SỢ HÃI

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bút Hoa/ Krishnamurti; Ẩn Hạc dịch Việt (dịch theo bản Pháp ngữ: Carnets de Krishnamurti cuar Marie Bertrande Maroger); Nxb. Thiện Tri Thức.

 

NGÀY 14

Trời đã mưa suốt đêm, thật là dễ chịu sau nhiều tuần nắng và bụi. Mặt đất khô cứng nứt nẻ; một lớp bụi dày phủ trên lá cây, mưa đã tưới thảm cỏ. Những ngày vừa qua nắng chói không mưa, thật là khó chịu trong một thành phố dơ bẩn và đông đúc; khí trời nặng nề; bây giờ mưa mới rơi được vài giờ. Riêng có những chú bồ câu là không bằng lòng; chúng đậu nơi nào tùy ý, nhưng chúng buồn bã và không gù gù nữa. Bầy chim sẻ thường tắm chung với chúng, giờ đây trốn mất; nhút nhát và mạnh dạn bay đến sân thượng, nhưng trận mưa to đã tưới ướt khắp nơi và mặt đất đẫm nước.

Một lần nữa, gần như suốt đêm, phép lành hiện diện dù trong cơn buồn ngủ; nhận thức được khi thức giấc, mạnh bạo, khẩn thiết, dai dẳng, phép lành như được duy trì suốt cả đêm. Theo phép lành luôn luôn có chơn mỹ cao cả không thêu dệt với những hình ảnh, tình cảm, tư tưởng. Chơn mỹ không là tư tưởng, cũng không là tình cảm: chơn mỹ không liên hệ chút nào với cảm xúc hoặc tính đa cảm.

Có nỗi sợ hãi. Sợ hãi không bao giờ có ngay lúc này, mà hiện đến trước hoặc sau giây phút hiện tại. Nó có còn là sợ hải hay không khi nó hiện hành trong lúc hiện tại đang vận hành? Sợ hãi ở đó, ta không thể lẫn tránh được, không thể trốn thoát được. Nhưng ngay lúc hiểm nghèo, dù mang tính vật lý hay tâm lý, khi có chú tâm toàn vẹn thì không có sợ hãi. Chính sự tán tâm đưa đến sợ hãi: sợ hãi phát sinh khi có trốn né hay có ý định tránh thoát khỏi sự kiện thực tế; trong trường hợp này chính trốn tránh là sợ hãi.

Sợ hãi dưới mọi hình thức, tội lỗi, lo âu, hy vọng, thất vọng, đều có mặt trong tất cả mối tương giao; sợ hãi ở đó trong bất cứ sự kiếm tìm an ổn nào cũng như trong cái gọi là tình yêu, thương mến; sợ hãi cũng có mặt trong khát vọng và thành công, trong sự sống và cái chết, lan nhiễm đến cả sự vật vật lý lẫn yếu tố tâm lý. Sợ hãi hiện hữu dưới biết bao hình thức và ở mọi tầng lớp ý thức của chúng ta. Chính sợ hãi sinh ra tự vệ, tính đề kháng và cự tuyệt. Có sợ hãi bóng đêm, ánh sáng; sợ đi, sợ đến. Sợ hãi xuất hiện và biến mất trong ước muốn được an ổn trong lòng hoặc bên ngoài, ước muốn được bền vững, thường tồn. Sự tương tục thường tồn này, người ta tìm kiếm khắp nơi, trong đức hạnh, tương giao giữa con người với nhau, hành động, kinh nghiệm, kiến thức, trong những sự vật nội tâm hoặc ngoại giới. Tìm cầu được an ổn là khát vọng miên trường. Chính lòng khao khát thường trực này sinh ra sợ hãi.

 

Nhưng nội tâm hay ngoại giới có thường tồn hay không? Có thể có cho đến một mức nào đó, ít nhất là ở ngoại giới, dù thế nào đi nữa cũng vẫn mong manh. Vẫn còn có những cuộc chiến, cách mạng, sự tiến bộ, những tai nạn rủi ro hoặc động đất. Người ta cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở đó là nhu cầu bức thiết cho tất cả mọi người. Dù chúng ta có tìm kiếm sự thường tồn một cách mù mờ, không phải là không có lý, có chăng một sự bền vững, một sự tương tục nội tâm, một sự thường tồn? Điều đó không có. Sợ hãi là đào thoát trước sự thật này. Sự bất lực của chúng ta khi chạm trán với sự thật này nuôi dưỡng mọi hình thức hy vọng và thất vọng.

Chính tư tưởng là nguồn gốc của sợ hãi. Tư tưởng là thời gian; dự phóng ngày mai có thể là vui hay khổ; nếu vui sướng tư tưởng sẽ theo đuổi, lo sợ vui sướng này chấm dứt; nếu khổ cực, tư tưởng tránh né và chính sự kiện này là sợ hãi. Lạc, cũng như khổ đều là nguyên nhân đưa đến sợ hãi. Hiểu biết hiện tượng của tư tưởng, cơ chế cửa ký ức, của kinh nghiệm mới chấm dứt được sợ hãi. Tư tưởng là cả toàn bộ tiến trình của tâm ý thức, hữu thức cũng như tiềm thức; tư tưởng không chỉ là đối tượng mà còn là căn nguyên của chính tâm thức. Tâm thức không chỉ là đức tin, tín điều, ý tưởng hoặc lý trí, tâm thức còn là trung tâm từ đó những thứ trên phát sinh. Trung tâm này là căn nguyên của mọi nỗi sợ hãi. Nhưng có chăng một kinh nghiệm gì về nỗi sợ, hoặc một sự nhận thức về nguyên nhân nỗi sợ mà tư tưởng có thể phơi phới nhẹ nhàng? Về mặt vật lý tự bảo vệ là bình thường và lành mạnh, nhưng về nội tâm mọi hình thức tự bảo vệ đều là kháng cự, tự bảo vệ luôn luôn thu gom và tích chứa một năng lực, năng lực đó là sợ hãi. Nhưng sợ hãi nội tâm sẽ biến nhu cầu về an toàn ngoại giới thành một bài toán về giai cấp, về uy tín, về quyền lực, và hậu quả là có đấu tranh tàn bạo.

Chính sự quán sát tiến trình của tư tưởng của thời gian và nỗi sợ hãi, rõ biết toàn diện tiến trình này, chớ không phải chỉ một ý tưởng hoặc một định thức tri thức, sẽ chấm dứt được sợ hãi, trên mặt ý thức lẫn tiềm thức. Tự tri là tỉnh thức và là chấm dứt sợ hãi.

Và khi sợ hãi chấm dứt, cũng chấm dứt luôn quyền lực phát sinh ra ảo tưởng, huyền thoại, những ảo ảnh cùng đoàn tùy tùng là hy vọng và thất vọng, và chỉ lúc đó mới bắt đầu một chuyển động vượt lên trên tâm thức, tâm thức đó là tư tưởng và tình cảm. Đó là sự đoạn diệt trong những lằn nếp sâu kín nhất của dục vọng, của nhu cầu ẩn khuất thâm cùng. Lúc đó, khi cái rỗng rang tròn đầy, khi thực sự không còn một chút gì, không ảnh hưởng, không giá trị, không ranh giới hoặc ngôn ngữ, lúc đó, trong cái vắng lặng toàn bộ của thời gian và không gian, sẽ xuất hiện một cái không tên tuổi.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP