HH. DALAI LAMA XIV
Tôi sẽ giảng giải về sự tu tập rèn luyện tâm vị tha của Bồ Tát. Trong ý nghĩa giảng giải này, chúng ta đang bước vào cuộc chiến [với phiền não và những chủng tử của nó đã gieo cấy vào tâm thức]. Thông qua sự tu tập Tam học: Giới – Định – Tuệ, các cảm xúc phiền não đã bị dứt trừ. Vì thế, giờ đây đã đến lúc ta phải dứt trừ cả những chủng tử do phiền não đã gieo cấy vào tâm thức. Việc dứt trừ những chủng tử này là cực kỳ khó khăn. Nhưng vì sao phải dứt trừ hết thảy những chủng tử đó? Bởi vì chúng ngăn cản không cho ta đồng thời nhận biết tất cả các đối tượng của tri kiến. Vì thế, cho dù là người đã đạt đến thánh quả A-la-hán, là một vị Sát Tặc và đã vượt thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, cũng vẫn chưa phát triển được trọn vẹn tiềm năng của tâm thức con người [vì chưa dứt trừ hết các chủng tử phiền não].
Vấn đề là phải làm thế nào để dứt trừ được các chủng tử phiền não. Ở đây, vũ khí thực sự được dùng vẫn không thay đổi, chính là trí tuệ nhận hiểu tánh Không. Tuy nhiên, quý vị cũng cần thêm một sự hỗ trợ mạnh mẽ của công đức lớn lao, và phương cách để thường xuyên tích lũy công đức lớn lao chính là thông qua tâm Bồ-đề vị tha. Những ai tích lũy công đức với động cơ mong cầu giải thoát và không gây hại người khác thì chỉ quan tâm chủ yếu đến cái tự ngã lẻ loi của chính mình mà thôi. Trong sự tu tập tâm Bồ-đề, chúng ta quan tâm đến tất cả chúng sinh. Và vì chúng sinh là vô số lượng, nên khi tâm thức ta quan tâm đến vô số chúng sinh đó thì năng lực công đức được tích lũy cũng là không giới hạn. Khi ta quy y Tam bảo, Phật, Pháp và Tăng-già, chỉ vì quan tâm đến chính bản thân mình, thì đó là một vấn đề, nhưng nếu ta quy y Tam bảo vì sự quan tâm đến tất cả chúng sinh thì đó lại là một vấn đề khác. Hai trường hợp này cực kỳ khác biệt nhau về năng lực, bởi vì đối tượng nhận thức quá khác nhau. Với những ai chỉ nhằm mục đích giải thoát luân hồi cho riêng bản thân mình, thì sự giải thoát đó chỉ đơn thuần là dứt trừ các cảm xúc phiền não. Với một động cơ vị tha hơn, chúng ta sẽ hướng đến quả vị Phật với sự dứt trừ cả những cảm xúc phiền não và những chướng ngại [không cho ta đạt đến] nhất thiết trí. Vì thế, sự tu tập trong trường hợp thứ hai này sẽ dũng mãnh hơn và thậm chí cũng tích lũy nhiều công đức mạnh mẽ hơn.
Bản chất của tâm [Bồ-đề] vị tha là quý giá và mầu nhiệm. Đôi khi ta có thể ngạc nhiên tự hỏi, làm sao mà tâm thức con người lại có thể phát triển những điều [nhiệm mầu] đến như thế. Thật tuyệt vời và kỳ diệu khi [người ta có thể] quên đi bản thân mình và trân trọng, quan tâm đến mọi chúng sinh khác, yêu quý mỗi chúng sinh như chính bản thân mình. Tất cả mọi người đều phải cảm kích trước một thiện cảm nhiệt thành đến như thế. Nếu có ai đó bày tỏ những thiện cảm nồng nhiệt với ta, ta sẽ thấy hạnh phúc biết bao. Nếu chúng ta có thể bày tỏ những thiện cảm nồng nhiệt đối với mọi chúng sinh khác, đây sẽ là điều tốt đẹp nhất trong cõi luân hồi cũng như trong cảnh giới Niết-bàn. Đây là nguồn hạnh phúc chân thật. Nếu quý vị phát triển dù chỉ một chút kinh nghiệm nhỏ nhoi [về tâm Bồ-đề vị tha] này, điều đó sẽ hữu ích cho quý vị, sẽ mang lại cho quý vị sự an ổn trong tâm thức và nội lực mạnh mẽ. Đây sẽ là cách phòng vệ [bản thân] tốt nhất, là nền tảng tốt nhất để chiến đấu [với những cảm xúc phiền não và những chủng tử của chúng]. Tâm Bồ đề này cũng có công năng như người thầy dẫn dắt ta, như người bạn và là người bảo hộ tốt nhất cho ta. Vì thế, tâm Bồ-đề quả thật là điều rất tốt đẹp.
Chúng ta đã đề cập qua về cấu trúc giáo lý căn bản mà từ đó quý vị có thể rút ra kết luận rằng: việc phát triển một tâm thức tốt đẹp [như tâm Bồ-đề vị tha] là điều có thể làm được. Các vị học giả [Phật giáo] vĩ đại ở Ấn Độ đã đề ra 2 phương cách để thực hiện điều đó. Phương pháp thứ nhất là nhờ thực hành theo 7 chỉ dẫn tinh yếu về nhân quả, và phương pháp thứ hai là nhờ quán chiếu bình đẳng [và hoán đổi giữa] bản thân ta với mọi người khác.
Để làm sinh khởi một ý niệm vị tha mạnh mẽ như tâm Bồ-đề, điều cần thiết là phải khởi sinh một tâm nguyện phi thường, hay một quyết tâm cao độ, nhận lấy về mình trọng trách cứu giúp mọi chúng sinh khác. Và muốn khơi dậy tâm nguyện phi thường này, chúng ta cần phải có lòng bi mẫn, thôi thúc ta không thể nào khoanh tay đứng nhìn mà không làm một điều gì đó để cứu giúp những chúng sinh đang chịu đựng khổ đau. Cho dù những chúng sinh [mà ta nhìn thấy đó] đang hiển nhiên chìm trong khổ đau, hoặc là đã hội đủ các nhân duyên để rồi chắc chắn sẽ phải rơi vào khổ đau, nhưng nếu ta không có một lòng bi mẫn với sự rung động tận đáy lòng về sự khổ đau đó, thì sẽ không thể phát khởi quyết tâm vĩ đại [để cứu giúp tất cả chúng sinh] như vừa nói trên. Bằng kinh nghiệm của chính bản thân mình, [ta thấy] rõ ràng là việc khởi sinh lòng bi mẫn sẽ dễ dàng hơn đối với những ai tương hợp cùng ta, tức là những người mà ta thấy yêu thích hay hợp ý. Vì thế, trước khi phát khởi được tâm đại bi thì điều thiết yếu là phải có một phương cách để đưa tất cả chúng sinh [trong cách nhìn của ta] vào cùng một nhóm tương hợp [với ta]. Theo đó thì phương cách này chính là sự rèn luyện để có thể nhìn tốt cả chúng sinh theo như cách mà quý vị vẫn dành cho người thân thiết nhất của mình, cho dù chúng sinh đó là cha mẹ, là người trong thân tộc hay là bất kỳ một người [xa lạ] nào khác. Và để có thể nhìn tất cả chúng sinh theo cách bình đẳng như thế, điều thiết yếu là ta phải nhìn tất cả theo một khuynh hướng tâm thức bình đẳng như nhau. Ở đây, việc sử dụng trí tưởng tượng hình dung sẽ hữu ích. Hãy hình dung ngay trước mặt quý vị là một người rất thân thiết, cùng với một người nào đó mà quý vị không ưa thích, và ở giữa là một người mà quý vị không ghét cũng không yêu, và rồi hãy khảo sát từng loại cảm xúc mà quý vị khởi sinh tương ứng với 3 người này.
Khuynh hướng tự nhiên là khi hình dung như vậy, quý vị sẽ cảm thấy gần gũi với người thân thiết, cảm thấy xa cách hoặc thậm chí đôi khi là sân hận hoặc bực tức với kẻ thù nghịch, và đối với người mà quý vị không yêu cũng không ghét thì không có cảm xúc gì khởi lên cả. Chúng ta nhất thiết phải khảo sát điều này. Theo quan điểm đạo Phật thì có vô số kiếp tái sinh. Rất có thể trong quá khứ người bạn hiện nay đã từng là kẻ thù nghịch tồi tệ nhất của ta. Và hiện nay, con người đang là thù nghịch với ta đó rất có thể là trong quá khứ đã từng là một trong những người thân yêu nhất của ta. Và trong tương lai cũng vậy, không có lý do gì để một kẻ thù nghịch sẽ mãi mãi là thù nghịch, hay một người thân thiết sẽ mãi mãi là thân thiết. Không có một sự đảm bảo nào như thế cả, dù là ngay trong kiếp sống này. Một người thân thiết hôm nay cũng có thể sẽ thay đổi trong một thời gian ngắn. Điều này là rất rõ ràng, từ kinh nghiệm trong gia đình, và đặc biệt là trong môi trường chính trị: hôm nay là một người bạn tốt, đồng minh tốt, nhưng ngày mai [có thể] là đối thủ tệ hại nhất.
Về căn bản thì cấu trúc cuộc đời chúng ta vốn đã là không ổn định, đôi khi ta thành công, đôi khi ta thất bại, và mọi sự việc không ngừng biến đổi. Vì thế, những cảm xúc đối với người thân thiết và kẻ thù nghịch [như ta đang khảo sát], có vẻ như hết sức chắc thật và ổn định, nhưng thật ra là hoàn toàn sai lầm. Không có lý do gì để thừa nhận một sự chắc thật và ổn định như thế, vì điều đó thực sự là ngốc nghếch. Sự suy xét như vậy sẽ dần dần giúp cho khuynh hướng [nhận thức] của quý vị đối với tất cả mọi người trở nên bình đẳng.
Tiếp theo, hãy suy ngẫm rằng dù sớm hay muộn thì kẻ thù nghịch của quý vị cũng sẽ trở một người bạn tốt. Vì thế, nếu [ngay bây giờ] quý vị [có thể] nhìn cả ba người [đang được hình dung] đó như những người bạn thân thiết thì sẽ tốt hơn. Chúng ta cũng có thể kết quả [tai hại] nếu như ta bộc lộ sự thù ghét. Điều đó rất rõ ràng. [Ngược lại,] nếu ta cố gắng khởi lòng bi mẫn đối với cả 3 người này thì chắc chắn là kết quả sẽ tốt đẹp. Như vậy, nếu ta nuôi dưỡng một khuynh hướng bi mẫn, bình đẳng [với mọi người] thì sẽ tốt đẹp hơn nhiều.
Sau đó, hãy thử [vận dụng điều này] hướng đến người láng giềng sống bên trái nhà bạn, rồi tiếp đến là người ở nhà bên phải, và cứ vậy mà tiếp tục. Như thế, rồi quý vị sẽ mở rộng dần ra đến tất cả mọi người trong thành phố, trong cả địa hạt, và rồi cả đất nước, cho đến cả châu lục rồi đến tất cả mọi người trên thế giới, và cuối cùng là hướng đến vô số chúng sinh hữu tình. Đó là cách thức để thực hành theo phương pháp thứ nhất, [tức là 7 chỉ dẫn tinh yếu về nhân quả].
Phương pháp thứ hai là [quán chiếu] bình đẳng và hoán đổi giữa bản thân ta với mọi người khác. Hãy khảo xét xem giữa bản thân ta và tất cả những người khác thì bên nào quan trọng hơn? Ta chỉ có một, trong khi có đến vô số người khác. Cả ta và người khác đều mong cầu hạnh phúc và không muốn chịu khổ đau. Cả ta và người khác đều hoàn toàn có quyền mưu cầu hạnh phúc, khắc phục khổ đau, vì tất cả đều là chúng sinh hữu tình, là những thành viên trong cộng đồng các chúng sinh hữu tình. Nếu ta hỏi rằng: “Vì sao tôi có quyền được hưởng hạnh phúc?” Lý do chính yếu là vì ta mong muốn hạnh phúc, và không còn bất kỳ lý do nào khác nữa. Có một cảm nhận tự nhiên về “cái tôi”, dựa trên nền tảng đó mà chúng ta mong cầu hạnh phúc, đó là một nhận thức đúng đắn. Và cũng trên nền tảng đó, ta nói rằng ta hoàn toàn có quyền được hạnh phúc. Đó là điều mà ta gọi là nhân quyền, hay quyền con người, và cũng là quyền của tất cả chúng sinh hữu tình. Về khả năng khắc phục khổ đau, [ta và cả mọi người khác] cũng đều như nhau, điều khác biệt duy nhất là, ta chỉ là một chúng sinh riêng lẻ, trong khi những người khác chiếm đa số [tuyệt đối]. Kết luận ở đây thật rõ ràng, trong bối cảnh xem xét là tất cả chúng sinh thì chỉ một chúng sinh riêng lẻ không phải là quan trọng.
Sau đây là những gì chính bản thân tôi đang thực hành và thỉnh thoảng vẫn chia sẻ với những người khác: Hãy hình dung bên cạnh quý vị là một “cái tôi” ích kỷ quen thuộc, và bên khác là một nhóm những người nghèo khổ cần giúp đỡ. Bản thân quý vị hãy giữ vai trò đứng giữa, hay một người thứ ba. Và hãy phán xét xem bên nào là quan trọng hơn để quý vị hướng về, liệu đó sẽ là “cái tôi” ngốc nghếch, ích kỷ chỉ biết đến riêng mình, hay là những người nghèo khổ, tuyệt vọng đang cần cứu giúp? Với một trái tim nhân đạo thì điều tự nhiên là quý vị sẽ hướng về những người nghèo khổ. Suy nghĩ như vậy sẽ giúp quý vị nuôi lớn khuynh hướng vị tha, và khi ấy quý vị sẽ nhận ra rằng cách ứng xử ích kỷ là xấu xa như thế nào. Thật ra thì cho đến giờ này, chính bản thân quý vị vẫn đang ứng xử theo cách [ích kỷ] như thế. Nhưng nếu có ai đó bảo rằng quý vị là người xấu, thì quý vị sẽ đùng đùng nổi giận. Vì sao vậy? Bởi lý do chính là quý vị không hề muốn làm người xấu. Mọi việc đều do chính quý vị quyết định. Nếu ứng xử như một người tốt thì quý vị sẽ trở thành người tốt. Và nếu quý vị là người tốt, thì không ai có thể đặt quý vị vào cùng nhóm với những người xấu. Suy ngẫm về điều này sẽ cực kỳ hữu ích trong việc phát triển tâm vị tha. Đó là một cách để tu tập. Nhiều người trong quý vị rất có thể đã từng nghe tôi nói chuyện về hòa bình thế giới, hay về gia đình hòa thuận, đất nước an bình. Nguồn gốc chính yếu của những điều đó là tâm vị tha, bi mẫn và từ ái. Trong tất cả các tôn giáo lớn, điều cốt yếu vẫn là tình thương và lòng nhân ái. Và việc suy ngẫm càng nhiều càng tốt những lý do khác nhau [như đã trình bày trên] sẽ giúp quý vị phát triển một sự tin chắc, hay quyết tâm kiên định. Với quyết tâm đó và sự nỗ lực trong từng ngày, từng tháng, từng năm, quý vị sẽ có thể hoàn thiện chính mình. Và với động cơ [vị tha] như thế thì mọi hành vi [của quý vị] đều sẽ tích lũy vô lượng công đức tốt đẹp, cho dù là việc đi lại, nói năng, ăn uống… hay là bất kỳ việc gì.