NHÌN VÀ ĐIỀU CHỈNH LẠI

SUSAN KAISER GREENLAND & ANNAKA HARRIS

Trích: Chánh Niệm Ứng Dụng – 50 Trò Chơi Cho Đời Thảnh Thơi; Khánh Trang dịch; NXB Lao Động.

Hai con cá nhỏ đang bơi cùng nhau thì gặp một con cá già bơi ngược chiều. Cá già chào chúng: “Chào các chàng trai. Nước thế nào?” Hai con cá nhỏ tiếp tục bơi được một lát, cuối cùng một con nhìn sang con kia và hỏi: “Nước là cái quái gì thế nhỉ?”

Đây là câu chuyện mà David Foster Wallace kể ở phần đầu bài diễn văn chào mừng các tân cử nhân của Đại học Kenyon năm 2005. Bài học rút ra từ câu chuyện này là những thực tế rõ ràng và cơ bản nhất của cuộc sống thường lại là những điều khó nhận thấy và khó bàn luận nhất. Tôi nhớ lại câu chuyện về những chú cá của Wallace trong thời gian giảng dạy trong một nghiên cứu tại các trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ của Đại học California, Los Angeles (UCLA), và thấy từ bầu khí quyển viết trên tấm bảng trắng trong một lớp mẫu giáo. Tôi hỏi vị giám đốc điều hành ở đó, Gay MacDonald, rằng liệu từ bầu khí quyển có quá sức với các học sinh 4 tuổi không. Bà đã nhắc cho tôi nhớ rằng trẻ nhỏ có thể học được những từ ngữ khó hiểu nếu chúng được dạy dỗ trong bối cảnh phù hợp. Những khái niệm trong bức tranh lớn xuyên suốt quá trình học thiền cũng có thể được giải thích đơn giản và được dạy trong bầu không khí vui chơi, dù rằng chúng nằm ngoài phạm vi phát triển của trẻ. Cũng giống như hai chú cá nhỏ trong câu chuyện của Wallace có thể bơi vui vẻ trong một thứ mà chúng không thể gọi tên, thì trẻ nhỏ cũng có thể vui vẻ thể hiện những phẩm chất như trí tuệ và lòng từ bi mà chúng chưa hiểu rõ khái niệm. Nhiều người lớn chúng ta tuy đã thực hành thiên được một thời gian nhưng vẫn khiêm nhường nói rằng một số phẩm chất đó vượt quá trị hiểu biết của mình.

Thiền định có nhiều điểm chung với công việc làm vườn, một trong đó là tầm quan trọng của sự chuẩn bị. Sai lầm lớn nhất của nhiều người mới làm vườn là gieo hạt trước khi chuẩn bị đất. Nếu như bạn phải nỗ lực bền bỉ về mặt thể chất để nhặt đá khỏi luống hoa trước khi trồng, thì bạn cũng cần đến nỗ lực bền bỉ về mặt tinh thần để phát hiện ra những mô-típ suy nghĩ và hành vi khiến bạn đau khổ. Và để thay đổi chúng lại cần đến nỗ lực bền bỉ hơn nữa. Thay đổi thói quen và hành vi đòi hỏi một sự chuyển đổi trong thế giới quan, và đó thường là một quá trình dài đầy gian nan. Tuy thế, không có lý do gì để trẻ phải nản lòng cả. Chúng chỉ cần nhớ rằng sẽ tốt hơn nếu tiếp cận công việc nhặt đá trong tâm này bằng tâm thể nhẹ nhàng và một chút hài hước, thay vì lao lực tâm trí như cách thợ làm vườn dùng cuốc chim để cậy đá khỏi mặt đất.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÁNH NIỆM LÀM SỰ SỐNG CÓ MẶT
  2. CHÁNH NIỆM VÀ THIỀN ĐỊNH ĐƯỢC CHÍNH THỨC ĐƯA VÀO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO Ở 370 TRƯỜNG HỌC CỦA NƯỚC ANH

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỞI MỞ

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU