SỰ AN BÌNH SIÊU CÁ NHÂN

ROBERTO ASSAGIOLI

Trích: Sự phát triển siêu sá nhân; Tác giả: Roberto Assagioli; Dịch giả: Huyền Giang; NXB: Khoa Học Xã Hội Hà Nội - 1997

Roberto Assagioli

Có lẽ chưa bao giờ loài người lại không có an bình như hiện nay. Để thấy rõ điều đó, chỉ cần nhìn vào những gì đang diễn ra quanh ta: những cuộc đấu tranh công khai hoặc che đậy, những hậu quả của chiến tranh và những mối đe dọa đối với tương lai, những cuộc đấu tranh giữa các quốc gia, các chủng tộc, các giai cấp xã hội, giữa các phe phái. Chúng ta cũng nhận thấy những hiện tượng không kém phần nghiêm trọng: đấu tranh, khuấy động và bão táp ở nơi sâu nhất trong những trái tim, biểu hiện ra thành những lối như: khủng hoảng tình cảm, đạo đức, tôn giáo, thành những sự bất mãn đối với bản thân mình hay đối với người khác, thành những cuộc nổi dậy chống lại xã hội, chống lại gia đình, chống lại sự sống và chống lại cả Thượng đế nữa.

Trong một thế giới như vậy, kiến tạo hòa bình không phải là một sự xa xỉ tâm linh, mà là một sự cần thiết hàng ngày đối với những ai muốn duy trì tính toàn vẹn nội tâm, không muốn mình bị đảo lộn bởi những làn sóng khuấy động tập thể, hoảng hốt và bạo lực. Là bổn phận đối với chính mình, dự kiến tạo hòa bình cũng là bổn phận đối với những người khác. Ai biết biến mình thành một nơi ẩn náu an bình hiện nay, ai biết tỏa chiếu sự an bình ấy một cách mạnh mẽ ra xung quanh mình, người đó mang lại cho loài người khốn khổ điều tốt lành mà có lẽ nó đã bị tước đi nhiều nhất và do đó, nó cần đến nhiều nhất.

Bây giờ ta hãy xem nó có thể làm điều đó một cách có hiệu quả nhất như thế nào.

Trước hết, để cảnh cáo và khích lệ, hãy nhớ rằng các Thầy tâm linh vĩ đại đã nhấn mạnh đặc biệt tới hòa bình. Các văn bản tôn giáo Ấn Độ bắt đầu và kết thúc bằng công thức:

Om – shanti -shanti -shanti (om – an bình – an bình – an bình ), hay bằng một công thức khác: “An bình cho tất cả mọi thực thể”. Phật đã dạy bằng lời nói và bằng tấm gương về sự an bình cao cả của tâm linh. Chính Ngài đã đưa ra công thức: “Ngộ là sự an bình trong bản thân mình và mang lại sự an bình nội tâm”. Trong những mô tả về các mức độ suy ngẫm khác nhau theo Phật giáo, một trong những điểm được nhấn mạnh nhất là sự thanh thản của tinh thần đang suy ngẫm.

Trong Kitô giáo nguyên thủy và sau đó trong những biểu hiện cao cả nhất và tinh khiết nhất của nó qua nhiều thế kỷ, người ta thường nghe thấy cung nhạc hòa bình. Gương mặt của Christ được bao quanh một không khí an bình: “An bình trên trái đất cho người có thiện chí”. Ngài thường làm công việc trấn yên, làm dịu bão táp, thường xuyên làm yên lòng các tín đồ của mình, những người từng lo sợ hoặc từng cãi nhau xem ai là kẻ đầu tiên trong bọn họ, hay chính Pierre, là kẻ gây ra những phản ứng quyết liệt. Cuối cùng, ngài để lại cho họ một thông điệp về sự an bình tâm linh có ý nghĩa sâu sắc: “Ta đem lại cho các ngươi sự an bình của ta. Ta đem nó lại cho các người không giống như thế giới đem nó lại”. (Jean 14, 27)

Trong thần bí học Kitô giáo, sự an bình nội tâm tuyệt đối là một giai đoạn cao cả và được xác định rõ trong sự đi lên của tâm hồn tới Thượng đế. Sự an bình này, sự im lặng nội tâm này – trong đó tất cả các ý nghĩ, tất cả các tình cảm của cá nhân đều im lặng – được coi như một sự chuẩn bị cho sự thống nhất huyền bí, cho sự giao hòa đầy đủ với Thượng đế.

Ta hãy nhớ lại sự mô tả rất hay về sự an bình trong sự bắt chước của Jesus Chrits: “Sự an bình đã thiết lập, sự an bình không thể lay chuyển và vững chắc, sự an bình bên trong và bên ngoài, sự an bình ổn định khắp mọi phía.”

Ta hãy tìm hiểu xem ý nghĩa tâm linh của sự an bình là gì.

Về vấn đề này, người ta thấy có những sự hiểu lầm và những sai lầm khác nhau. Trên thực tế, có an bình thật và có an bình giả. Sự an bình mà người ta thường cùng nói tới nhiều nhất là an bình giả. Đó là một trạng thái thụ động, tĩnh tại, trong đó người ta từ chối những khó khăn, quay lưng lại với mọi sự đấu tranh, mọi nhọc nhằn, mọi phiền não. Ở đó, an bình đồng nghĩa với lười biếng (tamas). Đó là một sự an bình ảo tưởng, không thể nào thực hiện được.

Sự an bình thật, trái lại, có tính tích cực, tâm linh. Chúng ta đã nói tới sự gắn bó không thể tách ra được giữa những đặc trưng tâm linh khác nhau. Thật vậy, nếu chúng tách riêng nhau, chúng sẽ suy yếu đi; chúng không còn được coi như những mặt của cùng một lăng kính nữa. Nếu chúng ta suy ngẫm sâu sắc về chúng, chúng ta sẽ thấy rằng ở một điểm nào đó chúng gặp nhau, hòa vào nhau và tất cả đều thống nhất lại trong Tâm linh.

Có thể nói như thế này: An bình là ý chí – An bình là sức mạnh – An bình là trí năng – An bình là tự do – An bình là niềm vui – An bình là hài hòa – An bình là chân lý – An bình là thông hiểu – An bình là ánh sáng…

Thật có ích khi suy ngẫm về sự gắn bó của những phẩm chất tâm linh, bằng cách lần lượt lấy từng phẩm chất làm điểm xuất phát. Đó là một phương pháp để chuyển từ tính muôn hình muôn vẻ sang tính thống nhất, sang sự tổng hợp.

Chúng ta thấy Christ đã khẳng định rõ sự khác biệt giữa sự an bình thật và sự an bình giả khi nói rằng: “Ta đem lại cho các người sự An bình của ta không giống như thế giới đem nó lại.”

Vậy thì, sự an bình thật là gì và làm thế nào để có nó? Trong một lời khấn cầu, chúng ta thấy có một câu soi sáng:

Có một sự an bình vượt lên mọi sự thông hiểu.
Nó nằm trong trái tim của những ai sống trong cái vĩnh hằng.

Điều đó có nghĩa là an bình là một thể nghiệm tâm linh mà cái tôi cá nhân không thể hiểu được. Nó nằm ở một bình diện khác, ở một lĩnh vực khác của hiện thực: cái vĩnh hằng.

Vì thế, thật vô ích khi đi tìm nó trong thế giới hàng ngày, trong cuộc sống cá nhân của chúng ta, trong đó không có gì ổn định hay an toàn cả; sẽ là một ảo tưởng vô ích khi đi tìm nó với một sự lo âu. An bình chỉ được tìm thấy khi người ta tự nâng lên một cách dứt khoát tới thế giới tâm linh và khi người ta ở lại đó một cách bền vững.

Một sự an bình như vậy, không những không dẫn tới sức ỳ không khuyến khích chịu đựng một cách thụ động, mà trái lại, nó đưa tới một năng lượng mới. Đó là một sự an bình năng động và sáng tạo. Từ chốn an bình nội tâm ấy, chúng ta làm cho chúng trở nên mạnh mẽ, có hiệu quả và xây dựng, vì chúng thoát khỏi những tham vọng, những sợ hãi, những ràng buộc. Tóm lại, với sự an bình ấy, chúng ta sống như những ông chủ mà không phải như những nô lệ.

Hòn đá thử vàng của sự an bình ấy là cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cách phản ứng của chúng ta đối với những sự đương đầu không ngừng, đối với những oán thán, những mũi kim châm, đối với vô số những cọ xát mà cuộc sống hàng ngày buộc chúng ta phải làm. An bình tâm linh phải chống chọi và phải ở vào nơi náo động bên ngoài hàng ngày.

Sự an bình thật, sự an bình của mình, phải thật ổn định khi chịu đựng tai họa, nỗi đau ở giữa nơi có đủ mọi loại tiến công. Nó có thể cùng tồn tại với hoạt động nội tâm. Nó không phải là một trạng thái hoàn toàn vui vẻ và hoan hỷ chừng nào chúng ta chưa làm cho nhân cách của chúng ta hoàn toàn tái sinh, chừng nào sự an bình nội tâm của chúng ta chưa “hóa thân” và chừng nào toàn bộ con người chúng ta chưa thấm đượm sự an bình, chưa trở thành an bình.

Đó là mục đích, nhưng chúng ta có thể coi mình đã làm được nhiều khi một “trung tâm” an bình vững chắc đã được ổn định trong chúng ta để có thể chống lại mọi thử thách, tạo thành một thành trì nội tâm từ đó mà chúng ta điều khiển cuộc sống của mình.

Sự an bình ấy, chúng ta có nó với tư cách kẻ chứng kiến. Một Thầy đã nói: “Hãy học cách tự quan sát bản thân mình với sự bình thản của một người ngoài.”

Trong giai đoạn đầu tiên, trước khi nhân cách được tái sinh, trung tâm an bình nội tâm cho phép mình vững vàng khi những “trận đánh nhau” của nhân cách được thả lỏng ra, khi bùng cháy những ngọn lửa thanh lọc, những đau khổ làm công việc thanh lọc và chuộc tội của chúng. Trong trung tâm nội tâm ấy, chúng ta hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của tất cả mọi thử thách. Trong bản thân chúng ta, nảy sinh những sự chua xót hữu thức và vô thức, những mối oán giận, những sự nổi loạn, những sự phiền não ngăn cản niềm vui và sự thanh thản; nhưng trong sự an bình của trái tim, tất cả những điều đó lắng dịu lại, hòa hợp với nhau, lóe sáng lên; trong sự an bình ấy bộc lộ ra ý nghĩa và giá trị của cuộc sống hữu hình và vô hình, cũng như của nỗi đau khổ, nhưng lúc đó cả nỗi đau khổ ấy cũng biến đổi và tràn ngập niềm vui. Lúc đó, “cây thánh giá trở thành ánh sáng.” Chính lúc đó, như Tagore nói trong một bài thơ của mình, “Ánh sáng của Người sáng chói lên giữa những giọt nước mắt của con.”

Bây giờ hãy xem chúng ta có thể suy ngẫm để thực hiện sự an bình trong chúng ta bằng cách nào.

Thật có ích khi bắt đầu làm việc này bằng cách mở rộng đến mức cao nhất chân trời nội tâm của chúng ta, hướng ý nghĩ của chúng ta tới sự xem xét, suy ngẫm về cái vô hạn và cái vĩnh hằng. Hãy nhớ lại hay hiểu rõ rằng chúng ta là những thực thể tâm linh và thực chất tâm linh của chúng ta là không thể phá hủy được.

Sự mở rộng những tầm nhìn ấy sẽ giúp chúng ta đặt lại các sự vật vào đúng những tỉ lệ của chúng, thấy được sự vô nghĩa tương đối của bao nhiêu điều ngẫu nhiên không quan trọng mà thông thường chúng ta để mình bị khuấy động và nhiễu loạn. Cứ thế, dần dần chúng ta sẽ bắt đầu thật sự cảm thấy sự an bình của cái vĩnh hằng, sự an bình của tâm linh, sự an bình mà Christ gọi là “sự an bình của ta.”

Đối với những ai thấy suy ngẫm như vậy thật khó khăn, chúng tôi có thể gợi ý một phương pháp khác dựa vào việc dùng trí tưởng tượng; nhưng hai phương pháp này có thể liên kết nhau một cách hợp lý và tạo thành hai giai đoạn của cùng một sự suy ngẫm. Những hình ảnh khác nhau có thể được dùng vào mục đích này, và tùy theo tính khí và kiểu tâm lý của mình mỗi người có thể dùng hình ảnh nào có sức khêu gợi nhất đối với mình.

Chúng ta có thể hình dung ra một mặt nước bao la, một bầu trời xanh thẳm, một mặt trời chói lòa và trên mặt nước êm đềm ấy vô số bông sen nở ra dưới ánh nắng.

Một hình ảnh khiêu gợi khác là cảnh Jesus làm dịu lắng cơn bão táp, như đã được thánh Marc kể lại trong Phúc âm của ngài:

Ngày hôm đó, khi chiều tối đen, Jesus nói với họ: “Ta hãy sang bờ bên kia đi.” Và để đám đông ở lại, ngài đưa những người này xuống thuyền như ngài vẫn làm, và có những chiếc thuyền khác đi theo ngài. Bỗng một cơn lốc mạnh nổi lên, sóng tràn vào chiếc thuyền đến mức thuyền đầy cả nước. Nhưng ngài vẫn ngủ trên tấm đệm ở đuôi thuyền. Họ đánh thức ngài dậy và nói với ngài: “Thưa Thầy, Thầy không lo chúng ta sẽ chết hết sao? “Vừa thức dậy, ngài dọa cơn gió và nói với biển cả: “Lặng đi! Êm lại đi!” Cơn gió biến mất và trời đất trở nên yên lặng. Marc 4, 35 – 39 (Kinh Thánh Jérusalem).

Hình ảnh thứ ba có thể thích hợp là cảnh Trái đất chúng ta nằm giữa những bầu trời bao la vô hạn. Hình ảnh này được gợi lên trong những vần thơ tuyệt diệu của Amiel với nhịp độ êm đềm và trang trọng, tạo thành phương tiện tốt nhất để gợi lên sự An bình:

Trong cái vĩnh hằng của không gian vô tận
Trái đất náo động của chúng ta được bao bọc sự An bình.
Con người, hãy bao bọc những tháng ngày của người, một giấc mộng thoáng qua,
Bằng bầu trời vĩnh hằng yên tĩnh của người như vậy.

Nhờ những hình ảnh nâng trái tim chúng ta tới Hiện thực tối cao và rạng rỡ ấy, chúng ta sẽ cảm thấy sự an bình và thực hiện nó trong chúng ta.

Hãy học sống an bình và qua đó đem lại sự an bình xung quanh ta, tỏa nó ra ở khắp những nơi chúng ta đi tới. Tất cả chúng ta đều muốn đem lại an bình, nhưng để thật sự làm được điều đó chúng ta trước hết phải được an bình, sống trong sự an bình lớn, trở thành an bình.

Để giúp chúng ta đạt tới mục đích này, một điều chính đáng là phải tìm chỗ dựa ở những ai tìm kiếm trước chúng ta và chính họ đã trở thành những người sống an bình.

Một sự an bình như vậy sẽ tạo ra một sự biến đổi không chỉ trong chúng ta mà cả trong tất cả những liên hệ con người và xã hội của chúng ta. Bằng cách đó và chỉ bằng cách đó, đi từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài, chúng ta sẽ có thể thực hiện được những biến đổi sâu sắc, loại trừ các cuộc chiến tranh, tránh được những nguy cơ và những mối đe dọa hiện đang làm trong cuộc sống của loài người bị tối tăm đi. Hãy luôn luôn nhớ rằng những vấn đề này không thể được giải quyết bằng các hiệp ước hay bằng những sự phối hợp khôn khéo, cũng không thể giải quyết được bằng những cuộc đấu tranh quyết liệt ở trên cùng một bình diện. Những vấn đề đó phải được đặt ở tầm cao, nơi chúng tự giải quyết lấy, “tự thủ tiêu” và có thể nó đi tới chỗ biến mất.

Ảnh: Núi thiêng Kailash – Cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng trên 1.000 km về hướng Tây là ngọn núi được thế giới mệnh danh là “vũ trụ tâm linh”, nơi mà Kinh tạng Phật giáo gọi là núi Tu Di.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIỀN BẠC VÀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH
  2. TÌNH YÊU SIÊU CÁ NHÂN
  3. VẺ ĐẸP SIÊU CÁ NHÂN

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY