PHÁT TRIỂN NIỀM TIN

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM – Những Thực Tập Đơn Giản Chữa Lành Bệnh Thân Để Có Sức Khỏe và Chữa Lành Bệnh Tâm Để Giải Thoát và Giác Ngộ

Tác giả: TULKU THONDUP

Việt dịch: Tuệ Pháp

Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2000

Ảnh: Bìa sách – nguồn internet

27/05/2025
57 lượt xem

——-☀☀☀——-

Niềm tin là đồng minh tốt nhất của chúng ta, giúp ta biết cách tu tâm và khai mở những sức mạnh của chúng ta. Chúng ta cần tin vào chính mình và con đường mình theo đuổi. Nếu chúng ta không có lòng tin, thì thậm chí tâm nửa vời của ta cũng chẳng làm nổi một cái bánh nướng dở dang.

Một số chúng ta thiếu tự tin. Chúng ta cảm thấy không hy vọng và không đầy đủ – quá yếu đuối để phấn đấu cho mục đích cao hơn. Thiếu tự tin có thể là kết quả của đặc tính tinh thần hay sự giáo dục. Nếu là do đặc tính tinh thần, điều này khó thay đổi, nhưng nếu do sự dạy dỗ, làm chậm việc phát triển của chúng ta, thì nó không khó để thay đổi và tăng trưởng.

Chướng ngại chung cho những lợi lạc của những chỉ dạy là thái độ tội lỗi. Nền văn minh hiện đại đã đem lại cho chúng ta những thuận lợi nổi bật, nhưng hình như nhiều người, đặc biệt trong xã hội cạnh tranh, có cảm giác phạm tội và không giá trị. Một số trong chúng ta có thể nói : “Tôi không xứng đáng được hạnh phúc, cái ấy phải để cho người khác, những người may mắn hơn” hoặc “Công việc này dành cho người khác, không phải cho tôi” hay “Thật không tốt khi tôi trải nghiệm an bình trong khi nhiều người khác phải đấu tranh.”

Nếu chúng ta thành thật lo nghĩ về sự ích kỷ, chúng ta đáng được khen vì thái độ tuyệt vời này. Nếu chúng ta tôn trọng và chăm sóc người khác hơn bản thân mình, đó là cốt lõi của việc thực hành đạo Phật, và một thái độ như vậy tự nhiên giúp chúng ta nhiều sức mạnh và rộng mở. Nhưng phần lớn những cảm giác tội lỗi ấy chỉ che đậy cho sự không an toàn của mình, một dạng khác của sự chấp ngã, một sự bào chữa cho việc không cố gắng cải thiện cuộc sống của chúng ta. Cảm thấy không giá trị và chống lại hạnh phúc và an bình thì phi lý như nói, “Vì tôi đói, tôi không muốn ăn.”

Một lý do khiến chúng ta thiếu tự tin là không khí cạnh tranh chung quanh mình. Bắt đầu ở mẫu giáo, nhiều đứa bé xây dựng thói quen cảm thấy chúng không đủ tốt, vì trong lớp có bạn nào tốt hơn thì được cho phần thưởng. Trở nên tốt nhất là hàng hóa giá trị cao trong thế giới hiện đại.

Trẻ em bị người lớn la mắng với sự buộc tội và khiển trách, chúng cảm thấy bị áp lực lớn về tâm lý và tội lỗi. Một số cha mẹ khiển trách con cái vì không làm được việc, và thậm chí khi họ khuyến khích, vẫn chỉ là một dạng áp lực nếu không cho chúng một tình thương vô điều kiện.

Bất cứ những nguyên nhân nào gây ra cảm giác vô giá trị, phương thuốc mạnh mẽ là ở trong sự thấu biết rằng chúng ta toàn thiện trong thật tánh của mình. Nếu hiểu điều này, sự tự tin và sung mãn sẽ phát khởi tự nhiên trong chúng ta. Cốt yếu cần nhận ra sự quan trọng của việc hiểu biết này, tối thiểu trên mức độ khái niệm. Sau đó, nếu chúng ta có bất cứ phẩm tính tốt nào trong cuộc sống, cho dù nhỏ, chúng ta phải tự tu tập để nhận ra và cảm thấy tốt đẹp về nó. Đây là cách thiết lập thói quen của một tâm tích cực. Khi chúng ta kinh nghiệm và tiếp nhận năng lượng tích cực, dù nó nảy sinh từ một kinh nghiệm đơn giản thôi, nó sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn cho phép chúng ta khai triển hạnh phúc và sung mãn lớn lao hơn.

Nhiều thế kỷ trước, nạn đói nghiêm trọng quét qua một thung lũng ở Tây Tạng. Một người cha thấy rằng mình và đứa con không thể sống lâu hơn được vì thực phẩm đã cạn, và ông ta nhét đầy tro vào các túi, buộc lại và treo lên trần rồi bảo với những đứa con còn bé : “Chúng ta có nhiều tsampa trong những túi này, nhưng phải để dành cho những ngày sau” (tsampa là bột mì nướng, một thực phẩm chủ yếu của Tây Tạng). Sau cùng người cha chết vì đói, nhưng những đứa bé vẫn sống sót cho đến khi có người đến cứu. Mặc dù chúng yếu hơn người cha nhưng vẫn còn sống được vì chúng tin rằng còn thức ăn, còn cha chúng chết vì mất hy vọng.

Dĩ nhiên, luân lý của câu chuyện là sự tự tin giúp sức mạnh cho thân và tâm. Tuy nhiên, chân lý như nó liên hệ với cuộc sống chúng ta thì khơi gợi nhiều hơn sự cá biệt của câu chuyện. Không giống như những túi tsampa, bản tính thanh tịnh của chúng ta không chỉ là sự tưởng tượng nhằm vào việc xây dựng tự tín mà nó đặt nền trên chân lý rốt ráo nhất.

Không dễ dàng phát triển niềm tin vào chính chúng ta và những bài tập chữa bệnh, vì chúng ta bị chất đầy những nỗi nghi ngờ, sợ hãi vô tận. Nhưng nếu phá vỡ được những thói quen hàng ngày và đi vào tu tập, thậm chí trong thời gian ngắn, chúng ta có thể kinh nghiệm một số lợi ích thật sự.

Không an trú trong cảm giác tội lỗi, chúng ta phải tự hiến mình để cải thiện những khéo léo của chúng ta, phát triển tâm bi và rộng mở. Sau khi thực hành được một lúc, chúng ta sẽ tìm thấy bình thản và thái độ tích cực sẽ tăng trưởng.
——-☀☀☀——-