ÔM ẤP CƠN GIẬN BẰNG TIA NẮNG CHÁNH NIỆM

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích từ sách Giận; Dịch giả: Chân Đạt; NXB Thanh Niên.


Cơn giận giống như một em bé đang la khóc và cần được mẹ ôm ấp. Bạn chính là mẹ cơn giận của bạn. Khi bắt đầu thở hơi thở chánh niệm là bạn đã có năng lượng của một bà mẹ để nâng niu, ôm ấp em bé sân hận của bạn. Chỉ cần ôm lấy cơn giận, chỉ cần thở vào, thở ra. Chỉ cần có thế thôi. Em bé sân hận sẽ lắng dịu ngay tức khắc.

Tất cả các giống thảo mộc đều được tia nắng mặt trời nuôi dưỡng. Khi tia nắng mặt trời chiếu xuống, ôm ấp thì cây cỏ sẽ sinh trưởng. Buổi sáng những đóa hoa thường vẫn còn khép kín. Khi mặt trời mọc, tia nắng mặt trời sẽ chiếu vào bông hoa. Các quang tử (photon) mang năng lượng của mặt trời từ từ thấm vào hoa. Cho đến một lúc thì, dầu muốn, dầu không, hoa sẽ nở ra dưới ánh mai rực rỡ.

Cũng vậy, tất cả những hiện tượng trong tâm cũng như trong thân
đều chịu ảnh hưởng của năng lượng chánh niệm. Nếu chánh niệm có đó và ôm ấp lấy thân thì thân sẽ chuyển hóa. Nếu chánh niệm có đó và ôm ấp lấy cơn giận thì cơn giận cũng sẽ chuyển hóa. Theo lời Phật dạy, và theo kinh nghiệm của chính chúng ta, thì tất cả những gì trong cơ thể nếu được năng lượng của chánh niệm ôm ấp thì sẽ được chuyển hóa.

Cơn giận cũng như bông hoa kia. Ban đầu ta không hiểu được bản chất của cơn giận, ta không biết vì sao mà cơn giận phát khởi. Nhưng nếu biết ôm ấp bằng năng lượng của chánh niệm thì cơn giận sẽ từ từ khai mở. Ta có thể ngồi yên và theo dõi hơi thở hay đi thiền hành ngoài trời để chế tác năng lượng chánh niệm và ôm ấp cơn giận. Sau mười hay hai mươi phút thì cơn giận sẽ khai mở và đột nhiên ta thấy được bản chất của cơn giận. Có thể cơn giận đó chỉ là một tri giác sai lầm hay một hành động vụng về.

Cần phải duy trì năng lượng chánh niệm trong một thời gian để cho cơn giận, như một bông hoa dưới ánh nắng, có thể khai mở. Cũng giống như khi nấu một nồi khoai. Không thể hấp tấp đun lửa thật mạnh trong năm ba phút mà khoai chín ngay được. Phải nấu khoai ít nhất là mười lăm, hai mươi phút hay nửa giờ mới có được nồi khoai chín, thơm.
Cơn giận cũng thế. Cơn giận cũng cần nấu cho chín. Ban đầu thì cơn giận ‘còn sống’. Khoai còn sống thì ăn không được. Cơn giận ‘còn sống’ thì không có gì vui. Nhưng nếu biết chăm sóc, ôm ấp cơn giận, nghĩa là biết nấu cho chín, thì năng lượng tiêu cực của cơn giận sẽ được thay thế bằng năng lượng tích cực của hiểu biết và thương yêu.

Điều này bạn có thể làm được. Không phải chỉ có các Bậc Đại Nhân mới làm được. Chính bạn, bạn có thể làm được. Bạn có thể chuyển đổi đống rác của tâm sân hận thành bông hoa của tâm từ bi. Nhiều người đã có thể làm được như thế trong vòng mười lăm phút. Bí quyết là phải tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, tiếp tục thực tập bước chân chánh niệm, chế tác năng lượng chánh niệm để ôm ấp cơn giận.

Hãy ôm ấp cơn giận với tất cả nâng niu, dịu hiền. Cơn giận không phải là kẻ thù, cơn giận là em bé do chính ta thai nghén và cho ra đời. Cơn giận cũng giống như bao tử hay buồng phổi. Mỗi khi bao tử hay buồng phổi bị bệnh ta không bao giờ nghĩ tới chuyện cắt bỏ nó đi. Cơn giận cũng vậy. Ta chấp nhận cơn giận trong ta, biết rằng ta có thể chăm sóc, chuyển hóa nó thành một năng lượng tích cực.

Người làm vườn sử dụng phân xanh (compost) sẽ không bao giờ vứt bỏ rác. Người ấy biết rằng rác là cần thiết để biến đổi thành phân xanh, nhờ đó mà có được rau cải, hoa trái. Trên đường thực tập, bạn cũng là một người làm vườn đang sử dụng phương pháp hữu cơ.

Cơn giận và tình yêu cũng có tính chất hữu cơ nghĩa là cả hai đều có thể thay đổi. Bạn hẳn đã biết tình yêu có thể biến thành thù hận. Tình yêu lúc ban đầu thì rất cao đẹp, rất nồng ấm. Tưởng chừng như nếu xa người mình yêu thì không thể nào sống nổi. Nhưng nếu không thực tập chánh niệm thì chỉ cần một năm, hai năm là tình yêu lý tưởng ấy có thể biến thành thù hận. Sống với nhau không chịu nổi được nhau và chỉ còn một con đường là ly dị. Tình yêu đã biến thành thù hận, bông hoa đã biến thành rác. Nhưng với năng lượng chánh niệm ta có thể nhìn rác và nói: “Ta không sợ. Ta có khả năng chuyển rác lại thành hoa, chuyển thù hận lại thành yêu thương.”

Nếu bạn khám ra một vài cọng rác trong tâm như sợ hãi, tuyệt vọng, thù hận chẳng hạn thì đừng có hoảng sợ. Như một nhà làm vườn giỏi, như một hành giả tu tập vững bạn có thể đối diện với rác trong bạn.

 

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM VIỆC VỚI CƠN GIẬN
  2. CHÁNH NIỆM LÀM SỰ SỐNG CÓ MẶT
  3. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM

Bài viết khác của tác giả

  1. THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY – HT. THÍCH NHẤT HẠNH
  2. Chăm Sóc Những Yếu Tố Phi-Doanh-Thương
  3. ÔNG GIÀ NOEL QUA CÁI NHÌN CỦA THIỀN SƯ

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN