SUY TƯ VỀ TỪ TÂM

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: 365 Lời Khuyên Tâm Huyết Của Đức Đạt-lai Lạt-ma; Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc; Hoàng Phong chuyển ngữ

??162

Người nông dân giữ một vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe công cộng, thế nhưng cũng có thể khiến cho những thứ ấy trở nên tồi tệ hơn. Ngày nay tình trạng các lớp nước ngầm bị ô nhiễm, sự lạm dụng phân bón và thuốc sát trùng cùng với các phương pháp canh tác tai hại ngày càng được cải tiến để gia tăng thu hoạch, tất cả cho thấy rõ rệt hơn trách nhiệm của con người trước tình trạng suy thoái môi sinh và sự xuất hiện của nhiều thứ bệnh tật mới. Một thí dụ thật điển hình là “bệnh bò điên” phát sinh từ cách nuôi bò bằng bột xay ra từ xác chết của thú vật. Đúng lý ra thì đấy là một tội phạm phải bị đưa ra tòa, thế nhưng dường như chẳng thấy ai nói đến chuyện này cả. Trái lại chỉ thấy người ta giết nạn nhân là các con bò bị bệnh mà thôi (không những chỉ giết các con bò bị bệnh mà giết cả đàn bò có thể lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn con để tránh sự lây nhiễm).

??163

Tôi nghĩ rằng người ta nên giảm bớt thật nhiều việc sử dụng các chất hóa học trong canh nông và canh tác phù hợp hơn với thiên nhiên. Điều đó trong ngắn hạn có thể làm sút giảm thu nhập, nhưng trong lâu dài sẽ mang lại nhiều điều lợi hơn. Ngoài ra cũng nên giảm bớt các trại chăn nuôi kỹ nghệ gây tai hại cho môi trường, đồng thời cũng nên thu nhỏ bớt tầm cỡ các trại chăn nuôi này (những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma đã gần 20 năm, ngày nay người ta vẫn tiếp tục làm ngược lại, tức là kỹ nghệ hóa và cơ giới hóa tối đa việc chăn nuôi, chẳng hạn như phong trào “Nông trại nghìn bò”/Ferme des mille vaches/Farm of a thousand cows, “hợp lý hóa” và “quy mô hóa” việc nuôi bò lấy sữa nhằm gia tăng mức sản xuất, con vật trở thành một bộ phận cơ giới của một guồng máy khổng lồ). Các thứ thực phẩm nuôi gia súc trái với thiên nhiên sẽ đưa đến các hậu quả không lường như người ta đã thấy ngày nay. Nếu nhìn vào sự hao tổn thì giờ, tiền bạc, sinh lực và cả những thứ khổ đau không đáng gây ra vì các cách canh tác trên đây, thì người ta sẽ phải hiểu rằng nên sử dụng các phương pháp khác hơn.

??164

Tất cả chúng sinh đều có quyền được sống. Thật hết sức hiển nhiên, các loài sinh vật có vú, chim, cá đều cảm nhận được sự thích thú hay đớn đau, vì vậy cũng chẳng khác gì với chúng ta, các con vật ấy nào có thích gì những sự đau đớn đâu. Nếu chúng ta lạm dụng chúng với mục đích duy nhất là thủ lợi, và dù không màng đến quan điểm Phật giáo đi nữa, thì cũng không sao tránh khỏi thái độ bất chấp các giá trị luân lý sơ đẳng nhất (một sự hung bạo hoàn toàn ích kỷ và vô ý thức trước sự khổ đau của sinh vật).

??165

Nếu đem so sánh tình trạng xung đột và kình chống nhau giữa tất cả các loài sinh vật trên hành tinh này thì con người gây ra nhiều hỗn loạn nhất. Điều này thật hiển nhiên không thể chối cãi được. Tôi hình dung hành tinh này nếu không có con người trên đó thì nhất định sẽ là một nơi an toàn hơn. Thật thế nơi đó hàng triệu con cá, con gà cùng các sinh vật nhỏ bé khác sẽ được sống an lành và thoải mái hơn (có nghĩa là chúng sẽ không biến thành các món ăn thơm ngon cho con người).

??166

Nếu một người nào đó không hề do dự hay tỏ lộ một chút từ tâm mỗi khi hành hạ hay giết một con vật, thì người này cũng sẽ khó cho mình cảm nhận được sự từ tâm, mỗi khi đối xử tàn tệ với kẻ đồng loại, so với các người khác, điều này thật hiển nhiên. Vô ý thức trước sự khổ đau của một chúng sinh dù là thuộc thể loại chúng sinh nào cũng vậy, kể cả trường hợp cần phải hy sinh chúng sinh ấy vì sự an lành của số đông, luôn luôn là một thái độ nguy hiểm (chẳng hạn như giết một con chó điên cũng phải thương xót nó. Nó bị vi trùng bệnh điên hành hạ nó, nhưng không có ai chăm sóc nó. Số phận hẩm hiu của nó là như thế, nó phải gánh chịu vì không thể làm gì khác hơn là chờ người ta giết nó.

Nếu chúng ta xem việc giết nó là một thành tích, một sự hãnh diện, thì cảm tính đó sẽ ăn sâu vào dòng tri thức của mình. Dấu vết của cảm tính hãnh diện đó sẽ ghi khắc và tồn lưu trong tâm thức mình. Nếu sau đó mình trở thành một chiến sĩ và trong một trận chiến mình bắn chết được một số kẻ địch, thì rất có thể mình cũng sẽ xem đấy là một thành tích, cảm thấy sung sướng và hãnh diện, nhất là được cấp chỉ huy khen thưởng và gắn huy chương. Thế nhưng, trong một trận chiến khác biết đâu mình sẽ trở thành một chiến sĩ “hy sinh vì tổ quốc”. Thay vì phát lộ lòng từ bi trước những sự chết chóc thì mình lại hãnh diện và sung sướng, đấy là nguồn gốc và nguyên nhân đưa đến các thứ khổ đau triền miên: bom đạn, khủng bố, xung đột, chiến tranh và đủ mọi thứ tàn phá khác. Đó là sự “nguy hiểm” của tình trạng vô ý thức trước khổ đau của một chúng sinh mà Đức Đạt-lai Lạt-ma nói đến trên đây). Phủ nhận hoặc không muốn nghĩ đến các chuyện đó có thể là một cách giúp mình an tâm, thế nhưng đấy lại là thái độ hành xử không những đưa đến mọi hình thức lạm dụng, tương tự như những gì xảy ra trong các cuộc chiến tranh, mà còn là nguyên nhân tàn phá hạnh phúc của chính mình. Tôi vẫn thường nêu lên rằng sự thương cảm và lòng từ bi luôn là cội nguồn mang lại lợi ích cho mình là như vậy.

??167

Nhiều người cho rằng dầu sao thì thú vật cũng ăn thịt lẫn nhau. Điều đó quả đúng, tuy nhiên cũng không thể chối cãi được là hình thức sinh hoạt đó thật đơn giản và tự nhiên: đói thì giết để ăn, không đói thì không giết. Sự sinh hoạt đó khác hẳn với con người, giết hàng triệu bò, trừu, gà và các thú vật khác để thủ lợi. Một hôm tôi gặp một người Do-thái gốc Ba-lan, rất tốt bụng và thông minh. Người này ăn chay trường trong khi những người Tây Tạng thì lại không. Người này nói với tôi như sau: “Tôi không ăn thịt thú vật, nếu ăn thì tôi phải có đủ can đảm tự tay giết chúng”. Chúng tôi những người Tây Tạng thì khác hơn, chúng tôi chờ người khác giết sau đó mới ăn!” (Ngài bật cười), (không phải chỉ có người Tây Tạng mới làm như thế tức là chờ người khác giết cho mình ăn. Đức Đạt-lai Lạt-ma chỉ trích người Tây Tạng thế nhưng thật ra thì Ngài nhắc khéo chúng ta đấy! Ngài không nói thẳng điều đó với chúng ta mà chỉ trách móc dân tộc Ngài, chẳng qua vì Ngài thương yêu và kính trọng chúng ta. Xin chắp tay cảm phục sự tế nhị của Ngài. Lòng từ bi của Ngài không những hiện lên qua ánh mắt tràn đầy thương cảm hay nụ cười hóm hỉnh trên môi, mà còn ẩn nấp kín đáo phía sau những lời chỉ dạy thật chân tình).

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ LÀM ĐỂ GIÚP MÔI TRƯỜNG
  2. BẢO VỆ RỪNG
  3. THỰC PHẨM TỰ DO, HÃY NGHĨ ĐẾN PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP