ANTHONY ROBBINS
Trích: Đánh Thức Nguồn Năng Lực Vô Hạn – Nguyên tác: Unlimited Power; Dịch giả: Tuyết Minh; NXB. Từ điển Bách khoa
Hãy nhớ về một kỷ niệm, khi bạn và một người khác hoàn toàn hòa hợp. Người ấy có thể là bạn bè, người yêu, thành viên gia đình hoặc một người mới gặp. Nhớ lại quãng thời gian ấy và tìm hiểu điều gì ở người đấy khiến cho bạn cảm giác hòa hợp với họ.
Có thể cả hai suy nghĩ giống nhau hoặc cảm xúc như nhau về một cuốn phim, một cuốn sách, hoặc một trải nghiệm. Có thể bạn không nhận ra điều này, nhưng hai người đều có chung cách dùng từ hoặc nhịp thở. Có thể cả hai có gia cảnh giống nhau hoặc có niềm tin giống nhau. Bất cứ điều gì cũng đều phản ánh một thành tố cơ bản: sự hòa hợp. Sự hòa hợp là khả năng đến với thế giới của người khác, làm cho người đó cảm nhận rằng bạn hiểu người đó và hai người có một sự ràng buộc mạnh mẽ. Đó là khả năng hoàn toàn có được quan điểm như nhau. Đây là điều cốt lõi của một cuộc giao tiếp thành công.
Hòa hợp là công cụ hữu hiệu cuối cùng để cho ra thành quả khi chung tay với người khác. Chương 5 (bảy ước lệ về thành công) có viết: con người là nguồn lực quan trọng nhất. Hòa hợp là cách ta tận dụng nguồn lực ấy. Dù ước vọng trong cuộc sống của bạn là gì, nếu bạn phát triển sự hòa hợp với những người thích hợp, bạn sẽ có thể đáp ứng nhu cầu của họ và họ sẽ đáp ứng nhu cầu cho bạn.
Dù bạn muốn gì, sáng tạo, chia sẻ hay cảm nhận cuộc sống như thế nào (dù chỉ là ước muốn được sáng suốt hơn hay kiếm cả triệu đô la), vẫn có người giúp bạn hoàn thành mục đích nhanh hơn và dễ dàng hơn. Luôn có người biết cách giúp bạn đạt đến mục tiêu nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn hoặc có thể giúp bạn đến được nơi bạn cần một cách nhanh chóng hơn. Cách tranh thủ của một người giúp đỡ như vậy chính là cách đạt được sự hòa hợp, một sự liên kết kỳ diệu đưa mọi người đến với nhau và cho họ cảm giác cùng có lợi.
Hãy chọn một mối quan hệ giữa hai cá nhân bất kỳ. Điểm đầu tiên tạo ra mối thân thiết giữa họ là một thứ cả hai cùng có. Có thể hai người này có những cách khác nhau khi cùng giải quyết một vấn đề, nhưng chính những điểm tương đồng là thứ đưa họ đến với nhau ngay từ đầu. Hãy nghĩ về một người bạn thực sự yêu mến. Đoán xem điều gì khiến người đó hấp dẫn đến như vậy? Phải chăng đó cũng chính là những lý do khiến người đó yêu mến bạn hoặc ít nhất họ cũng thích cách bạn giải quyết công việc, v.v… Có ai lại nghĩ: “Ô gã này nói gì, nghĩ gì cũng ngược với mình. Tuyệt vời làm sao!”, người ta chỉ nghĩ: “Gã này thật thông minh. Quan điểm của hắn giống hệt mình. Thậm chí hắn còn bổ khuyết cho mình nữa”. Sau đó hãy nghĩ về người bạn không thể chịu nổi. Liệu người đó có giống bạn không? Liệu bạn có nghĩ: “Thật là một con người hư hỏng!”. Và liệu người đó có nghĩ giống như bạn hay không?
Chẳng lẽ không có cách gì thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn: khác biệt tạo ra mâu thuẫn, mâu thuẫn làm nảy sinh mâu thuẫn, và mâu thuẫn càng khoét sâu khác biệt? Tất nhiên ta có giải pháp. Vì trong từng trường hợp có sự khác biệt, vẫn luôn tồn tại sự tương đồng. Con đường đi từ bất hòa đến hòa hợp là: không tập trung vào điểm khác biệt, tập trung vào điểm tương đồng. Bước thứ nhất để có được tiến trình giao tiếp đích thực là học cách chuyển nhân sinh quan của mình giống với nhân sinh quan của người khác. Điều gì cho phép ta làm như vậy? Chính là các kỹ năng hòa hợp.
Vậy, muốn hòa hợp, ta phải làm gì? Bằng việc tạo ra hay khám phá những điểm chung. Theo ngôn ngữ của NLP, tôi gọi đó là tiến trình hòa hợp và phản ánh. Có rất nhiều cách tạo điểm chung với một người và như vậy tạo được trạng thái hòa hợp. Ta có thể bắt chước những mối quan tâm của người ấy, những kinh nghiệm giống nhau hoặc cách ăn mặc, những hoạt động ưa thích. Hoặc bạn cũng có thể bắt chước những mối quan hệ: có chung những người quen hoặc bạn bè với đối tượng. Hoặc bạn cũng có thể bắt chước những niềm tin. Những trải nghiệm chung. Đó là cách chúng ta tạo ra tình bạn và các quan hệ tình cảm. Mọi trải nghiệm như vậy có một điều chung: chúng được hình thành thông qua ngôn ngữ. Cách ta thường gặp nhất để hòa hợp với người khác là thông qua tiến trình trao đổi thông tin cho nhau, nhờ sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng: chỉ có 7% những gì người ta gửi đến nhau được truyền tải thông qua chính ngôn từ. 38% thông qua âm lượng giọng nói. Khi còn bé, mỗi khi mẹ tôi lên cao giọng và nói: “Này con!”, tôi biết ngay mình sắp bị phạt. 55% giao tiếp (hay nói cách khác là phần lớn nhất của giao tiếp) là thông qua tiến trình sinh lý học. Nét mặt, dáng điệu, cử động của một người trong khi đàm thoại cho ta biết nhiều thông tin hơn lời nói. Điều này giải thích tại sao các diễn viên hài nổi tiếng chỉ cần đứng lên nói vài câu đã khiến bạn cười vỡ bụng. Vì không phải ngôn từ mà chính là cách truyền đạt thông tin (thông qua giọng nói và biểu hiện cử chỉ, nét mặt, v.v…) khiến bạn buồn cười.
Thế nên, nếu muốn tạo sự hòa hợp chỉ bằng nội dung của đàm thoại, ta đã bỏ qua những phương pháp hiệu quả nhất tạo tín hiệu tương đồng đến với não bộ của đối tượng. Một trong những cách hiệu quả nhất để có sự hòa hợp là thông qua tiến trình bắt chước hoặc tạo ra những biểu hiện giống với đối tượng. Thế nên, nếu có thể phát triển sự hòa hợp chỉ bằng lời nói, hãy nghĩ về năng lực cực kỳ to lớn của sự hòa hợp bạn có thể phát triển, đồng thời tận dụng sự kết hợp giữa lời nói và biểu hiện.
Lời nói thể hiện suy nghĩ có ý thức. Biểu hiện hình thể cho thấy phần xử lý thông tin qua tiềm thức của con người. Đó là khi não bộ có suy nghĩ: “Ồ, người này mến ta. Anh ta trông được đấy”. Khi ấy, sẽ có một sự hấp dẫn to lớn, sự ràng buộc to lớn giữa hai người. Vì là tiến trình tiềm thức, nên nó hiệu quả hơn nhiều. Dù có thể bạn chưa nhận thức được nhưng mối liên hệ đã hình thành rồi.
Làm thế nào bạn bắt chước được những biểu hiện hình thể của người khác? Loại đặc điểm hình thể nào bạn có thể bắt chước? Bắt đầu với giọng nói. Bắt chước cường độ giọng nói và cách dùng từ, nhịp điệu, độ nhanh chậm, những lần ngưng lại giữa chừng, âm điệu của giọng nói. Bắt chước những lời nói hoặc từ ngữ người đó ưa dùng. Thế còn về tư thế, nhịp thở, ánh mắt, cử chỉ, nét mặt, cử động của bàn tay hoặc những cử động khác? Bất cứ khía cạnh nào của biểu hiện hình thể, từ cách người đó đứng tới cách bắt đầu câu chuyện, đều là thứ bạn có thể học được. Có thể thoạt đầu bạn thấy điều này có vẻ lố bịch.
Nhưng chuyện gì có thể xảy ra nếu bạn bắt chước mọi thứ về người khác? Bạn có biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Đối tượng cảm giác như họ vừa tìm được một nửa của chính mình, một người hoàn toàn hiểu và có thể đọc được những suy nghĩ thầm kín nhất – người giống hệt như họ. Nhưng bạn không phải bắt chước toàn bộ những gì thuộc về đối tượng để tạo ra trạng thái hòa hợp. Chỉ cần bắt đầu với giọng nói hoặc cách biểu đạt nét mặt, bạn có thể biết cách xây dựng mối hòa hợp keo sơn với bất cứ ai.
Nó đòi hỏi phải rèn luyện và phát triển. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng nó ngay và có được kết quả như mong muốn.
Có hai điều quan trọng trong việc bắt chước: óc quan sát và tính linh hoạt. Dưới đây là một thử nghiệm. Bạn hãy thực hiện nhé. Chọn một người bắt chước giỏi và một nhà lãnh đạo. Tưởng tượng nhà lãnh đạo kia có càng nhiều thay đổi về hình thể càng tốt trong vòng một phút hoặc hai phút. Thay đổi nét mặt, tư thế, hơi thở. Thay đổi cả những điểm dễ nhận biết như cách vung tay. Thay đổi cả những chi tiết nhỏ như cách nghiêng đầu. Nếu thực hành cùng con nhỏ sẽ rất thú vị: bọn trẻ sẽ thích bài tập này. Hãy so sánh những ghi nhận của bạn. Nhận xét: bạn bắt chước người ấy có tốt không. Sau đó thay đổi vị trí. Ai cũng có thể bắt chước giỏi. Nhưng hãy bắt đầu từ việc nhận ra rằng: con người sử dụng cơ thể họ theo hàng trăm cách khác nhau. Càng tinh nhạy trong việc nhận biết vị trí cơ thể họ bao nhiêu, ta càng có khả năng thành công bấy nhiêu. Thậm chí cơ hội là vô tận. Ví dụ, ở tư thế ngồi người ta có một số lượng hạn chế những cử động mà thôi. Sau nhiều lần tập luyện, thậm chí bạn có thể làm theo một cách hoàn toàn tự nhiên. Bạn sẽ hoàn toàn tự động bắt chước tư thế và biểu hiện hình thể của những người quanh bạn.
Có rất nhiều chi tiết nhỏ có thể bắt chước hiệu quả, nhưng nền tảng chính là ba hệ thống cơ bản trong việc hình dung sự vật, hiện tượng. Hãy nhớ ai cũng sử dụng ba hệ thống biểu đạt này. Tuy nhiên, đa phần con người sử dụng một hệ thống nhiều hơn các hệ thống khác. Thông thường là hệ thống hình ảnh, âm thanh hoặc cảm nhận về xúc giác. Khi đã khám phá hệ thống hình dung chủ yếu của một người, bạn sẽ đơn giản hóa đáng kể tiến trình phát triển sự hòa hợp với người ấy.
Nếu hành vi và biểu hiện hình thể được thể hiện một cách ngẫu nhiên với các yếu tố rời rạc, bạn sẽ khó lòng nhận biết manh mối để sau đó kết hợp chúng với nhau. Nhưng hệ thống nhận thức giống như chìa khóa đưa ta đến những mật mã bí ẩn. Biết một sự thật có thể cho ta manh mối khai thác nhiều sự thật khác. Trong chương 8 có một loạt biểu hiện hành vi chủ yếu liên quan tới sự hình dung và nhận biết bằng trực quan. Chúng là những lời nói tâm trạng, những câu như “Tôi thích cái này” hoặc “Tôi không hình dung mình có thể làm được điều này”. Thông thường tốc độ nói nhanh, hơi thở dồn dập, giọng nói có âm vực cao, giọng mũi hoặc thường là căng thẳng. Chưa hết, còn có các biểu hiện về sự căng cơ đặc biệt là cơ vai hoặc cơ bụng. Những người có hình thức cảm nhận trực quan bộc lộ rất nhiều manh mối. Họ thường nhún vai và đầu hơi nghiêng về phía trước.
Những người nhận thức bằng âm thanh thường sử dụng những câu như: “Nghe hay đấy!” và “Chuyện đó chẳng ăn thua gì đâu”. Khi nói, giọng nói họ lên bổng xuống trầm, nhịp độ luôn cân bằng, giọng nói thường rõ ràng âm vang. Hơi thở đều và sâu. Thường thở bằng cơ hoành. Các cơ căng vừa phải. Nếu cố khoanh tay trước ngực, thì đó là dấu hiệu họ đang suy tưởng bằng âm thanh. Hai vai thường thõng xuống, đầu nghiêng về một bên.
Còn có nhiều manh mối khác. Mỗi người có biểu hiện khác nhau, thế nên cần phải quan sát kỹ. Mỗi người là một thế giới riêng bí ẩn. Nhưng khi biết được hệ thống cảm nhận chính của một người, bạn sẽ tiến một bước xa trong việc nắm bắt cách hiểu sâu sắc người ấy, chỉ cần điều chỉnh bản thân cho phù hợp với những gì người đó cảm nhận.
NHỮNG TỪ MANH MỐI.
Thị giác:
Nhìn, xem, quan sát, xuất hiện, cho thấy, hé mở, tiết lộ, mường tượng, rõ ràng, mù mờ, mơ hồ, rõ như ban ngày, nổi bật, lướt qua, hình dung, sáng tỏ, loé lên.
Thính giác:
Nghe thấy, lắng nghe, nghe như, có nhạc điệu, hòa hợp, chăm chú lắng nghe, im lặng, nghe thấy, cộng hưởng, điếc, dịu dàng, trông đánh xuôi kèn thổi ngược, hòa hợp, gợi ý, không nghe thấy, thắc mắc.
Xúc giác:
Sờ thấy, nắm bắt, nắm chặt, trượt ngã, hiểu được, tận dụng, liên lạc, ném ra, xoay chuyển khó khăn, vô cảm, cụ thể, dành dụm, không nhúc nhích, tự chủ, đáng tin cậy, chịu đựng.
Không cụ thể:
Cảm nhận, trải nghiệm, hiểu, nghĩ, học, thực hiện tiến trình, quyết định, động lực, cân nhắc, thay đổi, nhận thức, vô cảm, phân biệt, có ý thức, biết, quan niệm.
Ví dụ, một người chủ yếu thường trong tâm trạng cảm nhận thính giác. Nếu bạn cố thuyết phục họ làm một việc bằng cách yêu cầu người ấy hình dung về công việc bạn nhờ, và khi trình bày, bạn nói rất nhanh, người ấy sẽ không hiểu. Anh ta cần nghe lời bạn nói. cần nghe đề nghị của bạn và cân nhắc xem mình có bằng lòng với việc bạn đề nghị hay không. Thực tế, nhiều khi anh ta sẽ không nghe bạn nói, đơn giản chỉ bởi giọng nói của bạn đã khiến anh ta không chú ý ngay từ đầu. Người khác lại có thể trong trạng thái chủ yếu nhận thức bằng hình ảnh. Phương pháp của bạn tiếp cận với người đó lại thông qua xúc giác bằng cách nói thật chậm về cảm nhận của bạn, cố lẽ anh ta sẽ khó chịu với giọng nói rủ rỉ và yêu cầu bạn đi thẳng vào vấn đề.
CÁCH DÙNG TỪ CHO MANH MỐI.
Từ cho manh mối (động từ, trạng từ, tính từ) được mọi người sử dụng khi giao tiếp để biểu đạt trải nghiệm trong thâm tâm họ thông qua hình thức cảm nhận bằng hình ảnh, âm thanh và cơ quan xúc giác. Những từ được liệt kê dưới đây là một trong những từ ngữ được sử dụng thường xuyên nhất.
Thực ra, đây không phải tiến trình gạt gẫm vì ngay sau khi bắt đầu bắt chước một người, ta thường có tình cảm với người đó. Thế nên, xin hỏi lại là phải chăng bạn đang gạt gẫm mình?
Bạn không từ bỏ tính cách của mình khi bắt chước người khác. Ta không hoàn toàn thiên về một hình thức cảm nhận nào dù đó là tưởng tượng bằng hình ảnh, âm thanh hoặc bằng xúc giác. Ai cũng nỗ lực để linh động trong cảm nhận. Việc bắt chước chỉ đơn giản tạo ra sự tương đồng về thể chất, nhằm nhấn mạnh những tính chất chung của nhau mà thôi. Khi tôi bắt chước, tôi được lợi thế là cảm nhận xúc cảm trải nghiệm và suy nghĩ của người khác. Đó là bài học hữu hiệu, tốt đẹp, hiệu quả con người từng trải nghiệm để cùng chia sẻ thế giới với mọi người.
Những thành công về mặt văn hóa đối với đại chúng đều xuất phát từ tình trạng hòa hợp với các tầng lớp nhân dân. Những nguyên thủ quốc gia tài năng nhất đều nhận thức mạnh mẽ với cả ba phương pháp cảm nhận: thị giác, thính giác và xúc giác. Ta thường có xu hướng tin tưởng những người hấp dẫn ta về cả ba mặt nói trên và những người toát lên sự nhất quán: mọi tính cách của họ đều bộc lộ một thứ.
Hãy nhớ về một vị tổng thống trong lịch sử hiện đại. Hình ảnh ông trong mắt công chúng luôn là một vị tổng thống đầy quyền uy, có uy tín và có thể tạo ra sự khác biệt. Phải chăng bạn đang nghĩ tới John F. Kennedy? 95% những người được tôi phỏng vấn đều trả lời như vậy. Tại sao? Có rất nhiều lý do. Nhưng ta hãy xem xét một vài lý do chính, về hình thể, bạn có thấy Kennedy hấp dẫn không?
Chắc chắn rồi. Ít ai nói rằng ông không hấp dẫn. Thế còn đứng trên quan điểm của những người thiên về nhận thức về thính giác thì sao? 95% người được hỏi đều đồng tình rằng về khía cạnh này ông cũng rất hấp dẫn. Những câu nói nổi tiếng của Kennedy như: “Đừng đòi hỏi đất nước làm gì cho bạn. Hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho đất nước?”. Có làm bạn cảm động không? Ông là bậc thầy trong việc sử dụng kỹ năng giao tiếp để tác động đến quần chúng. Ông có nhất quán không? Đến đối thủ của Kennedy cũng phải trả lời “đồng ý”.
Nghiên cứu về những người thành đạt chỉ ra rằng: họ có tài năng tạo ra sự hòa hợp. Họ luôn linh động và hấp dẫn theo cả ba hình thức và có thể ảnh hưởng tới số đông quần chúng. Người ủng hộ họ thuộc mọi thành phần: giáo viên, doanh nhân và các nguyên thủ quốc gia trên thế giới… Đáng mừng thay, không cần phải có tài năng thiên bẩm mới làm được điều này. Nếu bạn có thể nhìn, nghe và cảm nhận, bạn có thể tạo ra sự hòa hợp với bất cứ ai chỉ bằng cách làm đúng như người đối thoại. Hãy tìm những điểm bạn có thể bắt chước một cách kín đáo và tự nhiên. Nhưng nếu bắt chước một người mắc chứng hen suyễn hoặc co giật nặng, thay vì có được sự hòa hợp, bạn sẽ khiến người ta nghĩ bạn đang chế giễu họ.
Bằng việc rèn luyện thường xuyên, bạn sẽ bước vào thế giới của bất cứ người nào cùng trò chuyện. Tiến trình bắt chước sẽ trở nên rất tự nhiên. Lúc đó, bạn sẽ tự động làm mà không cần phải để tâm nhiều nữa. Khi bắt đầu bắt chước hiệu quả, bạn sẽ thấy tiến trình này cho bạn nhiều hơn sự hòa thuận giữa cả hai và sự hiểu biết với người đối thoại. Vì biết cách chỉ đạo tốc độ và định hướng cho đàm thoại, bạn sẽ khiến người khác nghe theo mình. Dù giữa hai người có nhiều khác biệt cũng không sao. Nếu tạo dựng sự hòa hợp với một người, bạn có thể thay đổi hành vi của người ấy và người đó tự tìm cách hòa hợp với bạn.
Khi tạo lập mối hòa hợp với một người, bạn tạo ra mối liên hệ rõ nét đến độ gần như có thể cầm nắm được. Việc định hướng quan hệ cũng đơn giản như khi điều chỉnh tốc độ. Bạn đạt tới một thời điểm có thể bắt đầu tạo ra sự thay đổi, chứ không chỉ bắt chước theo đối tượng nữa. Đó là lúc bạn phát triển sự hòa hợp lên rất nhiều; khi bạn thay đổi, đối tượng sẽ tự động làm theo bạn. Có lẽ bạn đã trải nghiệm điều này với bạn bè; khi cùng vui chơi vào buổi đêm khuya, có lúc bạn không thấy mệt. Nhưng bạn hòa hợp đến nỗi khi người khác ngáp, bạn cũng ngáp theo. Những người bán hàng giỏi đã làm đúng như vậy. Họ bước vào thế giới của người tiêu dùng để đạt đến sự hòa hợp. Sau đó sử dụng sự hòa hợp ấy để định hướng thói quen của người tiêu dùng.
Một vấn đề rõ ràng xuất hiện khi ta nói về sự hòa hợp theo cách hiện nay: thế nếu người kia tức tôi đến phát điên thì sao? Phải chăng ta cũng bắt chước sự điên cuồng hay cơn tức giận của đối tượng? Chắc chắn đó là một chọn lựa rồi. Tùy bạn quyết định. Tuy nhiên, trong chương kế chúng ta sẽ nói về cách phá vỡ khuôn mẫu hành vi của đối tượng. Nhất là khi người đó nổi giận hoặc tức tối. Những kiến thức của chương sau còn chỉ ra cách làm như vậy trong thời gian ngắn. Đối với cơn giận dữ, cách tốt nhất là phá vỡ khuôn mẫu hành vi của người đang giận hơn là bắt chước hành vi của họ. Tuy nhiên, có đôi khi bằng cách bắt chước cơn giận dữ của đối tượng, bạn có thể bước vào thế giới của người ấy một cách đầy uy lực, để khi bạn bắt đầu thư giãn người ấy cũng bắt đầu thư giãn giống bạn. Hãy nhớ, sự hòa hợp không chỉ đến bằng một nụ cười. Hòa hợp có nghĩa là thích ứng.
NGÔN TỪ VÀ CHỈ HUY
Nhịp điệu ngôn từ:
- Hòa hợp về sự quả quyết
- Hòa hợp về những manh mối khi tìm hiểu
- Hòa hợp về giọng nói
- Hòa hợp về âm vực
Bắt chước:
- Nhịp thở
- Mạch đập
- Độ ẩm trên da
- Vị trí của đầu
- Biểu hiện của nét mặt
- Vị trí của lông mày
- Kích cỡ đồng tử
- Độ căng thẳng của cơ bắp
- Chuyển đổi tư thế ngồi
- Chuyển động của bàn chân
- Vị trí của cơ thể
- Tương quan về không gian
- Cử chỉ của bàn tay
- Chuyển động của cơ thể
- Tư thế ngồi
“Tôi ra lệnh cho hắn phân tích cuộc đời của con người như thể hắn đang thấy những gì phản chiếu trong gương vậy Từ cuộc sống của người khác hắn tìm ra tấm gương cho chính mình.” – Terence
Đâu là chìa khóa để tạo lập sự hòa hợp? Tính linh hoạt. Hãy nhớ rào cản lớn nhất cho sự hòa hợp là nghĩ rằng người khác cũng có kiểu suy nghĩ giống bạn. Họ cũng có quan điểm cuộc sống giống y như bạn vậy. Người giỏi giao tiếp hiếm khi mắc phải lỗi này. Họ biết họ phải thay đổi cách ăn nói, âm vực giọng nói, nhịp thở, cho tới khi họ phát hiện ra một phương pháp thành công trong việc đạt được thành quả giống như người khác đã đạt được.
Nếu thất bại khi giao tiếp với một người, rất có khả năng bạn giả định rằng đối tượng chỉ là một tay ngốc “hết thuốc chữa”, người đó nhất định không muốn lắng nghe bạn. Nhưng nghĩ như vậy là cách đảm bảo chắc chắn bạn sẽ không bao giờ còn có thể tạo sự hòa hợp với người đó. Tốt hơn, hãy thay đổi cách dùng từ và hành vi cho tới khi chúng phù hợp với lối quan niệm của đối tượng về thế giới bên ngoài.
Một nguyên lý cơ bản của NLP là: ý nghĩa của việc giao tiếp chính là sự đáp ứng bạn suy luận được. Trách nhiệm trong giao tiếp thuộc về bạn. Nếu đã tìm cách thuyết phục một người làm một việc, nhưng người đó không làm đúng như bạn muốn, lỗi thuộc về cách giao tiếp của bạn. Bạn không tìm được cách truyền đạt đúng thông điệp của mình.
Đây là nguyên lý quan trọng trong bất cứ việc gì. Ví dụ như dạy học chẳng hạn. Bi kịch lớn nhất trong giáo dục là: hầu hết các thầy cô giáo đều hiểu môn mình dạy. Nhưng họ lại không hiểu học trò mình. Họ không biết tiến trình xử lý thông tin của học trò. Họ không biết hệ thống nhận thức và suy tưởng của học trò. Họ không biết trong tâm trí học trò mình có những gì.
Những thầy giáo giỏi biết cách điều chỉnh tốc độ và dẫn dắt học sinh. Họ có thể tạo lập mối hòa hợp. Thế nên, thông điệp họ gửi đến học trò được tiếp nhận. Chẳng có lý do gì khiến toàn bộ giáo viên trên đời không thể cùng biết một thứ. Bằng cách học làm chủ tốc độ khi giao tiếp với học trò, bằng cách bày tỏ thông tin theo những hình thức học trò có thể tiếp nhận và xử lý hiệu quả, các thầy cô giáo sẽ thực sự thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục.
Vài thầy giáo cho rằng: bởi họ hiểu rõ môn mình dạy, nên khi có bất cứ rắc rối trong giao tiếp nào giữa thầy và trò đều do lỗi của trò: những học trò không thể tiếp thu những kiến thức họ truyền thụ.
Nhưng thực tế, không phải nội dung mà là sự đáp ứng mới chính là ý nghĩa của giao tiếp.