DEEPAK CHOPRA
Trích: Cuốn Sách Của Những Bí Mật-Giải Mã Các Khía Cạnh Bị Che Giấu Trong Đời Sống; Người dịch: Thế Anh; NXB. Hồng Đức
Thất bại đáng buồn nhất trên con đường tâm linh diễn ra khi con người đối diện với sự xấu xa. Những người sống lý tưởng và tràn đầy tình yêu, những người không bao giờ gây hại cho người khác, luôn bị rơi vào tình trạng rối loạn của xung đột. Niềm tin dành cho sự tồn tại của Thượng đế duy nhất đã làm dấy lên những chiến dịch chống lại kẻ ngoại đạo. Tôn giáo của những người mộ đạo luôn căm ghét những kẻ dị giáo và những người có ý đe dọa đức tin. Dù nghĩ rằng bạn đang nắm giữ chân lý tối thượng trong tay thi vẫn không có gì đảm bảo cho bạn thoát khỏi sự xấu xa. Tình trạng bạo lực xảy ra vì lý do tôn giáo luôn nhiều hơn bất kỳ lý do nào khác. Do đó, xuất hiện câu châm ngôn cay đắng sau đây: Thượng đế trao cho chúng ta chân lý và Ác quỷ nói: “Hãy để ta dàn xếp chân lý ấy”.
Ngoài ra còn có những thất bại khó nhận thấy hơn của sự thụ động – chờ đợi và cho phép sự xấu xa thỏa sức tung hoành. Có lẽ điều này phản ánh một niềm tin bí mật, rằng sự xấu xa sở hữu sức mạnh lớn hơn điều tốt đẹp. Một trong những thủ lĩnh tinh thần vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã được hỏi làm sao nước Anh có thể đối diện với mối đe dọa đến từ Đức Quốc xã. Ông đã đáp:
Tôi muốn bạn chiến đấu với Đức Quốc xã bằng tay không. Tôi muốn bạn bỏ vũ khí trong tay xuống vì chúng vô dụng trong việc giải cứu chính bạn hay loài người. Bạn nên mời gọi Hitler và Mussolini đến lấy những gì họ muốn từ những quốc gia mà bạn luôn cho là thuộc sở hữu của mình. Hãy để họ chiếm lấy hòn đảo xinh đẹp của bạn, với vô số công trình tuyệt vời trên đó. Bạn sẽ cho họ tất cả những gì tốt đẹp nhất, ngoại trừ tâm hồn và trí tuệ của bạn.
Tác giả của đoạn thông điệp này là Mahatma Gandhi và không cần phải nói, “bức thư ngỏ” của ông gửi cho nước Anh đã được chào đón bằng thái độ phẫn nộ. Tuy nhiên, Gandhi đã tuân thủ đúng nguyên tắc Ahimsa, hay thái độ bất bạo động. Ông đã vận dụng thái độ bất bạo động một cách thành công để thuyết phục nước Anh trao trả tự do cho Ấn Độ. Với việc từ chối tham chiến – một lập trường mà ông đã chọn trong suốt Thế chiến II – Gandhi đã tỏ ra nhất quán với những niềm tin tinh thần của mình. Vậy Ahimsa có thực sự hiệu quả trong việc thuyết phục những kẻ từng tuyên bố rằng “chiến tranh sẽ mang lại mọi thứ, hay không?
Chúng ta phải thừa nhận rằng con đường tâm linh đã thất bại trong nhiều dịp đối đầu với sự xấu xa. Với việc tránh xa những giáo lý vốn cho phép sự xấu xa trở nên phổ biến rộng rãi, thực tại duy nhất đã mở ra một con đường mới, bởi lẽ nếu chỉ có một thực tại duy nhất thì sự xấu xa sẽ không còn sở hữu sức mạnh đặc biệt và cũng không còn sự tồn tại độc lập nữa. Thậm chí cuộc chiến giữa thiện và ác cũng chỉ là một ảo tưởng do tính hai mặt sinh ra. Xét cho cùng thì cả thiện và ác đều là những hình thái mà tâm thức có thể chọn lựa. Xét theo phương diện đó thì sự xấu xa cũng chẳng khác gì điều tốt đẹp. Sự tương tự của chúng cần quay trở lại với nguồn gốc của sáng tạo. Hai đứa trẻ sinh cùng ngày có thể phát triển thành một người tốt và một kẻ xấu, nhưng khi chúng còn nhỏ thì không thể khẳng định rằng đứa trẻ nào đã được sinh ra với bản chất xấu xa. Khả năng trở thành người tốt hay kẻ xấu nằm trong tâm thức của chúng. Khi hai đứa trẻ lớn lên thì tâm thức của chúng sẽ được định hình bởi nhiều yếu tố tác động khác nhau.
Những yếu tố này phức tạp đến mức việc gán cho ai đó là kẻ xấu xa không còn mang ý nghĩa gì nữa. Hãy để tôi liệt kể những yếu tố sẽ tác động đến tính cách của những đứa trẻ mới sinh như sau:
– Có hoặc không sự chỉ dẫn của bố mẹ
– Có hoặc không sự xuất hiện của tình yêu
– Bối cảnh gia đình
– Áp lực từ bạn bè ở trường và áp lực xã hội trong suốt cuộc sống
– Khuynh hướng và phản ứng cá nhân
– Những giáo lý và niềm tin được truyền bá
– Nghiệp chướng
– Chiều hưởng lịch sử
– Khuôn mẫu vai trò
– Tâm thức tập thể
– Sự hấp dẫn của những huyền thoại, các nhân vật anh hùng và lý tưởng sống
Mọi yếu tố liệt kê trên đây đều ảnh hưởng đến sự lựa chọn của bạn và vô hình buộc bạn phải hành động. Do thực tại rơi vào vòng xoáy rối ren của những ảnh hưởng này nên sự xấu xa cũng thể. Bạn cần tất cả những yếu tố tác động này xuất hiện cho cả thiện lẫn ác. Hãy tưởng tượng con người giống như một tòa nhà với hàng trăm dường dây chuyển tiếp thông tin bên trong, hỗ trợ cho hàng loạt dự án khác nhau. Khi nhìn vào tòa nhà, bạn sẽ xem như đó là một khối duy nhất, một vật thể duy nhất ở đó. Tuy nhiên, cuộc sống bên trong tòa nhà lại phụ thuộc vào hàng trăm tín hiệu được truyền vào nó.
Và bạn cũng thế.
Về bản chất thì không một yếu tố nào nêu trên buộc chúng ta trở thành người xấu xa. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của những yếu tố này, mỗi người đều sẽ phải dựa ra lựa chọn của mình. Tôi tin rằng bất kỳ khuynh hướng xấu xa nào cũng đều bắt nguồn từ một lựa chọn do tâm thức đưa ra. Và những lựa chọn ấy luôn có vẻ rất hợp lý khi được chọn. Đây chính là điều nghịch lý cốt lõi đằng sau những hành động xấu xa, bởi lẽ những người có hành vi xấu đều có thể tìm hiểu động cơ của họ dựa trên những quyết định được xem là tốt nhất mà họ có thể đưa ra khi đối diện với tình huống trước mắt. Ví dụ, những đứa trẻ bị bạo hành thường lớn lên và trở thành những kẻ bạo hành. Bạn có thể nghĩ rằng việc sử dụng bạo lực trong gia đình nên là giải pháp sau cùng, nhất là khi bản thân từng là nạn nhân. Nhưng trong tâm trí của họ thì thái độ không bạo lực dường như không phải là một tùy chọn sẵn có. Hình ảnh bị bạo hành, vốn xuất hiện trong tâm trí họ từ thời thơ ấu, là quá rõ nét và làm lu mờ quyền tự do chọn lựa.
Con người với những trạng thái nhận thức khác nhau không có cùng định nghĩa về xấu và tốt.
Sự xấu xa phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ tâm thức của con người.