NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Trích: Ở ĐỜI VUI ĐẠO; NXB Thiện Tri Thức
Mọi vấn nạn đưa đến khổ đau trong xã hội hầu như đều bắt nguồn từ thái độ không tôn trọng.
Lái xe ẩu gây tai nạn: không tôn trọng sinh mạng và sự an toàn của người khác. Xả rác ngoài đường, vất rác xuống sông: không tôn trọng cuộc sống sạch sẽ trật tự của người khác, không tôn trọng sự bình an sạch sẽ của thiên nhiên. Trộm cướp: không tôn trọng tài sản và tính mạng của người khác.
Chúng ta thấy trong xã hội văn minh, những câu nói thông thường là: Cám ơn, xin lỗi, xin vui lòng, tôi có làm phiền, cho phép tôi…, tất cả đều phát xuất từ sự tôn trọng người khác. Thời nay cũng như ngày xưa, có một người nổi danh nào, dù ở bất cứ lĩnh vực gì, mà được trọng vọng vì sự coi thường khinh bỉ người khác? Và ngược lại, có phải người ta càng nổi danh khi người ta càng tôn trọng người khác, do đó được người khác quý mến?
Sự tôn trọng của đạo Phật càng đi sâu xa hơn sự tôn trọng có tính cách bề ngoài của xã hội. Có thể nói một trong những lý do khiến đạo Phật tồn tại và phát triển chính là bởi sự tôn trọng của nó đối với toàn bộ đời sống.
Năm giới: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa chính là sự tôn trọng xã hội và thiên nhiên. Chẳng hạn ăn chay không chỉ vì tốt cho sức khỏe như khoa học nghiên cứu, mà nguyên nhân chính là tôn trọng sinh mạng của chúng sinh.
- Tôn trọng con người và chúng sanh
Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.”
Chúng ta tôn trọng người khác không phải vì bề ngoài hay hoàn cảnh của họ, nhưng tôn trọng ở bề sâu của họ, nơi đó họ có tiềm năng thành Phật, có tiềm năng trở nên toàn thiện, dù có trải qua bao nhiêu thời gian đi nữa. Chính cái nhìn này không chỉ đưa đến từ bi hỷ xả mà cả trí huệ, cả cái thấy biết của Phật (Phật tri kiến).
Trong kinh Pháp Hoa Bồ-tát Thường Bất Khinh (một tiền thân của Đức Thích Ca) “chỉ đi lễ lạy, dù ở xa thấy bốn chúng, cũng cố đến lễ lạy ca ngợi mà nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài đều sẽ làm Phật. Trong hàng bốn chúng có người tâm không thanh tịnh, sanh giận ghét, buông lời mắng nhiếc… Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc, chẳng sanh lòng giận oán, thường nói “Ngài sẽ làm Phật”. Lúc nói lời đó, có người lấy gậy cây ngói đá đánh ném. Ông liền chạy tránh, đứng xa mà vẫn lớn tiếng xướng rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, các ngài sẽ thành Phật.”
Cũng nhờ tu hạnh “Thường Bất Khinh” ấy mà vị Bồ tát được “sáu căn đều thanh tịnh”, chứng ngộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa, “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến”.
Phải tôn trọng người khác, phải “thường bất khinh” chúng sanh, vì mỗi chúng sanh đều có Phật tánh. Mỗi chúng sanh đều là một hoa sen Phật tánh, dầu còn trong nước chưa nở hoặc còn ngâm trong bùn.
Điều này Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) nói trong Thiền Tông Bản Hạnh (Chân Nguyên toàn tập, Lê Mạnh Thát biên soạn và chú giải 1978):
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh tự nhiên .
Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng.
Muốn thấy Phật tánh, thì một trong những phương pháp là thấy Phật tánh nơi mỗi chúng sanh. Và muốn thấy Phật tánh nơi mỗi chúng sanh thì bước đầu tiên và bước cuối cùng là sự tôn trọng:
Bảo Sát hải chúng môn đồ
Ai ai cũng có minh châu trong mình
Pháp thân nghiễm hỷ trường linh
Tỳ Lô đỉnh thượng tung hoành thái hư
Thánh phàm vô khiếm vô dư
Đường đường đối diện như như thể đồng.
- Tôn trọng thiên nhiên
Một trong những bài học rõ ràng trước mắt là khí hậu trái đất nóng lên tới mức báo động. Đó cũng vì từ lâu, chúng ta không tôn trọng cuộc sống của thiên nhiên: chúng ta đã “giết hại” thiên nhiên nhiều quá, chúng ta đã “trộm cướp” của thiên nhiên nhiều quá.
Một phần những giới luật của đạo Phật là sự đối xử với thiên nhiên: không sử dụng nhiều nước để tắm giặt, không khạc nhổ vào sông, không chặt cây khi chưa hoàn toàn cần thiết… Hình ảnh gắn liền với cuộc đời Đức Phật là cây cối: cây Bồ-đề, cây Ta la, rừng, vườn… Cõi Tinh độ A Di Đà là nơi có cây Bồ đề cao lớn nhất, có cây cối, chim chóc đẹp đẽ.
Sự bất hại, tâm từ, sự thân thiện với thiên nhiên là một yếu tố của một nhân cách Phật Giáo. Như Nguyễn Trãi:
Núi láng giềng, chim bậu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh em
Tào Khê rửa, ngàn tầm suối
Sạch chẳng còn một chút phàm.
và:
Đàn cầm suối trong tay dõi
Còn một non xanh là cố nhân
Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm thì:
Băng thán cốt nhục thân
Ngõa lịch bằng hữu nghĩa
(Băng giá và than hồng là tình cốt nhục
Ngói gạch vô tri là nghĩa bạn bè)
Niềm vui toát ra từ việc sống với thiên nhiên:
Bốn mùa đều hưởng thiên nhiên lộc
Thong thả ngồi chơi cõi Thuấn Nghiêu.
Tôn trong thiên nhiên đem lại bình an, không xung đột và sáng suốt cho tâm. Đi xa hơn nữa, sự tôn trọng trả thế giới sự vật về với sự thanh tịnh vốn có của nó, chuyển hóa chốn lưu đày xung đột hỗn loạn này thành quê nhà nghiêm tịnh, đến độ chỗ nào cũng là nơi chốn của cái thiêng liêng. Thiền sư Thường Chiếu (?-1203) nói:
Đạo vốn không nhan sắc
Mỗi ngày mỗi mới khoe
Ngoài đại thiên sa giới
Chỗ nào chẳng phải nhà?
Bằng sự tôn trọng con người và thế giới, chúng ta có được hạnh phúc và bình an. Sự tôn trọng ấy nâng cấp xã hội, tịnh hóa, thiêng liêng hóa đời sống. Một xã hội hài hòa và hạnh phúc phải được bắt đầu bằng sự hài hòa giữa con người với nhau và giữa con người với thế giới. Thế giới hài hòa ấy trong cảm nhận và hình dung của Nguyễn Trãi là Thái Bình, của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Thái Hòa, của Nguyễn Công Trứ là Thái Bình Vũ Trụ.
Nhưng đạo Phật không chỉ cảm nhận và hình dung, mà còn phải thực hiện thái bình vũ trụ nơi tâm của mình. Sở dĩ chúng ta bất hòa, xung đột, làm khổ người khác và thiên nhiên vì chúng ta đang khổ đau, đang không mãn nguyện, đang không yên tâm. Sự tôn trọng được đạo Phật mở rộng và đào sâu để chúng ta có được sự yên tâm và hài hòa trong tâm thức. Sự tôn trọng sâu rộng ấy sẽ nâng cấp, tịnh hóa, thiêng liêng hóa tâm thức.
Tâm thức một khi được tịnh hóa, thiêng liêng hóa thì nó mở ra và trong sáng để thấy đời sống thực sự là bình an, thanh tịnh và thiêng liêng. Kinh Kim Cương nói: “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”.
Tâm thanh tịnh thì “con mắt pháp thanh tịnh” mở ra để thấy đóa hoa Phật tánh bao trùm trời đất vũ trụ:
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh tự nhiên
Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng.
Khi ấy người ta thấy được và sống được cái thực tại bình thường mà siêu việt, hiện đây mà tối hậu, tức là thực tại Phật tánh Pháp thân, để cõi trần gian biến thành cõi Phật thanh tịnh, như Thiền sư Chân Nguyên nói:
Bản lai thanh tịnh Pháp thân
Viên dung pháp giới đâu gần đâu xa.
Trong cái thấy ấy, chúng ta, người khác và thế giới vốn thanh tịnh, hài hòa khắp cả:
Pháp thân trạm tịch viên minh
Tự tại tung hoành phổ mãn thái hư
Tùy hình ứng vật tự như
Hóa thiên bách tức độ chư mọi loài
Ứng hiện dưới đất trên trời
Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài.