JIGME RINPOCHE
Trích: SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC (Working With The Emotions) ; Tác giả: Jigme Rinpoche; Người Dịch: Hoàng Lan; NXB Thế Giới
Tâm thanh thản là một trong những điều kiện để nhận biết cảm xúc và những nguyên nhân của cảm xúc. Chúng ta có thể hiểu câu này như là một khái niệm, “Vâng, đương nhiên, tôi cần tâm thanh thản”. Nhưng thật sự chúng ta không biết tại sao. Chúng ta chưa hiểu nhưng lại nghĩ là mình đã hiểu. Chúng ta cất từ này vào trong tủ để giữ gìn cẩn thận. Bằng cách này, chúng ta làm chậm tiến trình hiểu biết của chính mình. Kết quả là chúng ta chẳng hiểu gì về tâm thanh thản cũng như cách để áp dụng nó.
Cho tới khi nào thật sự đánh giá đúng nhu cầu cần có tâm thanh thản, chúng ta luôn thất bại trong việc thu thập các điều kiện cần thiết để phát triển nó. Do đó, giáo lý Đức Đức Phật khuyên chúng ta dành thời gian để quán chiếu cẩn thận, xem tâm thanh thản sẽ tác động tới chúng ta như thế nào.
Để có tâm thanh thản, trước hết chúng ta phải giảm những kích động tinh thần. Những kích động này giới hạn chúng ta chỉ nhìn thấy bề nổi, những tâm trạng thô như là giận dữ. Nhưng chúng ta lại khó nhận biết được các nguyên nhân cảm xúc tinh vi hơn như là kiêu căng hay ghen tị. Khi tâm thanh thản hơn, chúng ta sẽ nhìn nhận sâu sắc hơn. Chúng ta phải rất cẩn trọng với thói quen “luôn mong muốn” của mình. Nó tạo nên những kích động tinh thần. Thường khi chúng ta quyết định rằng mình phải đạt được điều gì đó, chúng ta dồn hết năng lực vào đấy, chúng ta cố gắng cho tới khi thành công mới thôi. Nhưng cách này không áp dụng được với tâm. Chúng ta không nên phát triển bất kỳ một áp lực nào lên tâm. Những cố gắng như vậy chỉ tạo thêm áp lực, mà đây lại là điều chúng ta không mong muốn. Tinh thần thanh thản sẽ tự đến khi chúng ta thật sự cảm nhận được tầm quan trọng của nó.
HÃY ĐỂ NÓ NHƯ NÓ LÀ
Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã dạy các phương pháp để đạt được tâm thanh thản. Ngài công nhận rằng ước muốn hạnh phúc là chung cho tất cả. Cùng lúc đó, một cách vô thức, chúng sinh tiếp tục tạo ra những điều kiện mâu thuẫn với hạnh phúc thông qua việc luôn luôn mong cầu. Giống như những con sóng trên mặt nước, chúng ta không thể giúp mặt nước bình lặng bằng cách làm cái gì đó. Điều duy nhất phải làm là không làm gì cả. Chúng ta chỉ đơn giản để cho nó như thế. Nước sẽ tự bình lặng. Tương tự vậy, tâm thanh thản có thể diễn ra thật dễ dàng
Mặt khác, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể lãng quên tâm thanh thản bằng cách bỏ nó sang một bên. Chúng ta hay lầm tưởng rằng ngủ là trạng thái thanh thản. Để có sự thanh thản, đòi hỏi phải tỉnh táo, một trạng thái sáng suốt cần phải được phát triển mà không cần làm bất cứ một hành động nào.
Tâm thanh thản có liên hệ một phần nào đó với tính sáng của tâm. Điều chúng ta đang cố gắng vượt lên chính là tính vô minh của tâm. Nó giống như một đám mây che mờ tâm. Đám mây này là gì? Đó chính là những chuỗi liên tục, vô tận của những gì diễn ra trong tâm. Nó sẽ không biến mất chỉ đơn giản bằng cách ngồi không ở đâu đó. Chúng ta phải có nhận biết. Đây là điều quan trọng để làm tan đám mây vô minh này.
Hãy cẩn thận với những khuynh hướng suy nghĩ rằng chúng ta cần phải chiến đấu với những nguyên nhân của cảm xúc. Chúng ta không cần gây chiến với chúng vì điều này chỉ tạo thêm áp lực. Đây là câu chuyện làm thế nào để duy trì sự cân bằng. Chúng ta biết chúng ta cần tâm thanh thản. Chúng ta chưa có động lực và cũng chưa có hy vọng vào tâm thanh thản. Chúng ta nhận biết về những hy vọng của mình để chúng không cướp đi sự bình an của chúng ta. Những tham của chúng ta, nếu không được chú ý đến, có thể trở thành tính tham lam, một hình thức thái quá của sự mong cầu. Nếu chúng ta quá mong cầu an lạc, chúng ta có thể phát triển lòng tham, điều làm cho tâm chúng ta bị bó hẹp lại. Lòng tham đồng nghĩa với việc có nhiều áp lực hơn.
Đúng là chúng ta phải có nhận biết về động lực của mình nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải để mắt tới tham muốn. Chúng ta học cách cân bằng động lực tích cực mà không được có những kích động. Nói một cách đơn giản, hãy nhận biết rằng tâm thanh thản là cần thiết, hữu ích và rất quan trọng. Nếu mắt kính bị bẩn, hãy lau chúng đi để có thể nhìn rõ hơn. Chúng ta không đập vỡ cặp kính chỉ để phủi đám bụi ấy.
Điều này cũng tương tự với tâm. Những nguyên nhân của cảm xúc chắn đường chúng ta. Chúng kích động vào tâm, che chắn cái thấy của chúng ta. Chúng ta không cần chiến đấu với chúng. Chúng ta chỉ cần nhận biết về chúng, và hiểu cách chúng vận hành.
Đức Phật đã nói rằng chúng ta có thân người quý báu nhưng rất mong manh. Chúng ta phải phải sử dụng nó theo một cách tốt. Bằng cách nhận biết và cẩn thận, chúng ta di chuyển từ từ tới tính sáng suốt và bình an, tránh mọi áp lực. Áp lực không phải là yếu tố cần thiết cho mọi thành công. Do đó, chúng ta nên thận trọng với những ước mơ và thúc bách của mình. Chúng ta luyện tập cho tới khi nó trở thành thói quen quan sát tự nhiên. Khi nhìn nhận một cách nhẹ nhàng sự nổi lên của những áp lực này, chúng ta có thể đồng thời thư giãn. Vì vậy, một lần nữa, đây chỉ là tìm ra một sự cân bằng thích hợp giữa động lực tích cực và tâm trạng phù hợp với những kết quả mong muốn- tâm thanh thản.
SỰ AN LẠC GẮN LIỀN VỚI TÂM THANH THẢN
Chúng ta không thể hạnh phúc mà không thanh thản. Chúng ta không thể phát triển tâm thanh thản nếu không hạnh phúc. Có một từ trong tiếng Tạng được dịch là “an lạc”. Trong tiếng Tạng, hai từ đi với nhau tạo nên một từ mới. Từ “bình an” và “hạnh phúc” đi với nhau tạo thành “an lạc”. Không có cái này thì sẽ không có cái kia. Điều này có nghĩa là hạnh phúc hoàn toàn tùy thuộc vào chính chúng ta. Thường thì chúng ta hay buồn. Chúng ta cảm thấy và nghĩ rằng điều gì đó ngoài kia sẽ giúp chúng ta hạnh phúc.“Chỉ khi tôi giàu có hơn, mọi thứ mới tốt đẹp hơn. Chỉ khi người yêu tôi xinh đẹp hơn, tôi mới hạnh phúc hơn.” Những suy và mong đợi như vậy thể hiện sự tập trung sai lầm và sự lệ thuộc của chúng ta vào những thứ bên ngoài. Mặt khác, chúng ta cũng không chối bỏ tất cả những gì đang diễn ra ngoài kia. Thay vào đó, cách chúng ta nhìn nhận, xem xét những hiện tượng bên ngoài hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Hiểu được điều này, chúng ta là cội nguồn của tất cả những gì chúng ta tiếp nhận và chúng ta sẽ đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của tâm thanh thản và mối liên hệ của nó với hạnh phúc của chúng ta và tới sự an lạc tối cao của bản thân.
NHU CẦU HAY HAM MUỐN
Để thay đổi, hãy bắt đầu với những thói quen. Đầu tiên, chúng ta tách biệt những nhu cầu của mình ra khỏi tham muốn. Phần lớn chúng ta muốn có những thứ mà mình không cần để sinh tồn. Chúng ta phải thành thật về những gì chúng ta thật sự cần cho cuộc sống và những gì mà có thì cũng tốt. Sự khác biệt hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Không ai có thể nói cho chúng ta biết rằng chúng ta có thật sự cần một cái gì đó không. Những thứ này bao gồm tất cả những vật bên ngoài cũng như những cảm xúc bên trong. Hiện tại, chúng ta như những người đi lạc trong sa mạc Sahara, tìm kiếm một ốc đảo. Chúng ta tìm thấy nó, chạy tới đấy và nó biến mất. Tham muốn, một trong ba nguyên nhân chính của cảm xúc, cũng giống như vậy, là một ảo ảnh. Chúng ta cần nhận ra giá trị thật của nó hơn là chạy theo một cách mù quáng. Khi bắt đầu thắc mắc về những thứ mà mình khát khao và thèm muốn, chúng ta sẽ dần hiểu ra giá trị thật của chúng đối với chính mình. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ hiểu ra ý nghĩa của tính tham muốn.
Sau đó, chúng ta sẽ chọn lựa tùy theo. Thực tế, việc chạy theo một ảo ảnh trên sa mạc Sahara khá là rắc rối và phiền phức. Tương tự, khi bám vào vật gì đó, chúng ta hoàn toàn bị trải nghiệm ấy lôi đi. Nếu không chạy theo chúng nữa, chúng ta sẽ bình tĩnh lại. Chúng ta sẽ có một khoảng nhỏ để phát triển an lạc, sự bình yên và hạnh phúc mà tất cả đều muốn. Những tác động của các nguyên nhân của cảm xúc lên chúng ta biến mất. Cách này không khó để chúng ta ngừng chạy theo sự vật và hiện tượng. Và khá dễ áp dụng khi chúng ta có nhận biết.
Cách đối trị với tham muốn là không chối bỏ chúng kiểu như là “Tôi không cần cái này. Tôi cần tránh nó”. Theo cách này, kỷ luật cứng rắn không có tác dụng. Nhưng có một cách đơn giản và hiệu quả để từ từ thay đổi thói quen tham muốn. Cách này cần có thời gian.
Mỗi ngày, khi chúng ta tỉnh giấc, suy nghĩ đầu tiên của chúng ta thường là về tham muốn. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, suy nghĩ đầu tiên cũng có thể là sợ hãi, lo lắng.
Chúng ta nên tự nhìn xem điều này có xảy ra với bản thân mình hay không. Nó là cảm xúc rất tinh vi và thuộc về tiềm thức. Điều đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng là cố gắng áp dụng ý nghĩa của Tâm Bồ Đề. Chỉ cần nghĩ một cách chân thành rằng chúng ta nên giúp đỡ các sinh vật sống, con người hoặc động vật. Chúng ta không cần ngồi dậy trong tư thế toạ thiền. Chúng ta không phải nghĩ chi tiết hay theo một cách cụ thể nào,Chỉ tập trung chân thành vào cảm xúc là chúng ta muốn giúp người khác. “Tôi muốn sử dụng tất cả khả năng của mình để giúp đỡ tất cả chúng sinh.” Sau đó, trong ngày, khi đang làm việc, hãy quan tâm tới người khác và giúp họ bất cứ khi nào có thể. Khi điều này trở thành thói quen trong tâm, chúng ta có thể thay đổi tính tham muốn. Chúng ta sẽ thấy các cảm xúc của mình trở nên dễ kiểm soát hơn.
CỞI MỞ TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Thực tế, sự tỉnh táo là một phẩm chất quan trọng của an lạc. Nó giúp chúng ta hiểu hơn về giây phút hiện tại. Thường chúng ta không có lý do gì để không hạnh phúc. Thay vì nghĩ rằng mình không quá tệ tại thời điểm này, chúng ta thường bận rộn với việc bảo vệ bản thân trong tương lai hoặc trong quá khứ. Có rất ít khoảnh khắc mà trong đó chúng ta không bị lôi về quá khứ hoặc không mơ tưởng đến tương lai. Điều này có nghĩa là chúng ta rất ít khi sống với hiện tại. Hệ quả rõ ràng là chúng ta tạo nên sự sợ hãi hoặc đau khổ. Và những cảm xúc này không ngừng quấy rối chúng ta. Ví dụ như thay vì an trú trong hiện tại, chúng ta lại suy nghĩ: “Vài tiếng nữa mình sẽ ăn pizza. Mình đang ở đây nhưng mà mình đói quá.” Hoặc “Khi anh ấy bảo với mình như thế sáng nay, mình lẽ ra nên trả lời như thế này nếu mình thông minh hơn, hoặc nhanh trí hơn.” Do đó, chúng ta chẳng mấy khi ở với hiện tại. Đây là cách chúng ta củng cố cho những áp lực và cảm xúc của mình. Đây cũng chính là điều mâu thuẫn với trạng thái an lạc. Ai là người tạo ra những áp lực này? Chúng ta. Chính vì vậy mà phát triển an lạc cũng có nghĩa là tập sống với hiện tại. Nếu tôi nhận biết được điều gì đang diễn ra, thay vì phát triển những áp lực thì tôi nhận biết được sự xuất hiện của chúng. Tôi không kết nối chúng với quá khứ. Tôi cũng không cần bảo vệ mình trong tương lai. .
Bây giờ, cho dù biết rằng phải luyện tập để sống với hiện tại, chúng ta thường không làm như vậy. Thiền tập rất vất vả. Vấn đề là ở chỗ chúng ta nghĩ rằng thiền tập thật buồn chán vì chỉ có ngồi không, chẳng làm gì.
Nhưng thực tế thì ngược lại. Chúng ta chỉ cần duy trì sự nhận biết liên tục. Chúng ta nhận biết một cách không áp lực. Từ từ, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn và nhìn thấy những nguyên nhân của cảm xúc xuất hiện. Chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra những suy nghĩ không ngừng ngăn chặn, không cho chúng ta sống với hiện tại. Nếu chúng ta có thể thật sự an trụ ở hiện tại, giây phút ấy có vị riêng của nó. Phát hiện này cần có thời gian và phải được luyện tập. Chúng ta sẽ nhận thấy sự thanh thản là bản chất tự nhiên của tâm. Tâm không tự nó kinh động lao xao. Nếu chúng ta không chạm vào nó, chỉ để nó như thế thì sự thanh thản này sẽ lan toả vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Điều này chỉ đến khi chúng ta có thực hành và luyện tập. Sự luyện tập này có thể bao gồm cả cách chúng ta sống hàng ngày. Sẽ tới lúc chúng ta có thể nhìn thấy sự khác biệt trong cách mình liên hệ với mọi người và hoàn cảnh vì chúng ta có tâm thanh thản. Chúng ta có thể nhìn rõ sự kích động của mọi người xung quanh chỉ bởi vì chúng ta đã từng giống như họ. Do đó, chúng ta có thể liên hệ bản thân với mọi người và đề nghị giúp đỡ theo những cách có ý nghĩa.