TÂM NHÂN ĐỊA LÀ TÁNH KHÔNG SANH KHÔNG DIỆT

KINH LĂNG NGHIÊM

(Trích Một Số Đoạn)
?HAI THỨ CĂN BẢN
 
Phật bảo A Nan : Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, đủ thứ điên đảo, giống nghiệp tự nhóm lại như chùm ác xoa. Những người tu hành không thành Bồ đề (Giác ngộ) vô thượng mà chỉ thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma, đều do chẳng biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm. Giống như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt chẳng thể được.
 
Thế nào là hai thứ căn bản ?
 
A Nan, một là căn bản sanh tử từ vô thủy, chính là cái tâm bám níu theo duyên hiện giờ mà ông và các chúng sanh đang dùng cho là tự tánh.
 
Hai là cái thể Bồ đề Niết bàn vốn thanh tịnh từ vô thủy, tức là cái thức tinh vốn sáng hiện giờ của ông, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các sanh khởi ấy mà bỏ quên nó. Do các chúng sanh bỏ quên cái vốn tự sáng này, nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, uổng lạc vào sáu nẻo.
 
?Ý NGHĨA CHỦ VÀ KHÁCH
 
Bấy giờ Thế Tôn duỗi cánh tay Đâu la miên sáng ngời, mở năm ngón tay mà bảo A Nan và cả đại chúng:
 
Khi mới thành đạo Như Lai đến vườn Lộc Uyển có dạy cho năm anh em tỳ kheo A Nhã Đa và bốn chúng rằng: Tất cả chúng sanh chẳng thành Giác ngộ và A La Hán là do những phiền não khách trần làm mê lầm. Lúc ấy các ông nhân đâu mà khai ngộ, đắc thành thánh quả?
 
Khi ấy ông Kiều Trần Na đứng dậy bạch Phật:
Nay con là hàng trưởng lão, ở trong đại chúng riêng được danh hiệu là Hiểu, do ngộ hai chữ khách trần, được thành thánh quả.
 
Bạch Thế Tôn, ví như người khách đi đường, vào nghỉ nơi quán trọ, hoặc ngủ lại, hoặc ăn. Ăn ngủ xong sắp xếp đồ đạc lên đường, không trụ lại được. Nếu thật là người chủ, tự không phải đi đâu.
 
hư thế mà tư duy, chẳng trụ là khách, trụ mãi là chủ. Lấy sự không trụ làm nghĩa chủ khách.
 
Lại như trời mới tạnh, mặt trời trong sáng trên cao, ánh sáng xuyên qua khe hở chiếu rõ các tướng bụi bặm trong hư không. Bụi trần thì lay động, hư không thường lặng yên. Như thế mà tư duy, đứng lặng gọi là hư không, lay động gọi là trần. Lấy sự dao động làm nghĩa chữ trần (bụi).
Phật nói: Đúng vậy.
 
?TÂM NHÂN ĐỊA LÀ TÁNH KHÔNG SANH KHÔNG DIỆT.
 
A Nan, nghĩa thứ nhất là : nếu các ông muốn rời bỏ Thanh Văn, tu Bồ tát thừa, nhập tri kiến Phật, thì nên quán sát kỹ cái nhân địa phát tâm và quả địa giác ngộ là đồng hay khác ?
 
A Nan, nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, làm nhân tu hành để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thừa thì thật không thể có chuyện ấy được.
 
A Nan, nay ông muốn cho cái thấy, nghe, hay, biết xa hợp với Thường Lạc Ngã Tịnh của Như Lai, thì trước hết phải lựa bỏ gốc rễ sanh tử, y vào cái không sanh diệt thì tánh trong lặng toàn khắp thành tựu.
 
Dùng cái trong lặng này mà xoay các thứ sanh diệt hư vọng trở về bản giác. Được tánh không sanh diệt của bản giác thuần sáng làm cái tâm nhân địa, như thế mà sau viên thành quả địa tu chứng.
 
Như lóng nước đục, đựng trong một đồ chứa để yên lặng mãi không động, thì đất cát tự chìm xuống, nước trong hiện tiền, gọi là ban đầu dẹp phục phiền não khách trần.Loại bỏ hết bùn chỉ còn nước trong, gọi là vĩnh viễn dứt hẳn căn bản vô minh.
Tướng sáng tinh thuần, tất cả biến hiện không còn là phiền não, đều hợp với diệu đức thanh tịnh Niết bàn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
  2. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ
  3. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ