SỰ TƯƠNG DUNG GIỮA TOÀN THỂ VÀ CÁ THỂ

C.C.YUAN

Trong năm trường phái lớn của Thiền Tông Trung Hoa từ đầu thế kỷ 9 đến nay qui lại còn hai tại Nhật Bản: Phái Tào Động và phái Lâm Tế. Muốn tìm hiểu đạo học chủ yếu của hai tông phái này, không thể nào bỏ qua tư tưởng có tính cách siêu hình của hai nhà Phật học là Pháp Sư Hiền Thủ Pháp Tạng (643-720) và Thanh Lương Trừng Quán (738-839) đã phát triển triết lý Hoa Nghiêm.

Nói rõ hơn Ngũ Vị Quân Thần tức Năm mối tương quan giữa cá thể và toàn thể của Động Sơn Lương Giới và Tứ Liệu Giản tức Bốn phương hướng giải thoát khỏi Nhân và Cảnh của Lâm Tế Nghĩa Huyền đều tương nhất với sự đồng nhất giữa Lý và Sự của Pháp Tạng và Tứ Pháp Giới của Trừng Quán.

Triết lý Hoa Nghiêm ứng dụng vào Thiền học có thể sẽ làm rõ nghĩa sự kiện “nhảy qua đầu sào trăm trượng”, một bước nhảy thúc bách đến mức sống chết đối với Thiền sư. Do đó người học thiền hăng nồng sẽ chuyên chú vào sự khai ngộ tâm hơn là chạy theo đào luyện kiến thức. Cho dù như thế, những tổ sư thiền như Động Sơn và Lâm Tế vẫn nắm vững và triển khai cơ cấu triết lý Hoa Nghiêm vào “bước nhảy” này. Động Sơn ứng dụng Sự Lý viên dung vô ngại, nhưng khác với Hoa Nghiêm là Động Sơn nghiêng về thể nghiệm thực tế hơn là trừu tượng siêu hình.

Tào Sơn Bổn Tịch, tổ thứ hai tông Tào Động cũng ứng dụng sự đồng nhất giữa Lý và Sự trong khi dạy chúng.

Có vị tăng hỏi Hương Nghiêm:
Thế nào là đạo?
Hương Nghiêm đáp:
Khô mộc lý long ngâm (Trong cây khô có rồng ngâm)
Thế nào là người trong đạo?
Độc lâu lý nhãn tình (Trong đầu lâu có tròng con mắt)
Tăng không lãnh hội đến hỏi Thạch Sương:
Thế nào là khô mộc lý long ngâm?
Vẫn còn đeo hỷ.
Thế nào là độc lâu lý nhãn tình?
Vẫn còn đeo thức.

Tào Sơn nghe qua không đồng ý với Thạch Sương, cho rằng rồng ngâm là hỷ và mắt trong đầu lâu là thức, nên làm bài tụng:

Khô mộc long ngâm chân kiến đạo
Độc lâu vô thức nhãn sơ minh
Hỷ thức tận trời tiêu tức tận
Đương nhân tra biện trọc trung thanh
(Cây khô rồng ngâm thật thấy đạo
Đầu lâu không thức mắt rạng ngời 
Hỷ thức hết thời tin tức lặng
Người này đâu biện đục giữa trong).

Học phái của Thạch Sương được gọi là “Khô mộc thiền” hay “Chúng cây ngô”, thường không ngủ mà tọa thiền suốt đêm ngày. Nhưng cốt tủy của Thiền không phải là cứ tịch tĩnh mà còn có động dụng, động sẽ biểu hiện tĩnh. Động và tĩnh viên dung và đồng nhất. Như vậy rồng ngâm trong cây khô hay tròng mắt trong đầu lâu là sự đồng nhất với lý. Nói cách khác rồng ngâm thể hiện cây khô. Nếu không có rồng ngâm thì không thể biểu lộ cây khô, cây khô là rồng ngâm. Nói theo ngôn ngữ Hoa Nghiêm thì Lý tức Sự, Sự tức Lý.
Động Sơn có bài kệ:

Trong dụng công có hành
Trong tịnh tức có chiếu
Lý và Sự rõ ràng
Thể và dụng viên dung vô ngại
Đó là cốt tủy Thiền!

Ứng dụng tính chất viên dung vô ngại giữa Lý và Sự giống như Pháp Tạng đã dùng tượng sư tử vàng giảng lý Hoa Nghiêm trong cung vua.

Ta có thể thấy trong Hoa Nghiêm cấu trúc phức tạp vì sự tương quan giữa Một và Tất Cả, Toàn Thể và Cá Thể. Pháp Tạng đã có sáng kiến độc đáo lấy mười chiếc gương soi chiếu lẫn nhau làm ảnh dụ. Ngài đặt tất cả gương trên dưới và chung quanh. Ở giữa là tượng đức Phật. Mỗi chiếc gương phản chiếu ảnh của từng chiếc gương khác, và cứ nhân lên như thế đến vô tận. Một chiếc gương phản chiếu ảnh của chín gương kia, cả chín gương đồng thời gom vào một. Nói gọn lại một trong tất cả và tất cả trong một. Thiền sư Khuê Phong Tông Mật bình quán về pháp giới như sau:

Tất cả thân một, một tức tất cả
Một thâu tất cả, tất cả tức một
Một thâu một, một tức một
Tất cả thâu tất cả, tất cả tức tất cả.

Đó là sự viên dung vô ngại. Mọi lực mọi vật tạo tác vô cùng tận theo định thức trên. Về mặt tri kiến, đây là một đóng góp đáng kể vào tư tưởng nhân loại. Nhưng muốn đạt ngộ qua hệ thống tư và tu này thì quả không phải dễ. Do đó Thiền sư Động Sơn Lương Giới tiến thêm một bước bằng cách thiết lập Năm mối tương quan giữa cá thể và toàn thể, tức Ngũ Vị Quân Thần.

1. Chánh trung thiên: cá thể trong toàn thể.
2. Thiên trung chánh: toàn thể trong cá thể.
3. Chánh trung lai: ngộ từ cái toàn thể.
4. Thiên trung chí: ngộ từ cái cá thể.
5. Kim trung đáo: ngộ viên mãn.

Có vị tăng hỏi Ngũ Vị Quân Thần chỉ quyết, Sư giải thích: Chánh vị là không giới, xưa nay không một vật. Thiên vị là sắc giới hữu tình vạn tượng. Chánh trung thiên là nương Lý theo Sự. Thiên trung chánh nương Sự vào Lý. Kiêm trung đáo là thầm ứng chánh duyên chẳng rơi vào các hữu, chẳng nhiễm chẳng tịnh, chẳng Chánh chẳng Thiên, cho nên nói đại đạo hư huyền, chân tông không mắc.

Vì Chánh là toàn thể tức Không, và Thiên là cá thể tức những hiện tượng, ngôi vị thứ nhất Chánh trung thiên nghĩa là các hiện tượng khách quan đều Không, tức không bị chủ quan vo tròn hay bóp méo. Như Tào Sơn giải thích, đây là biểu hiện của sự hiện hữu khách quan một cách toàn diện, không xuất phát từ bất cứ sự lan nhiễm chủ quan nào. Trong Bảo Cảnh Tam Muội, truyền tụng từ tiên sư Vân Nham trong dòng Tào Động có đoạn:

Ngân uyển thạnh tuyết
Minh nguyệt tàng bộ
Loại chi phất tề
Hỗn tắc tri xứ
(Chén bạc đựng tuyết
Trăng sáng che cò
Phân loại (thì) chẳng đồng
Tuy lẫn (mà) biết nguồn).

Tuyết trắng cũng như cò trắng tượng trưng cho cá thể, những hiện tượng khách quan. Chén bạc và trăng sáng chỉ cho cái Không, cái toàn thể. Chính trong cái toàn thể tức Lý mà những sự vật dung thông và cùng về nguồn cội. Hoàng Trí Chánh Giác (1083-1159) cũng từng nói:

Chim trắng khói lặn
Nước thu tiếp trời.
Một khi sự vật khách quan không bị vo tròn bóp méo bởi lan nhiễm, chủ quan sẽ đồng nhất (tương tức) với Không giới. Chim trắng, nước thu là Sự và bầu trời, nguồn cội là Lý.
Đến ngôi vị thứ hai Thiên trung chánh ta có thể dùng thơ của William Blake để diễn đạt:

Cả thế gian trong một hạt cát
Cả bầu trời trong bông hoa dại
Vô lượng vô biên trong lòng bàn tay
Và vĩnh hằng chỉ trong phút giây.

Sự Lý tương nhiếp quả đã chuyển tải từ thiền gia đến thi nhân, và đã mô tả thần thông diệu dụng của Lý qua ảnh tượng quá phi lý. Ta cũng bắt gặp qua Bảo Cảnh Tam Muội:

Mộc nhân phương ca
Thạch nữ khởi vũ
Phi tình thức đáo
Ninh dung tư lự
(Người gỗ vừa ca
Gái đá đứng múa
Tình thức chẳng đến
Đâu cho suy nghĩ).

Một sự kiện rất thực tế là khi tách ra dưỡng chất của vũ trụ, sự chết sẽ đến ngay chẳng khác người gỗ, gái đá.
Về ngôi vị thứ ba Chánh trung lai tức ngộ từ Lý, Tào Sơn giải thích là Vô ngữ trung hữu ngữ. Một vị tăng hỏi Triệu Châu con chó có Phật tánh hay không? và được đáp là “Vô”,nghĩa là Không, không có. Nhưng cả hai chữ “Không” và “không có” đều không truyền đạt được ý Triệu Châu. Đó là VÔ một cách tuyệt đối, một âm ngữ không mang ý nghĩa, một âm thanh vô nghĩa chính là ý nghĩa đầy đủ nhất của chữ VÔ.

Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163) viết thư cho đệ tử tục gia dạy tham chữ VÔ của Triệu Châu, vì từ cái VÔ tuyệt đối này, tức là Chánh, là Lý, giác ngộ sẽ đến.

Đọc trong Đại Huệ Ngữ Lục:

Khi tập khí phiền não lo âu đến, chớ cố ý trừ bỏ như đá đè cỏ, nhưng ngay lúc đó nên tham công án: “Con chó có Phật tánh hay không?”.

Lời đáp VÔ chỉ ra đương xứ, tức khi “cục tuyết rơi vào lò lửa”. Chẳng có ai và cũng chẳng có cách nào lấy cục tuyết ra. Ngay khi tham chữ VÔ ta tự tan hòa vào giới xứ tuyệt đối của chữ VÔ, cái Không chính lúc đó lại bừng ngộ.

Có người hỏi:
Thanh hư chi lý
Tất cánh vô thân.
(Lý thanh tịnh rỗng suốt rốt ráo thì thế nào?)
Hoằng Trí Chánh Giác đáp:
Văn màu giấu chưa bày
Tin tức khó truyền đến.

Trí xuất phát từ VÔ sẽ dẫn đến ngộ, tức ngộ từ Lý. Ngôi vị thứ tư Thiên trung chí tức ngộ từ Sự. Khi Động Sơn Lương Giới băng qua suối chợt thấy bóng mình in dưới nước liền ngộ, để lại bài kệ:

Xứ xứ đắc phùng cừ
Cừ kim chính thị ngã
Ngã kim bất thị cừ
Ưng tu dữ ma hội
Phương đắc khế như như.
(Chốn chốn gặp y rồi
Nay y chính ta đó
Ta chẳng phải y thôi
Phải nên hội như thế
Là khế như như thôi).

Ảnh tượng là một sự vật có hình tướng cụ thể. Nếu qua sự vật hội được chân tánh thì gọi là ngộ. Đây là trường hợp của Động Sơn. Câu chi đưa lên một ngón tay khi có người hỏi Thiền, ngụ ý càng khôn vũ trụ đều trong ấy. Vân Môn cầm gậy vẽ trên đất dạy chúng: Chư Phật đều như cát sông Hằng đều ngay đây nói Pháp vô lượng. Trả lời câu hỏi: Ý Tổ Sư từ Tây sang? Triệu Châu đáp: Cây bách trước sân, còn Động Sơn Thủ Sơ bảo: Ba cân gai. Những câu trả lời này, hoặc là một vật bình thường, hoặc là một hiện tượng không thể lý luận phân tích tri thức. Tuy nhiên như thế, vì hoàn toàn vô nghĩa nên tính khách quan này đã đột ngột phá vỡ bức tường ý thức và lặn sâu vào lằn nếp ẩn mật của tâm thức. Tất cả đều là chìa khóa mở tâm cho học nhân. Chìa khóa này được Động Sơn Lương Giới gọi là Thiền trung chí, ngộ từ cá thể.

Ngôi vị thứ năm Kiêm trung đáo tức giác ngộ viên mãn ngay giữa Chánh và Thiên. Tào Sơn giải thích là Ngữ và Vô ngữ đều không phải. Tiêu biểu cho ngôi vị này là giai thoại giữa Dược Sơn và Văn Nham.
Dược Sơn dạo núi Vân Nham. Bỗng nghe tiếng bao kiếm của Dược Sơn lách cách, Vân Nham hỏi:

-Tiếng động từ đâu thế?
Dược Sơn liền rút kiếm huơ như thể chém một vật gì. Động Sơn về sau kể lại chuyện này và bảo đồ chúng:

-Xem đó! Dược Sơn nói Thiền bằng hành động.
Học nhân ngày nay phải thấu suốt lý đạo và tự chứng ngộ.
Đây là chỗ, như Tào Sơn đã chỉ thẳng, trực nhận Thiền, không kẹt hai bên ngữ và vô ngữ.
Một thí dụ khác của Động Sơn về ngôi vị thứ năm là:

Tăng hỏi sư:
-Rắn nuốt ếch, có nên cứu ếch không?

Sư đáp:
-Nếu cứu thì cả hai mắt đều mù. Nếu không cứu thì thân ông và bóng ông đều không thấy.

Qua câu trả lời thâm áo một cách kỳ đặc, Động Sơn cho thấy tâm chứng của Ngài là không kẹt hai bên cứu và không cứu con ếch, và đã tiếp cận ngôi vị Kiêm Trung Đáo.

Có thể tóm tắt tiến trình Ngũ vị của Động Sơn khế hợp với Tứ Pháp giới của Hoa Nghiêm như sau:

1. Sự Pháp giới
-Vị Quân Thần: Chánh Trung Thiên, Thiên Trung Chánh
-Lời bình của Wan Ju T’ung-Chê: Khi nào một người ngồi giữa chợ, dấn thân vào mọi sự thì đáng ăn 30 gậy vì bỏ Lý.

2. Lý Pháp giới
-Vị Quân Thần: Chánh trung lai
-Lời bình của Wan Ju T’ung-Chê: Khi một người một mình trên đỉnh non vạn thước mắt chuyên chú vào trời xanh, có thể một hớp nuốt cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, nhưng lại quên đi mọi chúng sanh, thì cũng đáng ăn 30 gậy vì đã bỏ Sự.

3. Lý Sự Pháp giới vô ngại.
-Vị Quân Thần: Thiên trung chí
-Lời bình của Wan Ju T’ung-Chê: Một người một mình trên đỉnh non vạn nhẫn mắt chuyên chú vào trời xanh, đồng thời ở giữa chợ dấn thân vào mọi sự.
Một người ngồi giữa chợ dấn thân vào mọi sự, đồng thời một mình trên đỉnh non vạn nhẫn mắt chuyên chú vào trời xanh.
Nếu cả hai đến tôi thì chẳng có gì để cho.

4. Sự sự pháp giới vô ngại.
-Vị Quân Thần: Kiêm trung đáo.
Lời bình của Wan Ju T’ung-Chê: Biết tôi ở đâu không?
Cầm gậy ngồi trước cửa, sư tử, voi, chồn, cáo đều ăn gậy.

CHÚ:
Mỗi thiền sư đều có phong cách riêng để tiếp người và thường lồng vào trong công án. Những công án của các vị thuộc dòng Tào Động tuy mức độ có khác, nhưng đều thể hiện trình Ngũ vị như trong tắc 43 Bích Nham Lục Động Sơn không lạnh nóng.

Tăng hỏi Động Sơn:
-Khi lạnh nóng đến làm sao né tránh?

Động Sơn đáp:
-Sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi?
-Thế nào là chỗ không lạnh nóng?
-Khi lạnh lạnh chết xà-lê, khi nóng nóng chết xà-lê

Có thể nói “lạnh nóng” thuộc về Thiên và “chỗ không lạnh nóng” thuộc về Chánh, do đó từ chỗ “lạnh nóng” đến chỗ “ không lạnh nóng” Viên Ngộ cho là Thiên trung chánh. Hỏi “làm sao tránh lạnh nóng” thì câu trả lời đã nằm sẵn trong đó: “Chỗ không lạnh nóng” Tào Sơn gọi cách trả lời này là vô ngữ trung hữu ngữ. Tăng đưa ra một hiện tượng sanh diệt để hỏi về cái bất sanh diệt. Động Sơn đã chỉ thẳng. Lý đáng ngay nơi đó vị tăng hội, trở về cội gốc ban đầu. Nhưng không, tăng chỉ lo chạy tiếp theo ngôn cú nên đã rơi vào bẫy. Tăng hỏi tiếp: “Thế nào là chỗ không lạnh nóng?” Và nương câu hỏi đó Động Sơn lại đáp: “Lạnh thời lạnh giết xà-lê, nóng thời nóng giết xà-lê”. Tào Sơn gọi đó là cách trả lời hữu ngữ trung vô ngữ, và Viên Ngộ bình đó là Chánh trung thiên.

Đã đưa ra thực tướng vạn pháp là Không nhưng tăng vẫn chưa nhận ra mà còn mơ màng từ chỗ “lạnh nóng” đến “không lạnh nóng”, nên lần này Động Sơn lại vạch ra cho tăng thấy cái mơ màng điên đảo của ông.
Về công án này Tuyết Đậu có làm bài tụng:

Thùy thủ hoàn đồng vạn nhẫn nhai
Chánh Thiên hà tất tại an bài
Lưu ly cổ điện chiếu minh nguyệt
Nhẫn tuấn Hàn lô không thượng giai.
(Thõng tay lại đồng đỉnh muôn trượng
Chánh Thiên nào hẳn tại an bài
Điện cổ lưu ly trăng sáng chiếu
Cam chịu Hàn lô luống đến thềm).

Viên Ngộ giải tụng rằng dù có thõng tay vào chợ, hay đứng riêng trên đỉnh cô phong muôn trượng mắt nhìn trời xanh tức về nguồn ngộ tánh, thì cùng với sai biệt trí không khác. Chánh và Thiên tất nhiên hồi hỗ như thế, không do an bài.

Chỉ có Hàn lô là loại chó to lớn mới bắt được thỏ Trung Sơn cực kỳ khôn lanh. Tuyết Đậu đã dùng con Hàn lô ví dụ cho ông tăng muốn bắt trăng đang chiếu trên điện cổ lưu ly mà lại phóng lên thềm chộp bóng.

Tuy không nêu lên ngôi vị thứ tư Thiên trung trí, nhưng ngay câu đầu của bài tụng Viên Ngộ đã giải rằng: thõng tay vào chợ đầu tro mặt đất đồng thời một mình trên đỉnh cô phong muôn trượng mắt nhìn trời xanh. Đây là Lý Sự pháp giới vô ngại, tức tương ứng với Thiên trung chí.

Ngôi vị Chánh trung lai có thể nhận ra từ câu trả lời thứ hai của Động Sơn “Khi lạnh lạnh chết xà-lê, khi nóng nóng chết xà-lê”. Nếu trong câu trả lời đầu tiên Động Sơn dạy ông tăng “chỗ không lạnh nóng” tức ngầm bảo “đoạt cảnh”, buông đi cái sanh diệt của thế gian, thì câu trả lời thứ hai “lạnh chết xà-lê và nóng chết xà-lê” ngụ ý cho chết đi cái tâm (xà-lê) hay khởi tưởng “lạnh nóng” nghĩa là “nhân cảnh câu đoạt”, tức tự tan biến vào chữ vô của Triệu Châu: ngôi vị Chánh trung lai.

Toàn thể công án thể hiện ngôi vị Kiêm trung đáo. Ông tăng đưa ra hiện tượng lạnh nóng thì Động Sơn không đưa ra thứ gì mới lạ, mà chỉ dựa trên lạnh nóng chỉ thẳng. Tuy thế Động Sơn vẫn không kẹt vào “lạnh nóng” và “không lạnh nóng”, ung dung đến và đi không để lại dấu vết.

—–*—–

Trích “Thiền Zen”
C.C.YUAN
Dịch:Thuần Bạch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2002

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN)
  2. THIỀN SƯ LÂM TẾ
  3. NHỮNG GIÁO LÝ THIẾT YẾU CỦA ĐẠI THỪA

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN