HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG THỰC TẠI

KOSHO UCHIYAMA

Trích: "TÂM TRÍ MỞ LÒNG TAY" - Tác giả: Kosho Uchiyama
Văn Nguyễn dịch – NXB Phương Đông, 2011.

Tất cả những ý tưởng về tự thân nhỏ bé của chúng ta là những đám mây làm cho ánh sáng của tự thân đại đồng mờ mịt và tối ám.

“Tất cả những biểu thị này cố gắng làm sáng tỏ rằng tự thân chân chính của chúng ta là sống một đời sống kết nối với vạn vật, do vậy, điều cốt yếu là chúng ta thực hành đời sống liên kết ở đây và bây giờ”

Tất cả chúng ta, dù cho có nhận thức được hay không, đang sống cho ra tự thân như là toàn thể vũ trụ. Bởi đây là một điều then chốt xiết bao, tôi sẽ nhắc lại ở đây. Thường thường chúng ta tạo cái tư tưởng rằng tự thân cá nhân nhỏ bé là trung tâm thế giới của chúng ta và trở thành vững tin rằng cá nhân nhỏ bé này là toàn thể tự thân của chúng ta, nhưng đó không phải là tự thân chân chính của chúng ta.

Thực tại đời sống vượt ngoài tư tưởng của tôi về chính tôi như là cá nhân nhỏ bé. Một cách nền tảng, tự thân chúng ta đang sống cho ra cái đời sống bất nhị bao trùm mọi sinh vật. Tự thân này là hiện hữu đại đồng, mọi vật đang sinh tồn. Mặc khác chúng ta thường không nhìn ra cái thực tại đời sống của tự thân đại đồng, phủ mây mờ trên nó bằng những ý tưởng xuất phát từ những tự thân cá nhân nhỏ bé của chúng ta. Khi chúng ta buông xả các ý tưởng của chúng ta, thực tại đời sống này trở nên thuần khiết và trong sáng. Sống cho ra cái thực tại đời sống như thể nó là – tức là tỉnh thức và thực hành vượt ngoài suy tư – là ngồi thiền. Ở chính điểm này thái độ căn bản của chúng ta là thực hành ngồi thiền trở nên xác quyết. Thái độ của hành giả trong việc thực hành ngồi thiền như một tín đồ của Phật giáo Đại thừa không bao giờ muốn cố giả tạo xây dựng một tự thân mới nào đó bằng cách thực hành. Nó cũng không nhằm việc giảm trừ hoang tưởng và rốt ráo loại bỏ luôn hoang tưởng đó. Chúng ta ngồi thiền, chẳng cốt nhằm có một trải nghiệm huyền bí đặc biệt nào mà cũng không cố kiếm được một sự giác ngộ nào lớn hơn. Tọa thiền như giáo huấn Đại thừa chân chính luôn luôn là toàn thể tự thân chỉ thực sự là toàn thể tự thân, là đời sống chân chính là đời sống.

Tất cả chúng ta đều có mắt để nhìn, nhưng nếu chúng ta nhắm mắt lại và bảo rằng thế giới đang ở trong màn tối, làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang sống với thực tại của đời sống? Nếu chúng ta mở mắt ra chúng ta sẽ thấy mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ. Tương tự, khi chúng ta mở mắt và thức tỉnh với đời sống, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống trong ánh sáng khí thế của cuộc đời. Tất cả những ý tưởng về tự thân nhỏ bé của chúng ta là những đám mây làm cho ánh sáng của tự thân đại đồng mờ mịt và tối ám. Trong lúc ngồi thiền, chúng ta buông xả những ý tưởng này và mở mắt với sự sáng tỏ của tự thân đại đồng sống động.

Có thể nói rằng trong lúc ngồi thiền chúng ta “tin và ngồi”, nhưng rồi chúng ta phải nhìn vào ý nghĩa của “tin” hiểu theo đạo Phật. Thông thường, chúng ta dùng chữ “tin” với nghĩa là suy nghĩ điều người khác nói là đúng sự thật. Trong Phật giáo, “tin” không có nghĩa là tin tưởng một điều gì trong tâm trí mình, chẳng hạn tin rằng mọi người đều có một linh hồn cá nhân hoặc Thượng đế hiện hữu bên ngoài chúng ta. Trong Phật giáo, “tin” là trở thành trong sáng và thuần khiết khi hiện thực hóa thực tại của đời sống đại đồng. Chúng ta đang thực sự sống cho ra đời sống trên khắp vạn vật và vượt ngoài những tư tưởng cá nhân của chúng ta, nhưng chúng ta thường không nhận ra điều này và trở nên hoang mang. Chúng ta bị cuốn đi bởi những tư tưởng của tự thân nhỏ bé của chúng ta, hệt như những trái bầu bị cuốn đi và khởi sự đánh nhau. Khi ngồi thiền, chúng ta buông xả ý tưởng, hoàn toàn tĩnh tại, do vậy, ngồi thiền là một biểu hiện về sự tin tưởng của chúng ta.

Hầu hết chúng ta đánh mất cái nhìn về thực tại đến nỗi khi nghe về tự thân đại đồng, chúng ta từ chối thừa nhận nó quy chiếu về chúng ta. Chúng ta cho rằng “tự thân đại đồng” phải quy chiếu về đời sống của một người khác. Tuy nhiên, khi chúng ta nhận thức được rằng tự thân không phải ai khác, rằng sự thật về tự thân là chính chúng ta đang sống trùm khắp vạn vật, nghĩa thứ hai của “tin” xảy ra, tức là “không còn hoài nghi”. Đây không phải là một vấn đề của việc nghe những gì một người nào đó nói và không nghi ngờ nó. Điều này không liên can gì tới những ý tưởng của chính chúng ta và nó là như thế dù cho chúng ta tin hoặc nghi ngờ nó. Ý nghĩa của “tin” trong Phật giáo chỉ là không nghi ngờ chân chí giản dị rằng chúng ta đang sống cho ra thực tại của đời sống bất khả phân.

Một bài giảng về giáo lí Trí huệ Bát nhã nói rằng: “Chúng ta vào biển lớn Phật pháp qua tin tưởng”. Điều này cũng tương tự như việc ngồi thiền của chúng ta. Khi một người ngồi thiền thực hiện hoặc nhằm tới “tự thân vốn là vũ trụ”, đó là thiền với niềm tin. Khi ý nghĩa của việc ngồi thiền được sáng tỏ như là hoạt động của thực tại đời sống thì ngồi thiền như là thực hành Phật giáo chân chính. Trong các kinh điển Phật giáo và các bài thuyết giảng, một số lượng bao la về từ ngữ đã được sử dụng để bộc lộ cái tự thân đại đồng này, gồm như thị, như lai, phật tính, tâm và niết bàn. Một biểu thị thiền sư Đạo Nguyên dùng là junissai jiko (tận nhất thiết tự kỉ), tức là tự thân gần tất cả vạn vật. Nếu bạn gặp bất cứ những biểu thị nào như thế trong các văn bản Phât giáo, bạn cần nhận thức rằng đó đều là những tên khác nhau để chỉ thực tại đời sống mà chúng ta thức tỉnh tới trong lúc ngồi thiền. Tuy nhiên, tất cả những biểu thị này cố gắng làm sáng tỏ rằng tự thân chân chính của chúng ta là sống một đời sống kết nối với vạn vật, do vậy, điều cốt yếu là chúng ta thực hành đời sống liên kết ở đây và bây giờ. Một trong những truyền thống của Phật giáo là Tịnh độ tông. Theo tông này, trong quá khứ vô lượng kiếp có một vị sư tên là Dharma Kara (Pháp tạng) lập một đại nguyện và tu tập với một vị phật tên là Lokesvararaya (Thế tự tại vương). Vị tăng này nguyện rằng trong buổi bình minh hoàn tất việc tu tập và đạt được quả vị Phật ngài sẽ tạo dựng một Phật quốc thanh tịnh kì diệu. Thêm nữa, nếu bất cứ chúng sinh hữu tình nào ước nguyện được vào xứ Phật thanh tịnh đó thì ngài sẽ cứu vớt họ, không ngoại trừ ai, và đưa họ đến xứ này. Pháp Tạng quả thực đã hoàn tất việc tu tập; ngài trở thành Phật A Di Đà (Amitabha Buddha). Khi đó ngài tạo dựng cõi tịnh độ tráng lệ như đã lập nguyện. Vì vậy, bất cứ ai hoàn toàn thức tỉnh và tin tưởng vào lời nguyện của Phật A Di Đà, chân thành mong mỏi được sinh vào cõi thanh tịnh và tụng hồng danh ngài thì ắt sẽ được cứu độ và tái sinh vào cõi tịnh độ.

Phật A Di Đà chính là đời sống kết nối với vạn vật.

Giáo pháp của Tịnh độ tông dường như hoàn toàn khác biệt với Thiền tông, theo đó một người giác ngộ nhờ sự tu tập ngồi thiền của chính mình. Thực vậy nó dường như là một giáo pháp giải thoát tương tự như Kitô giáo. Tuy nhiên, ngay cả Phật A Di Đà của Tịnh độ tông chỉ là một tên khác cho tự thân đại đồng, ở đây mang tên một vị Phật. Dĩ nhiên, Amitabha (Vô lượng quang, tức là ánh sáng vô biên), cũng được biết bằng tên Amitayus (Vô lượng thọ, tức là thời gian vô cùng) không phải là tên một người thực sự tồn tại trong lịch sử. Trong tiếng Phạn (Sanskrit), amitabha và amitayus có nghĩa là “ánh sáng vô biên” và “cuộc sống vô lượng”. Nói cách khác, Phật A Di Đà chính là đời sống kết nối với vạn vật.

Chúng ta thường bị mắc kẹt trong những ý tưởng của tự thân nhỏ bé của chúng ta, nhưng với đời sống nền tảng phủ khắp mọi vật, chúng ta đã được cứu độ bởi đại nguyện của Phật A Di Đà. Tin tưởng vào lời nguyện này, chúng ta tụng câu “Nam mô A Di Đà Phật” (Tôi đặt niềm tin vào Phật A Di Đà). Khi ấy, tự thân nhỏ bé này của chúng ta sẽ được Phật A Di Đà vô lượng vô biên ôm choàng lấy và cứu thoát.

Trong nghĩa này, việc ngồi thiền của chúng ta luôn luôn phải là hoạt động của chỉ ngồi, tin rằng đời sống đó thực hiện đời sống bằng đời sống, rằng Phật thực hiện Phật bằng Phật, rằng tự thân thực hiện tự thân bằng tự thân. Chúng ta không dần dà trở nên giác ngộ và rốt ráo đạt tới quả vị Phật bằng phương tiện ngồi thiền. Cái tôi cá nhân nhỏ nhoi này mà vì nó chúng ta nói đây sẽ luôn luôn bị hoang tưởng, nhưng dù thế chăng nữa, ngồi thiền là Phật. Chúng ta giữ tư thế của đức Phật bằng thân thể của kẻ hoang tưởng này và ném chúng ta vào trong đó. Trong Chứng đạo ca điều này được diễn tả như thế này: chỉ bằng một bước nhảy “chúng ta lập tức nhập Phật tính”.

——–*——–

Nguồn: “TÂM TRÍ MỞ LÒNG TAY” – Kosho Uchiyama – Văn Nguyễn dịch – NXB Phương Đông, 2011.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA NGỘ
  2. ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ
  3. ĐẾN ĐI TỰ DO – PHÁP BẢO ĐÀN KINH PHẨM ĐỐN TIỆM

Bài viết khác của tác giả

  1. SỐNG CHO RA THỰC TẠI CỦA ĐỜI SỐNG
  2. TÂM TRÍ MỞ LÒNG TAY
  3. ĐỜI SỐNG CHÂN THẬT

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH