PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN
Trích “Niệm Phật Tông Yếu_Pháp Nhiên Thượng Nhân”
Dịch giả: Viên Thông - Nguyễn Văn Nhàn
PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN (Sơ Tổ Của Tông Tịnh Độ Nhật Bản)
? Thọ giáo và phát tâm không hẳn là cùng lúc, vì phát tâm thì gặp duyên mà phát khởi. Trước đây có một vị sơn tăng hỏi tôi rằng: “Tôi học pháp môn Tịnh Độ đã lâu, hiểu được đôi chút nhưng chưa phát khởi được tín tâm. Phải dùng phương tiện gì để thành lập tín tâm?”. Tôi đáp: “Hãy cầu nguyện Tam Bảo gia bị”. Vị tăng kia tuân theo lời dạy. Một hôm ông ấy đến chùa Đại Đông, gặp lúc đang gác cây đòn dông ở chánh điện. Ông bèn đứng xem, bỗng nhiên tín tâm phát khởi rồi tự nhủ rằng: “Nếu không có sự tính toán khéo của người thợ thì làm sao cây đòn dông lên đó được?! Người thợ tầm thường còn vậy huống gì sức thiện xảo không thể nghĩ bàn của Như Lai! Mình có cái chí nguyện vãng sinh, Phật có lời thề tiếp dẫn. Vãng sinh Tịnh Độ hẳn nhiên là tương ứng!”.
Từ đó không còn tâm nghi ngờ nữa. Sau này ông có đến cho tôi biết. Ba năm sau thì được vãng sinh, điềm lành rất nhiều. Bởi thế nên thường cầu nguyện Tam Bảo gia bị.
? Yếu đạo để hạng phàm phu thoát khỏi sinh tử thì không gì hơn Môn Tịnh Độ, hạnh Niệm Phật. Nói về căn cơ thì bao gồm thập ác, ngũ nghịch, tứ trọng, báng pháp, xiển đề, phá giới, v.v… Nói về hạnh thì mười tiếng hay một tiếng, ngay cả trẻ con cũng xưng được. Nói về tín thì một niệm hay mười niệm, kẻ ngu cũng làm được. Bổn Nguyện vốn vì “mười phương chúng sinh” mà có, không để sót bất cứ căn cơ nào, không bỏ rơi bất kỳ ai. Trong mười phương chúng sinh, thì có trí hay vô trí, có tội hay vô tội, phàm phu hay thánh nhân, trì giới hay phá giới, người nam hay người nữ, ông già hay trẻ con, … cho đến căn cơ của thời Tam Bảo đã diệt đều bao gồm cả. Hễ gặp được Bổn Nguyện, được nghe Danh Hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT và tin theo mà Niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà dùng Quang Minh Biến Chiếu thu nhiếp chẳng rời.
Hạng tội nặng nghiệp dày, u minh ám chướng lại càng nên nương vào Di Đà Bổn Nguyện. Vì sao vậy? Lý do là vì Di Đà Bổn Nguyện vốn vì phàm phu, chứ không phải vì thánh nhân.
? Năm điều quyết định chuyện vãng sinh:
1. Bổn Nguyện của Đức Di Đà quyết định.
2. Lời dạy của Đức Thích Ca quyết định.
3. Sự chứng minh của Chư Phật quyết định.
4. Giáo thích Tổ Thiện Đạo quyết định.
5. Tín tâm của chúng ta quyết định.
Do năm nghĩa trên, quyết định vãnh sinh.
? Niệm Phật là chuyện mình làm. Vãng sinh là chuyện Phật làm. Vãng sinh là do Phật Lực ban cho, lại cứ tính toán trong tâm mình thì đó là tự lực. Chỉ nên xưng danh để chờ Phật lai nghinh.