ĐẠO NGUYÊN HY HUYỀN
Trích CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG (SHŌBŌ GENZŌ)
Nguyên tác: Shōbō Genzō | Tác giả: Đạo Nguyên Hy Huyền
Anh dịch: Kazuaki Tanahashi, et al | Việt dịch: Đỗ Đình Đồng
Đạo Nguyên Hy Huyền (道元希玄 dōgen kigen), 1200-1253 – cũng được gọi là Vĩnh Bình Đạo Nguyên (永平道元 eihei dōgen) vì Sư có công khai sáng Tào Động tông (ja. sōtō) tại Nhật Bản và lập Vĩnh Bình tự, một trong hai ngôi chùa chính của tông này. Ngoài ra, Sư còn là một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Phật giáo Nhật Bản. Sư được Phật tử của tất cả các tông phái Phật giáo tại Nhật Bản thờ phụng như một Đại Bồ Tát.
Sư thường bị hiểu lầm là một triết gia với quan điểm “thâm sâu và quái dị nhất” nhưng những gì Sư viết không xuất phát từ những suy luận về thật tại mà từ sự trực chứng thực tại.
Nội dung dưới đây được trích từ tác phẩm Chánh Pháp Nhãn Tạng (Shōbō Genzō), đã được Sư viết trong thời gian hơn hai mươi lăm năm cho đến khi Sư tịch (1253), còn truyền lại đến ngày nay và đang phát triển sang thế giới phương Tây.
— ⏳⏳⏳ —
Bởi vì trong sống chết có Phật, nên không có sống chết. Lại nữa, chúng ta có thể nói: Bởi vì trong sống chết không có Phật, chúng ta không bị mê lầm trong sống chết. Điều này được Giáp Sơn và Quy Sơn nói ra. Đó là những lời của hai Thiền sư; chúng là những lời của người đã thấu đạt chân lý, cho nên chúng nhất định không bị để cho vô hiệu. Một người muốn thoát sống chết cần sáng tỏ sự thật này. Nếu một người tìm kiếm Phật ngoài sống chết, đó cũng giống như chỉ hướng bắc một bản đồ mà cho đó là một nước phía nam, hay giống như xoay mặt hướng nam mà mong thấy sao Bắc Đẩu. Đó là gom góp nhiều hơn nữa những nguyên nhân của sống chết và cuối cùng lạc mất con đường giải thoát.
Khi chúng ta thấu hiểu rằng chính bản thân sống chết là niết bàn, thì không có gì là sống chết để ghét bỏ và không có gì là niết bàn để mong ngóng. Bấy giờ, lần đầu tiên, có phương tiện để thoát khỏi sống chết. Hiểu rằng chúng ta di chuyển từ sanh đến tử là một sai lầm. Sanh là một trạng thái trong một khoảnh khắc, nó đã có một quá khứ và sẽ có một tương lai. Vì lý do này, trong Phật pháp có nói rằng sanh chính là chẳng sanh. Diệt cũng là một trạng thái trong một khoảnh khắc; nó cũng có một quá khứ và một tương lai. Đây là tại sao có nói rằng diệt chính là chẳng diệt. Trong thời gian gọi là sanh, không có gì ngoài sanh. Trong thời gian gọi là tử, không có gì ngoài tử. Như thế, khi sanh đến, đó chỉ là sanh, và khi tử đến, đó chỉ là tử. Với chúng, chớ nói rằng bạn sẽ phục vụ chúng, và chớ mong muốn chúng.
Cái sống chết này đích thị là đời sống thiêng liêng của Phật. Nếu chúng ta ghét nó và muốn từ bỏ nó, đó chỉ là muốn đánh mất đời sống thiêng liêng của Phật. Nếu chúng ta bám dính vào nó, nếu chúng ta bám nắm sống chết, đây cũng là đánh mất đời sống thiêng liêng của Phật. Chúng ta bị giới hạn mình trước cảnh giới Phật. Khi chúng ta không ghét cũng không muốn, bấy giờ lần đầu tiên chúng ta vào tâm Phật. Nhưng chớ xem xét nó với tâm và chớ nói nó bằng lời! Khi chúng ta buông bỏ thân tâm và thả rơi chúng vào nhà Phật, chúng ta được đặt vào hành động từ phía Phật; bấy giờ khi chúng ta tiếp tục tùy thuận như vậy, không thi triển bất kỳ sức mạnh nào và không khởi động tâm nào, chúng ta thoát khỏi sống chết và thành Phật. Có ai muốn lay lứt, lần lửa trong tâm (đã tạo ra sống chết)?
Có một con đường rất dễ để thành Phật. Không phạm lỗi lầm; không bám chấp vào sống chết; biểu lộ lòng bi sâu thẳm cho tất cả chúng sanh; tôn kính những người trên và thương xót những người dưới; không có tâm ghét thương muôn vật; tâm không có tư tưởng và không phiền não: đây được gọi là Phật. Chớ tìm ở đâu khác.
— ⏳⏳⏳ —
Nguồn: CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG (SHŌBŌ GENZŌ)
Nguyên tác: Shōbō Genzō | Tác giả: Đạo Nguyên Hy Huyền
Anh dịch: Kazuaki Tanahashi, et al | Việt dịch: Đỗ Đình Đồng