NIỀM AN BÌNH VƯỢT LÊN TRÊN MỌI HIỂU BIẾT THÔNG THƯỜNG

ECKHART TOLLE

Trích: Thức tỉnh mục đích sống; Người dịch: Đỗ Tâm Tuy – Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh

 

Có nhiều câu chuyện về những người do gặp phải tai ương hay những bất hạnh lớn trong đời mà bỗng nhiên họ chứng nghiệm được chiều tâm thức mới này. Có người thì do mất hết của cải, mất con cái, hoặc mất vợ hay chồng; có người thì mất đi một địa vị trong xã hội họ đã từng có trước đây, bị mất danh dự hay bị tàn tật. Nhiều trường hợp khác là do thiên tai hoặc chiến tranh mà bỗng dưng họ mất đi tất cả, lúc đó họ thấy mình bỗng dưng trắng tay. Ta có thể nói rằng những người ấy bị rơi vào một tình huống khó khăn, bó buộc. Những gì họ tự đồng nhất mình, những gì thường tạo cho họ một cảm nhận, một giá trị về bản thân trước đây, bây giờ đều mất hết. Điều bất ngờ và khó giải thích được là: thay vì phải đối diện với nỗi sợ hãi và thống khổ cùng cực vì những mất mát đó, thì họ chấp nhận tất cả và bỗng dưng có một cảm nhận rất thiêng liêng về Hiện Hữu, một niềm an bình sâu sắc, hoàn toàn thoát khỏi mọi sợ hãi. Thánh Paul hẳn đã quen với hiện tượng này khi ông viết “Có một niềm an bình của Thượng Đế, niềm an bình vượt lên trên mọi hiểu biết thông thường”. Đó quả là một niềm an bình kỳ lạ mà dường như những người đã trải qua cũng không thể hiểu được, và họ thường tự hỏi: “Khi rơi vào hoàn cảnh như thế này, thì không hiểu làm sao mà tôi lại cảm thấy một niềm an bình sâu sắc đến như vậy?”.

Câu trả lời rất đơn giản, niềm an bình sâu lắng đó dâng lên khi bản ngã ở trong bạn vừa bị sụp đổ. Thật vậy, khi bạn đã nhận diện được bản ngã ở trong mình và cách chúng hoạt động, sai khiến ta như thế nào, khi những hình tướng – mà bạn đã tự đồng nhất mình và cho bạn cảm nhận về chính mình trước đây – bỗng dưng bị sụp đổ, khi đó bản ngã của bạn cũng sẽ bị sụp đổ theo. Vì bản chất của bản ngã là tự đồng hóa mình với hình tướng. Quả thực, khi bạn không còn tự đồng nhất mình với những thứ bề ngoài đó nữa thì bạn là gì? Khi những hình tướng xung quanh bạn bỗng dưng sụp đổ hoặc tan hoại đi, như khi bạn đang cận kề với cái chết, thì cảm nhận về Hiện Hữu, về bản chất chân thật của bạn, bỗng dưng được thoát ly ra khỏi hình tướng: Tâm được thoát ly khỏi sự tù túng, giam hãm của vật chất. Bạn chợt nhận ra bản chất chân thật của mình thực ra là một cái gì rất vô hình, rất bao la, không mang một hình tướng nào cả; bạn chính là Hiện Hữu, là đời-sống-ở-khắp-mọi-nơi, là Hiện Hữu trước khi Hiện Hữu khoác lên mình những chiếc áo của hình tướng, là Hiện Hữu trước khi bị đồng hóa với hình tướng. Bạn sẽ nhận ra rằng bản chất chân thực của bạn chính là cái Biết vô hình tướng, là khả năng nhận thức tất cả những gì đang xảy ra ở đây và cùng một lúc, ở khắp mọi nơi, chứ không phải là những gì mà bạn thường tự đồng nhất mình vào đó. Đó là niềm an bình của Thượng Đế. Là chân lý tối thượng về bản chất của bạn, vì bạn không phải là cái này hay cái kia, mà bạn chính là Tất-Cả-Những-Gì-Đang-Hiện-Hữu.

Nhưng không phải ai khi gặp phải những mất mát lớn đều có được sự tỉnh thức này, đều chứng kiến được sự tách ly của Tâm ra khỏi hình tướng, vì thông thường chúng ta có khuynh hướng cho rằng ta chỉ là một nạn nhân do hoàn cảnh, do người khác, do số phận,… hay do ông Trời đã tạo ra. Cách suy nghĩ sai lầm này sẽ tạo nên trong ta những cảm xúc như giận dữ, oán hận, xót xa… và ta thường mạnh mẽ tự đồng nhất mình với những cảm xúc đó, để ngay lập tức thế chỗ cho tất cả những sự đồng nhất khác trước đây vừa bị sụp đổ do mất mát. Nói một cách khác, bản ngã sẽ nhanh chóng tìm ra cho nó một hình tướng khác để thay thế. Hình tướng mới này có gây ra nhiều bất hạnh cho bạn hay không, không phải là điều bản ngã của bạn quan tâm; vì điều mà nó đang rất cần là nó vẫn là một thực thể tách biệt, xấu hay tốt gì cũng được. Thực ra thứ bản ngã mới này thường có tính chất cứng nhắc hơn, nhiều tính bám víu hơn và rất khó cho bạn chuyển hóa thâm nhập vào hơn là thứ bản ngã trước đó của bạn.

Khi có một mất mát lớn, bạn chỉ có hai cách: chống đối hoặc chấp nhận. Nhiều người trong chúng ta thường trở nên uất hận hay cay đắng, trong khi những người khác thì lại có nhiều lòng bao dung, thông thái và nhân ái hơn. Ở đây thái độ chấp nhận sự mất mát là chấp nhận trong thâm tâm mình những gì đang xảy ra. Bạn mở lòng ra với đời sống. Còn thái độ chống đối lại sự mất mát tức là thái độ co rúm lại ở bên trong, cốt chỉ để làm mạnh thêm cho cái vỏ bọc của bản ngã ở trong bạn. Lúc đó bạn dể trở thành một người khép kín. Khi sự chống đối đã có mặt ở trong bạn thì những gì bạn làm ở bên ngoài cũng sẽ tạo nên sự chống đối, và Đời sống sẽ không thể nâng đỡ cho bạn. Đời sống sẽ không trợ lực cho bạn. Cũng như khi cánh cửa sổ nhà bạn đã đóng lại thì ánh sáng mặt trời sẽ không thể đi vào được. Còn khi bạn có sự chấp nhận ở nội tâm thì một chiều tâm thức mới sẽ mở ra. Nếu bạn cần làm một việc gì thì hành động đó sẽ thuận với Đời sống, và sẽ được sự hỗ trợ của Đời sống, của nguồn sáng tạo, tức là phần tâm thức trong sáng mà bạn có được khi ở trong trạng thái cởi mở ở nội tâm. Lúc đó mọi người đều muốn hợp tác và giúp đỡ bạn. Sẽ có những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu gặp phải một hoàn cảnh mà bạn không thể làm gì được, thì bạn sẽ an trú trong nỗi an bình và tĩnh lặng ở bên trong nhờ thái độ chấp nhận mọi chuyện xảy đến cho bạn.

 

Người dịch: Đỗ Tâm Tuy – Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. NIỀM VUI TỰ TẠI
  3. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP