SỰ SUNG TÚC

BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Nguyễn Trung An, Vương Bảo Long dịch, 2012

Brain Blemmer (1950-2011)

Brian Klemmer là một giáo viên, nhà tư vấn và là diễn giả nhiều cuộc hội thảo thu hút hàng chục ngàn người tham gia ở các nước như Nhật Bản, Canada, Philippines, châu Âu và trên toàn nước Mỹ. Ông thực sự là một diễn giả giải trí và hiệu quả, hỗ trợ và chủ động nhóm.

Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point, và người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty chuyên đào tạo kỹ năng lãnh đạo Klemmer & Associates. Với mong muốn tạo ra một đội quân Samurai từ bi để tạo sự khác biệt trong thế giới. Chính cuộc sống và công việc của ông đã là một tấm gương sáng về tinh thần Samurai và được tất cả mọi người trân trọng, yêu qúy.

Không chỉ là một chuyên gia về lãnh đạo, ông cũng là một tác giả thành công với nhiều quyển sách best seller trên Wall Street Journal – Tinh thần Samurai trong thế giới phẳng.

——*——

Những quyển sách viết về sự thịnh vượng thường không xếp những chương về tiền bạc và sung túc lên phía trước. Lý do cũng dễ đoán thôi: Để hiểu rõ sự sung túc, bạn cần được trang bị một số kiến thức nền tảng. Độc giả hay bỏ qua những chương khác và đi thẳng đến chương mà họ tin rằng sẽ giải phóng họ khỏi chốn giam cầm của nợ nần và nghèo khổ. Trên thực tế, lý do họ mắc cảnh nợ nần trước hết là vì họ đã tiếp cận cuộc sống của mình cũng giống như cách mà họ đọc những quyển sách ấy – họ đã bỏ qua những bước chuẩn bị cần thiết.

Sẵn sàng trả giá

Một trong những yếu tố đầu tiên trong tư duy về sự sung túc là bạn phải sẵn sàng trả giá. Không có bữa ăn nào miễn phí cả. Tất nhiên có những cách làm việc hiệu quả hơn, nhưng chiến binh nhân từ sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức và thậm chí cả thất bại để thực hiện ước mơ. Người bình thường, do nôn nóng tìm kiếm những phương thức dễ dàng nên thường đốt cháy giai đoạn. Họ lờ đi những thông tin quan trọng mà không nhận thức được rằng cần phải đứng thật vững ở nấc thang này mới có thể vươn lên nấc thang kế tiếp. Của cải cũng không đến trong chớp mắt, mà được tích lũy theo thời gian.

Những người bình thường hay bỏ qua khoảng giai đoạn học hỏi. Quản lý một doanh nghiệp nhỏ với thu nhập khiêm tốn sẽ cho bạn những bài học quý giá về dòng tiền mặt, hoạch định nhân sự, duy trì môi trường văn hóa kinh doanh, trong khi số lượng nhân viên không ngừng gia tăng. Một trong những khoảng thời gian đào tạo tuyệt nhất mà tôi từng trải qua với vai trò người tổ chức sự kiện là khi tôi xung phong giúp Tom, cố vấn của tôi, tiếp thị cho các buổi hội thảo của ông.

Tôi không chỉ đơn thuần học những kỹ năng thuyết trình hoặc nội dung của bài thuyết trình. Tôi còn gặp gỡ và học cách giao tiếp với những người khó tính nhất, những người chưa bao giờ nghe đến những buổi hội thảo của Tom và những người cảm thấy như bị ép buộc phải nghe những thông tin tôi đang trình bày. Tôi đã học được cách xử lý những tình huống bất lợi, chẳng hạn như khi một em bé thét to giữa lúc tôi đang nói. Tôi cũng học được cách dự đoán và phòng tránh các vấn đề phát sinh. Tôi không được trả lương khi làm công việc này, nhưng những gì tôi học được là những kinh nghiệm mà tôi đã áp dụng hàng ngàn lần trong sự nghiệp tổ chức sự kiện của mình sau này. Từ nhiều năm trước, tôi đã sẵn sàng trả giá để có thể đứng ở vị trí ngày hôm nay.

Hãy tìm hiểu cái được và mất rồi sau đó quyết định xem liệu có đáng đánh đổi không. Nếu cái giá phải trả là xứng đáng thì bạn hãy sẵn sàng chịu hao tổn thời gian, tiền bạc, thậm chí công sức để có được thứ mình mong muốn.

“Đừng bước qua đồng một đô- la để nhặt đồng mười xu”. Câu ngạn ngữ này thể hiện một kiểu đi giật lùi, xét về khái niệm sung túc. Người có tư duy rộng mở không ngại cho đi để nhận lại nhiều hơn. Tôi từng nghe nhiều người phàn nàn về mức thù lao họ phải chi trả cho nhà tư vấn tài chính. Các nhà tư vấn có thể đòi lệ phí lên đến 4.000 – 5.000 đô-la. Thỉnh thoảng, cũng có người chưa tham dự các buổi hội thảo của chúng tôi đã nhận xét rằng những buổi hội thảo, sách hoặc đĩa của chúng tôi qua đắt.

Vậy lệ phí của những nhà tư vấn tài chính hoặc của những buổi hội thảo của chúng tôi có quá đắt thật không? Câu trả lời tùy thuộc vào những gì bạn nhận được từ khoản đầu tư của mình. Đó là một trong những lý do chúng tôi luôn đánh giá kết quả hội thảo và công bố chúng trên trang web của công ty mình. Ví dụ, khóa hội thảo Hoàn thiện bản thân cuốn tuần của chúng tôi có giá từ 500 – 900 đô-la. Dựa trên kết quả của các cuộc khảo sát, một người kinh doanh tại nhà hoặc bán hàng trực tuyến, sau khi tham dự hội thảo của chúng tôi, trung bình có thể tăng thu nhập mỗi tháng thêm 352 đô-la. Như vậy trong vòng một năm, khoản thu nhập phụ trội sẽ là 4.224 đô-la, trong khi họ chỉ đầu tư có 500 – 900 đô-la, tức là tỷ suất lợi nhuận tương đương 500 – 1.000%.

Một chiến binh nhân từ không ngồi đếm từng đồng xu khi họ có thể đếm những tờ giấy bạc 100 đô-la. Một chiến binh nhân từ sẵn sàng trả tiền cho các chuyên gia tư vấn tài chính, nhà chiến lược thuế, môi giới bất động sản, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe, hoặc chuyên gia gây dựng quan hệ – là những người có thể thực sự tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực cuộc sống của họ.

“Để có cuộc sống sung túc, trước hết bạn phải nghĩ về sự sung túc”

Muốn có cuộc sống sung túc, trước hết bạn phải nghĩ về sự sung túc. Nếu hình ảnh của sự sung túc chưa bao giờ hình thành trong đầu bạn, chắc bạn sẽ không bao giờ giàu có được. Vì thế, nếu bạn đã lướt qua những chương trước, hãy quay lại và đọc từ đầu. Hãy đọc phần Giới thiệu. Còn nếu bạn đã đọc tất cả những chương trước để đến được đây thì bạn có thể đọc tiếp. Bây giờ hãy chuyển sang phần kế tiếp và chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự sung túc.

Tâm lý thiếu hụt

Hãy cùng tìm hiểu sự sung túc từ khái niệm ngược lại: tâm lý thiếu hụt. Thiếu hụt là tình trạng không bao giờ có cảm giác đầy đủ. Người bình thường sẽ nhìn bảy tỷ người trên hành tinh này mà nghĩ: Mình chỉ là một người bình thường thôi. Mình không hề đầy đủ!

Sau đó, những kinh nghiệm từng trải qua trong cuộc sống khiến họ cảm nhận điều này rõ ràng hơn. Có người ở trường học không giỏi, hoặc có người không thể kết bạn với ai, hay không thể ngăn cha mẹ mình ly hôn. Rồi họ bắt đầu nhìn ra xung quanh và nghĩ:

? Mình không có đủ khách hàng.

? Trên đời này không có đủ đàn ông (hay phụ nữ) tốt.

? Mình không có đủ thời gian.

? Mình không có đủ tiền bạc.

? Mình không được yêu thương trọn vẹn.

? Mình không có đủ…

Người bình thường nghĩ rằng sự sung túc là một khoản thu nhập hoặc giá trị ròng. Một số nhà triết học lớn, ví dụ như Buckminster Fuller, thì định nghĩa sự sung túc là số ngày mà bạn có thể mà không cần làm việc nhưng vẫn duy trì được phong cách sống của mình. Đây là những định nghĩa hay. Còn định nghĩa của chúng tôi dùng phương pháp tiếp cận bản chất vấn đề, theo đó tính đầy đủ và trọn vẹn không phụ thuộc vào những yếu tố khách quan. Hãy khắc ghi điều đó vào tâm trí. Đó chính là định nghĩa của chúng tôi về sự sung túc. Nó rất khác biệt so với cách định nghĩa khác của hầu hết mọi người.

“Sung túc là tình trạng đầy đủ và trong vẹn mà không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài”

Từ khi chào đời, bạn đã nhận được đầy đủ và trọn vẹn sư sung túc đó. Hơn nữa, khái niệm đầy đủ và trọn vẹn phụ thuộc hoàn toàn vào nội lực của bạn, chứ không phải bất cứ yếu tố nào khác. Nếu bạn không có những phẩm chất tốt đẹp, bạn buộc phải chứng tỏ giá trị bản thân bằng cách nỗ lực ở những lĩnh vực khác. Trên thực tế, đó chính là cái đích mà những người bình thường muốn vươn tới nhằm được công nhận – như thông qua bạn bè, danh hiệu, công việc và sự giàu có về vật chất.

Bạn có để ý thấy nhiều người lúc nào cũng lo tích lũy tài sản nhưng chưa bao giờ họ cảm thấy hạnh phúc không? Khi người ta cố dùng vật chất để tự thỏa mãn, thì bao nhiêu tài sản cũng không đủ. Họ như con nghiện vậy – cứ tích lũy và tích lũy mãi không thôi. Đó chính là tâm lý thiên về tình trạng thiếu hụt. Tôi biết nhiều người đổi xe hơn mới mỗi năm để bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp nghĩ rằng họ đang làm ăn phát đạt. Đây cũng là tư duy về sự thiếu hụt. Một số người không thể ổn định chỗ ở. Họ liên tục chuyển từ chỗ này sang chỗ kia. Họ không hề phân biệt được sự thỏa mãn với cảm giác “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt”.

Một chiến binh nhân từ hiểu rõ nguồn gốc sự thỏa mãn và quyết định chọn phương pháp “nhiều hơn – tốt hơn – khác biệt” để có thể sáng tạo không ngừng. Họ cũng không màng đến sự công nhận ở khía cạnh này, bởi họ hiểu đó là một trò chơi không có hồi kết. Họ không bao giờ quan tâm đến những gì người khác sở hữu – bản thân sự quan tâm đó đã là dấu hiệu phản ánh tư duy thiếu hụt rồi.

Một ví dụ khác về tâm lý thiếu hụt là một người lúc nào cũng làm việc và không bao giờ nghỉ ngơi một ngày trọn vẹn. Người này tin rằng mình không thể để mất một ngày lương, rằng hệ thống sẽ ngừng hoạt động nếu thiếu anh ta. Họ cứ làm việc liên tục, kiếm được vô khối tiền, nhưng lại không dành thời gian để cùng hưởng thụ với những người thân.

Con người thường bộc lộ tâm lý thiếu hụt theo nhiều kiểu khác nhau, bất kể họ có bao nhiêu tiền. Để tình trạng sung túc có thể tồn tại lâu dài, bạn phải xây dựng nó từ trong ý thức, rồi mới phát triển các mối quan hệ và tài chính. Gần đây, trên trang chủ AOL, tôi đọc được một câu chuyện về người đàn ông trúng số vào năm 2002. Bài báo viết rằng đến 2007, ông ta đã khánh kiệt. Bạn đừng vội cho rằng người đàn ông này chỉ mất khoảng 5 triệu đô-la. Ông ấy đã trúng 315 triệu đô-la vào năm 2002, nhưng chỉ năm năm sau đó, ông ấy lại chẳng còn xu nào. Bạn có thể tự mình tìm hiểu thêm về thông tin này. Ông ấy nói rằng bị mất trộm. Cho dù là thật đi nữa thì tôi dám chắc 315 triệu đô-la không phải là một số tiền nhỏ để ai đó có thể dễ dàng đánh cắp.

Thực tế ở đây là người đàn ông này có tâm lý thiếu hụt. Nếu ông ấy có tâm lý sung túc, hẳn ông ấy đã dùng tài sản đó để tạo ra nhiều của cải hơn nữa. Vì ngay trong suy nghĩ, người đàn ông này cũng chưa bao giờ tính đến cách xử lý số tiền lớn như thế, nên khi nhận số tiền ông ấy không biết phải làm gì. Đây là trường hợp phổ biến với những người trúng xổ số. Do đó, trước hết bạn cần phải thay đổi tư duy tiềm thức và cả tính cách của mình.

“Tư duy luôn tạo ra của cải cho cuộc sống của bạn. Và tư duy cũng sẽ hình thành trong bạn những thói quen thích hợp để duy trì sự giàu sang vĩnh cửu”

Bạn hẳn đã nghe câu “Tiền sinh ra tiền”. Châm ngôn đó không phải lúc nào cũng đúng. Chính tư duy về sự sung túc mới tạo ra tiền. Tư duy luôn tạo ra của cải cho cuộc sống của bạn. Và tư duy cũng sẽ thành trong bạn những thói quen thích hợp để giúp bạn duy trì sự giàu sang vĩnh cửu. Rõ ràng, người đàn ông trúng số 315 triệu đô-la đã không có tư duy của một triệu phú. Và vì không nghĩ được như một triệu phú nên tiền đã nhanh chóng rời bỏ ông ta. Chính suy nghĩ cho rằng bản thân không đầy đủ đã hạ thấp giá trị của người này xuống mức tương đồng với tư duy của ông ta.

Thế còn bạn, tư duy của bạn ra sao? Bạn có vấn đề gì với cuộc sống thịnh vượng của người khác hay không?

—*—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỪNG CHO NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, HÃY TẶNG NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CẦN
  2. TÔN TRỌNG TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI GIAO THIỆP VỚI BẠN
  3. SỰ TRUNG THỰC

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG