SIÊU NHÂN LOẠI LÀ LỰA CHỌN CUỘC ĐỜI

DEEPAK CHOPRA

Trích: Meta Human – Siêu Nhân Loại; Người dịch: Hải Âu – Phi Yên; NXB. Thế giới; Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam, 2022

Con người có rất nhiều cách để cải thiện cuộc đời. Dựa vào mức sống của người dân, bạn có thể nói các xã hội phát triển đang ở trong thời kỳ hoàng kim. Giờ đây, thực tế, chúng ta có khả năng mong đợi những lợi ích như khỏe mạnh dài lâu, ăn thực phẩm hữu cơ nguyên chất mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả những điều dân thường vốn khó với tới như sở hữu nhà riêng và nghỉ hưu với mức bảo đảm tương đối.

Bởi lẽ đó, thật kỳ lạ khi hàng triệu người đang cố cải thiện mức sống mà lại không bận tâm cải tạo hiện thực của riêng mình. Hai yếu tố này gắn bó mật thiết, việc cải thiện cuộc đời sẽ chông chênh và thiếu bền vững nếu bạn không cải tạo hiện thực. Hiện thực không chỉ đơn giản là thế giới “bên ngoài” – nó rất cá nhân. Hai người đồng nghiệp vẫn có thể nhìn thế giới khác hẳn nhau, người thì lo lắng về sự bảo đảm trong công việc và nguy cơ bị sa thải, còn người kia lại thấy bằng lòng và lạc quan. Sinh nở có thể là một sự kiện tự nhiên giống nhau, không hề có biến chứng y khoa nào xảy ra với cả hai bà mẹ, nhưng một người lại bị trầm cám sau sinh trong khi người kia tràn ngập niềm vui.

Hiện thực cá nhân định nghĩa chúng ta. Đó là những gì ta tin, điều ta cảm nhận, kho tàng ký ức riêng biệt trong ta, toàn bộ trải nghiệm và các mối quan hệ của cả một đời. Còn gì quan trọng hơn thế khi xem xét đời người sẽ đi về đâu. Vậy nên, quái gở thay – hay có thể nói là bí hiểm thay – chúng ta xây dựng cuộc đời mà lại thiếu hiểu biết sâu sắc về con người thật của chính mình. Đào sâu vào bất kỳ vấn đề cơ bản nào trong sự tồn tại của con người, và theo sau vỏ bọc của mỗi ý kiến chuyên môn, đều có một khoảng trống mà lẽ ra phải được lấp đầy bằng sự hiểu biết.

Chúng ta không hiểu tại sao con người lại được tạo ra để vừa yêu vừa ghét, vừa rao giảng hòa bình vừa gây chiến, xoay vòng giữa hạnh phúc và khổ đau, sống quanh quẩn từ giây trước còn tự tin sang giây sau đã vội hồ nghi chính mình. Ngay bây giờ bạn đang tự vận hành toàn bộ khối mâu thuẫn này theo cách riêng. Bạn là một bí ẩn với chính bạn, ai ai cũng là bí ẩn với chính họ. Điều giữ cho con người tiến bước chỉ là guồng quay lặp lại hằng ngày và niềm hy vọng rằng sẽ không có tai họa nào xảy ra.

Tôi không hạ thấp những giá trị mà phần lớn con người đang tranh đấu vì nó – gia đình, sự nghiệp và các mối quan hệ. Tuy nhiên, thẳng thắn là ta không dám tự tin khẳng định mình hiểu chuyện mình đang làm, ngay cả đối với những việc hệ trọng nhất. Vậy có gì bất ngờ khi chúng ta lao lực để cải thiện mức sống mà không mấy bận tâm cải tạo hiện thực. Hiện thực quá khó hiểu. Tốt hơn hết là chúng ta đừng bơi ra vùng nước sâu mà cứ loanh quanh ở vùng nước nông cho an toàn.

Một số người, dù vậy, đã mạo hiểm bơi ra vùng nước sâu hơn, và đều mang về những câu chuyện dị thường đồng thời truyền cảm hứng trong mọi nền văn hóa. Biết yêu thương kẻ thù thì rõ là cảm động, nhưng ai thật sự làm được việc ấy? Được kể rằng tình yêu thiêng liêng là vô hạn không khiến bạn cảm thấy như thế. Hòa bình vĩnh cửu ganh đua quyết liệt với viễn cảnh về tội ác, chiến tranh và bạo lực ở mọi thời đại. Một vài người có thể được mến mộ như thánh nhân, nhưng cũng rất có thể bị cho là điên dại, hoặc đơn thuần là không được công nhận chỉ vì họ quá tốt đẹp cho thế gian này.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn – hiện thực cá nhân là sân chơi của mọi trò chơi. Nơi đây chứa đựng tất cả tiềm năng mà con người từng khơi dậy, nhưng đồng thời cũng là rào cản đang kìm hãm chúng ta. Có một nhà tâm lý học sinh trưởng tại New York tên là Abraham Maslow (1), dù qua đời từ năm 1970 nhưng vẫn nổi danh cho tới nay vì dám lội ngược dòng. Làm công việc điển hình của ngành tâm lý là thăm khám các loại bệnh và khiếm khuyết về tinh thần, Maslow cảm thấy bản chất loài người vượt xa những trải nghiệm thông thường. Ý tưởng cốt lõi giờ đã phát triển ngoài sức tưởng tượng của ông, là nhân loại được thiết kế cho những tầm cao trải nghiệm phi thường, và hơn thế nữa, chúng ta còn có thể tạo ra những trải nghiệm này trong cuộc sống hằng ngày. Cứ như thể xe cộ chạy trên đường bấy lâu nay toàn là sắt vụn, và có người tuyên bố bạn được đổi đống của nợ ấy lấy một chiếc Mercedes hoặc Jaguar vậy.

Nếu điều duy nhất bạn nhìn thấy là đống sắt vụn còn Mercedes với Jaguar ở xa tít ngoài đại dương, hiện thực của bạn sẽ không thay đổi. Nhưng Maslow, viện dẫn các nguyện vọng tinh thần qua hàng thế kỷ, khẳng định rằng những trải nghiệm đỉnh cao trong đời là một phần cấu tạo nên chúng ta, rằng chúng ta cần và khao khát chúng. Chìa khóa là ta phải vượt ra khỏi trạng thái tầm thường. Khái niệm siêu việt đã trở thành động lực cho cuốn sách này. Để khám phá con người thật, bạn phải thoát ra khỏi con người mình hằng tưởng. Bạn phải đi qua nỗi sợ hãi để tìm thấy bình yên. Để trải nghiệm tình yêu vô điều kiện, bạn phải vượt lên tình yêu có điều kiện, loại tình yêu đến rồi di. Có lúc tôi thậm chí đã nghĩ cuốn sách này nên được đặt tên đơn giản là Vượt Xa (Beyond). Nhưng cuối cùng, tôi chọn cái tên Siêu Nhân Loại (Metahuman), sử dụng từ meta trong tiếng Hy Lạp, mà tôi đã đề cập trước đó có nghĩa là “vượt xa”. Luận điểm của tôi là trở thành siêu nhân đồng nghĩa với một bước chuyển lớn về danh tính mà bất kỳ ai cũng làm được. Sinh ra để có những trải nghiệm đỉnh cao làm dấy lên nghi vấn rằng chúng ta có quyền lựa chọn hay không. Những khoảnh khắc cuộc đời rực rỡ nhất thường tự giáng xuống như thể chúng bắt nguồn từ một cõi cao xa hơn. Bằng cách nào ta dám chắc chúng không phải là ngẫu nhiên?

Tại một hội nghị gần đây về khoa học và ý thức, có một phụ nữ trẻ tự giới thiệu bản thân với tôi, chia sẻ rằng cô đang làm luận văn tốt nghiệp lấy chủ đề giao tiếp với chim. Tôi hỏi cô làm sao nói chuyện với chim được, cô đáp rằng tôi sẽ dễ hiểu hơn nếu tận mắt nhìn. Vậy là chúng tôi có một cuộc hẹn. Đó là một ngày đẹp trời, và chúng tôi cùng im lặng ngồi trên chiếc ghế dài. Cô ngắm nhìn bầy chim đang đậu trên cây gần đấy, rồi một trong số chúng bỗng bay xuống và dạn dĩ đậu vào lòng cô.

Sao cô làm được việc này? Chẳng cần dài dòng, cô nhìn tôi và bảo, “Ông thấy không? Rất dễ thôi.” Những người thầy Công giáo cũ của tôi hẳn sẽ nhắc ngay tên Thánh Francis thành Assisi, người thường được thành kính vẽ lại cùng những con chim đang bay lượn xung quanh. Từ truyền thống Ấn Độ, tôi nghĩ đến một thuộc tính của ý thức được gọi là ahimsa, có nghĩa là “bất hại”, lòng đồng cảm lan tỏa tới mọi sinh vật sống.

Trong cả hai trường hợp, cốt lõi không nằm ở chỗ nói chuyện với chim hay hiểu ngôn ngữ của chúng – mà ở chỗ sự việc diễn ra thật âm thầm. Đây là một ví dụ hoàn hảo của cái siêu việt – trong trường hợp này, còn vượt cả mức tôi mong đợi. Sau đó cô gái trẻ giải thích với tôi, điều cô đã làm là thanh lọc tâm trí và ghim vào đó ý muốn kéo con chim tới gần. Nói cách khác, tất cả đều diễn ra trong ý thức.

Có quá ít người sở hữu những trải nghiệm như vậy, đến mức càng làm tăng thêm nhu cầu khám phá xem chúng ta có bao nhiêu cách để trở nên siêu việt. Tôi cảm thấy rõ ràng là chúng ta nắm quyền kiểm soát cuộc đời lớn hơn mình tưởng rất nhiều.

Đối với tôi, hành trình siêu nhân là lựa chọn cuộc đời. Những trải nghiệm đỉnh cao mới chỉ là khởi đầu, một hé lộ nhỏ cho tiềm năng còn chờ được khai phá.

Khái niệm trải nghiệm đỉnh cao (peak experience) đã trở nên phổ biến đến mức hầu hết con người đều đã có ý tưởng chung về nó. Khái niệm này mô tả những khoảnh khắc giới hạn biến mất, rồi hiểu biết thay đổi cuộc đời hoặc một khả năng siêu phàm bỗng dễ dàng đến với ta. Tiền vệ đấu giải Bóng bầu dục Quốc gia (NFL), người sắp bước sang tuổi bốn mươi đã thắng cả tá Siêu cúp Super Bowl; thần đồng âm nhạc tám tuổi xuất hiện lần đầu trong buổi hòa nhạc piano Mozart; thiên tài toán học có khả năng nhân hai số mười tám chữ số chỉ trong vài giây – chúng ta không cần tìm những màn trình diễn xuất sắc cho thấy tiềm năng to lớn của con người này ở đâu xa cả. Những thành tựu ấy rất đáng kinh ngạc, nhưng chỉ chiếm một chỗ đứng giới hạn. Khi danh tiếng và vận may chỉ được thết đãi cho thiểu số, ta lại bỏ lỡ một triển vọng dồi dào hơn mà nhiều người khác có thể đạt được.

Hiện thực dễ nhào nặn hơn hình dung của bất kỳ ai. Phần lớn xiềng xích bạn thấy đang trói buộc mình là do chính bạn tự tạo ra. Việc không biết mình là ai khiến bạn bị mắc kẹt trong những niềm tin cũ kỹ, dung dưỡng các vết thương xưa, tuân theo những quy ước lỗi thời, và phải chịu đựng cảm giác hồ nghi cũng như phán xét chính mình. Không ai sống mà không gặp những trở lực này. Thế giới bình thường và cuộc sống bình thường không đủ để tiết lộ con người thật của ta – mà hoàn toàn ngược lại. Thế giới bình thường vẫn luôn lừa dối chúng ta, và sự dối gạt này ăn sâu đến mức chúng ta đã tự nguyện nhào nặn bản thân tương thích với nó. Trong luật pháp, bằng chứng bẩn còn được gọi là “quả của cây có độc”. Không hề khoa trương khi nói rằng dù cuộc đời đẹp đến mức nào, vẫn còn một vết bẩn từ những ảo tưởng mà ta ngộ nhận là hiện thực. Không có gì, bất luận đẹp và tốt đến đâu, hoàn toàn xóa bỏ được vết bẩn ấy. Trở nên siêu việt là cách duy nhất để thoát khỏi nó. Siêu nhân có nhân cách được cấu thành dựa trên những giá trị cao hơn; không chỉ bằng các trải nghiệm đỉnh cao, mà còn cả tình yêu và lòng tự tôn. Khi hoàn thành cuốn sách, tôi vui sướng nhận ra Maslow đã dùng thuật ngữ siêu nhân (metahuman) theo nghĩa chính xác như vậy. (Ông không liên hệ từ này với hình tượng siêu anh hùng (superhero) trong truyện tranh và tôi cũng thế. Chừng nào các nhân vật siêu nhân giả tưởng còn bị đánh đồng với đám ngoài lề tiềm ẩn mối đe dọa cho xã hội, đây vẫn là một ngụ ý phải tuyệt đối tránh xa).

Không hề sai khi xem xét một số trải nghiệm nhất định cao quý đến mức chúng có vẻ thần thánh, vùng đất thiêng mà Maslow cho rằng siêu nhân đang cư ngụ. Đây từng là bước quan trọng để tuyên bố rằng khao khát tới được bên Chúa hay có hòa bình và tình yêu vĩnh cửu cũng thực tế như gõ một cây đinh vậy. Nhưng tôi còn phải tranh luận thêm rằng biến hẳn con người thành siêu nhân là cấp thiết. Đó là cách duy nhất để thoát khỏi những ảo ảnh đeo đuổi suốt cuộc đời ta như đau khổ nội tâm, rối loạn và xung đột.

Chú thích

1. Abraham (Harold) Maslow (1908-1970) là nhà tâm lý học người Mỹ. Ông nổi tiếng với Tháp nhu cầu và được xem là cha đẻ của tâm lý học nhân văn (humanistic psychology). (BT)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO
  2. CUỘC SỐNG CỦA BẠN PHẢI CÓ MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA

Bài viết khác của tác giả

  1. CHẾT CÓ Ý THỨC
  2. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI
  3. NHỮNG GÌ BẠN NHÌN THẤY, BẠN TRỞ THÀNH NHƯ VẬY

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ