SỰ BÌNH AN TỰ NHIÊN

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng thư sống chết -The Tibetan Book Of Living And Dying; Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch; Nhà xuất bản Thanh Văn Hoa Kỳ 1992 và Nhà xuất bản Xuân Thu Hoa Kỳ 1996

?Luyện Tập Chánh Niệm

Thiền định là đưa tâm về nhà, và việc này trước hết được hoàn tất nhờ luyện tập chánh niệm.

Một lần có một thiếu phụ đến hỏi Bụt làm cách thế nào để thiền. Bụt bảo nàng hãy ý thức từng động tác của đôi tay khi nàng kéo nước giếng, vì ngài biết như vậy nàng sẽ tự thấy mình ở trong tâm trạng an bình, khoáng đạt và bén nhạy, mà chính là thiền định.

Sự thực tập chánh niệm, đưa cái tâm phân tán trở về nhà và do đó tập trung ý thức vào những khía cạnh khác nhau của con người chúng ta – được gọi là “Tịnh trú” hay “An trú,” thành tựu được ba việc. Trước hết, mọi mảnh vụn của con người ta – thường mâu thuẫn chống chọi nhau – bây giờ ổn định, tan hòa và trở thành bạn. Trong sự ổn định ấy ta bắt đầu hiểu mình hơn, và đôi khi còn thoáng thấy được tia sáng tự tính bản nhiên của ta. Thứ hai là, luyện tập thiền định làm tiêu tan tính tiêu cực, bạo hành nơi ta, những cảm xúc hỗn độn đã chứa nhóm nhiều đời. Thay vì đàn áp chúng hay bị lôi cuốn theo chúng, ở đây điều quan trọng là ngắm nhìn chúng và bất cứ gì khởi lên trong tâm, với sự chấp nhận và bao dung, càng cởi mở càng tốt.

Những bậc thầy Tây Tạng thường bảo rằng tính độ lượng sáng suốt ấy giống như không gian vô biên, thân thiết và dễ chịu, làm bạn cảm thấy như thể được bao phủ, được che chở trong một cái mền bằng ánh sáng. Dần dần, khi bạn vẫn ở trong trạng thái cởi mở, tỉnh giác ấy, và dùng một trong những phương pháp sẽ nói sau, để làm cho tâm càng lúc càng tập trung hơn, tính tiêu cực nơi bạn càng ngày càng tan loãng ra; bạn khởi sự cảm thấy thoải mái trong toàn diện bản thể bạn, hay như ngưòi Pháp nói, être bien dans sa peau. Từ đấy phát sinh sự buông xả và một niềm an lạc sâu xa. Theo tôi thì sự tập luyện này là cách tốt nhất để chữa trị thân bệnh và tâm bệnh nơi bạn.

Thứ ba, sự tập luyên này vén màn, làm hiển lộ Thiện tâm căn bản của bạn, vì nó làm tan biến thói hung ác hay tác hại ở trong bạn. Chỉ khi trừ khử được thói ấy ta mới thực sự hữu ích cho người khác. Vậy thì nhờ tập luyện, trừ khử dần thói ác tác hại khỏi tâm ta, mà ta có thể để cho Thiện tâm chân thực của ta – lòng tử tế, từ bi tự nhiên nơi ta – chiếu sáng, và trở thành bầu khí hậu cho bản thể đích thực của ta phát triển.

Bây giờ bạn thấy tại sao tôi gọi thiền định là sự thực hành chân thực để đi đến hòa bình, đi đến sự không gây hấn, đi đến sự bất bạo động. Ðấy là sự giải trừ vũ khí chân thực và quan trọng nhất.

?Sự Bình An Tự Nhiên

Mỗi khi giảng dạy thiền định, tôi thường bắt đầu bằng câu nói:

– Hãy đưa tâm bạn về nhà. Buông xả, và thư giãn.

Toàn thể sự thực hành thiền định có thể rút gọn vào ba điểm cốt yếu đó: Ðưa tâm về nhà, buông xả và thư giãn.

Ðưa tâm về nhà có nghĩa là hướng dẫn tâm đến trạng thái An trú nhờ thực tập chánh niệm. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, thì đưa tâm về nhà có nghĩa là xoay tâm vào trong và an trú trong bản tánh tự nhiên của nó. Ðiều này chính là thiền định tối thượng.

Buông xả là giải phóng tâm khỏi ngục tù chấp thủ, vì bạn đã nhận thấy rằng mọi đau khổ, sợ hãi và lo buồn đều bắt nguồn từ sự khát ái của tâm chấp thủ. Ở bình diện sâu xa hơn, sự thực chứng, niềm tin phát sinh do hiểu rõ bản chất của tự tâm sẽ làm cho bạn có được tính bao dung sâu sắc và tự nhiên, khiến bạn dễ dàng buông hết mọi chấp thủ của mình, để cho nó tự bay mất, tan vào trong nguồn cảm hứng của thiền định.

Cuối cùng, thư giãn có nghĩa là khoáng đạt, giải tỏa tâm khỏi mọi căng thẳng. Sâu hơn nữa, là bạn thể nhập vào bản tính chân thực tự nhiên của tâm bạn một cách thoải mái, vào trạng thái Rigpa. Tạng ngữ diễn tả tiến trình này là “thư giãn trên Rigpa”. Giống như khi ta đổ một nắm cát trên một mặt phẳng, thì mỗi hạt cát tự động an trú. Ðấy là cách bạn thư giãn vào trong bản tính chân thực của bạn, để cho mọi ý nghĩa cảm xúc tự động rút lui, tan biến vào trong trạng thái tâm tự nhiên.

Mỗi khi thiền định, bài thơ sau đây của Nyoshul Khenpo luôn luôn gây cho tôi nguồn cảm hứng:

Hãy an trú tịch nhiên

Cái tâm mệt mỏi này

bị nghiệp làm xơ xác

với tư duy cuồng loạn

như sóng vỗ không ngừng

trong biển lớn sinh tử.

Hãy an trú tịch nhiên.

Cần nhất là ta hãy thoải mái tự nhiên và khoáng đạt như hư không. Hãy lặng lẽ chuồn ra khỏi cái thòng lọng của bản ngã đầy lo âu thường ngày, buông mọi sự bám víu, và thả mình vào trong bản tính chân thực của bạn. Hãy tưởng đến cái tôi thường nhật của bạn như một khối băng hay một thỏi bơ để dưới ánh mặt trời. Nếu bạn đang cảm thấy cứng cỏi lạnh lùng, thì hãy để cho sự cứng cỏi ấy tan ra trong ánh mặt trời thiền định. Ðể cho niềm bình an làm việc trên bạn, giúp bạn thâu nhặt lại cái tâm phân tán gom vào trong sự An trú, và đánh thức dậy sự tỉnh giác và cái thấy sâu xa của Minh kiến. Rồi bạn sẽ thấy tất cả thói tiêu cực nơi mình bị tước khí giới, tính bạo động tan ra, vọng tưởng chầm chậm tiêu tan như thể sương mù tan vào trong bầu trời khoáng đạt vô nhiễm của tính tự nhiên tuyệt đối nơi bạn.

Khi ngồi lặng lẽ, thân yên, lời im, tâm am tĩnh, bạn hãy để cho những ý tưởng, cảm xúc hay bất cứ gì khởi lên, tự đến và đi, không bám víu vào cái gì.

Trạng thái ấy ra thế nào? Dudjom Rinpoche thường nói, hãy tưởng tượng một nông phu suốt ngày làm lụng mệt nhọc ngoài đồng, bây giờ đang ngồi thoải mái trước lò sưởi, trong chiếc ghế mà ông yêu thích. Ông đã làm lụng trọn ngày và biết mình đã làm những gì cần hoàn tất, không còn gì phải lo, không còn việc gì chưa xong, ông có thể buông bỏ hoàn toàn mọi lo âu bận bịu, và bây giờ hài lòng, ông chỉ là, không còn gì phải làm nữa.

Vậy, khi thiền định, điều cần thiết là bạn phải tạo ra bối cảnh nội tâm cho thích hợp. Mọi nỗ lực và phấn đấu xảy ra đều do bởi cái tâm không khoáng đạt như hư không, bởi thế tạo ra bối cảnh thích hợp ấy là điều cốt yếu để cho thiền định thực sự xảy đến. Khi điều kiện ấy có mặt, thì thiền định phát sinh không cần nỗ lực.

Ðôi khi, lúc thiền định, tôi không dùng một phương pháp đặc biệt nào cả. Tôi chỉ để cho tâm an nghỉ, và thấy rằng tôi có thể đưa tâm về nhà và thư giãn một cách mau lẹ, nhất là mỗi khi được cảm hứng. Tôi ngồi yên lặng và an trú trong tự tính của tâm; tôi không cần tự hỏi mình có ở trong trạng thái “đúng” hay không. Không có nỗ lực, chỉ có sự hiểu biết dồi dào, sự tỉnh thức, và một niềm xác tín không lay chuyển. Khi tôi ở trong trạng thái tâm bản nhiên ấy, thì cái tâm thường ngày không còn ở đấy. Không cần xác định một cảm thức hiện hữu nào: tôi chỉ đang là, một cách đơn giản. Một niềm tin tưởng căn để đang có mặt. Không có việc gì đặc biệt phải làm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LOẠI BỎ SIẾT CHẶT VÀ BUÔNG LỎNG
  2. ĐƯA TÂM VỀ NHÀ
  3. THIỀN ĐỊNH VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM
  2. THIỆN TÂM
  3. SÓNG VÀ ĐẠI DƯƠNG

Bài viết mới

  1. TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐÃ HẾT THỜI
  2. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  3. KẾT NỐI VỚI NGUỒN ÁNH SÁNG VÀ YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN