QUANG MINH CỦA TÂM

DUDJOM DORJEE

Trích “ Thiền Chỉ Thiền Quán Và Tính Không”
Nguyễn Tiến Văn Dịch
NXB Hồng Đức, 2014.

Lama Dudjom Dorjee – ngài trưởng thành tại Ấn Độ và nhận bằng giáo thụ kiệt xuất từ Đại học Sanskrit ở Varanasi.

———–*———–

Khi chúng ta nhìn vào tâm ở trạng thái tự nhiên của nó, đặc trưng định tính đầu tiên mà chúng ta thấy là sự quang minh. Mặc dù “quang minh” thoạt đầu có vẻ mơ hồ và bí ẩn, nó có một nghĩa nội hàm rất chuyên biệt trong ngữ cảnh về thiền định, nhất là khi thiền định về tâm. Bảo rằng tâm quang minh là chỉ ra rằng tâm sở hữu phẩm tính của ánh sáng. Bởi có phẩm tính của ánh sáng, chúng ta có thể nhìn thấy, quan sát, và thông giải những hiện tượng khi chúng khởi lên, định vị, và biến mất. Tâm quang minh cũng sở hữu thuộc tính về sự trong sáng; những hiện tượng không bị che đậy hoặc bao phủ, mà xuất hiện một cách tỏ rõ và sống động.

Nếu nghĩ về tâm giống như một căn phòng, chúng ta có thể nói rằng sự quang minh chỉ ra rằng có ngọn đèn sáng đang thắp ở trong đó để chúng ta có thể nhìn thấy bên trong căn phòng, là sự xuất hiện của những hiện tượng. Chúng ta chỉ có thể nói rằng sự sáng tỏ chỉ ra là không khí trong phòng trong trẻo, không có bất cứ thứ gì như khói hoặc sương mù có thể khiến chúng ta không quan sát được những gì có trong phòng. Sự phân biệt ở đây là cả sự quang minh và sự sáng tỏ phải có mặt để chúng ta có thể nhìn thấy và quan sát; chính vì tâm sở hữu sự quang minh nên chúng ta mới có thể trải nghiệm những hiện tượng khi chúng xuất hiện.

Nhiều người nói rằng đối với những người chưa đạt được sự giải thoát, tâm dường như tối ám và đầy mây mờ, tức là mâu thuẫn trực tiếp với sự mô tả về tâm là sự quang minh và sáng tỏ. Thiết yếu chúng ta phải hiểu rõ rằng sự quang minh là một mô tả về tâm trong trại thái tự nhiên, khi tâm không vướng mắc những phiền não (klesha) và nhiễu hành ( samskara) của nghiệp báo . Những thứ làm chướng ngại tối ám này khiến chúng ta thấy tâm tối tăm và bị che mờ, thay vì quang minh và sáng tỏ.Đó chỉ là do trạng thái hoang mang và vô minh khiến chúng ta trải nghiệm thực tại từ một lối nhìn thiếu sáng tỏ và thiếu quang minh; đó là những ám chướng vốn tối tăm và che mờ, chứ không phải tự thân của tâm. Khi thiền giả thực hành đạo pháp đủ để bắt đầu gỡ bỏ những tấm màn ám chướng che mờ và làm tâm đen tối, khi đó chúng ta bắt đầu trải nghiệm một cách nhìn ngày càng quang minh và sáng tỏ hơn. Chính lúc đó, sự hoàn thiện của thiền chỉ và thiền quán có thể dẫn chúng ta tới một trạng thái tâm được tinh luyện, để cuối cùng thực sự trải nghiệm tính quang minh của tâm trong trạng thái tự nhiên. Điều này sẽ đưa chúng ta tới một trạng thái gần hơn với sự giải thoát và giác ngộ, là những thứ trở nên khả dĩ với sự hoàn thiện của thiền quán.

Trích “ Thiền Chỉ Thiền Quán Và Tính Không”
Nguyễn Tiến Văn Dịch, NXB Hồng Đức, 2014.

Bình luận

[…] có trí lanh lợi, thì sự nhận xét minh mẫn, gặp việc gì trở ngại cũng giải quyết mau lẹ, gặp một duyên nhỏ có thể […]


Bài viết khác của tác giả

  1. TÁNH KHÔNG CỦA TÂM

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH