THÍCH PHÁP TRÍ
Bài đăng Báo tường trường Hạ Tu viện Tường Vân (PL 2558 – DL 2014); Theo Phật Pháp Ứng Dụng
Mỗi một chúng ta là một yếu tố tạo nên xã hội, vì thế tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống cần có sự hợp tác, nượng tựa nhau, giúp đỡ nhau cũng như học hỏi lẫn nhau. Cũng thế, đời sống tăng đoàn xưa cũng như nay được xem là một mẫu hình tổ chức hoàn thiện và chuẩn mực nhất. Vì sao vậy? Bởi vì trong tổ chức ấy tinh thần sống tập thể, cũng như nhân phẩm đạo đức của mỗi hành giả được phát huy và tăng trưởng trên nền tảng phạm hạnh của bậc xuất trần. Một trong những phẩm chất cao quý đó chính là tinh thần phụng sự.
Danh ngôn Tây Phương có câu: “Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi, mục đích của đời là trưởng thành, bản tính của đời là thay đổi, thách thức của đời là vượt qua, tinh túy của đời là quan tâm, cơ hội của đời là phụng sự, bí mật của đời là dám làm, hương vị của đời là giúp đỡ, vẻ đẹp của đời là cho đi”. Vậy phụng sự là gì? Tại sao cơ hội của cuộc đời không phải là một yếu tố nào khác, mà chính là phụng sự? Phụng sự là làm lợi ích cho người khác, trợ duyên cho hạnh phúc của người khác, đem lại niềm vui cho tất cả mọi người với tâm không phân biệt, không vì danh lợi, không vì lời khen hay sự ca tụng tán thán, không vì một điều gì đó nô lệ cho cái tôi bản ngã của chính mình.
Trong cuộc sống xã hội nói chung, trong đời sống tăng đoàn nói riêng nếu ai ai cũng có tâm phụng sự thì mọi công việc, mọi hoạt động tập thể đều được hoàn thiện một cách nhanh chóng và đạt được hiệu quả cao nhất có thể. Bởi vì một hành giả có tâm phụng sự thì không có sự ganh ghét, đố kỵ hay tự cầu an cho bản thân. Người phụng sự không lựa chọn việc nhẹ nhàng cho mình mà tránh né việc cực khổ khó khăn để dành cho người khác. Nói đến đây, chúng ta nghĩ đến một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Vì vậy có thể nói, tâm phụng sự là một yếu tố quan trọng cho cuộc sống hạnh phúc gia đình, nó cũng như tạo nên sự gắn kết giữa người với người trong một xã hội. Mọi người nếu biết sống vì nhau, nương tựa nhau sẽ tạo thành một sự đoàn kết mạnh mẽ, không có thế lực nào có thể phá vỡ được.
Qua đó chúng ta thấy được rằng, đối với cuộc sống thế gian, tâm phụng sự không thể thiếu, thì đối với hành giả xuất gia chúng ta, tâm phụng sự càng phải được phát huy và đề cao hơn nữa. Tại sao vậy? Bởi vì lý tưởng cho đời sống phạm hạnh của chúng ta là: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” hay “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Cho nên, nếu hành giả không có tâm phụng sự thì sẽ đi ngược lại với hạnh nguyện và con đường của mình đã chọn. Như ngài A Nan đã từng phát lời thệ nguyện trước Đức Phật:
“Đem thân tâm phụng sự các cõi
Đó mới gọi là báo Phật ân
Xin Thế Tôn lân mẫn chứng minh
Đời năm trược thề xin vào trước
Chúng sanh một người chưa thành Phật
Nguyện nơi đây không nhận quả Niết Bàn.”
Cũng như lời phát nguyện của ngài Địa Tạng Bồ Tát: “Địa ngục vị không thề bất thành Phật” nghĩa là khi nào trong địa ngục không còn chúng sanh chịu khổ thì ngài mới thành Phật. Mỗi hành giả xuất gia chúng ta không có thể phát khởi đại nguyện như ngài A Nan hay ngài Địa Tạng Bồ Tát, nhưng ít ra, chúng ta phải có tâm phụng sự cho Tam Bảo cũng như phụng sự cho chúng sanh tùy theo khả năng có được của mình. Đối với thầy tổ, huynh đệ, pháp lữ, chúng ta sống với tâm phụng sự nghĩa là đã và đang hoàn thiện chính bản thân mình.
Đôi khi, cuộc sống chỉ cho ta duy nhất một cơ hội để được yêu thương, được quan tâm, được học hỏi, được làm những gì mình muốn. Một khi chúng ta để cho cơ hội trôi qua thì khó mà có dịp quay trở lại. Cũng thế, mỗi chúng ta chỉ có duy nhất một cơ hội được phụng sự Tam Bảo, phụng sự cha mẹ, phụng sự thầy tổ, huynh đệ, pháp lữ cũng như phụng sự chúng sanh. Do vậy, chúng ta hãy trân trọng cơ hội đó mà từng ngày, từng giờ thực hành tâm phụng sự vì lợi ích cho mọi người và lợi ích cho toàn thể.
Hành giả xuất gia là những người: “Hành Như Lai xứ, tác Như Lai sự”, là những người sống nếp sống đạo đức mô phạm cho chúng sanh. Chúng ta luôn lấy sự nghiệp hoằng pháp làm nhiệm vụ của mình, lấy tinh thần lợi sanh làm hoài bảo. Nhưng cho dù là hoằng pháp hay lợi sanh, chúng ta cũng phải lấy tinh thần của TÂM PHỤNG SỰ làm nền tảng. Muốn làm người dẫn đường thì trước tiên bản thân chúng ta phải là người phụng sự, như danh ngôn Tây phương có nói:
“Chúng ta phải im lặng trước khi có thể lắng nghe
Chúng ta phải lắng nghe trước khi có thể học hỏi
Chúng ta phải học hỏi trước khi có thể chuẩn bị
Chúng ta phải chuẩn bị trước khi có thể phụng sự
Chúng ta phải phụng sự trước khi có thể dẫn đường.”