NHỮNG THIỆN HẠNH CỦA THÂN, KHẨU VÀ TÂM

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Những Giáo Lý Phowa Và Bardo; Người dịch: Ngộ Châu; NXB Thiện Tri Thức.

Các bạn Pháp, sáng nay tôi sẽ nói về sự tích lũy công đức và tịnh hóa những che chướng. Trong Lời Cầu Nguyện Phát Bồ đề tâm về giáo lý Chuyển Di Thức có nói: “Tôi sẽ thực hiện những hành động thiện với thân, khẩu và tâm”. Đây là phương pháp để tích lũy công đức và tịnh hóa các phiền não và che chướng. Trong buổi lễ phát nguyện quy y, chúng ta biết rằng tất cả những lời dạy của Đức Phật có thể được tóm tắt thành bốn dòng: “Đừng phạm bất thiện hạnh. Hãy hoàn thiện thiện hạnh. Hãy hoàn toàn chế ngự tâm của chính con. Đây là giáo lý của Đức Phật.”

“Thiện hạnh” là bất cứ điều gì bạn làm dựa trên Bồ đề tâm, một trái tim tốt, một trái tim của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Đây là thiện hạnh ban đầu. Với điều này làm cơ sở, khi chúng ta thực hành Sáu Hoàn Thiện (Ba la mật), vốn là nguồn gốc của tất cả hạnh phúc, chúng ta có thể tạm thời được sanh ra trong những cõi cao hơn.

Đây là thiện hạnh ở giữa. Sau cùng, đạt được giác ngộ là thiện hạnh cuối cùng.

Tất cả những việc làm thiện hạnh đều được thực hiện để phát triển Bồ đề tâm. Với Bồ đề tâm, chúng ta có thể cắt đứt gốc rễ của sanh tử, đó là sự chấp ngã. Thực hành thiện hạnh nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta làm đều thực hiện với một ý định vị tha rộng lớn mong muốn mang lại lợi ích cho người khác. Đức Phật được nói là đã tích tập công đức trong ba kiếp không ngừng. Ngài đã làm như vậy bằng cách thực hành Sáu Hoàn Thiện, nhưng những gì Ngài thực sự tích lũy là tình yêu thương và lòng bi mẫn cho tất cả chúng sanh.

Đức Phật đã nhận biết rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn là nhân duy nhất của hạnh phúc. Vì vậy, với lòng đại bi Ngài đã nguyện, “Nguyện tất cả chúng sanh có được hạnh phúc và nhân của hạnh phúc”. Nhân của hạnh phúc là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Tương tự như vậy, Đức Phật đã nhận biết rằng nguồn gốc của mọi đau khổ, nguồn gốc của tất cả các cảm xúc phiền não, là sự chấp ngã. Vì vậy, Ngài nguyện, “Nguyện cho tất cả chúng sanh thoát khỏi đau khổ và nhân của đau khổ”. Như vậy, tích lũy công đức có nghĩa là phát triển tri giác về tình yêu thương và lòng bi mẫn ngày càng sâu sắc hơn. Tịnh hóa những che chướng nghĩa là giải phóng bản thân khỏi sự chấp ngã.

Thực hành thiện hạnh với thân, khẩu và tâm nghĩa là với tình yêu thương và lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, chúng ta từ bỏ mười điều bất thiện. Thân có ba bất thiện: sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Có bốn bất thiện của khẩu: nói dối, nói lời chia rẽ, lời nói thô bạo và lời vô ích. Tâm có ba bất thiện: tham lam, mong muốn làm hại, và tà kiến. Bỏ mười bất thiện này hành giả phải thực hành ngược lại với chúng, mười thiện hạnh với thân, khẩu và tâm.

Tốt nhất, chúng ta nên từ bỏ tất cả những điều bất thiện. Nếu không thể, chúng ta nên cố gắng từ bỏ năm hay bốn trong số chúng, hoặc nhiều nhất có thể. Tốt nhất chúng ta thực hành theo cách này cho đến chừng nào còn sống. Trong lời cầu nguyện có nói, “Cho đến khi chết, tôi thực hành các hành động thiện hạnh”. Nếu không cho đến khi chết, những thiện hạnh này có thể được thực hành trong một năm, một tháng hoặc ít nhất một ngày – từ bây giờ cho đến ngày mai. Ví dụ bạn thực hiện lời thề của một cuộc nhập thất một ngày ở Nyingne và cố gắng quan sát chúng. Những thiện hạnh này nên được tận tâm cho việc đạt được giác ngộ hoàn hảo vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Chúng không nên được thực hiện chỉ vì lợi ích của chính mình và chỉ cho đời sống này.

Thế nên, ngược lại với mười bất thiện là mười thiện hạnh. Ba thiện hạnh của thân là: bảo vệ mạng sống của người khác, thực hành bố thí, và sống một đời sống có đạo đức. Sống một đời sống có đạo đức có nghĩa là một đời sống thoát khỏi những tư tưởng và những ý định tiêu cực. Hành vi tà dâm có nghiệp xấu rất nặng do đó nó trái với giới luật.

Bạn nên nói sự thật, điều đó ngược lại với nói dối Nhưng bạn phải thật khéo léo. Nếu bạn nói sự thật không đúng lúc, điều đó có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến chia rẽ, hoặc tạo xung đột giữa mọi người. Đôi khi, nói dối mang lại lợi ích, đó là khi bạn nói dối để mang lại lợi ích cho người khác. Lời nói gây chia rẽ là rất tệ. Nó có nghiệp xấu rất nặng. Chúng ta nên tránh bằng mọi cách. Đúng hơn, chúng ta nên cố gắng tạo ra sự hòa hợp giữa mọi người. Thay vì nói một cách gay gắt, chúng ta nên nói một cách nhẹ nhàng. Ngược lại của lời nói vô nghĩa là nói có ý nghĩa, nói hùng hồn và nói thật. Đây là bốn đức tính của khẩu.

Ba hành động bất thiện hạnh của tâm là tham lam, muốn làm hại, và những tà kiến. Tham lam là bám luyến, ham muốn làm hại là hận thù, và tà kiến là vô minh. Từ bỏ những tư tưởng tiêu cực này là ba thiện hạnh của tâm. Ví dụ, bạn nhìn thấy của cải của ai đó, bạn muốn có nó cho riêng mình, bạn bị say đắm bởi của cải của người khác. Cảm giác này là tham lam và nó gây ra suy giảm công đức. Người có của cải và những may mắn khác là một kết quả của việc thực hành công đức, và nếu chúng ta thèm muốn của cải đó, nó sẽ làm giảm công đức của chính bạn. Mong muốn làm hại là hận thù, và tà kiến là không tin vào luật của nghiệp. Không có gì tồi tệ hơn là không tin vào nghiệp, vì nó trở thành nguyên nhân của mọi hành động có hại.

[Do đó cần phải phân biệt rạch ròi giữa thiện hạnh và bất thiện hạnh. Bạn có thể tham khảo những lời giải thích chi tiết trong 37 Cách Thực Hành Bồ Tát để thoát khỏi sân hận, bám luyến, vân vân]

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LUẬT NGHIỆP QUẢ
  2. AI TẠO RA LUẬT NHÂN QUẢ?

Bài viết khác của tác giả

  1. SÂN GIẬN
  2. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU
  3. NỀN TẢNG (PHẬT TÁNH – BẢN TÁNH CỦA TÂM) KHÔNG DO NHÂN DUYÊN

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN