TÂM TRÍ CỞI MỞ

SUSAN KAISER GREENLAND & ANNAKA HARRIS

Trích: Chánh Niệm Ứng Dụng – 50 Trò Chơi Cho Đời Thảnh Thơi; Khánh Trang dịch; NXB. Lao Động

Con trai tôi nói với tôi rằng tới giờ nó vẫn thấy câu chuyện sau đây là lời nhắc nhở hữu ích cho việc chúng ta không bao giờ có thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Một buổi sáng, hai cha con nhà nọ tỉnh dậy và thấy con ngựa của họ đã chạy mất. Hàng xóm hay tim, ai cũng lắc đầu ái ngại: “Thật xui xẻo quá!” Người cha trả lời: “Cứ chờ rồi xem.”

Con ngựa quay về, mang theo một con ngựa đực rất đẹp. Hàng xóm xuýt xoa: “Tuyệt quá!” Nhưng ông lão nông dân kia vẫn nói: “Cứ chờ rồi xem.”

Con trai ông lão trèo lên con ngựa đực, nhưng nó nhảy cong người lên, khiến anh ta ngã lăn xuống đất và gãy một chân. Hàng xóm sang xem thảng thốt: “Kinh khủng quá. Một lần nữa, ông lão nông dân đáp: “Cứ chờ rồi xem.”

Chiến tranh nổ ra, và thanh niên trong làng đều bị gọi vào quân ngũ, duy chỉ có anh con trai ông lão là được ở nhà vì bị gãy chân. Hàng xóm lại sang chúc mừng, nhưng ông lão chỉ nhún vai nói: “Cứ chờ rồi xem.”

Thông qua chánh niệm và thiền định, trẻ và các bậc phụ huynh có thể dần trở nên thoải mái với sự phức tạp và bất định, cũng giống như ông lão nông dân trong câu truyện trên. Nhiều người trong chúng ta nhận thấy đây là một sự giải phóng. Joseph Goldstein, giảng sư thiền tiên phong người Mỹ và cũng là nhà đồng sáng lập Hiệp hội Thiền Tri thức, trong một lần diễn thuyết ở Los Angeles, đã nói về việc cố gắng tháo gỡ những sự thiếu nhất quán giữa hai lối tư duy. Trước đông đảo khán giả, Goldstein kể rằng ông từng chật vật tìm hiểu xem lối tư duy nào là đúng, nhưng rồi ông nhận ra rằng không nhất thiết phải có một sai, một đúng.

Ông nói: “Thật là nhẹ lòng” Bảy năm sau bài diễn thuyết này, ông kể về cảm giác nhẹ lòng của vì không biết trong một bài báo đăng tải trên trang web của hãng truyền hình PBS:

Có rất nhiều điều chúng ta không biết, cái chúng ta không biết nhiều hơn cái chúng ta biết. Và thật nhẹ lòng khi buông bỏ sự bám chấp của chúng ta vào những quan điểm, ý kiến, đặc biệt là về những gì chúng ta không biết. Một câu thần chú mới bắt đầu hình thành trong đầu tôi: “Ai mà biết chứ?” Trạng thái không biết này không phải là cảm giác bối rối, không phải là hoang mang. Thực ra, nó giống như một hơi thở trong bầu không khí trong lành, một sự mở mang tâm trí. Không biết đơn giản là giữ một tâm trí cởi mở đối với những câu hỏi thú vị mà chúng ta có thể chưa biết câu trả lời.

Khi trẻ lớn, đặc biệt là trẻ vị thành niên, trở nên thoải mái với việc chúng không có tất cả mọi câu trả lời, thì màu sắc tiêu cực thường gắn liền với sự không biết có thể thay đổi hoàn toàn. Khi đã thả lòng nhu cầu phải tìm ra câu trả lời ngay tức khắc trẻ có thể phản ứng trước mọi việc đang diễn ra với tâm thế bớt khẩn cấp hơn nhiều. Khi đó, chúng có thể dễ dàng tiếp nhận các quan điểm khác và tò mò về những gì đang chờ đợi chúng ở phía trước. Điều tương tự cũng đúng với các bậc phụ huynh. Myla Kabat-Zinn và chồng, Tiến sĩ Jon Kabat-Zinn, nói về những lợi ích của việc giữ một tâm trí cởi mở trong cuốn sách dạy làm cha mẹ Everyday Blessings (tạm dịch: Những phước lành hằng ngày). Jon Kabat-Zinn là người đi đầu trong trào lưu chánh niệm thế tục. Ông đã phát triển chương trình Giảm Căng Thẳng Dựa Trên Chánh Niệm (MBSR) tại Trường Y, Đại học Massachusetts, và cũng viết nhiều sách về chánh niệm. Vợ chồng ông viết:

Làm cha mẹ theo chánh niệm liên quan đến việc lưu ý những điều thực sự quan trọng trong khi vẫn thực hiện những hoạt động thường ngày trong cuộc sống với con trẻ. Thông thường, chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta cần phải tự nhắc nhở mình về điều đó, hoặc thậm chí thừa nhận rằng chúng ta có thể không biết điều quan trọng ấy là gì vào lúc đó, vì rằng dòng chảy ý nghĩa và hướng đi cuộc sống chúng ta rất dễ bị lạc hướng.

Nhưng ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn nhất, đôi khi là kinh khủng nhất, trên cương vị làm cha mẹ, chúng ta vẫn có thể chủ động đường lùi lại và bắt đầu lại từ đầu, đặt câu hỏi cho bản thân như thể lần đầu tiên và với đôi mắt mới mẻ: “Điều gì thực sự là quan trọng ở đây?”

Mỗi trải nghiệm mỗi khác, và có vô vàn nguyên nhân cũng như điều kiện dẫn tới từng khoảnh khắc. Ngay cả khi trẻ cố gắng hết sức để nhìn vào một trải nghiệm từ mọi góc độ, thì chúng cũng không thể nào bao quát hết mọi góc độ được. Trong cuốn Beyond Religion (Vượt khỏi tôn giáo), Đức Đạt-lai Lạt-ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, đã chỉ ra rằng dù cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không bao giờ có thể nhìn được toàn bộ bức tranh. Để hiểu được ý của ngài, hãy nghĩ một chút về cái mạng nhện kỳ diệu của những nguyên nhân và điều kiện luôn thay đổi không ngừng đã dẫn tới khoảnh khắc hiện tại này. Nếu như bố mẹ bạn không gặp nhau thì có lẽ bạn đã không có mặt trên cõi đời này. Nếu ông bà bạn không gặp nhau, thì hẳn bố mẹ bạn cũng không có cơ hội đặt chân lên Trái đất này, và hẳn là bạn cũng đã không xuất hiện ở đây. Hàng thế hệ tổ tiên bạn đã gặp gỡ nhau và sinh con đẻ cái, mỗi người trong số đó lại là một trong vô số những sợi dây liên kết trong một chuỗi các mối liên hệ nhân quả dẫn tới việc bạn đang cầm cuốn sách này trên tay. Tôi cũng là một nguyên nhân và điều kiện, xuất phát từ một cây gia đình hoàn toàn khác, trừ phi bạn cũng có họ hàng với tôi. Nếu mỗi người trong số các tổ tiên của tôi không sống, yêu đương và sinh con đẻ cái, thì biết đâu bây giờ bạn không thể đọc được cuốn sách này, vì rằng tôi không có mặt trên đời để viết ra nó. Dù chúng ta ở đây vì kết quả của một kế hoạch thiêng liêng, một sự may mắn, hay điều gì đó khác, thì hành tinh của chúng ta, cùng với mọi thứ và mọi người trên đó, luôn là một câu đố bí ẩn, có mối tương thuộc lẫn nhau và không ngừng thay đổi. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trấn an chúng ta trước khái niệm dễ gây choáng váng này:

Dĩ nhiên, dù cố gắng đến mấy thì nhận thức của con người vẫn luôn không hoàn thiện. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh, trừ phi chúng ta là bậc thấu triệt hoàn toàn, như Phật hay Chúa, và chúng ta sẽ không bao giờ biết được biết mọi nguyên nhân của bất cứ tình huống nào. Chúng ta cũng không thể nhìn thấy trước mọi hệ quả trong hành động của mình. Luôn luôn tồn tại một yếu tố bất định. Cần phải thừa nhận điều này, nhưng đừng vì thế mà lo lắng. Càng không thể vì thế mà để mất hy vọng vào giá trị của những đánh giá lý trí. Thay vào đó, hãy để nó làm ôn hòa hành động của chúng ta hơn bằng sự khiêm nhường và cẩn trọng. Đôi khi, bản thân việc thừa nhận rằng chúng ta không biết câu trả lời cũng có thể hữu ích rồi.

Ngay cả trẻ nhỏ, vốn chưa sẵn sàng để hiểu cái mạng nhện điên rồ của những nguyên nhân và điều kiện dẫn tới từng khoảnh khắc, cũng có thể cảm thấy yên tâm hơn trước sự bất định với ý nghĩ rằng chúng không cần phải biết mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi. Trong I wonder (tạm dịch: Tôi thắc mắc), cuốn truyện tranh của Annaka Harris với hình vẽ minh họa của John Rowe, một tối, Eva và mẹ đi dạo trong rừng dưới ánh trăng. Khi người mẹ hỏi cô bé một câu, Eva tỏ ra bối rối vì không biết câu trả lời. Mẹ cô trấn an cô rằng: “Con cứ nói con không biết là được mà.” Suy cho cùng, các bác phụ huynh cũng không thể biết câu trả lời cho mọi câu hỏi được, phấn khởi vì lòng tự tin vừa tìm thấy, sự sáng tạo của Eva được giải phóng, và cô hỏi hết câu này đến câu khác: “Làm sao mặt trăng và Trái đất lại ở gần nhau ạ?”, “Chúng có phải bạn bè không ạ?”, “Trước khi con bướm đến thăm con thì nó ở đâu ạ?” Thay vì cảm thấy không thoải mái trước sự bất định, giờ đây Eva lại cảm thấy háo hức với những điều bí ẩn của cuộc sống mà cô bé và mẹ có thể cùng nhau khám phá.

Trong trò chơi tiếp theo, trẻ sẽ đoán một chiếc hộp trông có vẻ bí ẩn đang chứa cái gì bên trong. Chiếc hộp bí ẩn là một bước đệm vui vẻ dẫn đến những cuộc trao đổi về cảm giác khi bắt đầu điều gì đó mới mẻ, không biết câu trả lời cho một câu hỏi, và không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bạn hãy chuẩn bị bằng cách bí mật đặt một món đồ vật thú vị vào chiếc hộp bí ẩn, sau đó đóng kín chiếc hộp và đặt trước mặt trẻ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CẢM XÚC, BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA TÂM TRÍ
  2. TÂM TRÍ MỞ LÒNG TAY

Bài viết khác của tác giả

  1. NHÌN VÀ ĐIỀU CHỈNH LẠI

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ