TÂM CẢM ƠN

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Thiền Mặc Chiếu; Thích Huệ Thiện dịch và chú thích; NXB. Văn Hóa-Văn Nghệ

Ở trong tín ngưỡng tôn giáo của đạo Thiên Chúa hoặc đạo Tin Lành, lúc ăn cơm cần phải cảm ơn trước, trước đây tôi cảm thấy rất lạ lùng, là chính mình làm việc, chính mình nấu cơm, vì sao phải cảm ơn Thượng đế? Mới đây xem bài báo, đội bóng đá vô địch thế giới là Brazil, lúc đang tuyên bố chức vô địch, họ không vội vàng lên bục nhận giải, mà cả đội trước tiên ở dưới bục làm cầu nguyện, cảm tạ Chúa, bởi vì Chúa Trời đã đứng về phía họ, khiến cho họ đạt vô địch. Điều này ở đội bóng đá khác mà xem là rất lạ lùng, vì sao Chúa Trời chỉ bảo hộ đội Brazil mà không bảo hộ đội chúng ta? Có bình luận viên lại nói: “Tín ngưỡng tôn giáo cực kỳ quan trọng, nếu như không có Chúa Trời, thì sự vinh quang này không thể đạt được”. Người ta nói rằng trước khi giải đấu bắt đầu khởi tranh, họ mỗi ngày đều vì cuộc đua mà cầu nguyện, cho đến tận cuối cùng đạt được chức vô địch, thế nên đương nhiên phải cảm tạ Chúa Trời. Sức mạnh tín ngưỡng này là hữu ích, có thể khiến cho lòng tin mạnh mẽ.

? 1. Cảm ơn Ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng

Cảm ơn, là biểu thị những thứ mà bản thân mình đạt được, là cần phải dựa vào sự giúp đỡ và ban tặng của người khác. Song lấy lập trường của tu thiền, thì tu hành là việc của chính mình, Đức Phật nói: “tự tu, tự ngộ, tự chứng”, tự mình tu hành, tự mình khai ngộ, tự mình chứng minh sự khai ngộ của chính mình, hoặc có lẽ nhiều người sẽ hỏi: Vì sao vẫn phải cảm ơn? Nhưng, nếu không có Phật pháp mách bảo về quan niệm dẫn đường và phương pháp tu hành cho chúng ta, thì sẽ trở thành tu luyện mù quáng. Phương pháp là thứ do Đức Phật dạy, phương hướng là điều do Đức Phật nói ra, cho nên cần phải nên cảm ơn Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp tu hành mà thành Phật, rồi mới đem tất cả trí tuệ đạt được sau khi thành Phật, hiến dâng cho chúng sinh một cách vô điều kiện, không giữ lại gì cả. Phật pháp bắt đầu từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đời đời trao truyền cho nhau; có vài thứ là dùng ngôn ngữ văn tự, có nhiều thứ là vận dụng tâm pháp, giữa thầy trò qua mỗi thế hệ tâm và tâm tương ưng một cách trực tiếp. Nhất là Thiền tông rất coi trọng tâm pháp truyền nhau, tâm pháp một khi bị đứt đoạn, thì pháp mạch cũng bị ngắt quãng liền, chỉ còn dư lại ngôn ngữ và văn tự. Văn tự và ngôn ngữ chỉ là phương diện biểu đạt, còn tâm pháp mới chính là căn bản. Nhưng cho dù là ngôn ngữ, văn tự hay tâm pháp, thì pháp Phật ở ba phương thức này đều là do con người truyền thừa, cho nên chúng ta cần nên cảm ơn những người đã truyền bá Phật Pháp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tam bảo chính là: Phật, Pháp do Đức Phật nói, và Tăng, chính là đoàn thể hoằng pháp của Phật giáo, là lấy người xuất gia làm trung tâm, cho nên cần phải cảm ơn Ba ngôi báu Phật Pháp Tăng đã hoằng dương Phật pháp, truyền trao Phật pháp. Đương nhiên, người cư sĩ tại gia cũng có thể làm thành một đoàn thể. Trong kinh Pháp Hoa thậm chí có nói rằng, miễn là truyền trao lại pháp mà Đức Phật đã nói, thì cho dù kẻ trao truyền đó là con người hoặc động vật, đều cần phải nên cảm ơn họ. Thật ra, hễ là đoàn thể hay con người trong đoàn thể thanh tịnh, tinh tấn, có thể đem Phật pháp truyền trì lại, đều là đối tượng mà chúng ta cần phải tôn kính và cảm ơn.

? 2. Cảm ơn cha mẹ và chúng sinh

Đức Phật nói tu hành pháp thân, nhất định phải lấy sắc thân của cơ thể làm công cụ để tu hành, nếu không sẽ không có điểm tập trung sức lực. Vì vậy, cần nên cảm ơn cơ thể này, khéo dùng thân thể để tu hành Phật Pháp, mà thân thể là thứ do cha mẹ sinh thành. Từng có một vị cư sĩ trong chúng nam, bị cha mẹ vứt bỏ từ nhỏ, chú ta lớn lên trong Viện cô nhi, đến bây giờ đều dùng họ của viện trưởng Viện cô nhi. Chú ta nghe tôi nói cần cảm ơn cha mẹ đã cho chúng ta thân thể, liền đến gặp tôi nói rằng: “Con ngay cả cha mẹ đều không biết là ai, sinh ra một cái thì họ đã đem con vứt bỏ, con không thể nào cảm ơn họ. Đối tượng mà con cần phải cảm ơn là viện trưởng Viện cô nhi, là người đã cưu mang con khôn lớn”.

Sau đó tôi bèn nói với chú ta rằng: “Tôi lúc nhỏ cũng có cách suy nghĩ ấy, bởi vì cha mẹ đã sinh ra tôi rất gầy gò, đánh nhau chẳng hơn ai, lại chậm chạp vụng về, mắng cãi cũng chẳng qua được người khác, tôi chán ghét thân thể này của tôi, cũng chán ghét cha mẹ vì sao phải sinh tôi ra. Về sau dần dần lớn khôn, cảm ơn cha mẹ đã không bỏ rơi tôi, bởi vì ở trong hoàn cảnh cuộc sống rất bần cùng, không thể nào cho tôi một nền giáo dục tốt, mà tôi lại gầy, lại nhỏ, lại chậm chạp, chỉ có thể làm hòa thượng thôi. Nếu như cơ thể tôi cường tráng, người nhà quê (như tôi) đại khái sẽ bị đưa đi làm lao động khổ nhọc rồi. Bây giờ tôi làm hòa thượng rất được sung sướng, cho nên cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi cái thân thể vô dụng như thế này. Đến như trường hợp của chú, hôm nay nếu chẳng phải là bị đưa đến Viện mồ côi, mà là ở trong một gia đình giàu có, thì có thể sẽ trở thành một gã ăn chơi, học hành không tốt, tiêu xài phung phí. Bởi vì chú là trẻ mồ côi, không có gì đáng nương dựa, biết mình cần phải nỗ lực tiến lên, vì vậy chú cần nên cảm ơn cha mẹ của chú”.

Chú ấy sau khi nghe xong cảm thấy rất xấu hổ, lập tức quỳ xuống sám hối, biểu thị đã biết cần nên cảm ơn cha rồi.

Trước đây ở Đài Loan từng có một cậu bé bị bỏ rơi, sinh ra thì bị cha mẹ vứt bỏ, đưa đến để ở trước cửa của một giáo đường đạo Tin Lành. Mục sư của giáo đường là người Na Uy, ông đã đem đứa trẻ đưa cho một cặp vợ chồng bác sĩ người Na Uy, bây giờ đứa trẻ đã được 17 tuổi, cha mẹ nuôi mang cậu ta đến Đài Loan để tìm kiếm cha mẹ thân sinh. Thông qua truyền hình, phát thanh, báo chí và các phương tiện truyền thông, v.v… vẫn không ai tìm ra tin tức, có người hỏi cậu bé rằng: “Con có hận cha mẹ của con không?”. Cậu ta nói: “Nếu con hận cha mẹ của con, thì con đã không trở về lại rồi, con nhớ họ và cảm ơn họ, cho nên muốn xin cha mẹ nuôi đem con trở về Đài Loan để gặp cha mẹ thân sinh một lần. Mặc dù không gặp được họ, nhưng con rất cảm ơn họ, con sinh ra ở Đài Loan, cơ thể của con là thứ đến từ Đài Loan. Trong lòng con có hai cặp cha mẹ, một cặp là cha mẹ sinh, một cặp là cha mẹ dưỡng, con đối với họ đều cảm ơn như nhau”. Đây thật sự là đứa bé có căn lành.

? 3. Cảm ơn nghịch duyên

Duyên thuận và duyên nghịch là hai thứ duyên tăng thượng. Thuận tăng thượng duyên (duyên thuận giúp ta thăng tiến) là ở trong quá trình trưởng thành, gặp được nhiều ân nhân, họ đều đang giữ gìn chúng ta, trợ giúp chúng ta, đề bạt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, bất luận là họ có tâm hoặc vô tâm, có tính toán hoặc không tính toán, nếu chẳng phải là họ, thì chúng ta sẽ không thể có thành công như ngày hôm nay. Nghĩ lại kĩ càng, những người kiểu này cần phải cảm ơn họ rất nhiều.

Nghịch tăng thượng duyên (duyên nghịch giúp ta thăng tiến), là sự ảnh hưởng từ phương hướng ngược lại, như bạn mong muốn chạy tới trước, có ai đó kéo chân sau; muốn trèo lên, có người kì thị bạn, làm cho bạn bị mất lòng tin. Người Trung Quốc nói: “đả lạc thủy cấu” (đánh chó rơi xuống nước: đánh rắn dập đầu), “lạc tỉnh hạ thạch” (thấy người té giếng còn ném thêm đá: giậu đổ bìm leo), khi mình đã nghiêng ngả, chẳng những họ không giúp đỡ mình đứng dậy, trái lại còn đá hai chân mình thêm nữa, ở trong tình huống này là rất đau khổ. Nhưng nếu có căn lành, thì sự đề kháng càng lớn, sức ý chí càng mạnh, càng không ngừng cải tiến chính mình, phát triển bản thân tiến về phía trước. Trong quá trình tu hành của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đề Bà Đạt Đa chính là vị Bồ Tát nghịch hạnh của Ngài, nhiều đời nhiều kiếp chuyên môn phá phách Ngài, cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể rất nhanh thành Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất cảm ơn vị Bồ Tát này, ở trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã thọ kí, dự kiến cho Đề Bà Đạt Đa tương lai sẽ thành Phật đạo.

Tôi cũng từng có trải qua thứ trạng huống này, khi đang bế quan tu hành ở trong núi, gặp phải một vài vấn đề trong kinh luận giải quyết không được, liền viết thư thỉnh giáo một vị Pháp sư nổi tiếng. Nhưng vị Pháp sư này bởi vì có vài ý kiến xung đột với Sư phụ tôi, cho nên không ngó ngàng tôi, tôi đã viết liên tiếp ba bức thư, nhưng vẫn giống như đá chìm xuống biển, bặt vô âm tín. Lúc đó tôi thật sự chán ngán, cho rằng vị Pháp sư ấy thật chẳng từ bi, đối với Ngài mà nói, những vấn đề ấy rất giản đơn thì đáng lí hãy trả lời tôi, đằng này Ngài lại không hồi đáp. Nhưng tình huống này, đã thôi thúc tôi muốn tìm cách đọc thêm nhiều kinh luận, xem thêm nhiều sách vở, cuối cùng thì vấn đề đã được giải quyết, đối với tôi trái lại là quá tốt.

Vị Pháp sư ấy còn ban cho tôi một trở ngại khác, là lúc tôi đang bế quan chuẩn bị mở cửa xuống núi, có một đạo tràng không có trú trì, họ đã cử người đến nói chuyện với tôi, muốn mời tôi đảm đương trú trì, lúc đó tôi cảm thấy đi làm trú trì cũng đúng. Nhưng vị Pháp sư ấy sau khi biết được, liền chủ trương đem hồ sơ ấy thủ tiêu, nói rằng tôi là đệ tử của người nào đó, làm sao có thể để tôi đi lãnh trú trì được? Bởi do không đi lãnh trú trì, cho nên tôi liền đi Nhật Bản lưu học, sau khi học xong, tôi vô cùng cảm ơn vị Pháp sư ấy. Bởi vì lúc đầu nếu không phải vì sự phản đối của ông ấy, thì bây giờ tôi có thể vẫn đang lãnh trú trì, chẳng những đã không đi Nhật Bản, mà cũng không có thể lấy được học vị tiến sĩ, đương nhiên hôm nay càng sẽ không có Pháp sư Thánh Nghiêm này.

Ngoài ra, khi tôi đang ở Nhật Bản lưu học, Nhật Bản có mấy đoàn thể sẵn sàng cung cấp học bổng cho các người xuất gia của Đài Loan, miễn là tổ chức của Đài Loan xuất trình đầy đủ chứng minh, cho thấy người đó ở Đài Loan nghiên cứu Phật học, là người ưu tú đáng đào tạo, thì có thể đệ đơn yêu cầu. Lúc đó tôi liền xin Hội Phật giáo Đài Loan viết giấy giới thiệu cho tôi, trong thư hồi âm cho tôi nói rằng điều đó không có vấn đề gì, nhưng đợi đến nửa năm lại bặt vô âm tín, nghe ngóng kết quả, là bởi vì vị Pháp sư nào đó của Hội Phật giáo, ý kiến không hợp với Sư phụ tôi, không sẵn lòng cấp cho tôi giấy giới thiệu. Lúc ấy tôi nghĩ, vị Pháp sư này thật chẳng từ bi. Nhưng bởi vì tôi không được nhận học bổng, ở trong tình huống thiếu kinh phí, trái lại tôi đặc biệt đọc sách chăm chỉ, đặc biệt nhanh hiểu và học vị hoàn thành rất sớm. Sau khi trở về Đài Loan, tôi đi cảm tạ vị Pháp sư không muốn xác nhận giúp tôi ấy, tôi nói: “Cảm ơn Hòa thượng, con có thể lấy học vị rất nhanh, có lẽ thầy không biết rằng thầy đã thành tựu cho con. Xin cảm ơn thầy”.

Do đó, cảm ơn không phải chỉ là cảm ơn những duyên thuận giúp chúng ta thăng tiến, mà cũng đừng nên bỏ quên những duyên nghịch giúp ta tiến lên. Có lẽ họ căn bản vẫn không biết đã giúp đỡ bạn, nhưng bạn là do nhờ họ mà có thành tựu, có trưởng thành, thứ sức mạnh này là từ họ mà đến. Lấy lòng cảm ơn này đối đãi người khác, đối với chính mình là việc hạnh phúc nhất, bình an nhất, có giá trị nhất, chẳng những lòng dạ cởi mở, vả lại còn tăng trưởng thêm tâm từ bi. Nếu bạn thấy rằng mỗi cá nhân đều căm thù, oán hận, đồ kị, nghi ngờ, cứ mãi mãi luôn ở trong phiền não khổ đau, thì tu hành sẽ không thể nào đắc lực. Cho nên cảm ơn trên thực tế là giúp đỡ chính mình, bởi vì đối tượng của lòng cảm ơn không có nhận được gì, họ cũng không hiểu rõ bạn, trái lại người nhận được nhiều nhất là chính bản thân bạn.

Ở trong môi trường sinh hoạt, cần phải cảm ơn tất cả mọi người, cho dù là ở trong gia đình, trong công tác, bất kì lúc nào gặp ai đều cần phải cảm ơn. Nếu dùng thứ lòng cảm ơn này tiếp đãi người, thì lòng của chúng ta trước sau luôn là trong sáng, sảng khoái, vui vẻ, lúc nào cũng có cảm giác: “gặp được một ân nhân, lại gặp được một ân nhân”, vẫn tốt hơn so với “mình gặp kẻ oán cừu, mình lại gặp một kẻ thù hằn”. Nhưng lòng cảm ơn không phải là lòng ngu si, đừng nên nghĩ rằng thế nào cũng là cảm ơn, người khác đá bạn một cái, bạn muốn họ đá cho cái thứ hai nữa, đây là ngu si. Phật tử cũng như người tu hành, chẳng phải là kẻ ngu, mà là người có từ bi, có trí tuệ.

Cho nên, gặp phải nghịch cảnh hiện trước mắt cần nên xử lý, đừng để bị khốn đốn bởi nghịch cảnh. Đừng nên nghĩ rằng dù sao cũng là nghịch cảnh, là duyên nghịch giúp mình thăng tiến, có đến lại nhiều hơn đều không quan hệ. Nhà cửa sụp, bị lửa cháy hoặc là bị thương tích, vẫn có thể an tâm tu hành sao? Nếu không có cơ thể khỏe mạnh, ngay cả công cụ để vận dụng cũng không có, thì tu hành cũng tu không xong. Do đó, thứ gì có thể tránh được thì vẫn nên tránh.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN ĐIỂM VỀ HÒA HỢP TÔN GIÁO
  2. HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
  3. PHÉP HAY ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CHỈ SỐ EQ TRONG CÔNG SỞ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU