NHỮNG NGHIỆP BẤT THIỆN

LONGCHEN RABJAM

Trích: Phật Tâm; NXB Thiện Tri Thức.

 

Có mười hành vi bất thiện khiến người ta rơi từ những cõi cao xuống những cõi thấp và chúng chỉ gây ra khổ đau.

Đó là:

Ba nghiệp bất thiện của thân: Giết, lấy của không cho, và tà dâm.

Bốn nghiệp bất thiện của ngữ: Nói dối, nói chia rẽ, lời thô ác và lời vô nghĩa.

Ba nghiệp bất thiện của tâm: Tham lam, ác ý và tà kiến.

Những hậu quả của những nghiệp bất thiện

Tóm tắt: Những  nghiệp bất thiện được phát sanh qua đối tượng, ý định, tư tưởng và cố gắng bất thiện. Chúng sản sanh ra ba phạm trù hậu quả. Trong những kinh điển, chúng được xếp loại thành những hậu quả của sự chín muồi (là hậu quả chính), tương hợp và nổi trội (hay môi trường). Trong những luận giảng, có bốn phạm trù, cọng thêm hậu quả tích lũy …

(1) Hậu quả của sự  chín muồi: Trong kinh Arya-saddhar-masmrtyupasthana có nói:

Sự chín muồi của hậu quả của một nghiệp nhỏ (trong mười nghiệp bất thiện) tạo ra sự tái sanh trong cõi thú, của một nghiệp vừa tạo ra sự tái sanh trong cõi quỷ đói và của một nghiệp nặng là tái sanh vào địa ngục.

(Sau khi hoàn tất kinh nghiệm của hậu quả của những nghiệp xấu như là hậu quả chín muồi trong ba cõi thấp, dầu được tái sanh vào một cõi cao hơn nhờ những nghiệp thiện khác, người ta còn phải kinh nghiệm ba hậu quả sau đó nữa):

(2) Hậu quả của sự tương hợp: Nó có hai phạm trù: hậu quả tương hợp của nguyên nhân và hậu quả tương hợp của kinh nghiệm …

(a) Về hậu quả tương hợp của nguyên nhân, trong kinh Karmasataka có nói:

Bởi vì một người đã quen với một nghiệp bất thiện dù sau khi đã kinh nghiệm hậu quả của sự chín muồi, nó sẽ sanh ra nơi nào có thể dựa vào những hành vi bất thiện và thực hiện theo đuổi chúng.

(b) Hậu quả tương hợp của kinh nghiệm: trong hậu quả này có hai loại cho mỗi cái của mười nghiệp bất thiện.

Trong kinh Karmasataka nói:

Dù một người tái sanh trong cõi trời hay cõi người (nhờ những hành vi đức hạnh khác), nó còn phải kinh nghiệm những hậu quả sau đó như sau: có một cuộc sống ngắn ngủi và nhiều bệnh bởi vì nghiệp giết trong quá khứ, có ít tài sản và phải chia sẻ chúng cho những kẻ thù vì lấy của không cho, có một người hôn phối không hấp dẫn và phải chia xẻ người ấy với những người khác vì nghiệp ngoại tình, bị những người khác lừa đảo lường gạt vì nói dối, có những người sống chung xấu và bất hòa vì nghiệp vu khống, nghe những chửi mắng và (dù khi người ta nói dịu dàng) khiêu khích bởi vì đã nói lời thô ác, lời nói không được coi trọng và không được tin cậy vì đã nói vô nghĩa, trở nên tham lam và không toại ý vì tính thèm khát, ít có lợi ích mà chỉ có thiệt hại vì ác ý, và bị bao bọc bởi những quan điểm xấu và xảo quyệt vì tà kiến …

(3) Hậu quả nổi trội: Trong Semnyid Ngalso có nói:

Hậu quả nổi trội ám chỉ những hậu quả trên môi trường.

Khi người ta ở trong sanh tử bị những yếu tố bên ngoài điều khiển:

Do giết (người ta sinh) vào một xứ sở xấu xí

Nơi thuốc thang, cây trái, ngũ cốc, thức ăn thức uống v.v…

Sẽ cho ít bổ dưỡng, khó tiêu hóa và dễ độc hại.

Do lấy của không cho, sanh vào một xứ sở không có ngũ cốc,

Nơi có những nguy hiểm sương mù, mưa đá, nạn đói.

Do ngoại tình, sanh giữa chỗ phân và nước tiểu, dơ bẩn, hôi thối.

Trong một xứ sở chật hẹp, đáng sợ không vui vẻ.

Do nói dối, sanh vào một xứ sở xung đột và kinh hãi

Nơi sự sung túc không bảo đảm và người ta bị người khác lừa dối.

Do nói lời chia rẽ, sanh vào xứ sở đi lại khó khăn, núi sông hiểm trở,

Với  nhiều hoàn cảnh không thuận lợi.

Do nói lời thô ác, sanh vào một xứ sở vô đạo đức, đầy sỏi đá, gai góc,

Bụi bặm, rác rưởi, ngũ cốc nghèo nàn, một môi trường gồ ghề, muối mặn.

Do lời vô nghĩa, sanh vào vùng ngũ cốc và trái cây không chín, bốn mùa bất ổn,

Nơi không có gì vững bền và lâu dài.

Do tham lam, sanh vào những xứ sở mùa màng ít mà nhiều vỏ trấu,

Những thời tốt đẹp chuyển thành xấu.

Do ác ý, sanh vào một xứ sở nơi hạt và trái có vị đắng cay,

Nơi có những người cai trị độc tài, bọn cướp, người hoang dã và rắn rít…

Nhiều hoàn cảnh gây họa hại của thiên nhiên.

Do tà kiến, sanh vào những xứ sở nơi không có nguồn chất liệu quý giá

Và ít cây thuốc, hoa và trái.

Nơi không có những chỗ nương tựa quy y, người bảo hộ hay năng lực hộ trì …

(4) Hậu quả lũy tích: Trong Arya-saddharma-smrttyu-pasthana có nói:”Người vô minh và đã phạm những hành vi xấu trong quá khứ sẽ tăng thêm những hành vi xấu của họ và sẽ chịu khổ hơn.”

Kết luận

Trong Vinayagama có nói:

Những nghiệp bất thiện như thuốc độc, dù nhỏ nhưng tạo khổ lớn lao. Chúng giống như người hoang dã phá hoại những công đức tích tập được. Bởi thế, người ta cần cố gắng từ bỏ những hành vi không đức hạnh và dấn thân vào hành vi đức hạnh.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGHIỆP CÓ THỂ THAY ĐỔI ?
  2. NGHIỆP

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỘC ĐỜI CỦA CÁC ĐẠO SƯ ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. SỰ CHỨNG NGỘ ĐẠT ĐẾN TỨC THỜI BỞI NYOSHUL LUNGTOG
  3. MỤC ĐÍCH CỦA LỜI DẠY VỀ PHẬT TÁNH

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ