VẺ ĐẸP SIÊU CÁ NHÂN

ROBERTO ASSAGIOLI

Trích: “Sự Phát Triển Siêu Cá Nhân”
Tác giả: Roberto Assagioli
Dịch giả: Huyền Giang
NXB: Khoa Học Xã Hội Hà Nội, Năm 1997
Để hiểu bản chất và sức mạnh của vẻ đẹp, chúng ta phải nhớ lại quan niệm tâm linh, theo đó mọi cái tồn tại bên ngoài cụ thể, đơn nhất đều là biểu hiện, hậu quả, phản ánh của một Hiện thực cao cả, siêu việt, tâm linh. Đó là nguyên lý vĩ đại của sự tiến hóa “trở lùi” (involution) hay sự khởi phát từ bản chất thần thánh (émanation). Từ một hiện thực căn bản ban đầu, tuyệt đối, đã phát ra – bằng những sự phân hóa tuần tự – một loạt những trình độ cuộc sống, trí tuệ, tình cảm, vật chất, cho đến tận vật chất vô cơ. Do đó, mọi phẩm chất hay thuộc tính của thế giới bên ngoài, của vật chất, của vô số sinh vật, chỉ là một phản ánh ít hay nhiều suy yếu và bị che đậy của một phẩm chất hay thuộc tính của Hiện thực tâm linh, của cái Thần thánh. Điều đó đặc biệt đúng với vẻ đẹp.
 
Vẻ đẹp là một nét căn bản của Thực thể Tối cao, của cái Thần thánh, điều đó đã được những nhà tư tưởng lớn nhất, những nhà thần bí lớn, những nghệ sĩ tài năng nhất của mọi thời đại thừa nhận và nói lên. Trong số những người đã khẳng định đặc biệt mạnh mẽ điều đó, có thể ghi nhận Platon và Plotin ở phương Tây, và trong khu vực Kitô giáo, nhà thần bí vô danh ở thế kỷ V hay VI, mà những tác phẩm của người này đã được gán cho Denys L’Aréopagite. Ông nói: “ Cái Vô hạn đã được gọi là Vẻ đẹp” và định nghĩa Thượng đế là “Người đẹp hết mực”.
 
Vì thế, trong mọi cái đã được sáng tạo ra, người ta phải tìm thấy một tàn tích nào đó, một dấu vết nào đó của thuộc tính căn bản của Nguyên lý Sáng thế ấy. Thật vậy, theo một Denys được bày đặt ra nào đó, tất cả những gì đang tồn tại, bắt nguồn từ sự tồn tại của chính cái Đẹp hết mức ấy, đều giữ lại trong sự sắp xếp những bộ phận của nó một tàn tích nào đó của vẻ đẹp rõ ràng.
 
Bây giờ, ta hãy xem xét những hiệu quả của sự cảm nhận vẻ đẹp như nó biểu hiện ra trước loài người nói chung. Chúng ta đứng trước một loại nghịch lý, một mâu thuẫn hiển nhiên. Một mặt, có thể nói rằng trong những thuộc tính của cái Thần thánh, thuộc tính vẻ đẹp là dễ nhận biết nhất vì nó là cái được biểu hiện xưa nhất, được đối tượng hóa rõ nhất, mang những hình thức cụ thể nhất, vật chất nhất, đập vào các giác quan và sự tưởng tượng trực tiếp nhất. Mặt khác, nó là thuộc tính tỏ ra nguy hiểm nhất, tức là thuộc tính gắn con người với vật chất, với hình thức hơn bất cứ thuộc tính nào khác, gây ra ở con người lòng ham muốn khoái lạc ở tất cả các giác quan, ham muốn chiếm hữu vị kỷ, chia tách. Đó là thuộc tính, hơn bất cứ thuộc tính nào khác, làm mù quáng và đánh lừa con người, bao bọc con người vào những tấm màng lấp lánh màu sắc của Maya – Ảo ảnh lớn – và làm cho con người cách xa nhất với Thượng đế, với Hiện thực sâu xa của Chân lý.
 
Giải thích nghịch lý ấy như thế nào đây? Không khó khăn gì cả. Chính vì Vẻ đẹp là phẩm chất thần thánh cụ thể nhất, nhạy cảm nhất, được biểu hiện rõ nhất trong vật chất nên nó là phẩm chất được con người lạm dụng dễ nhất khi con người không nhìn thấy nguồn gốc cao siêu của nó, khi con người không nối nó với cội nguồn của nó được nữa, mà lại coi nó như một phẩm chất nằm trong bản thân vật chất và trong những hình thức cụ thể của vật chất. Nghịch lý này do một nguyên nhân thứ hai đưa tới. Đó là chính sức mạnh hấp dẫn của vẻ đẹp đối với con người, gây ra ở nó những ham muốn bất trị, những đam mê hỗn loạn, những ham thích chiếm hữu một mình, khi con người chưa được thanh lọc và làm chủ bản thân mình.
 
Giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào? Làm thế nào để cho những thú vui về vẻ đẹp không biến thành những chất độc gây chết người mà vẫn là hay lại trở thành những thú vui vốn có theo bản chất của chúng, như một thứ rượu mùi của cuộc sống, một thứ rượu bất tử? Có hai con đường có thể noi theo.
 
– Thứ nhất là con đường tiêu cực, tức là con đường thấy được Maya hay ảo ảnh, hoàn toàn dửng dưng, xóa bỏ mọi hoạt động của các giác quan. Đó là con đường mà người ta quen gọi – tuy không thích hợp lắm – là con đường khổ hạnh, hoặc nói đúng hơn chủ nghĩa khổ hạnh. Từ “chủ nghĩa khổ hạnh” mang một ý nghĩa gần như xấu, vì những hành vi quá mức của một số nhà khổ hạnh, nhưng xét về mặt từ nguyên, nó có một ý nghĩa rộng lớn hơn và tốt hơn. Trong tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa là tập luyện, kỷ luật, theo nghĩa những điều luật gây go mà người ta buộc tự mình phải theo, những sự thiếu thốn. Chủ nghĩa khổ hạnh là con đường được noi theo bởi một số người phương Đông cứng nhắc, đặc biệt là trong các Phật tử, cũng như một số nhà thần bí Kitô giáo, từ những ẩn sĩ Thébaide cho đến thánh Bernard, theo chỗ tôi hiểu, người đã từng đi khắp nước Thụy Sĩ nhưng nhắm mắt lại để không cho vẻ đẹp của các hồ và các núi ở đó làm cho ông lãng quên sự suy ngẫm, cho tới khi bị Thầy tu này cảm thấy hương thơm của một bông hồng.
 
Đó là một con đường dễ gây ra sự phê phán và sự công phẫn của chúng ta vì nó có vẻ chia tách, vô nhân và gần như báng bổ. Thế nhưng, nếu xem xét nó một cách vô tư, người ta thấy nó giống như một ghềnh thác rút ngắn, một phương tiện dữ dội nhưng mạnh mẽ để đến với Thực thể Cao cả bằng cách cắt hết mọi mối liên hệ một cách tàn bạo. Hơn thế nữa, nó có thể là một giai đoạn dửng dưng cần thiết hay ít ra, đáng mong muốn đối với những ai rơi quá sâu vào những sự thu hút của các giác quan, biến thành nô lệ của chúng, nhưng đang muốn kiên quyết giải thoát khỏi chúng. Nhưng sau khi đã làm một sự nhân nhượng như thế rồi, vẫn có thể nói rằng đó là một con đường mang những mối bất lợi lớn, và vì thế không tốt đối với bất cứ ai.
 
– Con đường thứ hai dễ dàng hơn, hài hòa hơn và tuần tự hơn, và rốt cuộc nó cũng đưa tới độ cao không kém con đường trước. Con đường này đưa tới chỗ vượt qua những ràng buộc đặc biệt của các giác quan với những sự vật đẹp bằng hai cách: thứ nhất, theo chiều ngang, có tính bao gồm, nhằm tự nâng mình lên tới tất cả các hình thức của vẻ đẹp, không có sự ưa thích đặc biệt hoặc có tính chia tách; thứ hai, theo chiều dọc, thăng hoa, nhằm tự nâng lên để đi ngược từ kết quả đến nguyên nhân, từ biểu hiện đến thực chất, từ hữu hình đến vô hình. Nó được Platon nêu lên một cách sáng rõ và súc tích tuyệt vời trong Buổi tiệc của ông:
 
“Cần phải chuyển từ tình yêu đối với một hình thức đẹp sang tình yêu đối với tất cả những hình thức đẹp và đối với vẻ đẹp thể chất nói chung; rồi từ tình yêu đối với những thân thể đẹp sang tình yêu đối với những tâm hồn đẹp, những hành động đẹp và những tư tưởng đẹp. Trong sự đi lên xuyên qua vẻ đẹp tinh thần ấy, bỗng xuất hiện một vẻ đẹp tuyệt vời và vĩnh hằng, một vẻ đẹp tuyệt đối, không hề có một sự biến chất nào. Nó không phải là một khuôn mặt đẹp, cũng không phải là một thân thể, một tư tưởng hay một nhận thức. Nó không nằm ở một thực thể nào khác ngoài bản thân nó, cũng không ở trên trời hay ở mặt đất, mà tồn tại vĩnh hằng trong bản thân nó và vì bản thân nó trong sự thống nhất tuyệt đối và hoàn toàn của nó”.
 
Con đường đi lên ấy đã được những nhà thần bí Kitô giáo khác nhau sử dụng và mô tả, nhất là Thánh Francois d’Assise (chỉ cần nhớ lại Bài thánh ca của các Sinh linh của ông, trong đó Mặt trời tượng trưng cho Thượng đế), người đã mô tả con đường đó bằng những chi tiết thú vị, chẳng hạn chi tiết ra lệnh cho những bông hoa trong tu viện mọc lên để cho những ai nhìn thấy chúng sẽ nhớ lại sự Hiền diệu vĩnh hằng. Đó là con đường của nữ Thánh Rose ở Lima: tiếng hót của một con chim hay việc nhìn thấy một bông hoa làm cho tâm hồn mình ngay lập tức hướng lên Thượng Đế.
 
Thánh Francois ở Sale cũng là một bậc thầy về nghệ thuật biến mọi hiện tượng tự nhiên và đẹp đẽ để thành một phương tiện để đến với Thượng đế, một điều giống như một chân lý tâm linh và tượng trưng cho chân lý đó.
 
Đây là bí quyết: coi những sự vật bên ngoài không có giá trị, không có ý nghĩa và thậm chí không có tính hiện thực ở bản thân chúng, mà chúng chỉ có giá trị chỉ dẫn và tiêu biểu cho những chân lý và những hiện thực nội tâm, cho những phẩm chất tâm linh. Bí quyết này đã được Goethe nói lên vào cuối tác phẩm Faust trong một công thức vắn tắt, có thể nói là tóm tắt được ý nghĩa của trường ca tuyệt vời ấy: “Tất cả những gì chuyển tiếp chỉ là một tượng trưng mà thôi”.
 
Ta hãy xem xét cụ thể hơn một chút những bậc khác nhau của thang đo Platon và những cách leo lên những bậc thang ấy, tức là thực hiện chúng một cách cụ thể.
 
Trước tiên, là chuyển từ tình yêu đối với một hình thức đẹp sang tình yêu đối với tất cả các hình thức đẹp. Với sự mở rộng theo chiều ngang ấy, người ta dần dần chiến thắng sự ham muốn chiếm hữu vật chất, sự ràng buộc độc tôn và quá tha thiết chỉ với một hình thức duy nhất, với một người riêng biệt. Ở một ý nghĩa nào đó, đó là phát hiện ra vẻ đẹp của thế giới. Một lần nữa, có thể đạt tới đó bằng hai cách.
 
– Trước hết là cách trực tiếp trong tự nhiên, bằng việc học phát hiện ra tính khác nhau vô hạn và vẻ đẹp của những cảnh tượng tự nhiên, và chỉ học cách nhìn thấy chúng. Muốn thế, phải có một thái độ vô tư; phải quên cá nhân mình, cái tôi tách biệt với những mối quan hệ tâm vị kỷ của mình đi; phải tự đắm mình vào đối tượng quan sát và thưởng ngắm, cho tới khi hòa tan với nó, trở thành một với nó. Đó là cách dễ nhất để mở một kẽ nứt, một lỗ hổng trong cái vỏ chật hẹp và rắn chắc của cái tôi tách biệt. Đó là một con đường khá dễ dàng vì chỉ cần chúng ta bước một bước đầu tiên tới đối tượng là đủ; vì vẻ đẹp nội tại của đối tượng đáp ứng với chúng ta, thu hút chúng ta; và nó càng thu hút chúng ta thì chúng ta lại càng leo lên tới nó, chúng ta càng khám phá ra vẻ đẹp của nó. Như vậy, dần dần chúng ta sẽ thật sự đi tới chỗ thoát ra khỏi bản thân mình, tìm cách kết hợp giữa chủ thể và đối tượng, và chúng ta đạt tới một sự thưởng ngắm mỹ học có tác dụng giải thoát chúng ta, như Schopenhauer đã nói, và đó là một niềm an ủi đối với loài người đau khổ.
 
Trước hết, có những đối tượng tự nhiên với vẻ đẹp hiển nhiên hơn, hấp dẫn hơn hoặc kỳ vĩ hơn của chúng, thu hút chúng ta và giúp đỡ chúng ta. Một trong những đối tượng tự nhiên mang hiệu quả tốt lành nhất là bầu trời. Đây là mấy câu trong số những câu của Ruskin viết ra, ông là một trong những người nhìn thấy được vẻ đẹp của thế giới nhiều nhất hoặc nhiều hơn:
 
“Thật kỳ lạ khi nhận thấy người ta ít biết tới bầu trời như thế nào. Đó là phần sáng tạo trong đó tự nhiên biểu hiện rõ nhất ý định làm cho con người hoan hỉ, nói chuyện với tâm linh của nó, giáo dục nó. Chính khía cạnh giáo dục này, chúng ta biết tới ít nhất. Bất cứ ở đâu, và dù ở cách xa những nguồn hấp dẫn hay vẻ đẹp đến đâu, ít ra người ta cũng có được cái phương tiện bầu trời ấy, ít ra cũng vào một vài lúc. Những kỳ quan lớn nhất của trái đất chỉ có thể được vài người nhìn thấy hay biết tới, và không có ai được sống thường hằng giữa những kỳ quan ấy; hơn nữa, người ta sẽ hết xúc động nếu luôn luôn nhìn thấy chúng. Còn bầu trời thì cho tất cả mọi người. Bầu trời thích hợp một cách nổi bật với tất cả những chức năng ấy: làm vững tâm và làm hứng khởi những trái tim, làm cho những trái tim dịu lại và giải thoát khỏi những nhơ bẩn. Khi thì hiền lành, khi thì thay đổi thất thường Và thậm chí buồn bã, nhưng không lúc nào giống lúc nào, bao giờ cũng mang tính người trong những đam mê của nó, bao giờ cũng mang tính tâm linh trong sự dịu dàng của nó, bao giờ cũng mang tính thần thánh trong trạng thái vô tận và vĩ đại của nó. Sự mời gọi những gì bất tử trong chúng ta cũng trọng yếu như nhiệm vụ của nó nhằm trừng phạt và làm thương tổn những gì tầm thường trong chúng ta”.
 
Như vậy, tôi xin nhắc lại, mức độ thống nhất đầu tiên với tự nhiên là sự thống nhất của chúng ta với những “kỳ quan” thu hút chúng ta hơn cả. Sau đó, chúng ta chuyển sang một sự thống nhất chung, ít có tính cách biệt hơn, để nhìn thấy yếu tố vẻ đẹp ấy trong tất cả mọi sự vật, cho tới tận những gì khiêm nhường nhất và thường ngày nhất, như một cọng cỏ, một bông hoa giản dị, thậm chí tới cả những gì thoạt nhìn không thấy đẹp.
 
Chính mối quan hệ ấy, sự cố kết ấy, sự thống nhất hiện lên qua tính đa dạng của vô vàn sự vật ấy đem lại cho chúng ta sự cao quý cũng như chỉ ra nguồn gốc của chúng. Có những người có thiên hướng thần thánh hơn những người khác ở chỗ nhìn thấy được vẻ đẹp ẩn giấu ấy của các sự vật.
 
Mọi vật trở thành trong suốt, lóe sáng từ bên trong, giống như những tấm màng mỏng cho phép chúng ta nhận ra, ở một mức độ nào đó, một cái gì huy hoàng thần thánh mà nếu khác đi, mắt chúng ta sẽ không chịu được.
 
Ngay trong sự thưởng ngắm tự nhiên, chúng ta đã ở trong những mức độ khác nhau ấy: ngắm nghía một đối tượng đẹp riêng biệt của tự nhiên, và thoát khỏi chính bản thân mình đầu tiên, thống nhất chủ thể và đối tượng, rồi cảm nhận vẻ đẹp của tất cả các đối tượng của tự nhiên, rồi lại cảm nhận sự thống nhất sâu xa của chúng, và cuối cùng, phát hiện ra những hiệu ứng của vẻ đẹp trong tự nhiên.
 
Một lĩnh vực khác là nghệ thuật. Đây là chức năng đích thực và sứ mệnh của nghệ thuật: phát hiện ra vẻ đẹp bị che giấu, dấu ấn thần thánh trên mọi sự vật. Nghệ sĩ nhấn mạnh, đưa ra bên ngoài, phát hiện vẻ đẹp ấy, khiến cho những người thường không nhận ra nó trong tự nhiên được nghệ thuật giúp đỡ nhận ra. Tâm hồn của nghệ sĩ đã nhìn thấy vẻ đẹp ấy và thể hiện nó thành một vẻ đẹp mới giúp cho người ta phát hiện ra dấu ấn thần thánh này. Đó là viên đá thử vàng để nhận ra sự khác nhau giữa nghệ thuật nhỏ, thứ nghệ thuật giả hiệu về cái đẹp bên ngoài, và nghệ thuật lớn, nghệ thuật đích thực.
 
Tôi chỉ xin nhắc qua thế thôi, vì không thể phát triển dài đề tài này. Nhưng tôi muốn nêu lên rằng con người mở rộng theo chiều ngang, con đường phát hiện và biểu hiện vẻ đẹp trong tự nhiên và trong nghệ thuật có những giới hạn và những nguy hiểm. Một trong những nguy hiểm ấy là óc duy mỹ (esthétisme); dù tinh tế đến đâu, nó cũng dễ rơi vào một chút khoái lạc, thậm chí nhục cảm, và coi đó như một mục đích tự thân. Người ta dễ rơi vào chỗ quá thích thú vào quá ham thích sự thưởng ngoạn duy mỹ ấy và, do đó, quên mất một cách không đúng những mặt khác, những phẩm chất và thuộc tính khác của cái thần thánh mà chúng ta phải thấy rõ và phải trải qua để có một sự thông hiểu cũng như một sự nhận thức đầy đủ và toàn vẹn… Và cuối cùng, bao giờ cũng dễ rơi vào chỗ tự giới hạn vào mặt hình thức, bên ngoài của vẻ đẹp.
 
Vì thế, phải chuyển lên một mức độ cao hơn của vẻ đẹp nội tâm. Như đã thấy trong sự phân tích mà chúng tôi đã làm về vẻ đẹp gợi cảm, mọi cái đều phụ thuộc vào thái độ chúng ta. Cùng một sự vật có thể làm cho chúng ta dừng lại hay đi lên một mức độ nào đó, như một phương tiện và một sự giúp đỡ để vượt qua một trở ngại kìm giữ chúng ta ở dưới thấp. Khuyết điểm và ưu điểm không nằm trong sự vật, mà nằm trong chúng ta, trong tư thế nội tâm đối với nó.
 
Vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp của những tư tưởng hài hòa cao, những tình cảm cao quý và hào hiệp, những hành vi anh hùng đã được Maurice Maeterlinck mô tả tuyệt vời. Đây là một vài câu rút từ chương nhan đề “Vẻ đẹp nội tâm” trong cuốn sách Kho báu của những người khiêm nhường, đó có lẽ là cuốn sách sâu sắc nhất của ông.
 
“Chẳng có gì tham vẻ đẹp, cũng như tự làm đẹp cho bản thân nhiều hơn tâm hồn… Một tư tưởng đẹp bị khép lại trong các bạn, không được nói ra được nghĩ ra một cách hoàn hảo, làm bạn sáng rực lên như một ngọn lửa trong một cái bình trong suốt”.
 
Platon, trong tập VIII của Ennéade thứ năm, sau khi nói tới vẻ đẹp dễ nhận ra, đã kết luận như sau:
 
“Chúng ta đẹp khi chúng ta thuộc về chính bản thân mình, chúng ta không đẹp hơn khi chúng ta hạ thấp xuống trình độ tự nhiên thấp kém. Chúng ta đẹp khi chúng ta hiểu biết, và chúng ta không còn đẹp nữa khi chúng ta ngu dốt”.
 
Thật ra, tôi không tin rằng bản chất, thực chất của vẻ đẹp tinh thần, của những tư tưởng đẹp, của những tình cảm cao cả, của những hành vi hào hiệp lại chỉ có thể được diễn đạt tốt hơn trong lĩnh vực của cái khác biệt cá nhân.
 
Cuối cùng, Platon đã nói tới mức độ thứ ba, việc chuyển sang vẻ đẹp căn bản nằm trên mọi hình thức. Để vượt được bước này, ý thức về sự cao cả có thể giúp chúng ta.
 
Công lao phân tích về ý thức này thuộc về Emmanual Kant. Trong khi đó với vẻ đẹp bình thường, sự tưởng tượng và trí thông minh hoạt động phối hợp với nhau, thì trong cái cao cả chúng lại đó lập nhau. Thật vậy, đối tượng không cao cả vì nó đập vào các giác quan chúng ta, mà bởi vì các giác quan và sự tưởng tượng cảm thấy không thể hiểu được nó. Trước cái cao cả, cái man dã phải chạy trốn, nhưng lại không thể trốn vào cảm giác lo âu, vì các cao cả buộc nó phải cảm thấy hết sức mạnh vật chất của nó. Cảm xúc do cái cao cả gây ra, do đó, lúc đầu làm người ta cảm thấy như bị đè bẹp, nhưng cảm giác khủng khiếp đầu tiên ấy sẽ được nối tiếp bằng một cảm giác hài lòng thầm kín, vì cái cao cả đánh thức ý thức về sự cao thượng tinh thần trong chúng ta. Chính bằng cách đó mà chúng ta chuyển từ một cảm giác bị đè bẹp sang một cảm giác hứng khởi, từ lo âu sang phấn khởi.
 
Có hai hình thức cao cả: một hình thức có thể nói là có tính chất toán học, số lượng, do độ lớn, độ mở rộng của kỳ quan đưa lại; còn hình thức kia thì năng động, do sức mạnh của kỳ quan đưa lại. Nếu đi sâu phân tích cái cao cả, có thể nói rằng mặc uy nghiêm và hùng vĩ, gần như đáng sợ, của cái Thần thánh được biểu hiện ở nó. Mặt này được Rudolf Otto, con người có ý thức tôn giáo sâu sắc ấy, làm nổi bật lên trong Cái thiêng liêng. Ông gọi mặt được ông nói rõ và nhấn mạnh ấy là mặt rực sáng.
 
Tôi đã nêu ra hai mặt lớn của cái Thần thánh: tính tự tại (immanence) và tính siêu việt. Cả hai đều là thật và cần thiết khi đứng chung với nhau, nhưng nếu tách riêng ra thì chúng sẽ phiến diện: cần phải hợp nhất, hòa lẫn chúng với nhau. Khi mặt tự tại chiếm ưu thế, thì sẽ có nguy cơ làm nhỏ bé, hạ thấp ý niệm Thần thánh vào biểu hiện duy nhất của nó. Chẳng hạn, trong lĩnh vực mỹ học, khi mặt biểu hiện và hình thức vượt trội lên, chúng ta có được cái duyên dáng, cái lý thú, cái trang nhã, sự hoàn thiện lạnh lùng của phái Thi sơn (Parnassiens) và phái cổ điển mới. Trong lĩnh vực tôn giáo, chúng ta có chủ nghĩa thần bí đa cảm, tình yêu đối với Thượng đế nhân hình, làm cho Thượng đế trở thành người, rất người. Trong lĩnh vực tư tưởng, chúng ta có sự thần thánh hóa con người với tư cách con người, như một số trào lưu duy tâm. Trái lại, khi nhấn mạnh một cách đặc biệt mặt siêu việt, người ta rơi vào một thuyết nhị Nguyên quá mức, vào một sự đối lập giả tạo giữa tự nhiên và Thượng đế, giữa sự sáng tạo và Đấng sáng thế. Lúc đó sẽ có khoảng cách quá lớn giữa con người và Thượng đế.
 
Cần phải, tôi xin nhắc lại, thống nhất, tổng hợp hai mặt ấy và, để đạt được điều đó trong thực tiễn, phải nhấn mạnh cái gì chúng ta hay thời đại chúng ta bị thiếu hụt. Hiện nay, trong thế giới bên ngoài, xu hướng tự tại đang chiếm ưu thế. Đó là thời đại khoa học đem lại cho chúng ta cái cao cả theo chiều rộng trước hết.
 
Nói chung, chúng ta nhận thấy hiện đang có xu hướng ngoại, sự tìm kiếm chân lý và vẻ đẹp, tìm kiếm sức mạnh trong thế giới bên ngoài, trong tự nhiên. Vì thế ngày nay, nên nhấn mạnh vào các mặt khác, cần tự nhắc nhở mình và nhắc nhở loài người về ý nghĩa của tính siêu việt, để cảm thấy và làm mọi người cảm thấy mình run lên vì cái huyền bí, cảm thấy vô hạn.
 
Cũng theo quan điểm này, tôi khuyên các bạn đọc Kho báu của những người khiêm nhường của Maeterlinck. Chương nói về sự thinh lặng có thể giúp chúng ta trút bỏ, xa lìa cuộc sống cuồng nhiệt và hướng ngoại nhỏ nhoi, mà tất cả chúng ta đều rơi vào đó. Một cảm giác được đổi mới và thích hợp về tính siêu việt sẽ trực tiếp nhắc lại hiện thực lớn cho chúng ta, làm cho chúng ta thấy ra được vẻ đẹp nằm trên mọi hình thức mà Platon đã nói với chúng ta không ai sánh được, Vẻ đẹp vĩnh hằng tồn tại vĩnh hằng trong bản thân nó, trong sự thống nhất tuyệt đối và hoàn hảo của nó.
Tác giả: Roberto Assagioli

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁ NHÂN VÀ VŨ TRỤ
  2. NHÂN CÁCH
  3. CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Bài viết khác của tác giả

  1. TIỀN BẠC VÀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH
  2. TÌNH YÊU SIÊU CÁ NHÂN
  3. SỰ AN BÌNH SIÊU CÁ NHÂN

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI