TẤM LÒNG THẦM LẶNG

NHIỀU TÁC GIẢ

Trích: Hạt Giống Tâm Hồn, Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Biên dịch: First News; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VH-ST Trí Việt – First News, 2018

“Bạn sẽ tìm thấy niềm vui khi giúp đỡ người khác bằng tất cả tấm lòng.” _Paul Newmen

Là tài xế riêng lâu năm nên bố tôi đã nhiều lần chứng kiến ông chủ giàu có của mình giấu tên giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, dù biết sẽ chẳng bao giờ họ có thể đền đáp được.

Ngày nọ, bố tôi lái xe đưa ông chủ đi tham dự một buổi họp quan trọng tại một thành phố khác. Ra tới ngoại ô, họ dừng lại ăn tạm bánh ngọt ngay trong xe thay cho bữa trưa.

Khi cả hai đang ăn, mấy cậu bé đang chơi trò lăn bánh xe quanh đấy hiếu kỳ kéo đến vây quanh, ngắm nghía và sờ mó chiếc xe sang trọng. Thấy một cậu bé trong nhóm đi cà nhắc vì bị tật ở chân, ông liền bước ra khỏi xe, đến chỗ cậu bé và hỏi:

– Cháu có gặp khó khăn nhiều với đôi chân như thế không?

– Cháu chỉ chạy chậm chút xíu so với các bạn thôi. – Cậu bé đáp – Nhưng cháu cũng quen rồi.

– Cháu có muốn đôi chân được lành lặn bình thường không?

– Chắc chắn là muốn ạ! Nhưng sao ông lại hỏi cháu như thế? – Cậu bé ngạc nhiên trước sự quan tâm của người đàn ông xa lạ.

Ông không trả lời mà chỉ hỏi tên cậu bé rồi quay vào xe. Sau chút ngỡ ngàng, cậu bé tiếp tục trò chơi của mình.

Bước vào xe, ông chủ bảo bố tôi: “Anh Woody này, đứa bé ấy tên là Jimmy, tám tuổi. Chiều nay anh tìm xem gia đình cậu bé ở đâu rồi đến thăm họ. Cố gắng thuyết phục họ đồng ý cho Jimmy giải phẫu chân. Mọi chi phí tôi sẽ thanh toán hết”.

Chiều hôm đó, bố tôi nhanh chóng có được địa chỉ của cậu bé vì hầu như ai ở đây cũng biết gia đình cậu bé có đôi chân bị tật ấy.

Nơi Jimmy và gia đình cậu bé gọi là nhà thật ra là một chỗ ở rất nhỏ hẹp, tạm bợ. Nhìn quanh mảnh sân trống trải trước nhà, bố tôi thấy mấy chiếc áo sơ mi nam rách tả tơi và vài chiếc váy vá loang lổ đang phơi trên sợi dây quần áo cột sơ sài vào vách nhà. Đồ chơi duy nhất trong sân là chiếc đu – thực ra đó chỉ là một vỏ xe mòn nhẵn buộc vào một đoạn dây thừng cũ vắt qua cây sồi.

Một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi bước ra khi nghe tiếng bố tôi gõ vào cánh cửa hoen gỉ. Gương mặt chị mệt mỏi, những nếp nhăn hằn sâu trên trán ghi dấu một cuộc sống lam lũ, khổ cực.

– Chào chị! – Bố tôi lên tiếng trước – Chị có phải là mẹ cháu Jimmy không?

– Vâng, nó lại gây ra chuyện gì nữa sao? – Chị hơi nhíu mày đáp, ánh mắt chị lướt nhanh qua cổ áo hồ cứng và bộ đồ vest phẳng phiu của bố tôi.

– Không phải. Tôi đến đây để xin phép chị cho chúng tôi đưa Jimmy đi phẫu thuật để đôi chân cậu bé trở lại bình thường.

– Thế điều kiện của ông là gì? Đời này chẳng có gì cho không cả. – Chị nghi ngờ nói.

Bố tôi từ tốn bảo:

– Tôi biết việc này quá đường đột nên chị nghi ngờ cũng phải thôi. Nhưng đây là chuyện hoàn toàn nghiêm túc, và tôi muốn giải thích mọi chuyện với cả hai vợ chồng chị nếu được chị cho phép.

Người đàn bà nhìn bố tôi lần nữa, rồi mời ông vào nhà dù vẫn chưa hết do dự.

Trong gần một tiếng đồng hồ sau đó, bố tôi kiên nhẫn giải thích mọi chuyện và trả lời mọi câu hỏi của hai vợ chồng. Cuối cùng, hai người đồng ý cho Jimmy phẫu thuật nhưng bố tôi biết họ vẫn chưa hết ngạc nhiên và không tin chắc vào lời bố tôi.

Chẳng bao lâu, sau khi hoàn tất mọi giấy tờ cần thiết, bố tôi đích thân đưa Jimmy đến một bệnh viện hiện đại ở tiểu bang khác để tiến hành ca phẫu thuật chân đầu tiên cho cậu bé, và sau đó còn thêm bốn lần phẫu thuật nữa.

Kết quả cuối cùng hết sức tốt đẹp. Đôi chân Jimmy. đã khỏe mạnh và lành lặn trở lại. Cậu được tất cả mọi người trong khoa chỉnh hình yêu mến vì sự lạc quan và hồn nhiên của mình. Vào ngày Jimmy ra viện, mọi người đều lưu luyến và đã tặng cho cậu bé một đôi giày mới, dành cho đôi chân mới của cậu.

Bố tôi lái xe đưa Jimmy trở về nhà. Trên đường đi, Jimmy kể cho bố tôi nghe ước mơ được trở thành một doanh nhân thành công và sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh không may mắn như cậu.

Nụ cười tươi vui bừng nở trên gương mặt Jimmy khi xe dừng bánh. Bố mẹ cùng hai đứa em đang đứng phía trước nhà để đón cậu.

– Xin mọi người hãy đứng yên. Con sẽ tự đến đó! – Jimmy vui sướng hét lên và mọi người như không tin vào mắt mình khi thấy Jimmy đang bước đi bằng đôi chân của một người bình thường.

Vòng tay ôm hôn, tiếng cười tràn ngập quanh cậu bé. Không muốn cắt ngang niềm hạnh phúc ấy, bố tôi lặng lẽ quay xe trở về.

Con người hảo tâm và giàu có ấy đã lau những giọt nước mắt xúc động khi nghe bố tôi kể lại cảnh đoàn tụ của gia đình Jimmy. “Anh giúp tôi thêm chuyện này nữa nhé”, ông bảo bố tôi, “gần tới lễ Giáng sinh, anh hãy liên hệ với một tiệm giày thật tốt, nói với chủ tiệm mời cả nhà Jimmy đến cửa hàng chọn mua giày mới cho từng người. Tôi sẽ trả tiền tất cả. Nhưng anh nhớ cho họ biết rằng tôi chỉ giúp họ một lần này nữa thôi. Tôi không muốn họ phụ thuộc vào mình”.

Về sau, cậu bé Jimmy may mắn ấy trở thành một nhà kinh doanh rất thành đạt như ước mơ của mình. Đến tận khi qua đời, theo tôi biết, Jimmy vẫn không biết ai là người đã giúp đỡ ông chữa bệnh hồi đó. Nhiều năm trôi qua, tôi luôn ghi nhớ lời người chủ đó, Henry Ford, chủ tịch tập đoàn xe hơi Ford của Mỹ, đã nói với bố tôi, “Cho đi mà không cần phải nhận lại sẽ là niềm vui lâu dài”.

_Bích Thủy, Theo The Secret Benefactor

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGƯỜI CHO ĐI NHIỀU NHẤT SẼ THẮNG
  2. CHO ĐI LÀ HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HẠNH PHÚC MÀ CHÚNG TA BỎ SÓT
  2. GIÁ TRỊ CỦA THỬ THÁCH
  3. TRÍ HUỆ VUI VẺ

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG