NHU CẦU HAY THAM MUỐN

JIGME RINPOCHE

Trích: Sống Hài Hòa Với Cảm Xúc (Working With The Emotions) ; Người Dịch: Hoàng Lan; NXB Thế Giới

Để thay đổi, chúng ta bắt đầu với những thói quen của mình. Đầu tiên, chúng ta tách biệt những nhu cầu của mình ra khỏi tham muốn. Phần lớn chúng ta muốn có những thứ mà chúng ta không cần để sinh tồn. Chúng ta phải thành thật về những gì là chúng ta thật sự cần cho cuộc sống của mình và những gì mà có thì cũng tốt. Sự khác biệt hoàn toàn tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Không ai có thể nói cho chúng ta biết là chúng ta có thật sự cần một cái gì đó không. Những thứ này bao gồm tất cả những vật bên ngoài cũng như những cảm xúc bên trong. Hiện tại, chúng ta như những người đi lạc trong sa mạc Sahara, tìm kiếm một ốc đảo. Chúng ta tìm thấy nó, chúng ta chạy tới đấy và nó biến mất. Tham muốn, một trong ba nguyên nhân chính của cảm xúc, cũng giống như vậy, như là một ảo tưởng. Chúng ta phải nhận ra giá trị thật của nó hơn là chạy theo nó một cách mù quáng. Khi chúng ta bắt đầu thắc mắc về những thứ mà chúng ta khát khao, thèm muốn, chúng ta sẽ từ từ hiểu ra giá trị thật của chúng đối với chúng ta. Quan trọng hơn là, chúng ta sẽ đi tới chỗ hiểu ra được ý nghĩa của tính tham muốn của chúng ta.

Sau đó, chúng ta sẽ chọn lựa tuỳ theo. Thực tế, chạy theo một ảo ảnh trên sa mạc Sahara khá là rắc rối và phiền phức. Tương tự khi chúng ta bám vào vật gì đó, chúng ta hoàn toàn bị trải nghiệm ấy lôi đi. Nếu chúng ta không chạy theo chúng nữa, chúng ta sẽ bắt đầu bình tĩnh lại. Chúng ta sẽ có một khoảng nhỏ để phát triển an lạc, sự bình yên và hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều muốn chúng ta biến mất. Đây là cách không khó khăn để ngừng chạy theo sự vật. Khá dễ áp dụng khi chúng ta có nhận biết.

Cách đối trị với tham muốn là không chối bỏ chúng kiểu như là “Tôi không cần cái này. Tôi cần tránh nó. Theo cách này, kỷ luật cứng rắn không có tác dụng. Nhưng có một cách đơn giản và hiệu quả để từ từ thay đổi thói tham muốn. Cách này cần có thời gian. Mỗi ngày, khi chúng ta tỉnh giấc, suy nghĩ đầu tiên của chúng ta thường là về tham muốn. Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, suy nghĩ đầu tiên cũng có thể là sợ hãi, lo lắng.

Chúng ta nên tự nhìn xem điều này có xảy ra với chúng ta không. Nó là cảm xúc rất vi tế và thuộc về tiềm thức. Nhưng điều đầu tiên trong buổi sáng, cố gắng áp dụng ý nghĩa của Tâm Bồ Đề. Chỉ nghĩ một cách chân thành rằng chúng ta nên giúp đỡ các sinh vật sống, con người hoặc động vật. Chúng ta không cần ngồi dậy trong tư thế thiền toạ. Chúng ta không phải nghĩ chi tiết hay theo một cách cụ thể nào. Chỉ tập trung chân thành vào cảm xúc là chúng ta muốn giúp người khác. “Tôi muốn sử dụng tất cả những khả năng của mình để giúp đỡ tất cả.” Sau đó, trong ngày, khi đang làm việc, hãy quan tâm tới người khác và giúp họ bất cứ khi nào có thể. Khi điều này trở thành thói quen trong tâm bạn, bạn có thể thay đổi tham muốn của mình. Bạn sẽ thấy các cảm xúc của mình trở nên dễ kiểm soát hơn.

CỞI MỞ TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Thực tế, sự tỉnh táo là một phẩm chất quan trọng của an lạc. Nó giúp chúng ta hiểu hơn về giây phút hiện tại. Thường thì chúng ta không có lý do gì để không hạnh phúc. Thay vì nghĩ rằng chúng ta không quá tệ tại thời điểm này, chúng ta thường bận rộn với việc bảo vệ bản thân trong tương lai hoặc trong quá khứ. Có rất ít khoảnh khắc mà trong đó, chúng ta không bị lôi về quá khứ hoặc không mơ tưởng tới tương lai. Điều này có nghĩa là rất ít khi chúng ta sống với hiện tại. Hệ quả rõ ràng là chúng ta tạo nên sợ hãi hoặc đau khổ. Và những cảm xúc này không ngừng quấy rối chúng ta. Ví dụ như thay vì an trú trong hiện tại, chúng ta lại suy nghĩ: “Vài tiếng nữa, mình sẽ ăn pizza. Mình đang ở đây nhưng mà mình đói quá.” Hoặc “Khi anh ấy bảo với mình như thế sáng nay, mình lẽ ra nên trả lời như thế này nếu mình thông minh hơn, hoặc nhanh trí hơn.” Do đó, chúng ta chẳng mấy khi ở với hiện tại. Đây là cách mà chúng ta củng cố cho những áp lực và cảm xúc của mình. Đây cũng chính là cái mâu thuẫn trực tiếp với an lạc. Ai là người tạo ra những áp lực này? Chúng ta. Chính vì vậy mà phát triển an lạc cũng có nghĩa là tập sống với hiện tại. Nếu tôi nhận biết được những gì đang diễn ra, thay vì phát triển những áp lực thì tôi nhận biết được sự xuất hiện của chúng. Tôi không liên hệ chúng với quá khứ. Tôi cũng không cần bảo vệ mình trong tương lai.

Cho dù chúng ta biết rằng phải luyện tập để sống với hiện tại, bây giờ. Thường thì chúng ta không làm như thế. Thiền tập rất vất vả. Vấn đề là ở chỗ chúng ta nghĩ rằng thiền tập thật là buồn chán, vì chỉ có ngồi không, chẳng làm gì. Nhưng thực tế thì khá là ngược lại. Chúng ta chỉ phải duy trì nhận biết liên tục. Chúng ta nhận biết một cách không có áp lực. Từ từ, chúng ta bắt đầu sáng tỏ hơn. Chúng ta bắt đầu có thể nhìn thấy những nguyên nhân của cảm xúc xuất hiện. Chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng những suy nghĩ không ngừng ngăn chặn, không cho chúng ta sống với hiện tại. Nếu chúng ta có thể thật sự an trụ ở hiện tại, giây phút ấy có vị riêng của nó. Phát hiện này cần có thời gian và phải được luyện tập. Chúng ta sẽ nhận thấy thanh thản là bản chất tự nhiên của tâm. Tâm không tự nó kinh động lao xao. Nếu chúng ta không chạm vào nó, chỉ để nó như thế thì sự thanh thản này sẽ lan toả vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Điều này chỉ đến khi chúng ta có thực hành và luyện tập. Sự luyện tập này có thể bao gồm cả cách chúng ta sống hàng ngày. Sẽ tới lúc chúng ta có thể nhìn thấy sự khác biệt trong cách chúng ta liên hệ với mọi người và hoàn cảnh vì chúng ta có tinh thần thanh thản. Chúng ta có thể nhìn rõ những kích động của mọi người xung quanh chỉ bởi vì chúng ta đã từng giống như họ. Do đó, chúng ta có thể liên hệ bản thân với mọi người và đề nghị giúp đỡ theo những cách có ý nghĩa.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN CẢNH CỦA CHÚNG TA GIỐNG NHƯ NHAU
  2. HỌC HỎI VÀ KHÁM PHÁ CÁ NHÂN
  3. ĐỂ CÓ THỂ THẤU HIỂU NGƯỜI KHÁC HƠN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP