NHỮNG VIÊN NGỌC BÊN BỜ THỜI GIAN

BHANUMATHI NARASIMHAN

Trích: Gurudev Bình Nguyên Trên Đỉnh Cao - Cuộc Đời Của Sri Sri Ravi Shankar; Việt dịch: Lê Du; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2022

Về tác giả

Bhanumathi Narasimhan là em gái của Gurudev Sri Sri Shankar. Đầu tiên là với sự trong sáng, và sau đó với nhận thức hân hoan, bà đã theo anh trai mình, người Thầy của mình trong suốt cuộc đời. Bà chia sẻ tầm nhìn của Thầy về việc mang nụ cười tới từng khuôn mặt trên hành tinh. Bà là một giáo viên thiền. Những khóa học của bà đã mang lại một trải nghiệm về sự bình yên sâu lắng bên trong tới hàng ngàn người trên khắp thế giới. 

Bhanumathi dẫn dắt các sáng kiến về phúc lợi cho phụ nữ và chăm sóc trẻ em tại The Art of Living. Từ một trường học nhỏ miễn phí với ba mươi trẻ là con em của các công nhân xây dựng, dự án “Trao tặng một nụ cười” hiện hỗ trợ cho 435 trường học với 58.000 trẻ bị thiệt thòi. Là chủ tịch của Hội nghị Phụ nữ Quốc tế, tầm nhìn của bà là tạo một mạng lưới toàn cầu của phụ nữ có trách nhiệm để thúc đẩy sự chuyển đổi tích cực trong xã hội. Bà có bằng thạc sĩ văn chương tiếng Phạn. Được đào tạo là ca sĩ nhạc Carnatic, người dân khắp thế giới biết đến bà với tuyển tập những bài niệm ca thiêng liêng và những bài bhajan giàu cảm xúc. Bà cũng là tác giả của hai cuốn sách TejasviniLalitha.

—– oOo —–

Tôi luôn yêu biển. Nó nhắc tôi nhớ về sự bao la, mênh mông vô tận. Mỗi đợt sóng mạnh mẽ, là một phần của đại dương, tuy vẫn có sự khác biệt giữa chúng. Khi dâng cao, nó là một cơn sóng và khi lùi xa, nó tự nhiên hòa vào với biển. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Nó có hình hài này nhưng vẫn là một phần của đấng thiêng liêng.

Khi còn là một thiếu niên, anh tôi quan tâm sâu sắc đến nền văn hóa cổ xưa của chúng tôi. Anh muốn biết những chi tiết và sự quan trọng của mọi nghi lễ và các vị thần. Anh hấp thụ tất cả những sự giải thích và sau đó chia sẻ chúng với tôi. Những câu chuyện kể trực tiếp và đơn giản của anh khêu gợi sự quan tâm của tôi. Tôi trở nên hiếu kỳ và thường hỏi hàng trăm câu hỏi, cố gắng tìm kiếm câu trả lời hợp logic.

Mặc dù tôi không dễ dàng bị thuyết phục nhưng tôi luôn chấp nhận lý lẽ của anh tôi. Chúng tôi có một thư viện nhỏ ở nhà. Chúng tôi giữ một cuốn sổ ghi lại các cuốn sách mà những đứa trẻ hàng xóm mượn. Theo cách này, cha khuyến khích con trẻ đọc sách và có những hiểu biết nhiều hơn về đất nước và truyền thống của mình.

Cha kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về các vị thánh và sau đó chúng tôi có niềm vui được diễn lại những chuyện này. Chúng tôi tìm kiếm thêm thông tin về các vị thánh trong thư viện nhỏ bé của mình và anh tôi vạch kế hoạch về nhân vật, kịch bản cũng như lời thoại. Sau đó chúng tôi diễn kịch trên mái bằng ngôi nhà Jayanagar của chúng tôi, trong khi người lớn ngủ trưa ở bên dưới. Mẹ tôi thường phàn nàn, “Mẹ đưa các con lên đó để dưới nhà được yên tĩnh, nhưng với tiếng ồn ào vọng xuống thì mọi người không thể chợp mắt được chút nào. Các con làm gì trên đó thế?”

Sức nóng trên mái nhà không làm chúng tôi nản chút nào. Chúng tôi dùng những chiếc khăn lau làm trang phục. Anh tôi sẽ mặc đồ như Đức Phật, còn tôi và những đứa bạn hàng xóm thì đi chung quanh anh niệm “Buddham sharanamgacchami1. Chúng tôi cười nhiều đến nỗi khiến người đóng vai Đức Phật phải bật cười theo. Lần khác, anh buộc một chiếc khăn quanh đầu và cầm một cây gậy, bắt chước theo Adi Shankara, Chúng tôi đi theo sau anh và hát “Hara hara Shankara, Jaya Jaya Shankara2. Tôi đi đến “Shankara” tìm gyan – sự hiểu biết – và tất cả chúng tôi nhận được là một cái vỗ nhẹ lên đầu bằng cây gậy anh đang cầm. Những trò chơi này mang lại nhiều niềm vui và chúng tôi hiểu nhiều về các vị thánh khác nhau. Anh tôi nhớ ngày sinh của từng vị và tổ chức những sự kiện đặc biệt để kỷ niệm vào ngày đó.

Ngay cả hiện nay, truyền thống này vẫn tiếp tục, bởi mỗi ngày trong năm anh đều tổ chức kỷ niệm sinh nhật cho người này hay người khác. Ngoài các vị thánh, chúng tôi còn diễn lại cuộc đời của những vị vua, hoàng hậu, devisdevatas3 nữa. Việc mặc y phục được may một cách tỉ mỉ bởi cô Vasantha mang đến cho chúng tôi niềm vui lớn. Cô thường thích thú mặc vào cho chúng tôi và đứng yên chiêm ngưỡng thành quả của mình. Cả anh tôi và tôi thường thích đóng phần vai của mình. Những nhân vật vẫn tiếp tục trong tâm trí chúng tôi một thời gian dài sau khi đã diễn xong vở kịch và mỗi khi nhớ lại, chúng tôi bật cười với chính vai diễn của mình. Một lần khi mới lên tám tuổi, cậu bé Ravi dàn dựng điệu nhảy cho một bài hát dân ca Kannada. Chúng tôi có 10 đứa trình diễn bài hát tại nhà của cô Thangamma như một phần trong các ngày lễ tưởng niệm Gandhi Jayati. “Moodala manaya mutthina neerina erakkava hoida”, có nghĩa là khi đấng tối cao đưa nước vào trong một vỏ sò khép kín và làm cho nó trở thành một viên ngọc hoàn hảo như thế nào! Lúc đó, tôi không hiểu được ý nghĩa của những điều này. tôi chỉ vui khi thực hiện những bước nhảy – nhưng anh tôi có con mắt tinh tường và ca ngợi những điều kỳ diệu chung quanh chúng tôi. Kinh Yoga viết, “Vismayo yoga bhumika” (có nghĩa là kỳ diệu) là lời tựa của yoga. Những ngày khi đó của chúng tôi thật tuyệt vời và khi nhớ lại, tôi không thể không ngừng cảm thấy điều kỳ diệu đó.

Chúng tôi cười vui vẻ khi làm những điều chúng tôi thích. Hơn nữa, chúng tôi cũng cười ngay cả với những điều chúng tôi không thích, như uống dầu thầu dầu chẳng hạn. Đây là nghi lễ ngày Chủ nhật của chúng tôi. Cha tôi, với một muỗng chất lỏng sền sệt với mục đích làm sạch dạ dày, giả vờ đi tìm chúng tôi. Chúng tôi chạy quanh nhà và cuối cùng trốn dưới một cái giường cũi. Cha lớn giọng hỏi mọi người, “Có ai thấy mấy đứa nhỏ ở đâu không?” Như thường lệ, tôi bắt đầu cười khúc khích và cha tìm ra chúng tôi ngay. “Tất cả đều tại tiếng cười của em, anh trách tôi, “Anh đã nói em im lặng rồi mà”. Dầu xuống cổ họng của chúng tôi trong sự khích lệ bằng giọng nói dịu dàng của cha. Cha tôi không bao giờ ép buộc chúng tôi bất cứ điều gì. Mọi thứ được xử lý theo cách nhẹ nhàng và vui vẻ. Đó là những ngày thầu dầu đặc biệt.

Nhưng dầu thầu dầu không chỉ là thứ mà chúng tôi nuốt. Những người khách đến nhà chúng tôi, lúc nào họ cũng được tiếp đãi chu đáo. Chính vì vậy mà mẹ tôi thường cất trữ những thứ như bột sữa uống liền cho mục đích cần kíp để không ai phải chờ đợi khi đói bụng. Mặc dù anh tôi và tôi thích hương vị của bột sữa, chúng tôi chỉ được cho uống sữa bò tươi. Vì vậy khi mẹ chợp mắt vào buổi trưa, chúng tôi rủ nhau vào bếp tìm những hộp thiếc chứa bột sữa. Nhưng mẹ là một người nhạy bén, biết được ý đồ của chúng tôi nên giấu nó trên một trong những chiếc kệ cao nhất mà chúng tôi không thể với tới. Bà biết chúng tôi muốn gì và điều bí mật mà chúng tôi toan tính. Chúng tôi nói với nhau bằng ký hiệu ngôn ngữ và rúc rích cười về mưu mẹo của mình. Mẹ sẽ giả như không biết và để chúng tôi thích thú tiến hành công việc bí mật của mình. Nhưng ngay sau khi chúng tôi leo lên và tìm thấy hộp thiếc, mẹ liền có mặt như bà có phép thuật vậy. Chúng tôi cầu xin bà nhưng không ăn thua. Bà đuổi chúng tôi ra và nghiêm khắc nói, “Không tốt cho sức khỏe. Nhưng bà nội thường can thiệp, “Chỉ cho chúng một muỗng thôi. Không có việc gì đâu”. Thế là mẹ không thể từ chối và một sự đương đầu lặng lẽ với mẹ chồng là điều chắc chắn. Mặc dù tôn trọng bà nội, nhưng mẹ không muốn thất bại trong tranh luận. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng tôi thường có những gì mình muốn. Những trường hợp cá biệt có thể đưa đến những xích mích nhỏ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nhưng anh tôi thường kể cho bà nội nghe rằng mẹ thường cầu nguyện cho bà và nói với mẹ rằng bà luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho mẹ. Bằng cách ấy, anh đã giúp giải tỏa những bất hòa có thể xảy ra giữa hai người.

Tôi nhớ lại những ngày đó khi tôi nhìn vào hộp sữa bột Nestle bên tách trà vào buổi sáng ở California. Tôi ngồi nhâm nhi tách trà, chiêm ngưỡng đại dương. Hương vị và mối ưu tiên có thay đối. Hiện nay, tôi có sữa hộp bất cứ lúc nào tôi muốn nhưng không có sự thôi thúc nào để có nó. Cuộc sống quá sôi nổi và không ngừng thay đổi như những cơn sóng biển. Tuy nhiên, vẫn có một số điều không thay đổi.

Sự liên hệ của tôi với biển bắt đầu vào một dịp ngâm mình thiêng liêng ở Rameshwaram. Cha tôi nhúng tôi vào biển, nói đó là một ngày tốt lành. Tôi thở hổn hển. Nhưng tôi biết mình an toàn trong vòng tay của cha và mắt ông nhìn chăm chú vào tôi với nụ cười trấn an rằng mọi thứ đều ổn cả. Tôi vẫn nhớ ngày đó, tôi chỉ là một đứa bé, có lẽ chừng 2 tuổi rưỡi và dĩ nhiên với anh tôi bên cạnh. Cha tôi cũng nhúng anh vào biển.

Rameshwaram, Kashi, Madural Meenakshi – Cha tôi đưa chúng tôi đến nhiều ngôi đền lớn và cổ kính ngay cả khi chúng tôi chỉ 4 hay 5 tuổi. Kiến trúc và vẻ nguy nga tráng lệ của những ngôi đền này đã làm chúng tôi kinh ngạc. Trong khi anh tôi cầu nguyện ở chính điện, tôi quan sát đồ châu báu dùng để trang trí. Thấy thần Meenakshi được tô điểm với đầy đủ châu ngọc, tôi suy luận rằng bà mang được sức nặng của quá nhiều nữ trang như vậy chỉ bởi vì bà là một nữ thần. Anh tôi rất say mê nữ thần với hình dáng này ngay cả vào thời điểm khi anh vừa mới biết nói. Anh nói “Michini” trong khi cố gắng nói “Meenaskshi” khi giữ một tượng nữ thần nhỏ trong bàn tay nhỏ bé. Tương tự, anh nói “Pillaiyar, tên tiếng Tamil của Ganesha, thành “Puraru”. Mỗi năm vào lễ hội Ganesha Chaturthi, rơi vào giữa tháng Tám và tháng Chín, một tượng thần Ganesha được mang về nhà để thờ phụng. Một khi lễ puja hoàn tất, tượng thần được nhúng vào nước. Anh tôi, lúc đó khoảng bốn tuổi, lấy tượng Ganesha nhỏ bé trang trí với hoa, đặt vào một chiếc giỏ và giữ nó trong lòng.

Anh mang nó với cảm xúc mạnh mẽ và không muốn rời ra. Anh cầu xin mẹ để anh giữ “Puraru” của anh. Mẹ tôi dù xúc động bởi sự kết nối của anh với tượng thần, nhưng bà vẫn muốn giữ truyền thống. Nhưng không dễ giải thích tại sao lễ nghi là cần thiết. Bà tìm cách giải thích cho cậu bé Ravi rằng “Puraru’ sẽ trở lại vào năm tới nếu anh ấy để cho ngài đi vào lúc này. Sau này, Gurudev đã giải thích rằng mặc dù thần thánh ở trong chúng ta, nhưng bản chất của tâm trí chúng ta là cần một hình thể bên ngoài để biểu lộ cảm xúc. Chúng ta cho rằng đấng thiêng liêng là một phần của tượng thần và việc dâng cúng hoa, quả, hương trầm và prasad4 để biểu lộ lòng biết ơn của mình. Khi nghi lễ puja kết thúc, chúng ta mời thánh thần quay trở lại tim mình và nhúng nước tượng thần. Trái tim của chúng ta chắc chắn là nơi tốt nhất cho đấng thiêng liêng!

Anh tôi có một bộ sưu tập năm hay sáu tượng nam thần và nữ thần ở nhà. Đây là những đồ chơi ưa thích của anh. Hành lang bên ngoài của những ngôi đền lớn tại Nam Ấn Độ có đặt những cửa hàng nhỏ bày bán những hàng hóa đặc trưng liên quan đến đền thờ — những tập thơ shloka, hương trầm, hoa, các đồ lễ và tượng thần cho nghi lễ puja. Khi chúng tôi đến đền Kumbeshwara ở Kumbakonam, cậu bé Ravi phát hiện một tượng Nataraja bằng đồng thau thanh nhã và muốn mang về nhà. Nó khá lớn và cha mẹ tôi không biết cách nào thuyết phục cậu con trai bảy tuổi bỏ ý định có nó. May mắn, cậu bé nhìn thấy một phiên bản nhỏ hơn của vị thần này và cha mẹ tôi quyết định mua nó. Ở nhà, tất cả tượng thần được mang ra một cách cẩn thận và đặt vào những bát riêng, trang trí với bột gỗ đàn hương và hoa, rồi để nổi trên bể luôn đầy nước trong nhà bếp. Những ngôi đền có một lễ “teppam”, ở đó các vị thần được trang trí và đặt vào trong một chiếc thuyền, chèo ngang hồ của đền. Chúng tôi cũng có lễ “teppam” nhỏ của riêng mình tại nhà ở Papanasam và cả gia đình thích thú với nghi lễ được mến chuộng này.

Những ngày sống cùng anh rất quý giá đối với tôi. Ao, hồ hay biển tất cả đều hình thành từ nước, tuy nhiên chúng khác nhau. Khi chúng tôi lớn lên, mọi thứ dường như vẫn vậy nhưng mức độ ý thức về những niềm vui của người yêu thích biển đã thay đổi. Khi còn nhỏ, chúng tôi thường đến bãi biển Marina ở Chennal và ăn bữa ăn nhanh tiêu chuẩn “thengaai maangaai pattaani chundal” – xoài được cắt ra trộn với những mẩu dừa và đậu nấu chín – và ngâm chân trong sóng biển. Nhưng cách tôi nhìn biển đã thay đổi: Hiện nay, tôi thích quan sát Sóng biển trong sự tĩnh lặng. Vì vậy nhiều đợt sóng – nhỏ, lớn, dịu êm và dữ dội – cũng giống như những suy nghĩ trong tâm trí. Đôi khi chúng đến như sóng thủy triều và khi lùi ra xa, cũng giống như thiền định, quay trở về nguồn. Một cuộc sống tuyệt vời mà Minh sư đã mang đến cho tôi! Tôi ngạc nhiên về vận may của chính mình. Minh sư cũng giống như biển bao la này, tĩnh lặng nhưng đầy sức mạnh.

Chú thích

(1) Con phó thác mọi thứ cho Đức Phật – ND

(2) Một câu hát trong bài bhajan về thần Shiva – ND

(3) Những vị thần bay trên thiên đường – ND

(4) Đồ lễ dùng để cúng dường, thường là thức ăn chay – ND

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP