PHONG THÁI XÃ HỘI

TONY BUZAN

Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội –The Power of Social Intelligence; Tác giả: Tony Buzan; Biên dịch: TriBookers; Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016

Trích: “Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội” –The Power of Social Intelligence
Tác giả: Tony Buzan
Biên dịch: TriBookers
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016
Ảnh: Nguồn internet

???

“Cách xử sự tạo nên con người.”- Tục ngữ

Đã có rất nhiều sách hướng dẫn đến từng chi tiết bạn phải làm gì và làm thế nào để ứng xử “phù hợp” trong các tình huống giao tiếp xã hội. Nhưng bạn không phải lo, tôi sẽ không lặp lại điều đó ở đây! Thay vào đó, tôi sẽ đưa ra một vài lý do cho thấy tại sao “cách xử sự tốt” được xem là một phần không thể thiếu của Trí tuệ Xã hội và áp dụng chúng như thế nào để duy trì tình bạn, đồng thời kết thêm bạn mới.

? Thể hiện lòng biết ơn

Mọi người đều thích được đánh giá cao. Người có Trí tuệ Xã hội chắc chắn sẽ luôn thể hiện thái độ trân trọng đối với người khác, tri ân họ vì sự giúp đỡ, vì họ đã hoàn thành công việc tốt, hay đơn giản chỉ vì sự hiện diện của họ.

Tuy nhiên, bạn có thể phát huy hơn nữa tác động của những lời cảm kích bằng cách áp dụng những điều đã được giới thiệu trong cuốn sách này.

? Nói lời cảm ơn

Khi bạn muốn thể hiện lòng biết ơn đối với người khác, cần biết rằng họ sẽ ghi nhớ điều này lâu hơn nếu bạn thể hiện nó vào lúc bạn và họ sắp hoàn thành công việc. Hãy đảm bảo cả bạn và họ đều cảm thấy thoải mái nhằm làm tăng sức mạnh và ý nghĩa của lời cảm ơn.

Để thể hiện thái độ cảm kích chân thành, bạn hãy gửi đến họ một lá thư cảm ơn hoặc vài dòng tri ân vào ngay ngày hôm sau. Đôi lời nhắn gửi như “Cảm ơn anh/ chị vì cuộc gặp gỡ hôm qua, thật tuyệt khi chúng ta đã có cơ hội thảo luận cùng nhau…”, hoặc là “Cảm ơn anh/chị đã phỏng vấn tôi cho vị trí công việc này…” chắc chắn sẽ giúp bạn để lại ấn tượng đẹp và cũng sẽ xây dựng nên hình ảnh “bạn – một người chu đáo, sâu sắc”.

Một cách khác để đảm bảo cho lời cảm ơn thêm phần ý nghĩa là hãy nêu lý do tại sao bạn cảm ơn họ, chẳng hạn như: “Xin cảm ơn sự kiên nhẫn/lời khuyên của anh/chị” đối với người bán hàng vì đã giúp bạn quyết định nên mua đôi giày nào; “Cảm ơn tay nghề cao của anh” đối với người thợ đã giúp sửa chiếc bếp cho bạn; “Cảm ơn anh/chị về chuyến đi an toàn này” đối với người tài xế, v.v. Với những lời thật tâm như thế, chắc chắn bạn sẽ được đáp lại bằng một nụ cười tươi tắn: “Rất hân hạnh!”.

Hơn thế nữa, sau khi tận hưởng một dịch vụ chăm sóc quá tuyệt vời, không những chỉ cảm ơn người phục vụ mà bạn hãy cảm ơn cả sếp của họ, hoặc là gửi thư cảm ơn đến doanh nghiệp, tổ chức họ đang làm việc và nói rằng bạn cảm thấy ấn tượng bởi sự hiệu quả và chuyên nghiệp của họ – có lẽ đây là một lời cảm kích đặc biệt bởi vì các doanh nghiệp hoặc tổ chức thường nhận được lời phàn nàn nhiều hơn là lời khen!

? Tặng quà

Tặng quà cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn. Hầu hết mọi người thường mang theo rượu hay loại thức uống nào đó đến bữa tiệc mà họ được mời, nhưng những món quà này thường được đặt bừa bộn, lẩn khuất giữa những món quà khác. Nếu muốn món quà của mình được nhớ đến (và theo đó bạn cũng được nhớ đến), hãy cố gắng làm cho chúng nổi bật và khác biệt – ví dụ như, quà là một chậu cây lạ, hoặc là một món đồ trang trí nhỏ. Những món quà như vậy thường không lớn hay quá đắt tiền, nhưng lại thể hiện rằng bạn có quan tâm đến người chủ buổi tiệc và biết họ thích gì.

Không nhất thiết phải có lý do đặc biệt nào đó để tặng một món quà nhỏ hay một tấm thiệp chúc mừng. Việc bạn lưu ý đến một món đồ trong cửa hàng, hay nhác thấy những chiếc vỏ sò đẹp, những viên đá cuội có hình thù lạ mắt với ý nghĩ rằng người quen của bạn sẽ thích chúng lắm đây cũng đủ để thể hiện bạn là người bạn biết quan tâm và sâu sắc.

? Tổ chức lễ kỷ niệm đúng cách

Việc tổ chức những lễ mừng, như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, lễ lạt… sẽ góp phần làm cho sự kiện càng thêm ý nghĩa. Nghi thức càng trang trọng thì ký ức về sự kiện càng thêm sâu đậm.

Thật ra, sinh nhật hay những ngày lễ kỷ niệm khác có ý nghĩa như thế nào? Chúng nhắc nhở ta về những “phút ban đầu”, những “ngày xưa yêu dấu” và để gia đình, bạn bè biết rằng ta luôn xem đây là những ngày rất đặc biệt. Bởi lẽ nhớ đến những sự kiện cũng chính là nhớ đến những người có liên quan.

Điều này thật sự rất quan trọng khi mà chúng ta không thường xuyên gặp gỡ họ. Gửi một tấm thiệp hay một món quà mừng kỷ niệm ngày cưới đến vợ chồng anh chị của bạn đang sống ở đầu kia đất nước cũng đủ để thể hiện bạn quan tâm đến họ biết dường nào.

? Các tập tục khác

Hiểu biết những phong tục tập quán, nét văn hóa khác và tinh ý “bắt” được mạch cảm xúc, cảm nhận của người khác là những kỹ năng xã hội vô cùng quan trọng. Điều này đặc biệt đúng trong làm ăn kinh doanh, và có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc mở rộng giao lưu văn hóa, kinh doanh quốc tế như hiện nay.

Ví dụ, việc biếu tặng rượu cho một người đạo Hồi hoàn toàn kiêng rượu thì không được xem là một cử chỉ thân thiện như bạn tưởng; trong khi việc ăn bằng tay trái được xem là lịch sự ở Anh thì lại bị xem là một hành động cực kỳ thô lỗ ở các nước Ả Rập.

Sự khác biệt trong cách trao nhận danh thiếp ở Nhật (cũng như ở các nước châu Á nói chung) so với ở các nước phương Tây là ví dụ điển hình minh họa việc các nền văn hóa với những tập tục khác nhau có cách xử lý hoàn toàn khác đối với những sự việc, hay món đồ tưởng chừng rất bình thường.

? Nghi thức chào hỏi – cách của người châu Á

Ngày nay, nghi thức chào hỏi làm quen phổ biến nhất trên toàn cầu là trao danh thiếp cho nhau. Những “bậc thầy” về nghệ thuật này chính là người châu Á, với trình tự thực hiện như sau:

1. Trao bằng cả hai tay, ngửa mặt danh thiếp lên, hướng danh thiếp về phía người nhận sao cho người nhận có thể đọc các thông tin trên đó từ hướng chính diện.

2. Bạn cũng đồng thời nhận danh thiếp từ đối tác.

? Giải thích thêm về hành động:

■ Khi trao danh thiếp bằng cả hai tay, bạn sẽ ở tư thế đối diện với người nhận và tạo cảm giác gần gũi, thân tình.

■ Hướng danh thiếp về phía người nhận sao cho người nhận dễ dàng nhìn thấy các thông tin là một hành động đơn giản thể hiện sự quan tâm và thái độ trọng thị của bạn.

■ Việc trao đổi danh thiếp cùng một lúc thể hiện sự bình đẳng trong mối quan hệ và sự tôn trọng dành cho nhau ngay từ lúc đầu.

3. Sau khi nhận danh thiếp, hãy dành chút thời gian cẩn thận đọc qua một lượt, cần chú ý đến các mục ghi trên danh thiếp như: họ tên của người trao danh thiếp, chức vụ…

4. Nhận xét những điểm hay về nội dung và các yếu tố đặc trưng trên danh thiếp.

? Giải thích thêm về hành động:

■ Việc dừng lại để xem xét kỹ lưỡng danh thiếp thể hiện bạn đang đón nhận danh thiếp của người khác với thái độ cởi mở, thích thú. Điều này cũng cho thấy nó rất quan trọng đối với bạn.

■ Khi nhận xét về danh thiếp, bạn đang ngầm xác nhận rằng bạn đã tiếp thu nội dung và quan tâm đến ý nghĩa của chúng.

■ Việc nhận ra những điểm hay về nội dung cho thấy bạn có quan tâm và mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực, hiệu quả với họ.

5. Nếu bạn không phải rời đi tức thì, bạn không nên bỏ danh thiếp vào trong túi ngay. Nên đặt danh thiếp trên bàn, ở trước mặt bạn trong suốt thời gian gặp đối tác.

? Giải thích thêm về hành động:

■ Ngay lập tức đút danh thiếp vào túi là cử chỉ thiếu tôn trọng, thể hiện một cách tượng trưng là bạn đã “xong việc” với người này.

■ Đặt danh thiếp trên bàn và trong tầm mắt cho thấy bạn tôn trọng họ.

■ Việc đặt danh thiếp ngay trước mặt giúp bạn dễ nhìn thấy nội dung ghi trên đó khi cần. Liên tục nhắc lại nội dung trên danh thiếp sẽ giúp bạn nhớ kỹ tên và những thông tin về đối tác.

? Nghi thức chào hỏi – cách của người phương Tây

Nghi thức chào hỏi của người phương Tây thì không như vậy, họ đưa danh thiếp bằng một tay, không nhìn vào và cũng chẳng nhận xét gì về chiếc danh thiếp. Họ lập tức cất nó vào nơi nào đó khuất tầm mắt – và quên nó luôn.

Các nghi thức chào hỏi nếu được tiến hành tốt sẽ làm cho việc tiếp xúc gặp gỡ dễ dàng và thú vị hơn. Bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của chúng ta sẽ cảm thấy họ được nhớ đến, được trân trọng và yêu thương. Ngoài ra, các nghi thức còn có thể giúp ta tiên liệu trước sự việc một cách tuyệt vời và làm ta trở nên nổi bật trong mắt người khác.

? Chia sẻ vào những lúc khó khăn

Một nghĩa vụ xã hội mà nhiều người cảm thấy khó thực hiện là an ủi, cũng như chia sẻ nỗi buồn với những người vừa mất đi người thân hay vừa mới nhận được tin dữ.

Chúng ta đều biết mình nên nói điều gì đó, nhưng lại chẳng biết dùng lời nào để chia sẻ sao cho nghe không sáo rỗng hay thiếu thật lòng. Bởi vì chúng ta sợ “xôi hỏng bỏng không” và lúng túng khi hình dung ra phản ứng của họ, cho nên kết cục là chúng ta chẳng nói hay làm gì cả. Dù chỉ là vài dòng cho biết rằng bạn đang nghĩ về họ và gia đình của họ nhưng hành động nhỏ ấy lại được người nhận đánh giá cao. Thật sự là những lời này chẳng quan trọng lắm, chính sự quan tâm được gửi gắm trong đó mới quan trọng. Chỉ cần biết có người đang nghĩ đến bạn trong lúc bạn gặp khó khăn thì cũng đã là một niềm an ủi lớn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi hoa, chủ động mở lời sẵn sàng giúp đỡ một cách thiết thực (đưa đón con cái người đó đi học, mang thức ăn đến…), trao một cái ôm đầy cảm thông ngầm bảo rằng người ấy không hề đơn độc (điều mà rất nhiều người cảm thấy trong lúc bị khủng hoảng tinh thần)… nói chung là những việc trong tầm tay bạn.

? Rèn luyện Trí tuệ Xã hội

1. Lên kế hoạch cho những sự kiện đặc biệt

Vào đầu năm mới, khi bạn lên kế hoạch cho những việc sẽ thực hiện trong năm, hãy nghĩ đến các lễ kỷ niệm mà bạn muốn tham dự. Đánh dấu lại những ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm, những ngày đặc biệt mà bạn quan tâm.

Viết hết vào sổ nhật ký với nhiều màu sắc hay hình ảnh để làm cho những ngày này dễ nhớ, và bắt đầu lên kế hoạch tổ chức. Hãy nghĩ đến những điều đặc biệt bạn có thể thực hiện nhằm làm cho những dịp như thế này trở nên thú vị hơn đối với những người có liên quan.

2. Tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa

Hãy bắt đầu tìm hiểu những khác biệt trong hành vi ứng xử giữa các nền văn hóa. Ví dụ, ở một số nơi, người ta than khóc trong đám tang, trong khi ở những nơi khác họ lại tổ chức lễ mừng. Một số nơi xem màu trắng là màu tang tóc, còn với những nơi khác lại là màu đen. Ở một số nền văn hóa, ngón cái và ngón trỏ chụm lại thành vòng tròn có nghĩa là “mọi thứ đều ổn”; nhưng trong những nền văn hóa khác, đó lại là một cử chỉ tục tĩu!

Hãy biến việc khám phá sự khác biệt giữa các nền văn hóa trở thành một sở thích, bạn sẽ gặt hái được những phần thưởng xứng đáng (có thể nó sẽ giúp bạn tránh được những tình huống lúng túng, phiền phức!).

? Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Xã hội

■ Tôi dần nhận ra rằng lời cảm ơn là một trong những phần thưởng tuyệt vời nhất mà tôi có thể trao tặng cho người khác.

■ Cung cách ứng xử tích cực của tôi ngày càng mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người.

???

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ
  2. TRÍ THÔNG MINH VÀ KỸ NĂNG TƯ DUY
  3. TRÍ TUỆ XÚC CẢM

Bài viết khác của tác giả

  1. THƯƠNG LƯỢNG, NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM – SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI
  2. THƯƠNG LƯỢNG – NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM
  3. MỘT NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH VỚI TRÍ THÔNG MINH TỘT BẬC

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH