NÚI TU DI VÀ HẠT CẢI

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; Nhà Xuất Bản Lao Động; Công Ty Sách Thái Hà, 2016

Thích sử Giang Châu Lý Bột đời Đường hỏi Thiền sư Trí Thường: “Trong kinh Phật có nói đến chuyện ‘núi Tu Di ở trong hạt cải, hạt cải chứa cả núi tu di’, phải nói là quá kỳ lạ khó hiểu, nhỏ như hạt cải làm sao có thể chứa hết cả núi Tu Di to lớn đồ sộ như vậy?”.

Thiền sư Trí Thường nghe nói mà bật cười, ông hỏi: “Người ta nói ông đọc sách hư rách đến cả vạn quyển, có chuyện ấy thật không?”.

  • Đương nhiên là có rồi! Lý Bột dương dương tự đắc nói.
  • Thế hàng vạn cuốn sách mà ông đã đọc nay đang ở đâu?
  • Ở trong này này! Lý Bột chỉ vào não bộ nói.

Thiền sư Trí Thường chắp tay trước ngực tỏ vẻ tôn kính, mỉm cười: “Kỳ lạ nhỉ, tôi thấy cái não của ông chỉ lớn bằng cái gáo dừa làm sao có thể chứa hết vạn cuốn sách nhỉ?”.

Lý Bột nghe thế, lập tức đại ngộ: Thì ra sự vật vốn không phân biệt lớn nhỏ, lớn hay nhỏ đều do tâm sinh ra.

Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một nhiều không hai.

So sánh ngọn núi Tu Di to lớn đồ sộ với hạt cải bé tí ti, rốt cuộc ai lớn ai nhỏ? Tôi nói lớn nhỏ giống nhau. Trong Phật pháp có nói, tự tính cũng lớn mà không ở ngoài, cũng nhỏ mà không ở trong, không bị sư chi phối của thời gian và không gian, cũng tức là chân lý “sự lý vô ngại”.

Theo quan niệm của người thông thường, “một” tức là chỉ một cái, “nhiều” tức là chỉ nhiều cái; nhưng theo Phật giáo mà nói thì một tức là nhiều, nhiều tức là một, một nhiều không hai (bất nhị).

Một bông hoa và một khoảng hư không, ai nhiều ai ít, ai lớn ai nhỏ? Một hạt giống cây hoa từ khi gieo xuống đất cho đến lúc trưởng thành cần có nước mưa tưới ướt, bón phân vun gốc, ánh nắng chiếu rọi, rồi cần có gió thổi truyền phấn nhị, không khí nuôi dưỡng cho cây hoa lớn mạnh… Như vậy, bông hoa là sự tập hợp sức mạnh của cả vũ trụ vạn hữu mới có thể nở ra được. Một bông hoa tức tương đương với một khoảng hư không vô tận, “nhân duyên có hai, thực tính không hai”, đó cũng chính là một nhiều không hai (bất nhị).

Lại nói theo pháp thế gian, cuộc sống hàng ngày của chúng ta cần ăn cơm, áo mặc, đi xe, nhà ở, tìm tòi hiểu biết, bồi bổ thân thể… Tất cả những thứ đó không phải từ trên trời rơi xuống mà nhờ người nông dân làm ruộng, công nhân dệt vải, tài xế lái xe, kiến trúc sư xây nhà, chuyên gia học giả giảng dạy, tin tức khoa học kỹ thuật truyền bá… mà có. Điều gọi là “những gì cần hàng ngày, trăm thứ đều sẵn sàng”, tức là mỗi người cần phải dựa vào sự tập trung của rất nhiều người, nhiều việc mới có thể tồn tại, trong cái “một” ấy đã bao hàm vô số yếu tố.

Trong kinh “A Hàm” có một câu chuyện cũng ghi lại sức mạnh của một hạt gạo tương đương với ngọn núi Tu Di.

Chuyện kể rằng có một cặp vợ chồng nghèo sống trong hầm lò, bốn bức vách tiêu điều xơ xác, thậm chí hai vợ chồng chỉ có mộ bộ áo khố, chồng mặc đi ra ngoài thì vợ chỉ quanh quẩn trong nhà, khi vợ đi ra ngoài thì chồng mặc áo không đủ che thân, chỉ ngồi chờ trong động. Một hôm, nghe có đức Phật dẫn đệ tử ôm bình bát đi khất thực gần quanh động, hai vợ chồng bàn định: “Quá khứ của chúng ta không biết bố thí gieo phước điền, nên ngày nay mới rơi vào tình cảnh nghèo khó như thế này, hiện nay cũng không dễ mong được đức Phật đến đây giáo hóa, vậy làm sao chúng ta có thể để mất cơ hội bố thí này được?”.

Bàn qua bàn lại, người vợ mới thở dài, nói: “Trong nhà hầu như không có lấy một thứ gì cả, chúng ta đem cái gì đi bố thí đây?”.

Người chồng suy nghĩ rồi quả quyết: “Chúng ta thà chết đói chứ không thể bỏ lỡ cơ hội này. Hiện chúng ta chỉ còn một thứ tương đối hoàn chỉnh duy nhất là bộ áo khố này, chúng ta sẽ đem cúng dường đức Phật!”.

Hai vợ chồng vui vẻ cầm bộ áo khố đi bố thí, điều này khiến cho các đệ tử của đức Phật cảm thấy khó xử. Mọi người chuyển qua đẩy về cái khố ấy, ai nấy đều bưng mũi tránh đi, cuối cùng tôn giả A Nan cầm chiếc khố ấy đến chỗ đức Phật xin chỉ giáo: “Bạch Phật, cái khố này đúng ra không thể mặc, hay là nên vứt đi?”.

Đức Phật nhân từ giảng dạy: “Các đệ tử không được nghĩ như vậy, của bố thí của người nghèo là vô cùng đáng quý, hãy đem đến đây cho ta mặc!”.

A Nan cảm thấy xấu hổ, cầm cái khố cùng với Mục Kiền Liên đến bờ sông giặt sạch, đột nhiên cái khố vừa ngâm xuống sông thì cả con sông lập tức tuôn trào dậy sóng, lên thật cao xuống thật sâu. Mục Kiền Liên gấp rút vận sức thần thông chuyển núi Tu Di đến để trấn áp, nhưng không thể dẹp yên sóng cả, hai người chỉ còn cách chạy về bẩm báo với đức Phật. Lúc ấy, đức Phật đang thọ trai, ngài bèn nhè nhẹ nhón lên một hạt cơm rồi nói với hai người: “Nước sông dậy sóng bởi vì Long vương cảm khái tâm nguyện tận lực bố thí của người nghèo khó, hai người hãy cầm hạt cơm này đến bờ sông sẽ dẹp yên được sóng cả”.

A Nan cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Bạch Phật, to lớn như núi Tu Di mà không thể đè bẹp nổi sóng cả, hạt cơm nhỏ bé này làm so có thể trấn áp nổi cơn sóng cao ngút trời ấy?”.

Đức Phật cười, nói: “Hai người cứ cầm đi làm thử rồi hẵng hay!”.

A Nan và Mục Kiền Liên nửa tin nửa ngờ cầm hạt cơm đến ném xuống dòng sông, dòng sông liền hết dậy sóng, bình lặng như thường. Hai người sâu sắc nhận ra rằng đây là điều kỳ diệu: Lẽ nào sức mạnh của núi Tu Di lại không bằng hạt cơm ư? Sau đó, họ trở về thỉnh giáo đức Phật. Đức Phật nói: “Tính của vô nhị (không hai) tức là thực tính. Một hạt lúa gieo xuống đất từ ban đầu đã được tưới tiêu, bón phân, thu gặt, chế biến, bán ra… tức là chất chứa rất nhiều công sức và gian khổ mới có thể có được một hạt gạo, công đức đó nó bao hàm là vô lượng, cũng giống như bộ áo khố kia là tài vật và gia sản duy nhất của hai vợ chồng nghèo khó, tâm lượng mà nó bao hàm cũng là vô hạn! Long vương bốn bể hiểu được công đức của hạt gạo và công đức của bộ áo khố cũng lớn lao như nhau, đều do nhất niệm lòng thành đưa dẫn, cho nên liền nhượng bộ rút lui. Do đó, có thể thấy chỉ cần nhất niệm lòng thành thì sức mạnh của một hạt gạo bé tí, của một bộ áo khố tầm thường cũng có thể ngang bằng với hàng ngàn hàng vạn ngọn núi Tu Di”.

Về sau, có người lấy sự kiện này viết thành một bài kệ để cảnh báo chúng sinh trong thiên hạ: “Phật quan nhất lạp mễ, đại như Tu Di sơn; nhược nhân bất liễu đạo, phi mao đái giác hoàn”. (Phật xem một hạt gạo, lớn bằng núi Tu Di, nếu người không hiểu đạo, mang lông đội sừng trả – “mang lông đội sừng trả” ý nói phải làm trâu ngựa, tức súc sinh, để trả cái nghiệp không hiểu đạo lúc ấy).

Trong kinh Phật còn có một câu chuyện tương tự như vậy.

Có một cô gái nghèo đi ăn xin khắp nơi để sống cũng nghĩ đến thứ phước điền, thế là cô dành tiền từng xu rất chật vật, bớt ăn nhịn tiêu mới có được một đồng, có quyết tâm đem đi bố thí. Hòa thượng trụ trì nhà chùa biết được việc này bèn nói với các đệ tử: “lễ cúng trai hôm nay ta cần đích thân chủ trì vì nữ cư sĩ thành tâm này cầu phước!”.

Không lâu sau đó, công đức một đồng tiền đã đem lại cho cô gái nghéo ấy cuộc gặp gỡ kỳ lạ vô cùng. Nguyên là từ sau khi vương hậu của quốc gia này qua đời, quốc vương rầu rĩ, các đại thần vì muốn quốc vương rơi sầu muộn bèn tổ chức một buổi du ngoạn săn bắn. Khi quốc vương đi qua một vùng rừng rậm, bỗng thấy phía trước có một vòng sáng chớp chớp hào quang. Quốc vương thấy rất lạ, một người trong đoàn quất ngựa tiến lên, khi đến gần thoáng nhìn, thì ra một cô gái đẹp như tiên giáng trần, áo quần tuy rách rưới, nhưng tướng mạo vô cùng thanh tú. Quốc vương vừa nhìn thấy đã thấy đã thấy yêu cô gái và đưa cô về hoàng cung, không lâu sau kết hôn thành vợ chồng.

Sau khi cô gái nghèo trở thành vương hậu, trong lòng cô vô cùng vui vẻ: Ngày trước ta chỉ cúng dường một đồng, không ngờ lại gieo được một ruộng phước to lớn như thế này; ta cần phải trở lại ngôi chùa ấy để tạ ơn Bồ tát, bố thí nhiều hơn nữa mới phải!

Thế là cô ăn mặc lộng lẫy chuẩn bị mấy mươi xe tiền và vật phẩm để cúng dường, tiền hô hậu ủng đi về phía ngôi chùa. Suốt dọc đường đi cô luôn nghĩ: năm xưa mình chỉ bố thí có một đồng mà hòa thượng trụ trì của chùa đích thân cầu phúc cho mình; ngày nay mình bố thí nhiều như thế này nhất định hòa thượng sẽ rất coi trọng mình!

Không ngờ, lần này chỉ có mấy vị sư phụ thay mặt trụ trì ra tiếp đãi, chúc nguyện, hành lễ theo nghi thức, hoàn toàn không có biểu hiện nào đặc biệt long trọng. Vương hậu trẻ tuổi giận dữ bỏ đi, lúc ấy trụ trì mới nhờ người mang thư đến cho cô, nói: “Năm xưa, một đồng tiền là tất cả tài sản của cô, cô đem tất cả tấm lòng thành để cúng dường, tỏ rõ sự cung kính bố thí của mình. Ngày nay, mười mấy xe vật phẩm cúng dường chỉ là một phần nhỏ trong số tài sản lớn, đồng thời cô mang một tâm lý tự đại để cúng dường, thân tâm của cô không thể không nhiễm, không vẩn đục, nào đâu phải là công đức trang nghiêm?”.

Chỉ cần nhất niệm lòng thành thì sức mạnh của một hạt gạo bé tí, của một bộ áo khố tầm thường cũng có thể ngang bằng với hàng ngàn hàng vạn ngọn núi Tu Di.

Chỉ cần nhất niệm lòng thành thì sức mạnh của một hạt gạo bé tí, của một bộ áo khố tầm thường cũng có thể ngang bằng với hàng ngàn hàng vạn ngọn núi Tu Di.

Cho nên, bố thí với “một niệm hoan hỷ” thì công đức thật là lớn lao. Bất kể so sánh lớn nhỏ núi Tu Di với hạt cải, hay là so sánh lớn nhỏ với công đức bố thí, nhỏ lớn lớn nhỏ, hoàn toàn không chấp nê theo hình tướng, theo ngoại tướng, mà là theo sự lý viên dung, pháp thân huệ mệnh trong ngoài như một để thể hội và chứng nghiệm, vì vậy nên có điều gọi là “gộp tất cả lời nói vào một câu, gom đại thiên thế giới vào một hạt bụi”.

Lời trích từ sách “Thái căn đàm”

Chỉ cần luôn chịu đựng, thì làn sóng của thời gian sẽ đưa dẫn nhân vật “nhỏ bé” tiến lên theo hướng thời đại; Chỉ cần đi vào thực tiễn, thì tay cự phách của lịch sử sẽ đưa dẫn nhân duyên “nhỏ bé” kết tụ thành công lao to lớn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG SỨ GIẢ CỦA SỰ THẬT
  2. TAM BẢO Ở NGAY TRONG CHÍNH TÂM BẠN
  3. LỜI KHẨN NGUYỆN ĐẠI TOÀN THIỆN CỦA PHỔ HIỀN NHƯ LAI

Bài viết khác của tác giả

  1. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. GIỮ BÍ MẬT LÀ MỘT HÌNH THỨC TU DƯỠNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU