TÂM TRÍ MỞ LÒNG TAY

AJAHN BRAHM

KOSHO UCHIYAMA

Trích: Tâm Trí Mở Lòng Tay, Văn Nguyễn dịch, NXB. Phương Đông, 2011

Kosho Uchiyama (1912 – 1998) là Thiền sư người Nhật. Năm 1937, Ngài tốt nghiệp Thạc sĩ ngành triết học phương Tây tại trường Đại học Waseda, được thọ giới vào năm 1941 và trở thành sư trưởng 1965 đến năm 1975. Uchiyama là tác giả của hơn 20 cuốn sách viết về Phật giáo Thiền tông, trong đó có cuốn Tâm trí mở lòng tay. Hiểu biết của Thiền sư về tôn giáo và triết học phương Tây cùng sự tu tập và kiến thức sâu xa của Ngài về Đạo Pháp và Thiền đã mang lại tiếng nói độc đáo cho cuốn sách.

?????

 

Hoa huệ nở ngoài đồng – tại sao nó nở? Nó không nở vì một mục đích đặc thù nào, nó nở chỉ vì nó đã được ban cho đời sống. “Hãy xem những hoa huệ ngoài đồng kia, chúng mọc ra sao; chúng không lao lực cày xới, chúng cũng chẳng quay xa dệt sợi. Vậy mà ta nói với các ngươi, ngay cả [hoàng đế] Solomon trong tất cả huy hoàng cũng không ăn bận được như một bông huệ nào này” (Kinh Thánh, Tân ước, sách Matthew, chương 7: câu 28 – 29). Ở đây sự huy hoàng của đời sống chỉ đơn giản xuất hiện. Tương tự, bông lan tím nở như là lan tím, và bông hồng biểu lộ đời sống như một bông hồng, chúng không cảm thấy ganh đua với những loài hoa khác. Bông lan tím không nảy nở một phức cảm tự ti rằng: “Bông hồng lớn và đẹp, bông lan tím bé nhỏ như mình thì vô dụng”. Nó không trở nên tham lam và cục xúc: “Ta phải trở thành hữu hiệu hơn”. Nó chỉ đơn giản biểu hiện sức mạnh đời sống của riêng nó với tất cả sinh lực.

Trong Kinh Pháp Hoa (Saddharma pundarika Sutra) có viết: “Mọi vật đều là chân lý trong tự thân chúng”. Trong Thiền tông, có một câu nói tương tự: “Liễu lục, đào hồng”. Trong kinh Vô lượng thọ (Amitayus Sutra) của Tịnh độ tông, cõi tịnh độ (Niết bàn) được mô tả như sau: “Vật xanh thì xanh, vật đỏ thì đỏ… đó là cõi Tịnh độ [thiên đàng]”. Điểm này đòi hỏi chúng ta chú tâm cặn kẽ bởi chúng ta có xu hướng nghĩ rằng sẽ kỳ diệu biết bao nếu những vật xanh có thể trở thành đỏ, hoặc người nghèo hẳn sẽ hạnh phúc chỉ cần họ có thể trở nên giàu có.

Hiển nhiên, tôi không hề muốn ngụ ý rằng trở nên giàu có là điều xấu. Nhưng hạnh phúc không phải luôn tới cùng với tài sản, cũng như bất hạnh không phải luôn đi cùng với nghèo khó. Thật sai lầm khi cho rằng người giàu thì hạnh phúc và người nghèo thì bất hạnh. Bởi một người dù có bao nhiêu tiền bạc đi nữa, sẽ có lúc tiền bạc trở thành vô dụng. Giàu có hay nghèo khổ chỉ là sự so sánh tương đối. Khi buông xả sự so sánh này, chúng ta có thể lập định ngay như là tự thân đại đồng của chúng ta.

Một số người có thể coi tôi là nghèo hay giàu, chỉ đơn giản vì họ so sánh tôi với một người khác và cố sức gắn một nhãn hiệu lên tôi, nó chẳng liên can gì với thực tại của việc tôi là ai. Quay lại cái thực tại đời sống của tôi chỉ như là chính tôi – chỉ biểu hiện đời sống ấy – là ý nghĩa của câu nói rằng vật xanh thì xanh, vật đỏ thì đỏ. Đấy là cõi Tịnh độ.

Nói cách khác, đời sống không chạy theo những tư tưởng cá nhân, chỉ quay lại với đời sống của tự thân đích thực, không ham muốn hoặc kiêu căng với những người xung quanh, chẳng tự hạ mình mà cũng không tranh giành với kẻ khác, đồng thời không sa vào cái bẫy của sự lười biếng, buông lung, hoặc thờ ơ – chỉ biểu hiện đời sống của tự thân với toàn thể sinh lực của bản thân – đó chính là đời sống tỏa rạng và là nơi ánh sáng của Phật chiếu rọi. Ánh sáng của đạo pháp tỏa chiếu nơi chúng ta biểu hiện đời sống của chính mình. Trong Phật giáo, thế gian mở phơi như là tự thân đích thực lập định trên tự thân đích thực. Đó không phải là một thế giới kẻ mạnh nhai nuốt kẻ yếu hoặc nơi người ta đấu tranh thuần chỉ vì sống còn, cũng chẳng phải là một thế giới của đào thoát hay biệt lập. Đó là một thế giới trổ bông của riêng tự thân; một thế giới mở riêng ra với cái hiện tại. Thiền định Phật giáo – tức tọa thiền – là biểu hiện nền tảng của đời sống này.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả AJAHN BRAHM

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết khác của tác giả KOSHO UCHIYAMA

  1. SỐNG CHO RA THỰC TẠI CỦA ĐỜI SỐNG
  2. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG THỰC TẠI
  3. ĐỜI SỐNG CHÂN THẬT

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY