng ta làm thế, bánh xe của sự tiêu cực sẽ bắt đầu chuyển động không ngừng. Thay vì vậy, ta cần tỉnh giác với những tư tưởng và cảm giác của mình, nói rằng, “Ồ tốt!”, và chuyển sự chú ý của chúng ta vào những bài tập chữa bệnh, nếu có thể, ta chuyển hướng tâm ta hay làm một cái gì khác từ chu kỳ tiêu cực đến con đường đúng. Ngài Dodrupchen nhấn mạnh:

Chúng ta không những làm cho tâm trí không thể bị bất hạnh và đau khổ xâm nhập, mà còn đem an lạc vào tâm trí ta từ chính những thăng trầm. Để điều này xảy ra, ta phải ngăn ngừa sự khởi lên của những lực lượng xấu đối nghịch và những lời không hòa hợp. Chúng ta phải tập thói quen chỉ phát sinh cảm giác yêu thích sự an lạc. Để làm điều này, chúng ta phải chấm dứt việc nhìn hoàn cảnh gây tổn hại là tiêu cực, và phải cố gắng rèn luyện để nhìn thấy chúng là có giá trị. Sự việc có làm hài lòng ta hay không hoàn toàn tùy thuộc vào cách tâm thức chúng ta tri giác chúng.

H.H. Dodrupchen Rinpoche

Năng lực tích cực mạnh mẽ có thể ngăn chận hay làm dịu bớt đau khổ. Nhưng kết quả ý nghĩa nhất của một thái độ tích cực không nhất thiết là giữ cho đau khổ không xảy ra, mà là giữ chúng không trở thành một lực lượng tiêu cực và đau khổ khi xảy đến. Ngài Dodrupchen viết:

Như vậy, kết quả của việc rèn luyện tâm linh để không bị khuất phục bởi những chướng ngại như kẻ thù, bệnh tật và những lực lượng gây tổn hại không có nghĩa rằng chúng ta xua đuổi chúng hay chúng sẽ không tái diễn. Mà hơn thế nữa có nghĩa rằng: chúng không thể khởi lên như những chướng ngại cho việc theo đuổi con đường hạnh phúc và giác ngộ.

Chúng ta có thể làm bạn với những vấn đề của mình. Khi những cảm xúc khó khăn sinh khởi, ta có thể hỏi xem chúng cần gì. Bằng cách trở nên thân thiện hơn với những vấn đề của mình, ta có thể tìm ra cái mình cần làm. Chúng ta cần phải buông lỏng và thôi bám chấp để tự chăm sóc mình và những nhu cầu thật sự của mình, hoặc thay đổi cách cư xử theo một cách đặc biệt, một cách tốt hơn. Vấn đề tự nó nắm giữ chìa khóa cho việc chữa lành chính nó nếu chúng ta biết tỉnh giác với nó thay vì xua đuổi hay bám víu mù quáng vào nó. Bằng việc tạo được đủ khoảng không cho một vấn đề lớn, chúng ta đã sẵn sàng cho việc chữa lành của mình.

Mục tiêu chính yếu của thực hành tâm linh là làm trong sáng khoảng không tâm thức bằng cách loại bỏ mớ rác rưởi tri thức cảm xúc mà chúng ta đã gom góp từ khi còn bé, và cung cấp khoảng không cho kinh nghiệm buông xả thật sự và hoan hỷ. Chúng ta phải nhận ra rằng tư tưởng hay nguồn cảm hứng tích cực trở thành sự nuôi dưỡng cho tâm, giống như thực phẩm lành mạnh. Những quan điểm và đam mê tiêu cực giống như những cặn bã vô dụng đều có hiệu quả gây độc.

Vì thế chúng ta phải tự thấy mình và những vấn đề của mình một cách rõ ràng mà không tự lôi kéo mình dấn sâu vào đau khổ. Nếu gấp gáp giải quyết vấn đề, ta có thể làm kích động chúng. Đôi khi cần phải kiên nhẫn để cho những vấn đề bộc lộ và buông xả khi chúng đã sẵn sàng.

Giữ cân bằng và tích cực không phải bao giờ cũng dễ dàng. Thế nên điều rất quan trọng là phải cố gắng, quyết tâm không để tâm trí bám vào những vấn đề như chúng là tiêu cực; khi ta chỉ có thể nhìn vấn đề một cách tiêu cực, giải pháp đối trị là để cho tâm trí bận rộn với một điều gì khác như đọc sách, làm vườn, vẽ… hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật hoặc âm nhạc.

Tâm thức dễ thay đổi của ta cần được rèn luyện trong thái độ tích cực, và điều này xảy đến trong cách ta ứng xử với những chi tiết của đời sống hằng ngày như thế nào. Nếu trời mưa, ta có thể thưởng ngoạn cơn mưa. Những ngày nắng đẹp như thế nào thì những ngày mưa cũng đẹp như thế đó. Nếu cơn mưa có vẻ như làm phiền mình, hãy mặc áo mưa và mang dù, không nên chìm trong tiêu cực. Chúng ta nhìn cơn mưa đúng thật như nó đang hiện hữu và tiếp tục với cuộc sống mình.

Kết quả ý nghĩa nhất của một thái độ tích cực không nhất thiết là giữ cho đau khổ không xảy ra, mà là giữ chúng không trở thành một lực lượng tiêu cực và đau khổ khi xảy đến.

Khi chúng ta tạo ra một hoàn cảnh tốt nhất, tâm thức ta trở nên mạnh hơn. Khi chúng ta biết cười vui với chính mình và những vấn đề của mình, chúng ta chữa lành. Khi chúng ta biết hoan hỷ với chính mình và kềm chế việc nhìn vấn đề theo cách tiêu cực, chúng ta trở nên tích cực hơn với mọi sự việc. Suy nghĩ tích cực là thói quen tuyệt vời cần phát triển vì nó chữa lành chúng ta và giúp ta hạnh phúc trong cuộc sống. Ngài Dodrupchen giải thích:

Bằng việc thực hành cách tu tập này, tâm ta trở nên nhân từ dịu dàng. Thái độ chúng ta sẽ rộng mở, chúng ta trở nên dễ dàng sống với mọi sự. Chúng ta sẽ có một tâm can đảm. Việc rèn luyện tâm linh của ta sẽ thoát khỏi những chướng ngại. Mọi hoàn cảnh xấu sẽ phát lộ một cách rạng rỡ và nhiều tốt lành. Tâm thức ta sẽ luôn luôn được hài lòng bởi hạnh phúc của sự an bình. Để tu hành con đường giác ngộ trong thời đại nhiều cặn bã này, chúng ta phải có lớp vỏ bọc của sự tu tập để chuyển hạnh phúc và đau khổ trở thành con đường giác ngộ. Khi chúng ta không bị phiền não bởi khổ đau của lo lắng, những khổ đau tinh thần và tình cảm không chỉ biến mất giống như vũ khí rơi khỏi tay những người lính, mà trong hầu hết trường hợp, ngay cả những lực tiêu cực thực sự như bệnh tật cũng sẽ tự động biến mất.

“Những vị thánh trước đây đã nói: “Khi không cảm thấy ghét bỏ hay không bằng lòng đối với bất cứ sự vật gì, tâm ta sẽ bình an không rối loạn. Khi tâm thức ta không rối loạn, năng lực sẽ không rối loạn và do đó những yếu tố khác của thân thể cũng không rối loạn. Nhờ sự an bình và hài hòa này, tâm ta sẽ không rối loạn, như thế bánh xe của niềm vui sẽ chạy đều.”

“Các vị cũng nói: “Ngựa và lừa có những vết thương trên lưng sẽ dễ bị chim muông làm tổn thương; những lực lượng tiêu cực sẽ dễ dàng có cơ hội gây hại cho những người có tính sợ hãi với những lo lắng tiêu cực, nhưng sẽ khó làm tổn hại những người có bản chất mạnh mẽ với thái độ tích cực.”

Khi chúng ta không quan tâm đến việc bảo vệ hay bám víu bản ngã, đau khổ trở thành một phương tiện để chứng nghiệm an bình và hạnh phúc. Với thái độ tích cực, đau khổ có thể trở nên giống như kẹo ngọt. Trong đạo Phật, sự tương tự được ví với ladu, loại kẹo ngọt nhưng rất nóng của Ấn Độ. Ngài Dodrupchen chỉ cho chúng ta lợi ích to lớn của việc phát triển một sự nhẫn chịu dễ dàng:

“Chúng ta phải nghĩ: ‘Những đau khổ mà tôi trải qua trong quá khứ đã giúp tôi rất nhiều để đạt được hạnh phúc ngày nay dưới nhiều dạng phi thường… rất khó đạt được. Cũng vậy, đau khổ mà tôi trải qua sẽ tiếp tục giúp tôi đạt đến những kết quả kỳ diệu tương tự. Vậy ngay cả khi đau khổ của tôi trầm trọng, nó cũng là sự dễ chịu cực kỳ.’ Như người ta thường nói:

Như ladu bằng mật mía

Trộn với bạch đậu khấu và hạt tiêu.

“Hãy suy nghĩ lặp đi lặp lại về điều này và nuôi dưỡng kinh nghiệm hỷ lạc, an bình của tâm. Qua sự rèn luyện theo cách này sẽ khởi lên một tính chất tràn ngập hay sự dồi dào hoan lạc tinh thần làm cho khổ đau của các căn thức nhẹ nhàng như không có. Như vậy, tâm không bị tổn thương bởi đau khổ là đặc tính của những ai vượt qua sự đau yếu bằng nhẫn chịu. … … “Đảo ngược tư tưởng ghét đau khổ” là nền tảng của việc “chuyển đau khổ thành con đường (giác ngộ).” Vì trong lúc tâm trí ta bị rối loạn, và sự can đảm, hoan hỷ bị dập tắt bởi lo lắng, chúng ta không thể chuyển đổi đau hổ thành con đường giác ngộ.

Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta chỉ thích thái độ trốn tránh khi đau khổ xảy đến. Nếu chúng ta chưa từng có nhiều kinh nghiệm ứng xử bằng thái độ tích cực, ta có thể tự hỏi làm sao có thể có một người chấp nhận được trọn vẹn cuộc sống, cả những mặt tiêu cực lẫn tích cực. Điều này cũng giống như người chơi môn thể thao nhào lộn trong bầu trời biết cách trôi nổi giữa bầu trời bao la. Khi chúng ta thấy một người hào hứng biểu diễn lúc đang rơi trong không trung, ta tự hỏi làm thế nào có thể được như vậy. Bí quyết là thư giãn và buông thả. Sau một thời gian, chúng ta có thể trở nên rộng mở hơn với đời sống.

Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc mở rộng cách nhìn về những kinh nghiệm tiêu cực của mình. Ví dụ, chúng ta thường nghĩ nỗi buồn là tiêu cực. Tuy nhiên, khi buồn phiền đúng đắn thì không hẳn là tiêu cực, vì chúng ta đang chữa lành một vết thương. Trong một số trường hợp, nỗi buồn có thể thực sự xuất hiện một cách hoàn toàn đẹp đẽ. Chẳng hạn, nhiều người tin rằng những bản nhạc buồn trong nhạc opera hay nhạc phổ thông là hay. Vậy cảm xúc buồn không nhất thiết là “xấu”, trừ khi ta thấy nó như vậy.

Vượt lên tiêu cực và tích cực, rốt ráo mọi hiện tượng là rỗng rang. Vì hiện tượng là rỗng rang, chúng ta có thể chọn lựa một cách nhìn tích cực và không cảm thấy lo lắng ngay cả khi một hoàn cảnh có vẻ xấu. Điều đó cũng có thể giúp ta nhìn và cảm nhận vấn đề theo cách hoàn toàn rộng mở rỗng rang. Chúng ta có thể thiền định trong sự rộng mở, rỗng rang.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH
  2. TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ
  3. NHỮNG NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỮA LÀNH

Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
  2. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI – NHỮNG NGÀY QUÝ BÁU CỦA CHÚNG TA
  3. NHẬN BIẾT TÂM AN BÌNH

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN